Đồng Tháp đẩy mạnh hoạt động marketing nhằm khai thác tiềm năng du lịch

(Quanlynhanuoc.vn) – Du lịch cộng đồng tại Đồng Tháp có tiềm năng phát triển đáng kể. Loại hình du lịch này đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy du lịch bền vững, cũng như trong việc bảo tồn, quảng bá và gìn giữ các giá trị văn hóa, phong tục tập quán, cải thiện cuộc sống cho cộng đồng địa phương. Trong những năm gần đây, tỉnh Đồng Tháp đã tích cực đẩy mạnh các chiến lược nhằm tăng số lượng du khách đến với địa phương. Tuy nhiên, còn thiếu sự quảng bá tập trung từ phía ban, ngành chức năng của địa phương. Vì vậy, cần có giải pháp marketing để khách du lịch trong và ngoài nước biết đến Đồng Tháp.
Ảnh minh họa (TTXVN).
Đặt vấn đề

Trong lĩnh vực phát triển du lịch, marketing đã trở thành một yếu tố quan trọng, định hình sự phát triển và nhận thức của các điểm đến khác nhau với du khách. Những năm gần đây, tỉnh Đồng Tháp đã tích cực đẩy mạnh các chiến lược để tăng số lượng du khách thông qua việc phát triển các dự án du lịch cộng đồng (DLCĐ) và các sản phẩm du lịch khác. Tuy nhiên, thiếu sự quảng bá đã tạo ra khoảng cách trong nhận thức của du khách về Đồng Tháp như một điểm đến du lịch.

Để có những giải pháp nhằm thúc đẩy quảng bá truyền thông và marketing về DLCĐ ở Đồng Tháp, nhóm tác giả tiến hành khảo sát với 100 khách du lịch đã đến và chưa có dịp đến các điểm du lịch tại tỉnh. Thông qua cuộc khảo sát toàn diện, làm sáng tỏ bức tranh hiện tại của việc truyền thông, thông tin địa phương, từ đó thúc đẩy hiểu biết về các thách thức và cơ hội liên quan đến việc quảng bá điểm đến độc đáo của tỉnh Đồng Tháp.

Thực trạng hoạt động marketing du lịch cộng đồng ở Đồng Tháp

Việc thực hiện khảo sát với 100 đối tượng qua bảng hỏi, phiếu khảo sát, phỏng vấn… với các nội dung thuộc về hoạt động marketing DLCĐ ở Đồng Tháp đã đạt kết quả cụ thể như sau:

Thứ nhất, thông qua các phương tiện truyền thống.

Kết quả cho thấy (Xem Biểu đồ 1): phần lớn ý kiến lựa chọn là qua bạn bè, đồng nghiệp, người thân giới thiệu. Truyền thông bằng cách truyền miệng giữa mọi người với nhau rất hiệu quả. Đa số du khách biết đến điểm du lịch Đồng Tháp là nhờ người quen của họ đã trải nghiệm và giới thiệu (chiếm 57%). Cùng với đó, truyền thông qua internet cũng hữu ích không kém (đạt 45%), bởi internet chiếm một phần quan trọng trong cuộc sống hiện đại. Internet, không chỉ để quảng bá mà còn để đánh giá được sản phẩm, dịch vụ du lịch của một tỉnh/ thành phố thông qua các bình luận, feedback, review. Tất cả những người tham gia phỏng vấn sâu đều cho rằng truyền thông qua mạng xã hội (MXH) thật sự sẽ có hiệu quả vì tốc độ chia sẻ và lan truyền của MXH nhanh. Tiếp đó là truyền thông qua truyền hình cũng hữu ích bởi có đi kèm với hình ảnh, âm thanh, ánh sáng sinh động thu hút người xem. Còn lại là truyền thông qua tư vấn của các hãng lữ hành, qua tờ rơi quảng cáo và các phương tiện khác chiếm tỷ lệ không đáng kể. Hiện nay, những cách truyền thông này đã tương đối cũ và không còn phù hợp với thời đại. Khách có xu hướng đi du lịch mà không cần sự tư vấn của công ty lữ hành. Về tờ rơi quảng cáo khá tốn chi phí cho việc thiết kế, in ấn mà lại còn ít nhận được sự chú ý của người xem.

Quảng cáo truyền thống phù hợp với mọi đối tượng, nhất là những người lớn tuổi, họ ít hoặc không sử dụng đến MXH mà thay vào đó họ sử dụng báo chí truyền thống, nghe radio, xem truyền hình để cập nhật thông tin. Các clip quảng cáo truyền hình vẫn sẽ phát huy tốt nếu nội dung thực sự hấp dẫn và chạm đến cảm xúc của người xem. Phương tiện marketing truyền thống này sẽ đạt được hiệu quả cao hơn nếu biết cách kết hợp với các phong cách hiện đại.

Thứ hai, thông tin trên các kênh truyền thông truyền thống

Qua khảo sát, kết quả cho thấy: trên 80% ý kiến cho rằng nội dung trên các kênh truyền thông đều chưa đủ thông tin mà họ cần; gần 11% ý kiến cho rằng nội dung trên các kênh truyền thông ở Đồng Tháp đã đủ đối với họ; còn lại là ý kiến chưa biết cũng như chưa tìm hiểu và cũng chưa từng thấy kênh truyền thông nào ở Đồng Tháp (chiếm trên 8%).

Truyền thông ở Đồng Tháp chưa đáp ứng đủ thông tin cho du khách. Có khoảng 100 điểm DLCĐ đang được phát triển nhưng chỉ có vài điểm phổ biến, như: Xẻo Quýt, Gáo Giồng, Đồng Sen Tháp Mười, Tràm Chim, Huỳnh Thủy Lê, Làng hoa kiểng Sa Đéc và Chùa Phước Kiển được biết đến. Các điểm tham quan khác chưa được cập nhật thông tin và chưa tạo sức hút. Các bài quảng cáo và xúc tiến du lịch truyền thống về Đồng Tháp còn ít và thiếu thông tin mới. Nội dung trên các kênh truyền thông chính thống cũng còn cứng nhắc và thiếu tương tác. Thông tin về sự kiện, hoạt động du lịch, cơ sở lưu trú và nhà hàng cũng chưa đầy đủ. Hình ảnh và video giới thiệu về Đồng Tháp chưa đa dạng và không đủ để thu hút sự quan tâm. Thông tin về sản phẩm du lịch và cuộc sống cộng đồng chưa được nổi bật, ngoại trừ hoa sen.

Song song đó, một số ít người cho rằng cho rằng thông tin đáp ứng được ở mức tạm đủ, tuy nhiên với một vài người thì thấy thông tin ở mức đủ. Qua đây, cho thấy những ai thật sự quan tâm, bỏ nhiều thời gian ra tìm hiểu thì mới thấy là thông tin trên truyền hình, các doanh nghiệp du lịch lữ hành là ở mức đủ. Còn lại họ chỉ tìm hiểu sơ qua để biết điểm đến đó là gì? Có gì đặc biệt? Có gì hấp dẫn hay không?

Thứ ba, mức độ quảng cáo về DLCĐ ở Đồng Tháp trên MXH.

Kết quả khảo sát 100 người: có 43% cho thấy đã nhìn thấy các bài viết về DLCĐ ở Đồng Tháp trên MXH; 57% cho rằng chưa từng nhìn thấy các bài viết về DLCĐ. Điều này cho thấy, các bài quảng cáo có xuất hiện trên mạng nhưng không nhận được nhiều sự quan tâm. Những ý kiến cho rằng nhìn thấy những bài quảng bá gồm những người tình cờ nhìn thấy và những người quan tâm đến loại hình này ở tỉnh vì Đồng Tháp đang là địa điểm có tiềm năng phát triển du lịch. Các nền tảng MXH lớn ngày càng nhiều người sử dụng mỗi ngày nhưng với kết quả số liệu (tương đối), cho thấy việc quảng cáo trên cáo trên MXH vẫn chưa đạt được hiệu quả cao đối với DLCĐ ở Đồng Tháp.

Thứ tư, địa điểm DLCĐ nổi bật tại Đồng Tháp đối với du khách.

Các điểm DLCĐ nổi bật tại Đồng Tháp được truyền thông rất mạnh mẽ, tạo ấn tượng sâu cho du khách. Họ tận dụng tài nguyên du lịch đặc trưng, như: các di tích lịch sử, hệ thống rừng ngập mặn, hệ sinh thái động thực vật… của vùng để quảng bá tới du khách. Đơn cử: khu du lịch sinh thái Đồng Sen Tháp Mười có dịch vụ chèo xuồng trong đầm sen, các món ăn, thức uống từ sen, như: cá lóc nướng cuốn lá sen, cơm lá sen, sữa sen …; vườn quốc gia Tràm Chim có các hoạt động giải trí, như: đi tàu, bơi xuồng tham quan, câu cá giải trí và hưởng thức các món ăn đặc sản… Các địa điểm DLCĐ đã tiếp cận đúng tới tâm lý của khách tham quan, để lại ấn tượng cho nhiều du khách khi du lịch ở đây.

Thứ năm, độ thu hút của những bài quảng cáo trên MXH.

Qua khảo sát, có thể thấy đa số ý kiến trả lời: bị thu hút bởi những bài review về du lịch Đồng Tháp của những người khác đã trải nghiệm (chiếm 72%) và video về du lịch Đồng Tháp (chiếm 55%). Chiếm tỷ lệ tương đối cao về hình ảnh DLCĐ với 42%. Không được nhiều ý kiến lựa chọn bị thu hút bởi những bài viết giới thiệu, quảng cáo của doanh nghiệp (chiếm 29%) và chỉ 1% khách du lịch chưa biết bị thu hút bởi gì. Những bài review về du lịch trên MXH hiện nay nhận được sự yêu thích, lượt tương tác rất lớn của cộng đồng. Không chỉ vậy, nó còn có sức lan tỏa rộng rãi qua những lượt chia sẻ. Có thể du khách sẽ tìm thấy thông tin về nơi mình muốn tham quan, nghỉ dưỡng trên các trang MXH hoặc website các công ty du lịch. Tuy nhiên, đó chỉ là những thông tin cơ bản mà ít có nhận xét chân thực. Những người vừa trải qua chuyến đi sẽ cập nhật chính xác những gì họ vừa trải qua trên các bài review. Qua đó, những độc giả có thể hình dung chi tiết được chuyến đi, điểm đến thú vị, chi phí dịch vụ…

Thứ sáu, kênh truyền thông ở Đồng Tháp.

Đa số ý kiến đánh giá kênh truyền thông ở Đồng Tháp còn chưa tốt, chiếm trên 85%. Ở Đồng Tháp ít kênh truyền thông, nội dung chưa có gì nổi bật và vẫn còn trùng lặp nhiều thông tin. Cần cải thiện nhiều hơn về cập nhật các thông tin, địa điểm du lịch theo thời gian gần nhất. Các kênh truyền thông chưa được đầu tư quảng bá, họ tự truyền miệng với nhau là phổ biến chưa có sự can thiệp nhiều từ các cơ quan chức năng và Nhà nước. Chiếm gần 10% ý kiến đánh giá kênh truyền thông ở Đồng Tháp tốt, nhưng hầu hết chỉ dừng lại ở những kênh truyền thống, như: Tivi, Facebook. Còn lại là dưới 5% ý kiến trả lời chưa biết đến Đồng Tháp, chưa nghe các kênh truyền thông nào của Đồng Tháp.

Thứ bảy, nội dung trên các trang MXH của Đồng Tháp.

Sau khi khảo sát 100 đối tượng, đa số các ý kiến cho thấy nội dung trên các trang MXH của Đồng Tháp chưa có đủ thông tin mà họ cần (chiếm 76%). MXH là nơi có thể tiếp cận với khách du lịch nhanh, dễ dàng và tiết kiệm nhất nhưng du lịch Đồng Tháp vẫn không thể đáp ứng được lượng thông tin cần truyền đạt cho khách du lịch. Nhiều nền tảng MXH phổ biến với hàng triệu lượt truy cập mỗi ngày những thông tin của về DLCĐ Đồng Tháp chưa thể chạm tới du khách. Từng bài viết trên mạng đang quá sơ sài, không quá chau chuốt lời văn để nâng cao chất lượng bài viết. 18% ý kiến cho rằng thông tin đáp ứng được ở mức tạm đủ, ít và 6% ý kiến thấy thông tin ở mức đủ. Việc sử dụng MXH để quảng cáo không còn là một điều xa lạ, vì MXH được nhiều người biết đến, có quy mô rộng lớn, dễ dàng tiếp cận với nhiều người trên khắp đất nước và bất kỳ ở đâu.

Thứ tám, chất lượng của các quảng cáo DLCĐ tại Đồng Tháp trên MXH.

Phần lớn ý kiến cho rằng các quảng cáo DLCĐ tại Đồng Tháp trên MXH là bình thường (chiếm 51%) hay nói cách khác là không có gì đặc biệt. Điều này cho thấy, các bài viết không để lại dấu ấn cho người đọc. Hình ảnh là điều tiên quyết để có thể dẫn dắt khách du lịch vào đọc cũng như quan tâm đến bài viết, khi hình ảnh bắt mắt là đã thu hút và gây ấn tượng cho du khách. Ý kiến đánh giá hiệu quả là 22% (chứng tỏ là những quảng cáo DLCĐ tại Đồng Tháp trên MXH vẫn có ích đối với một số người); không hiệu quả là 14%. Một số lượng không đáng kể ý kiến cho rằng, các quảng cáo DLCĐ tại Đồng Tháp trên MXH họ chưa từng được thấy, chưa được trải nghiệm bao giờ (xem Biểu đồ 2)

 

Giải pháp thúc đẩy marketing điểm đến du lịch của địa phương

Nhóm giải pháp marketing theo cách truyền thông truyền thống

(1) Truyền thông truyền thống, như: tạp chí, cẩm nang du lịch, tờ rơi, danh thiếp… vẫn có thể được sử dụng để quảng bá cho khách du lịch có độ tuổi cao và không sử dụng MXH. Những tài liệu này có thể giới thiệu các dịch vụ du lịch, địa điểm hấp dẫn ở Đồng Tháp và cung cấp thông tin liên hệ.

(2) Hội nghị và sự kiện du lịch là cơ hội để giới thiệu DLCĐ ở Đồng Tháp trực tiếp cho các khách tham dự. Nhân viên tại sự kiện có thể giới thiệu những ưu điểm và đặc điểm hấp dẫn của loại hình du lịch này, tạo ấn tượng cho người tham gia.

(3) Email vẫn có thể được sử dụng để tiếp thị và gửi thông tin cho khách hàng. Gửi email có thể cung cấp hình ảnh và điểm nổi bật của DLCĐ ở Đồng Tháp, cung cấp thông tin về lợi ích và ý nghĩa của DLCĐ dựa trên người dân địa phương.

(4) Các chương trình từ thiện cũng có thể được sử dụng để quảng bá DLCĐ ở Đồng Tháp. Chương trình từ thiện không chỉ giúp gần gũi với người dân và góp phần vào cộng đồng mà còn giúp khách hàng hiểu rõ hơn về DLCĐ và trải nghiệm văn hóa đặc trưng, ẩm thực và lễ hội của Đồng Tháp.

(5) Các doanh nghiệp có thể sử dụng các chương trình khuyến mãi để khuyến khích khách du lịch thử nghiệm DLCĐ ở Đồng Tháp với giá ưu đãi. Tuy nhiên, chất lượng dịch vụ vẫn cần được bảo đảm để tạo ấn tượng tốt đối với khách hàng và xây dựng lòng tin trong lĩnh vực DLCĐ ở Đồng Tháp.

Ngoài ra, các bên liên quan du lịch có thể hợp tác để truyền thông bằng cách tổ chức hội chợ vừa giao lưu, học hỏi vừa đem lại sự thân thiện, gần gũi hơn với du khách, nếu sáng tạo và có hướng đi mới thì đây cũng là một cách quảng bá không tồi. Nhiều hội chợ du lịch được tổ chức, chứng tỏ tính hiệu quả của cách marketing truyền thông này. Đơn cử: năm 2020 đã diễn ra Hội chợ du lịch Vietnam Travel Fest, Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam VITM, Triển lãm ITE – Hội chợ quốc tế du lịch TP. Hồ Chí Minh… quy tụ hơn hàng trăm gian hàng, hãng lữ hành nổi tiếng trong nước lẫn quốc tế, mang đến nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn cho du khách.

Một trong những hình thức marketing truyền thống khác không thể thiếu hiện nay là hội thảo, workshop chuyên đề. Hằng năm, các sự kiện này được tổ chức nhiều trên toàn thế giới nhằm mở ra cơ hội giao lưu, gặp gỡ giữa những người trong ngành với nhau.

Nhóm giải pháp marketing cho MXH

Chính quyền Đồng Tháp cần phát triển một trang MXH để quảng bá du lịch, bao gồm DLCĐ. Các cá nhân tham gia hoạt động DLCĐ cũng cần tạo ra trang web riêng để quảng bá các hoạt động du lịch và sản phẩm mà họ cung cấp. Quan trọng hơn, sau khi xây dựng trang MXH, cần lựa chọn thông tin hấp dẫn, hình ảnh và video hấp dẫn để thu hút người xem. Đồng thời, cần thường xuyên cập nhật thông tin và hình ảnh để tạo sự kết nối và tương tác với người xem. Đầu tư thời gian và công sức để chăm sóc trang web quảng bá là cần thiết để đạt hiệu quả.

Blog du lịch trên Youtube cũng là một lựa chọn. Rất nhiều video du lịch xuyên việt từ Youtube đã đưa những nét văn hóa của nhiều nơi đến gần với người xem. Thông qua video, mọi người sẽ có cái nhìn bao quát về địa điểm du lịch được chiếu trên Youtube.

Cùng với đó, người dân địa phương là người hiểu rõ địa điểm DLCĐ nhất. Người dân có thể tự quảng bá cho địa bàn của mình bằng cách tự quay video về cuộc sống hằng ngày, về những đặc sản vùng miền, về những điệu nhảy truyền thống, về những làng nghề lâu đời lên ứng dụng Tiktok. Tiktok hiện đang là nền tảng MXH đang được rất nhiều người quan tâm và sử dụng hằng ngày. Vì thế, địa phương Đồng Tháp cần phải lập kế hoạch quảng bá trên Tiktok và sự đồng lòng của người dân.

Nhóm giải pháp về dịch vụ du lịch

Chất lượng dịch vụ là yếu tố quan trọng nhất trong quảng bá hình ảnh DLCĐ Đồng Tháp, bên cạnh các hình thức marketing khác. Tỷ lệ tin tưởng trong hình thức “truyền miệng” là rất cao, vì vậy việc tạo ra chất lượng tốt sẽ tạo điểm nhấn tích cực cho du khách và khuyến khích họ giới thiệu cho người khác. Để cải thiện chất lượng dịch vụ, chính quyền địa phương nên hỗ trợ mạnh cho người dân địa phương tổ chức các hoạt động du lịch tại Đồng Tháp. Người dân có thể hướng dẫn du khách về các làng nghề truyền thống và trưng bày những món hàng lưu niệm thể hiện nét đặc trưng của vùng và mang ý nghĩa văn hóa.

Kết luận

Đồng Tháp là tỉnh có tiềm năng du lịch phong phú với cảnh quan thiên nhiên đẹp và nhiều di tích lịch sử, văn hóa có giá trị, ẩm thực độc đáo và con người hiền lành, mến khách. Đây là nguồn tài nguyên quý giá để phát triển DLCĐ. Việc truyền thông du lịch là ưu tiên hàng đầu để thu hút du khách. Chính quyền địa phương đã áp dụng chính sách quảng bá du lịch kết hợp với truyền thông hiện đại, nhưng việc marketing của tỉnh vẫn chưa nổi bật so với nhiều địa phương khác nên nhiều người vẫn chưa biết tới điểm đến tiềm năng này. Việc thực hiện các giải pháp nhằm tăng tính hiệu quả cho truyền thông du lịch, đồng thời tăng cường quảng bá về các hoạt động du lịch ở các làng nghề, nông trại liên quan đến văn hóa truyền thống. Đó là những việc cần làm để DLCĐ tại Đồng Tháp phát triển mạnh và bền vững.

Tài liệu tham khảo:
1. Kế hoạch số 244/KH-UBND ngày 21/10/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện chiến lược phát triển du lịch việt Nam trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2030.
2. Kế hoạch số 70/KH-UBND ngày 24/02/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp năm 2023.
3. Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND ngày 24/3/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định về chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2022 – 2026.
4. Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.
ThS. Phạm Thị Mai Anh
Công ty cổ phần Du lịch VTourist
ThS. Dương Văn Bình
Mạng lưới nghiên cứu du lịch VTR