Tiếp cận nghiên cứu về năng suất lao động trong cung ứng dịch vụ hành chính công

(Quanlynhanuoc.vn) – Nghiên cứu năng suất lao động trong cung ứng dịch vụ hành chính công trong bối cảnh hiện nay là hết sức cần thiết. Để nghiên cứu nội dung này cần phải có những nghiên cứu cơ bản về khung lý thuyết, bộ công cụ nghiên cứu, luận giải làm rõ nội hàm năng suất lao động trong cung ứng dịch vụ hành chính công. Bài viết luận giải làm rõ một số vấn đề về cung ứng dịch vụ hành chính công; năng suất lao động; năng suất lao động trong cung ứng dịch vụ hành chính công và cách tiếp cận nghiên cứu năng suất lao động trong cung ứng dịch vụ hành chính công.
Ảnh minh họa (internet).
Khái quát về cung ứng dịch vụ hành chính công

Cung ứng dịch vụ theo nghĩa thông thường bao gồm các yếu tố: (1) Có bên cung cấp và bên sử dụng dịch vụ, có giao dịch giữa hai bên; (2) Bên cung cấp cần có đủ các điều kiện để cung cấp dịch vụ; (3) Bên sử dụng phải thanh toán giá dịch vụ cho bên cung cấp; (4) Bên cung cấp dịch vụ nhận được những lợi ích cần thiết (chủ yếu là lợi nhuận), bên sử dụng dịch vụ đáp ứng được nhu cầu.

Quan niệm về cung ứng dịch vụ hành chính công (DVHCC), có thể hiểu: dịch vụ hành chính công là những hoạt động phục vụ các quyền và nghĩa vụ cơ bản của các tổ chức và công dân, do các cơ quan hành chính nhà nước thực hiện dựa vào thẩm quyền hành chính pháp lý của Nhà nước1. Thông qua việc cung ứng DVHCC, Nhà nước sử dụng quyền lực để bảo đảm quyền dân chủ và các quyền hợp pháp khác của công dân, đồng thời, đòi hỏi các tổ chức công dân thi hành các nghĩa vụ của mình nhằm duy trì trật tự và kỷ cương xã hội. Do đó, các dịch vụ này ít nhiều mang tính bắt buộc, yêu cầu các tổ chức, công dân phải tuân thủ.

Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ cũng đã nêu rõ, các cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) là chủ thể cung ứng DVHCC, còn bên sử dụng DVHCC bao gồm: các tổ chức (cả tổ chức nhà nước, tổ chức ngoài nhà nước và các doanh nghiệp (DN), người dân có nhu cầu sử dụng DVHCC.

Như vậy, cung ứng DVHCC bao gồm các yếu tố: (1) Có bên cung cấp là các cơ quan nhà nước (CQNN) có thẩm quyền và bên sử dụng là tổ chức, cá nhân có nhu cầu (gọi là người dùng); (2) Các CQNN có thẩm quyền sử dụng các nguồn lực, công cụ, phương tiện của Nhà nước (gọi là nguồn lực công) để cung cấp dịch vụ; (3) Người dùng chỉ nộp phí hoặc lệ phí dịch vụ cho Nhà nước, có một số dịch vụ người dùng không phải nộp tiền; (4) Các CQNN có thẩm quyền nhận lợi ích chủ yếu là để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, đáp ứng yêu cầu của quản lý nhà nước phục vụ các quyền và lợi ích hợp pháp của người dùng.

Theo Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của CQNN trên môi trường mạng, giải thích: DVHCC là những dịch vụ liên quan đến hoạt động thực thi pháp luật, không nhằm mục tiêu lợi nhuận, do CQNN có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân dưới hình thức các loại giấy tờ có giá trị pháp lý hoặc dưới hình thức thông báo kết quả thực hiện trong các lĩnh vực mà CQNN đó quản lý.

Mỗi DVHCC gắn liền với một hoặc một số TTHC để giải quyết một công việc cụ thể liên quan đến tổ chức, cá nhân.

Đặc trưng của DVHCC, bao gồm: (1) Do Nhà nước trực tiếp cung ứng; (2) Các CQNN cung ứng DVHCC không vì mục tiêu lợi nhuận; (3) Có tính độc quyền cao trong cung ứng dịch vụ; (4) Cung ứng DVHCC phải tuân theo trình tự, quy định tại TTHC tương ứng; (5) Phần lớn chi phí cho cung ứng DVHCC là do Nhà nước bảo đảm.

Bên cung cấp nhận lợi ích chủ yếu là để thực hiện chức năng của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu của quản lý hành chính nhà nước (HCNN), phục vụ các quyền, lợi ích hợp pháp của người dùng, của toàn xã hội.

Các yếu tố cấu thành DVHCC, bao gồm: (1) TTHC nhà nước (hồ sơ, trình tự các bước thực hiện giải quyết TTHC, thời gian thực hiện do Nhà nước quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật); (2) Con người tham gia vào quá trình thực hiện (bao gồm: cán bộ, công chức các cơ quan HCNN tiến hành thực hiện và người dân, DN tham gia thực hiện); (3) Cơ sở vật chất trang thiết bị thực hiện và hạ tầng công nghệ thông tin; (4) Tổ chức bộ máy thực hiện cung ứng DVHCC.

Có 5 loại hình DVHCC, như sau:.

(1) Hoạt động cấp các loại giấy phép. Giấy phép là loại giấy tờ do cơ quan HCNN cấp cho các tổ chức và công dân để thừa nhận về mặt pháp lý quyền của các chủ thể này được tiến hành một loại hoạt động nào đó phù hợp với quy định của pháp luật trong lĩnh vực này. Giấy phép là một loại công cụ để Nhà nước quản lý và điều tiết hoạt động của các chủ thể theo chính sách và pháp luật trong các lĩnh vực có ảnh hưởng đáng kể đến đời sống xã hội mà Nhà nước không quản lý được có thể ảnh hưởng không tốt cho xã hội.

(2) Hoạt động cấp các loại giấy xác nhận, chứng thực. Các hoạt động chứng thực do CQNN thực hiện, như: cấp  giấy khai sinh, khai tử, giấy tờ đăng ký kết hôn, cấp bằng lái xe, đăng ký xe…

(3) Hoạt động thu các khoản đóng góp vào ngân sách và các quỹ của Nhà nước. Các hoạt động này gắn với nghĩa vụ mà Nhà nước yêu cầu các chủ thể trong xã hội phải thực hiện.

(4) Giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và xử lý các vi phạm hành chính. Giải quyết khiếu nại, tố cáo là một loại dịch vụ do các cơ quan HCNN có trách nhiệm thực hiện để giải quyết các vấn đề nảy sinh trong mối quan hệ giữa Nhà nước hoặc công chức nhà nước đối với công dân theo đơn khiếu nại, tố cáo của công dân.

(5) Hoạt động giữ gìn trật tự an ninh công cộng của cảnh sát (công an). Đây cũng là hoạt động phục vụ cho các lợi ích của tổ chức và công dân, đồng thời yêu cầu tổ chức và công dân tuân thủ nghĩa vụ hợp pháp.

Để hoạt động cung ứng DVHCC có năng suất cao, ngoài việc Nhà nước phải quy định rõ trình tự các bước thực hiện, thành phần hồ sơ, thời gian thực hiện, còn cần đến hai yếu tố quan trọng, đó là con người thực hiện (cả công chức và người dân) và hạ tầng công nghệ thông tin.

Hình thức thực hiện cung ứng DVHCC hiện nay, có trực tiếp và gián tiếp.

Theo hình thức trực tiếp. Đây là hình thức thực hiện tại bộ phận một cửa đối với cấp xã; tại trung tâm phục vụ hành chính công đối với cấp tỉnh và cấp huyện. Với hình thức này, người dân và DN khi có nhu cầu cần thực hiện, giải quyết các hồ sơ, TTHC thì đến bộ phận một cửa hoặc trung tâm DVHCC để được công chức các CQNN hướng dẫn thực hiện và giải quyết.

Theo hình thức trực tuyến hoặc qua bưu chính công ích (gọi chung là gián tiếp). Với hình thức này, người dân và DN không cần phải đến trung tâm phục vụ hành chính công hay bộ phận một cửa; người dân và DN đăng ký; nhập hồ sơ; giấy tờ trên môi trường điện tử và gửi đến công chức nhà nước (công chức làm việc tại bộ phận một cửa) tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả trên môi trường điện tử.

Ngoài hai hình thức nêu trên, người dân và DN còn có thể lựa chọn hình thức cung ứng qua dịch vụ bưu chính công ích, tức hồ sơ của người dân và DN có thể được gửi qua dịch vụ này và dịch vụ bưu chính công ích trực tiếp đến gặp người dân hoặc đến cơ quan, DN nhận hồ sơ và chuyển đến CQNN; sau khi CQNN giải quyết xong, dịch vụ bưu chính công ích sẽ tiếp nhận và trả kết quả tại nhà, tại cơ quan, DN. Hình thức này theo chúng tôi chỉ thực hiện được khâu”vòng ngoài” tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả “theo hình thức order” còn giải quyết vẫn là công chức, CQNN có thẩm quyền mới được giải quyết.

Năng suất lao động trong cung ứng dịch vụ hành chính công và những nhận định bước đầu nghiên cứu năng suất lao động trong cung ứng dịch vụ hành chính công

Về năng suất

Năng suất được hiểu là một chỉ số quan trọng về hiệu quả kinh tế, thể hiện việc các nguồn lực được kết hợp và sử dụng tốt như thế nào nhằm đạt được các kết quả như mong muốn và kỳ vọng. Năng suất có thể được xem xét ở các cấp độ khác nhau: toàn nền kinh tế, ngành kinh tế hoặc ở mức độ tổ chức. Chỉ số này thậm chí có thể áp dụng cho các nhà máy, phòng ban và cá nhân2.

Theo cách hiểu phổ biến hiện nay, năng suất được tính bằng số sản phẩm và hàng hóa dịch vụ cuối cùng được tạo ra cho một đơn vị lao động tham gia vào hoạt động sản xuất.

Năng suất được hiểu như mối tương quan giữa kết quả của đầu ra với đầu vào đã sử dụng, được biểu thị bằng công thức: năng suất = đầu ra/đầu vào. Nói cách khác, năng suất là đầu ra trên một đơn vị đầu vào được sử dụng. Năng suất trong kinh doanh trở thành một đề tài quan trọng và liên tục được tranh luận cùng bước tiến của công nghiệp hóa. Năng suất khiến lao động (dù là của con người hay máy móc) trở nên hiệu quả hơn là một mục tiêu quan trọng, vì lao động hiệu quả hơn nghĩa là lợi nhuận cao hơn.

Trong bối cảnh hiện nay, năng suất trở thành một khái niệm rộng và được chuyên môn hóa trong từng lĩnh vực cụ thể. Năng suất được nghiên cứu sâu hơn dưới dạng năng suất các nhân tố tổng hợp (Total factor productivity – TFP) hay chính là sự đóng góp của các yếu tố vô hình, như: tăng nhu cầu, cơ cấu lại nền kinh tế hay hàng hoá dịch vụ, chất lượng lao động, chất lượng vốn, nhất là thiết bị công nghệ, thúc đẩy của kỹ thuật tiến bộ, hiệu lực và hiệu quả của quản lý… Tác động của TFP thường thông qua sự biến đổi của các yếu tố hữu hình, đặc biệt là vốn và lao động.

Về năng suất lao động

Năng suất lao động (NSLĐ) sẽ gồm hai thành tố chính: “năng suất” và “lao động”. “năng suất” thể hiện mối quan hệ giữa các yếu tố đầu ra và đầu vào. Còn “lao động” là hoạt động có mục đích của con người và dưới góc nhìn về kinh tế, lao động là hoạt động của con người nhằm mục đích mang lại của cải vật chất. NSLĐ, khi đó, được định nghĩa là sự hiệu quả của hoạt động có ích của con người trong một đơn vị thời gian, nó được biểu hiện bằng số lượng sản phẩm sản xuất ra trong một đơn vị thời gian hoặc hao phí để sản xuất ra được một sản phẩm. NSLĐ được đo bằng tỷ số giữa lao động và số lượng sản phẩm theo giờ, theo ngày, theo tháng tùy theo từng tổ chức. Công việc của các nhà quản lý đơn giản là việc giao cho các lao động trong tổ chức mục tiêu cụ thể theo từng mốc thời gian để hoàn thành sản phẩm.

Về năng suất lao động xã hội

NSLĐ xã hội có mối liên hệ mật thiết với sự tăng trưởng về kinh tế. Trong NSLĐ xã hội có cả sự tiêu hao của lao động sống và lao động quá khứ: tiêu hao lao động sống là sức lực của con người bỏ ra ngay trong quá trình sản xuất – kinh doanh; còn tiêu hao lao động quá khứ là sự tiêu hao sản phẩm của lao động sống đã được vật hóa trong các giai đoạn, các quá trình sản xuất – kinh doanh trước kia (biểu hiện ở giá trị máy móc, thiết bị; công cụ, dụng cụ nhỏ và nguyên vật liệu). Do vậy, khi nói đến hao phí lao động sống là nói đến NSLĐ, còn hao phí đồng thời cả lao động sống và lao động quá khứ sẽ tạo ra NSLĐ xã hội. Mục tiêu quan trọng nhất của việc nâng cao NSLĐ xã hội chính là việc hướng đến phát triển kinh tế bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

NSLĐ xã hội dựa trên giá trị gia tăng là một chỉ số gián tiếp tốt thể hiện mức độ phát triển của nền kinh tế của một quốc gia. Khi phân tích các thị trường lao động, chỉ số này thường được sử dụng nhiều hơn chỉ số về GDP trên đầu người3. Như vậy, NSLĐ xã hội được coi là một khái niệm mang tính vĩ mô và áp dụng cho nền kinh tế của các quốc gia. Mục tiêu tăng NSLĐ xã hội, đối với mọi quốc gia đều rất quan trọng vì nó nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Về năng suất lao động trong cung ứng DVHCC

NSLĐ trong cung ứng DVHCC là một khái niệm hoàn toàn mới, chưa có công trình nào nghiên cứu, do đó dựa trên sự phân tích về năng suất, NSLĐ và NSLĐ xã hội và dựa trên đặc điểm của hoạt động cung ứng DVHCC có hiểu về NSLĐ trong cung ứng DVHCC được cấu thành bởi các yếu tố sau:

Thứ nhất, NSLĐ trong cung ứng DVHCC là kết quả của các cơ quan HCNN hay của cán bộ, công chức nhà nước có thẩm quyền tổ chức giải quyết, cung ứng DVHCC cho các tổ chức, DN và người dân. Có thể coi đây là NSLĐ, là kết quả của các cơ quan HCNN.

Thứ hai, sản phẩm đầu ra/ kết quả của hoạt động cung ứng DVHCC khác với các lĩnh vực sản xuất – kinh doanh khác, sản phẩm đầu ra của hoạt động cung ứng DVHCC  là hồ sơ hành chính, các loại giấy tờ hành chính, các sản phầm này có giá trị pháp lý do cơ quan HCNN cấp/giải quyết cho người dân và các tổ chức thể hiện giá trị pháp lý, chứng nhận quyền và lợi ích của người dân và tổ chức để họ thực hiện các hoạt động kinh tế – xã hội nhất định, có tính hợp pháp.

Thứ ba, các nguyên liệu đầu vào của hoạt động cung ứng DVHCC của các cơ quan HCNN cũng khác với hoạt động sản xuất – kinh doanh của các DN. Nguyên liệu đầu vào ở đây chính là hồ sơ hành chính; các loại giấy tờ hành chính, vì vậy các yếu tố, như: vốn, nguồn lực con người hay nguồn lực vật chất (sở vật chất trang thiết bị làm việc), cơ sở hạ tầng công nghệ – thông tin cũng là đầu vào nhưng khó có thể sử dụng như biến số chính trong DN mà ở đây chỉ coi như là các nhân tố tác động đến NSLĐ. Vậy, NSLĐ của các cơ quan HCNN của cán bộ, công chức HCNN sẽ được đo bằng cái gì? Nguyên liệu đầu vào là hồ sơ hành chính, giấy tờ hành chính và sản phẩm đầu ra là hồ sơ, giấy tờ hành chính có giá trị pháp lý (cơ quan hành chính xác thực), vì thế đo NSLĐ trong cung ứng DVHCC bằng đơn vị/ số lượng thời gian mà số lượng thời gian này phải được tính trên số lượng hồ sơ đã giải quyết cùng với số lượng người lao động tham gia giải quyết.

Thứ tư, nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra/ kết quả đầu ra cao hay thấp, chất lượng cao hay chất lượng thấp nó còn tùy thuộc vào các quy định của các CQNN có thẩm quyền, hay nói cách khác nó còn tùy thuộc vào hệ thống văn bản pháp luật, chính sách của nhà nước quy định về quy trình hành chính, nguyên tắc tổ chức; thành phần hồ sơ hành chính… có tính bắt buộc thực hiện. Những quy định này thế hiện tính quyền lực HCNN, thể hiện tính thức bậc hành chính trong tổ chức giải quyết hồ sơ hành chính. Đây cũng là những yếu tố có ảnh hưởng đến NSLĐ trong cung ứng DVHCC và trực tiếp ảnh hưởng đến NSLĐ của nền HCNN.

Thứ năm, khác với các DN sản xuất hàng hóa, kết quả đầu ra cao hay thấp, còn tùy thuộc vào giây chuyền sản xuất… máy móc, nguyên liệu cách thức vận hành; còn đối với hoạt động cung ứng DVHCC của các cơ quan HCNN hiện tại được thực hiện bằng hai hình thức chính, đó là trực tiếp và trực tuyến, tức hồ sơ được tiếp nhận và trả kết quả tại bộ phận một cửa nhưng cách giải quyết vẫn phải qua nhiều khâu, nhiều “tầng nấc” khác nhau. Còn đối với dịch vụ công trực tuyến, tức giải quyết trên môi trường điện tử, người dân không cần đến bộ phận một cửa, hoạt động này được cải thiện giúp cho người dân và DN không phải đi lại nhiều, các cơ quan HCNN không phải chi phí cho diện tích văn phòng làm việc (trang thiết bị văn phòng) nhưng trên thực tế nhiều hồ sơ hành chính chưa có hồ sơ điện tử, số hóa hồ sơ dữ liệu số, dùng chung và có thể có nhiều lý do khác nên việc thực hiện còn gặp nhiều khó khăn.

Như vậy, NSLĐ trong cung ứng DVHCC là sản phẩm đầu ra của các cơ quan HCNN thực hiện cung ứng DVHCC cho người dân và DN. NSLĐ này bị tác động bởi rất nhiều nhân tố khác nhau.

NSLĐ trong cung ứng DVHCC trên một phương diện nào đó đã phản ánh hiệu quả làm việc của một cơ quan hành chính, một ngành, một lĩnh vực hay của một địa phương hay rộng hơn là của một nền HCNN; của nhiều cấp hành chính trên địa bàn một tỉnh, thành phố hoặc của một nền hành chính quốc gia.

Một câu hỏi đặt ra ở đây là đo NSLĐ của hoạt động cung ứng DVHCC bằng cách nào? Làm thế nào để biết được NSLĐ trong cung ứng DVHCC của một cơ quan HCNN, của một ngành, lĩnh vực hay của một địa phương đã đạt đến mức độ nào cao hay thấp? Và, có những nhân tố nào tác động đến NSLĐ trong cung ứng DVHCC?

Trong bài viết này, chúng tôi cho rằng: NSLĐ trong cung ứng DVHCC là mối tương quan giữa kết quả đầu ra và nguyên liệu đầu vào và được đo bằng thời gian giải quyết, cộng với số lượng cán bộ, công chức tham gia thực hiện để ra được sản phẩm đó. NSLĐ trong cung ứng DVHCC được đo bằng sản phẩm đầu ra/nguyên liệu đầu vào, cộng với số lượng thời gian giải quyết và số người tham gia thực hiện để có được sản phẩm đó. NSLĐ trong cung ứng DVHCC là chỉ tiêu phản ánh năng suất làm việc của cán bộ, công chức cơ quan HCNN, có thể đo bằng tổng sản phẩm/DVHCC của các cơ quan HCNN, cụ thể là tổng thể chỉ số thực hiện cải cách hành chính; cải cách TTHC, được tổ chức thực hiện, giải quyết trong năm của tất cả các lĩnh vực/ ngành tính bình quân một lao động trong thời kỳ tham chiếu của cả năm đó.

Như vậy, khi bàn về NSLĐ thông thường được đề cập đến trong lĩnh vực kinh tế, trong lĩnh vực sản xuất -kinh doanh như một điều mặc nhiên, nhưng bàn về NSLĐ trong cung ứng DVHCC là một địa hạt hoàn toàn mới. Do vậy, để nghiên cứu về NSLĐ trong cung ứng DVHCC sẽ cần nhiều công trình nghiên cứu tiếp theo, xem xét các yếu tố cấu thành NSLĐ và phương pháp tiếp cận và đo lường NSLĐ trong cung ứng DVHCC.

Chú thích:
1. Lê Chi Mai. Cải cách dịch vụ công ở Việt Nam. H. NXB Chính trị quốc gia, 2003, tr. 26.
2. Ohno Kenichi, Nguyễn Đức Thành, Phạm Thị Hương. Tăng trưởng của Việt Nam trong ba thập kỷ cải cách và hội nhập 1990 2020. H. NXB Đại học quốc gia Hà Nội, 2021, tr. 12.
3. GDP trên đầu người được tính bằng tổng GDP chia cho tổng dân số, bao gồm cả trẻ em và người hưởng lương hưu.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
2. Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng,
3. Quyết định số 2640/2017/QĐBNV phê duyệt Đề án “Đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước từ năm 2017 2020”
4. Quyết định số 468/QĐ -TTg ngày 26/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.
5. Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 23/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử
6. Tổng Cục Thống kê. Báo cáo năng suất lao động của Việt Nam giai đoạn 2011-2020, Hà Nội, 2011.
TS. Nguyễn Thị Hà – TS. Phạm Thị Diễm
Học viện Hành chính Quốc gia