Một số quy định mới về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của công dân Việt Nam và người nước ngoài tại Việt Nam

(Quanlynhanuoc.vn) – Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam cần thiết, được thực hiện theo các quan điểm chỉ đạo tiếp tục thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phù hợp với Hiến pháp, tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật của Nhà nước và phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Bài viết nêu một số quy định mới về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của công dân Việt Nam và người nước ngoài tại Việt Nam.
Ảnh minh hoạ: Internet.
Sự cần thiết và mục đích xây dựng Luật

Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam (Luật số 49/2019/QH14), có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2020 đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc cụ thể hóa quyền xuất cảnh, nhập cảnh của công dân được ghi nhận ở Hiến pháp, gắn với yêu cầu quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, góp phần phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, đáp ứng nhu cầu tự do đi lại của công dân trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay. Tuy nhiên, sau gần 3 năm triển khai thực hiện Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, thực tiễn thi hành cho thấy có một số khó khăn, bất cập, như:

(1) Sau khi triển khai cấp hộ chiếu mẫu mới theo quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, một số quốc gia từ chối cấp visa cho công dân Việt Nam vào hộ chiếu mẫu mới với lý do hộ chiếu không có thông tin “nơi sinh”, gây khó khăn cho công dân khi xin thị thực nhập cảnh vào nước ngoài.

(2) Luật chưa có quy định về hình thức nộp hồ sơ trực tuyến để thực hiện các thủ tục cấp giấy tờ xuất, nhập cảnh nhằm đáp ứng yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ, tạo thuận lợi cho người dân.

(3) Luật chưa quy định về việc thu hồi hủy giá trị sử dụng hộ chiếu của các trường hợp đã được cấp hộ chiếu nhưng từ chối không nhận kết quả.

(4) Chưa quy định cụ thể về việc sử dụng hộ chiếu còn thời hạn dưới 6 tháng để xuất, nhập cảnh.

(5) Bộ Công an là đơn vị trực tiếp tổ chức tiếp nhận công dân Việt Nam không được phía nước ngoài cho cư trú nhưng hiện nay trong Luật lại giao cho Bộ Ngoại giao chủ trì trong việc ký kết điều ước quốc tế liên quan đến xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và tiếp nhận công dân Việt Nam không được phía nước ngoài cho cư trú… do vậy, việc Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt NamLuật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (Luật số 23/2023/QH15) được sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (Luật số 51/2019/QH14) là cần thiết.

Mục đích và quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện cấp, trình báo mất và khôi phục giá trị sử dụng của hộ chiếu phổ thông qua Cổng dịch vụ công. Góp phần đơn giản hóa thủ tục, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam trong việc cấp giấy tờ xuất, nhập cảnh; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và tạo sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Một số quy định mới về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của công dân Việt Nam và người nước ngoài tại Việt Nam

Thứ nhất, chính thức bổ sung nơi sinh vào hộ chiếu từ ngày 15/8/2023.

Theo điểm b khoản 1 Điều 1 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (sửa đổi, bổ sung năm 2023), thông tin trên giấy tờ xuất, nhập cảnh (hộ chiếu) bao gồm: ảnh chân dung; họ, chữ đệm và tên; giới tính; nơi sinh; ngày, tháng, năm sinh; quốc tịch; ký hiệu, số giấy tờ xuất, nhập cảnh; cơ quan cấp; ngày, tháng, năm cấp; ngày, tháng, năm hết hạn; số định danh cá nhân hoặc số chứng minh nhân dân; chức vụ, chức danh đối với hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ phù hợp với yêu cầu đối ngoại; thông tin khác do Chính phủ quy định.

So với quy định tại khoản 3 Điều 6 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019, quy định mới này đã chính thức bổ sung nơi sinh vào hộ chiếu từ ngày 15/8/2023.

Thứ hai, chính thức nâng hạn visa điện tử (EV) lên 90 ngày.

Cụ thể, tại khoản 2 Điều 1 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (sửa đổi, bổ sung năm 2023) đã quy định thời hạn của một số loại thị thực như sau:

– Thị thực ký hiệu SQ có thời hạn không quá 30 ngày.

– Thị thực ký hiệu HN, DL, EV có thời hạn không quá 90 ngày.

– Thị thực ký hiệu VR có thời hạn không quá 180 ngày.

– Thị thực ký hiệu NG1, NG2, NG3, NG4, LV1, LV2, ĐT4, DN1, DN2, NN1, NN2, NN3, DH, PV1, PV2, TT có thời hạn không quá 1 năm.

Tại khoản 4 Điều 9 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 quy định thì thời hạn của thị thực ký hiệu EV (visa điện tử) là 30 ngày.

Như vậy, quy định mới này đã chính thức nâng hạn visa điện tử EV lên thành 90 ngày.

Thứ ba, công dân không nhận hộ chiếu sẽ bị hủy giá trị sử dụng hộ chiếu.

Theo đó, sau 12 tháng kể từ ngày cơ quan chức năng hẹn trả hộ chiếu mà công dân không nhận và không có thông báo bằng văn bản cho cơ quan chức năng về lý do chưa nhận thì cơ quan cấp hộ chiếu thực hiện việc hủy giá trị sử dụng hộ chiếu.

Thứ tư, bổ sung tùy viên Quốc phòng là đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao.

Cụ thể, người đang phục vụ trong ngành Ngoại giao đã được phong hàm ngoại giao hoặc giữ chức vụ từ tùy viên trở lên, tuỳ viên Quốc phòng và phó tùy viên Quốc phòng tại cơ quan đại diện ngoại giao, phái đoàn thường trực tại các tổ chức quốc tế liên Chính phủ, cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài sẽ được cấp hộ chiếu ngoại giao.

Thứ năm, người đề nghị khôi phục giá trị sử dụng hộ chiếu có thể nộp tờ khai online.

Kể từ ngày 15/8/2023, người đề nghị khôi phục giá trị sử dụng hộ chiếu điền đầy đủ thông tin vào tờ khai theo mẫu kèm theo hộ chiếu và nộp trực tiếp tại Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an hoặc Cơ quan Quản lý xuất, nhập cảnh Công an cấp tỉnh, nơi có điều kiện thuận lợi hoặc trên môi trường điện tử tại cổng dịch vụ công quốc gia hoặc cổng dịch vụ công của Bộ Công an.

Thứ sáu, bổ sung trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Cụ thể, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam phải có các trách nhiệm sau đây: Cơ quan, tổ chức, cá nhân chỉ được sử dụng lao động là người nước ngoài, tổ chức chương trình du lịch cho người nước ngoài hoặc cho người nước ngoài tạm trú khi người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam phải thông báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất. Trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm trong khu vực biên giới phải thông báo ngay cho cơ quan Công an hoặc đồn, trạm Biên phòng nơi gần nhất.

Tài liệu tham khảo:
1. Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (Luật số 51/2019/QH14).
2. Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam (Luật số 49/2019/QH14).
3. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (Luật số 23/2023/QH15).
ThS. Trần Doãn Quân
Học viện Chính trị Công an nhân dân