Giải pháp cải cách thủ tục hành chính của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

(Quanlynhanuoc.vn) – Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam luôn gương mẫu, đi đầu trong việc cải cách thủ tục hành chính nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước. Một trong các phương pháp để thực hiện nhiệm vụ trên là việc áp dụng các phần mềm, công cụ, chương trình hỗ trợ kiểm tra các tỷ lệ bảo đảm an toàn hoạt động của các quỹ tín dụng nhân dân. Đây là chương trình tự động tính toán và kiểm tra khoảng 90% chi tiêu định tính của các quỹ tín dụng nhân dân; đối chiếu, so sánh so với các quy định hiện hành, từ đó liệt kê các thời điểm vi phạm hoặc cảnh báo sắp chạm ngưỡng vi phạm; giúp tiết kiệm, chống lãng phí, giảm khoảng 80% – 90% thời gian, nhân lực so với cách làm thông thường.
Bối cảnh cải cách thủ tục hành chính của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Cải cách hành chính là một trong các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước đã được cụ thể hóa bằng các văn bản, quy định, như: Kết luận số 28-KL/TW ngày 21/02/2022 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Kết luận số 40-KL/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022 – 2026; Quy định số 70-QĐ/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị về quản lý biên chế của hệ thống chính trị.

Để cụ thể hóa các chủ chương, chính sách trên của Đảng, Chính phủ và ngành Ngân hàng đã cụ thể hóa bằng các văn bản pháp luật có liên quan, như: Quyết định số 1046/QĐ-TTg ngày 06/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoach triển khai Kết luận số 28-KL/TW ngày 21/02/2022 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Quyết định số 2020/QĐ-NHNN ngày 30/11/2022 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kế hoạch thực hiện Quyết định số 1046/QĐ-TTg ngày 06/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Quyết định số 117/QĐ-NHNN ngày 30/01/2023 ban hành Chương trình hành động của ngành Ngân hàng về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) năm 2023.

Ngày 11/5/2021, Thống đốc NHNN Việt Nam ký ban hành Quyết định số 810/QĐ-NHNN phê duyệt “Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã đề ra 9 nhiệm vụ và giải pháp chính với quan điểm xuyên suốt là đặt doanh nghiệp, người dân làm trung tâm phục vụ. Và, trên tinh thần Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, từ năm 2020 đến nay NHNN đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 2 quyết định phê duyệt phương án đơn giản hóa 33 quy định thuộc 4 nhóm ngành nghề kinh doanh. NHNN đã hoàn thành thực thi 27/33 quy định đơn giản hóa theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ bảo đảm đúng thời gian theo yêu cầu tại phương án đề ra. Trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, NHNN đã ban hành 23 thông tư sửa đổi, bổ sung, đơn giản hóa 101 thủ tục hành chính (TTHC), trong đó tập trung vào 2 lĩnh vực chính là hoạt động ngoại hối (43/101, chiếm 39%) và thủ tục thành lập và hoạt động ngân hàng (50/101, chiếm 46%) để tạo thuận lợi hơn cho tổ chức tín dụng, doanh nghiệp và người dân.

Mới đây, theo Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ công bố chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính, chỉ số cải cách hành chính năm 2022, NHNN đã xuất sắc giữ vị trí thứ nhất và là lần thứ 7 dẫn đầu các bộ về chỉ số cải cách hành chính (Par index).

Hiện tại, NHNN có 346 TTHC (thống kê tại trang web www.dichvucong.gov.vn tại thời điểm ngày 30/6/2023), trong đó nhiều TTHC cần thực hiện đối với các quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) tại NHNN chi nhánh tỉnh. Các TTHC hầu hết đều phải qua bước thu thập, cập nhật số liệu đầu vào trong phạm vi rộng, bao quát toàn bộ các chỉ số hoạt động của QTDND trên địa bàn và cần tốn nhiều thời gian để tổng hợp, phân tích, đánh giá, như: thủ tục chấp thuận thay đổi mức vốn điều lệ của QTDND (mã thủ tục 1.001579); thủ tục chấp thuận thay đổi nội dung, phạm vi hoạt động của QTDND (mã thủ tục 1.001616). Việc thực hiện đưa ra nhận xét, ý kiến, quyết định thực hiện thủ tục thường tốn nhiều thời gian do cách lấy số liệu các chỉ tiêu cần thiết toàn địa bàn còn chậm, số lượng chỉ tiêu cần thiết nhiều.

Đối với hoạt động chuyên môn nghiệp vụ cụ thể, trong đó có công tác thanh tra, giám sát đó là việc thanh tra, giám sát an toàn hoạt động của các QTDND trên địa bàn, là một trong những nhiệm vụ chính của thanh tra, giám sát ngân hàng chi nhánh tỉnh. Thực hiện yêu cầu công tác giám sát an toàn vi mô theo quy định tại Thông tư số 08/2022/TT-NHNN ngày 30/6/2022 (thay thế Thông tư số 08/2017/TT-NHNN ngày 01/8/2017), các văn bản sửa đổi, bổ sung và căn cứ vào “Sổ tay Giám sát Ngân hàng” được cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng ban hành. Trong Sổ tay có nhiều nhóm chỉ tiêu dùng để phân tích giám sát an toàn vi mô, số liệu được lấy trên hệ thống thông tin báo cáo. Công tác giám sát hoạt động và thanh tra QTDND tại NHNN chi nhánh thời gian qua ngày càng mang tính quan trọng và cấp bách, vì các quỹ thường có quy mô nhỏ, hoạt động mang tính chất đặc trưng “địa phương, gia đình”, dẫn đến độ rủi ro hoạt động, điều hành cao và một số NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố đã xảy ra hiện tượng đổ vỡ, phải can thiệp đưa vào diện cần kiểm soát.

Chính vì những lý do trên, NHNN rất chú trọng tới việc quản lý hoạt động của các QTDND nhằm bảo đảm an toàn, hiệu quả và phát triển, cụ thể cơ quan quản lý yêu cầu thường xuyên thanh tra các QTDND (gửi công văn nhắc nhở NHNN chi nhánh từ 2 năm trở lên chưa thanh tra QTDND; gửi công văn yêu cầu NHNN chi nhánh tỉnh tăng cường quản lý QTDND với cường độ hàng quý) và yêu cầu giám sát hoạt động các QTDND thông qua số liệu trên hệ thống báo cáo thống kê tập trung theo quy định tại Thông tư số 35/2015/TT-NHNN ngày 31/12/2015 (được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 11/2018/TT-NHNN và hướng dẫn, bổ sung theo Công văn số 2947/NHNN-DBTK ngày 02/5/2018).

Hệ thống thông tin báo cáo tập trung đối với các QTDND bao gồm nhiều biểu báo cáo (các khoảng thời gian QTDND phải báo cáo trên hệ thống thông tin của mỗi QTDND là 3 file hàng ngày, 19 file tháng, 5 file quý và 5 file năm). Biểu số liệu thường là chỉ tiêu thô với tổng số biểu báo cáo hằng tháng của các QTDND lớn, dẫn đến việc tổng hợp các chỉ tiêu phục vụ thanh tra, giám sát an toàn, khoanh vùng để đi thanh tra, chấm điểm xếp hạng hàng năm, cảnh báo hoạt động và thực hiện các TTHC ISO gặp nhiều khó khăn, mất thời gian của cán bộ chuyên môn mà hiệu quả quản lý nhà nước chưa cao.

Ứng dụng phần mềm OneClick_Check_QTDND được viết bằng Code VBA nền tảng Microsoft Office Excel chạy tốt trên máy tính cấu hình tối thiểu Windowns 7 và Office 2010, dùng để hỗ trợ quản lý các QTDND trên địa bàn. Chỉ với một lần nhấp chuột sẽ bóc tách các file biểu mẫu từ hệ thống thông tin báo của NHNN do các QTDND gửi lên, sau đó tổng hợp số liệu từ các biểu mẫu rời rạc, chiết xuất thông tin, tổng hợp thành các chỉ tiêu hoàn thiện và kiểm tra tính chính xác của số liệu so với các quy định pháp luật hiện hành phục vụ việc quản lý nhà nước đối với các QTDND.

Tiếp tục phát huy những hiệu quả đạt được, liên tục cập nhật và hoàn thiện hơn nữa chương trình phần mềm,đáp ứng nhu cầu thực tiễn đòi hỏi ngày càng cao trong công tác quản lý QTDND trên địa bàn. Đến thời điểm hiện tại, chương trình có 3 chức năng để tối ưu quá trình thực hiện nhiệm vụ của chi nhánh NHNN các tỉnh trong việc quản lý hoạt động các QTDND trên địa bàn gồm:
1. Chức năng kiểm tra một quỹ tại nhiều thời điểm: chỉ một lần nhấn chuột để bóc tách, kiểm tra, đưa ra cảnh báo, khuyến nghị nếu có của một QTDND tại nhiều thời điểm.
2. Chức năng kiểm tra nhiều quỹ tại một thời điểm: chỉ một lần nhấn chuột để bóc tách, kiểm tra, đưa ra cảnh báo, khuyến nghị nếu có của toàn bộ QTDND tại một thời điểm.
3. Chức năng kiểm tra một quỹ tại một thời điểm: chỉ một lần nhấn chuột để bóc tách, kiểm tra, đưa ra cảnh báo, khuyến nghị nếu có của một QTDND tại một thời điểm.

Khi sử dụng phần mềm OneClick_Check_QTDND, ước lượng giảm được từ 70% – 90% khối lượng thời gian để thực hiện và việc thực hiện công việc chỉ cần một người đảm nhiệm, thay vì cần nhiều nhân sự như trước đây.

Thông qua việc phát triển công cụ hỗ trợ cho công chức thực hiện nhiệm vụ chuyên môn nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với nhiệm vụ thanh tra, giám sát trên cơ sở sử dụng phần mềm “OneClick_Check_QTDND”. Với chỉ một lần chạm/nhấn chuột sẽ bóc tách toàn bộ các file dữ liệu báo cáo thống kê tập trung cần thiết thành các chỉ tiêu phục vụ việc thanh tra, kiểm tra và quản lý các QTDND trên địa bàn tỉnh, thành phố một cách hiệu quả, tiết giảm thời gian từng nhiệm vụ chuyên môn cụ thể ước khoảng từ 60% – 90% so với cách làm trước đây chỉ với một nhân sự thực hiện.

Việc áp dụng công nghệ thông tin bằng lập trình Code VBA vào thực tế chuyên môn, là một trong các phương pháp để triển khai nhân rộng ra toàn bộ các chi nhánh NHNN để giúp công việc được diễn ra nhanh chóng, chính xác, thuận tiện, đáp ứng tốt nhiệm vụ được giao trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, thực hiện tinh giản biên chế, giảm chi phí, thực hành tiết kiệm đang diễn ra tại toàn bộ các bộ, ngành, địa phương.

Kết quả ứng dụng chương trình OneClick_Check_QTDND góp phần cải cách thủ tục hành chính, tiết kiệm, chống lãng phí của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Một là, góp phần nâng cao hiệu quả trong việc thực hiện cải cách TTHC.

Đối với một số TTHC mà trong quy trình quy định phải nhận xét số liệu hoạt động (tổng tài sản, dư nợ, huy động, tỷ trọng nợ xấu…và nhiều tiêu chí khác) để đề xuất ra kết quả của thủ tục thì việc sử dụng phần mềm OneClick_Check_QTDND ước lượng giảm 50% khoảng thời gian cần thiết để thực hiện các TTHC như: thủ tục chấp thuận thay đổi mức vốn điều lệ của QTDND (mã thủ tục 1.001579); thủ tục chấp thuận thay đổi nội dung, phạm vi hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân (mã thủ tục 1.001616). Các thủ tục này đòi hỏi NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố phải tính toán và kiểm tra tất cả các chỉ tiêu theo quy định, từ đó xác định được hiệu quả hoạt động của quỹ trong năm tài chính; đồng thời tính toán được việc phân phối lợi nhuận sau thuế theo quy định.

Để làm được điều này, trước đây, cán bộ thực hiện chọn mẫu thời điểm để tính toán, đồng thời tính toán các chỉ tiêu thủ công, kết quả vẫn có rủi ro do chỉ chọn mẫu thời điểm tính toán đồng thời tốn khoảng thời gian khá dài khoảng 4 – 6 ngày.

Hiện nay, khi sử dụng phần mềm chương trình OneClick_Check_QTDND sẽ hỗ trợ thực hiện các công việc tính toán, kiểm tra một cách hoàn toàn tự động, giúp việc trả lời ý kiến, đưa ra các quyết định chấp thuận TTHC một cách chính xác (tính toán, kiểm tra 100% các thời điểm thay vì chọn mẫu) và giảm thời gian thực hiện xuống còn 1 – 2 ngày (ước lượng giảm thêm khoảng 50% thời gian so với cách làm trước đây).

Hai là, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về thanh tra, giám sát. Đây là một trong những hiệu quả rõ rệt nhất khi sử dụng phần mềm ứng dụng OneClick_Check_QTDND được thể hiện qua từng chức năng cụ thể như sau:

(1) Chức năng hỗ trợ thông tin cảnh báo vi phạm hoạt động theo quy định tại Thông tư số 32/2015/TT-NHNN quy định về tỷ lệ bảo đảm an toàn hoạt động của QTDND (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 21/2019/TT-NHNN) gồm: giá trị thực của vốn điều lệ; tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu; tỷ lệ khả năng chi trả 1 ngày và 7 ngày; tỷ lệ huy động ngắn hạn cho vay trung, dài hạn; tỷ lệ huy động của thành viên/tổng huy động; tỷ lệ dư nợ cho vay của thành viên/vốn tự có; tỷ lệ nợ cần chú ý, tỷ lệ nợ xấu; tỷ trọng lãi và phí phải thu so với kết quả kinh doanh; tỷ trọng lãi và phí phải trả so với tổng tiền huy động.

(2) Chức năng tính toán và cảnh báo về việc trích lập phân phối các quỹ của lợi nhuận sau thuế hàng năm theo quy định tại Nghị định số 97/2017/NĐ-CP và Thông tư số 20/2018/TT-BTC gồm: quỹ đầu tư và phát triển; quỹ dự phòng tài chính; quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ; chênh lệch giữa quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ so với vốn điều lệ; tỷ lệ giá trị còn lại của tài sản cố định so với vốn điều lệ và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ.

(3) Chức năng hỗ trợ khoanh vùng các khoảng thời gian có rủi ro cao để đoàn thanh tra trực tiếp thiết lập được thời gian đáng lưu ý, cần tập trung thanh tra (đây là tiền đề của hoạt động thanh tra trên cơ sở rủi ro).

Chức năng hỗ trợ tính toán tới 50% chỉ tiêu chấm điểm xếp hạng tín dụng hằng năm (khoảng 90% các chỉ tiêu định tính) theo Thông tư số 42/2016/TT-NHNN (được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 05/2021/TT-NHNN).

Đặc điểm tối ưu của chương trình là khi tự động kiểm tra, phát hiện các chỉ tiêu gần vi phạm thì liệt kê cụ thể từng đơn vị, từng thời điểm vi phạm để cán bộ quản lý tham mưu các công văn cảnh báo cần thiết. Ngược lại, khi chương trình phát hiện các sai phạm hiện hữu so với các quy định hiện hành thì sẽ liệt kê ra các đơn vị vi phạm và thời điểm vi phạm để cơ quan quản lý thực hiện tiếp các thủ tục xử lý theo quy định.

Ba là, giúp các đơn vị thuộc NHNN thực hiện tốt việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; giải phóng được sức lao động, nguồn nhân lực, trong khi đó vẫn thực hiện tốt công việc được giao trong thời kỳ thực hiện “tinh giản biên chế”.

Các công việc chuyên môn thực hiện báo cáo, kiểm tra, đánh giá một cách tự động sẽ giúp cơ quan, đơn vị tiết kiệm được thời gian thực hiện công việc ước tính mỗi chi nhánh NHNN sẽ giảm khoảng 1.000 giờ làm việc mỗi năm. Ngoài ra, việc tin học hóa và lưu trữ file điện tử báo cáo sẽ giúp tiết giảm đáng kể chi phí vận hành về giấy mực, máy in, điện nước,… phù hợp với quy định hiện tại của Chính phủ và của NHNN Việt Nam. Tại Quyết định số 117/QĐ-NHNN ngày 30/01/2023 của NHNN Việt Nam ban hành Chương trình hành động của ngành Ngân hàng về THTK, CLP năm 2023 có quy định nhiều yêu cầu, trong đó đáng chú ý là:

– Các chỉ tiêu THTK, CLP trong các lĩnh vực phải được lượng hóa tối đa, phù hợp với tình hình thực tế, phải bảo đảm thực chất, có cơ sở cho việc đánh giá, kiểm tra, giám sát kết quả theo quy định.

– THTK, CLP phải gắn với tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát, thúc đẩy cải cách hành chính, sắp xếp tổ chưc bộ máy tinh gọn, hoạt động, hiệu quả, hiệu lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

– THTK, CLP phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, mọi lúc, mọi nơi với sự tham gia của tất cả cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Nghiệp vụ phát sinh của QTDND ngày càng nhiều và phức tạp, cùng với đó là việc chuyển đổi số, áp dụng công nghệ thông tin tại các QTDND có tốc độ nhanh đáng kể so với thời điểm trước đây. Trong khi đó, theo yêu cầu của Chính phủ và của NHNN Việt Nam quy định về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thì số lượng biên chế phải có lộ trình giảm hằng năm. Một trong hai mục đích chính của Kế hoạch ban hành kèm theo Quyết định số 2020/QĐ-NHNN ngày 30/11/2022 là “ 2. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị; thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế ”.

Chính vì vậy, việc sử dụng công nghệ thông tin vào từng công việc chuyên môn cụ thể sẽ giúp công việc nhanh, chính xác và đặc biệt giải phóng được nguồn nhân lực khỏi các công việc tính toán mang tính thủ công. Thời gian và nhân lực tiết kiệm được sẽ giúp các đơn vị làm được khối lượng công việc nhiều hơn, khó khăn hơn, nâng cao hiệu quả của công việc hiện tại hơn. Mặt khác, việc dễ dàng thao tác sử dụng sẽ giúp công việc chuyên môn tại chi nhánh NHNN tỉnh được hoạt động thường xuyên và liên tục kể cả trong hoàn cảnh nhân sự mới tuyển dụng, chuyển đổi vị trí việc làm… Bởi vì với ứng dụng phần mềm này, người sử dụng chỉ cần thao tác một lần nhấn chuột sau đó phần mềm sẽ tự động bóc tách ra thành các chỉ tiêu, kiểm tra, đối chiếu với các quy định hiện hành đáp ứng gần hết nhu cầu của người sử dụng và lãnh đạo.

Một số trao đổi, thảo luận khi ứng dụng chương trình OneClick_Check_QTDND

Việc đề xuất sử dụng công nghệ thông tin vào công việc chuyên môn, điển hình như các ứng dụng chương trình OneClick sẽ thúc đẩy quá trình cải cách thủ tục hành; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước của các NHNN chi nhánh tỉnh; và là một trong các biện pháp hữu hiệu để tiết giảm chi phí, thời gian, nhân lực đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số, tiết kiệm chống lãng phí và tinh giản biên chế của NHNN Việt Nam. Tuy nhiên, thực tiễn ngoài ứng dụng được viết bằng ngôn ngữ lập trình Visual Basic for Applications (Code VBA) còn rất nhiều ngôn ngữ lập trình khác có thể sử dụng để sáng tạo các công cụ hỗ trợ công việc như ngôn ngữ R, PyThon, C++, vậy tại sao lại sử dụng ngôn ngữ lập trình Visual Basic for Applications?

Code VBA có các ưu điểm vượt trội so với các ngôn ngữ lập trình khác: (1) Đây là ngôn ngữ lập trình có sẵn trên tất cả các máy tính và các bộ chuyên môn đều đã có nền tảng sử dụng Office sẽ dễ dàng trong việc tiếp cận; (2) Không cần phải cài đặt thêm các chương trình chuyên biệt khác; (3) Cán bộ, công chức có thể tự tham khảo, tự học tập và áp dụng Code VBA vào nhiệm vụ chuyên môn đang thực thi mà hầu như không cần đào tạo lập trình chuyên sâu, kinh phí đào tạo nếu có thì cũng không đáng kể.

Câu hỏi đặt ra là: Việc áp dụng Code VBA để sáng tạo, lập trình ra các công cụ ứng dụng vào công việc thực tế có bị trùng lắp với các đề án về công nghệ thông tin đang được thực hiện tại NHNN hay không?

Mặc dù NHNN đang triển khai nhiều dự án, phương án nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, trong đó có các phân hệ báo cáo thống kê tập trung, phân hệ hỗ trợ giám sát từ xa… Đây lại là các dự án lớn của ngành và dữ liệu được tập trung để phân quyền khai thác về các đơn vị, nhược điểm là khai thác dữ liệu tập trung nên hầu hết được khai thác trực tuyến (Online), việc truy suất dữ liệu vẫn còn mất thời gian, chưa thể khai thác nhiều tiêu chí cần thiết trong cùng một thời điểm. Việc này có thể khắc phục được bằng cách sử dụng các công cụ hỗ trợ, chương trình tách rời chạy Offline (như ứng dụng OneClick_Chck_QTDND), vừa hiệu quả trong khai thác, linh hoạt trong việc nâng cấp và đáp ứng gần như hầu hết các nhu cầu khai thác dữ liệu tại NHNN chi nhánh tỉnh. Có thể nói rằng việc phát triển các công cụ hỗ trợ tại chi nhánh NHNN góp phần nâng cao hiệu quả của các hệ thống công nghệ thông tin hiện có, hệ thống báo cáo thống kê tập trung của NHNN lên một cách tối ưu.

Đề xuất và khuyến nghị

Để hoàn thành công cuộc cải cách hành chính, chuyển đổi số, đồng thời với việc THTK, CLP và tinh giản biên chế đang diễn ra nhanh chóng, phù hợp với thời kỳ mới sẽ cần thiết phải có nhiều giai đoạn, phương án và kế hoạch cụ thể, phối hợp đồng bộ từ trung ương đến địa phương, từ hoạch định chính sách đến thực thi nhiệm vụ.

Thứ nhất, cần có kế hoạch nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin đồng bộ từ trung ương tới địa phương cho phù hợp với tình hình mới.

Thứ hai, thực hiện đào tạo nhân sự cũ hoặc tuyển dụng nhân sự mới ngoài chuyên môn vững vàng còn cần có nền tảng về công nghệ, kỹ thuật để có thể làm việc trong môi trường số đang ngày càng đổi mới, phù hợp với quá trình công nghệ hóa việc chuyên môn.

Thứ ba, cần có chế độ đãi ngộ, ưu tiên bồi dưỡng, bổ nhiệm các cán bộ chuyên môn có tư duy năng động, sáng tạo trong công việc. Khuyến khích cán bộ chuyên môn áp dụng công nghệ thông tin vào từng công việc chuyên môn cụ thể, bởi như chúng ta đã biết nếu nhìn một công việc chuyên môn thì sẽ thấy đơn giản nhưng với số lượng công việc lớn và nhiều đơn vị chi nhánh thì mỗi việc đều được công nghệ hóa sẽ giúp toàn ngành Ngân hàng thực hiện được nhanh chóng quá trình cái cách hành chính, điển hình như áp dụng chương trình OneClick_Check_QTDND.

Thứ tư, khuyến khích triển khai các phần mềm, sáng kiến áp dụng có hiệu quả tại chi nhánh tỉnh khởi tạo, sau khi được cấp có thẩm quyền xem xét nghiệm thu cần mở rộng áp dụng tại các chi nhánh NHNN trên toàn quốc để có thể sử dụng một cách đồng bộ sáng kiến, đồng thời sẽ có nhiều ý kiến cái tiến, góp ý để hoàn thiện thêm các phần mềm, sáng kiến hiện hữu.

Tài liệu tham khảo:
1. Thông tư số 32/2015/TT-NHNN ngày 31/12/2015 của Ngân hàng Nhà nước quy định về tỷ lệ bảo đảm an toàn hoạt động của Quỹ Tín dụng nhân dân.
2. Thông tư số 35/2015/TT-NHNN ngày 31/12/2015 của Ngân hàng Nhà nước quy định về báo cáo thống kê của các tổ chức tín dụng (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 11/2018/TT-NHNN và hướng dẫn, bổ sung bởi Công văn số 2947/NHNN-DBTK ngày 02/5/2018).
3. Thông tư số 42/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Ngân hàng Nhà nước quy định về xếp hạng Quỹ Tín dụng nhân dân.
4. Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 07/8/2017 của Chính phủ quy định về chế độ tài chính của các tổ chức tín dụng.
5. Thông tư số 21/2019/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định về Quỹ Tín dụng nhân dân.
6. Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 20212030.
7. Quyết định số 810/QĐ-NHNN ngày 11/5/2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt “Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
8. Quyết định số 2020/QĐ-NHNN ngày 30/11/2022 ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 1046/QĐ-TTg ngày 06/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai Kết luận số 28-KL/TW ngày 21/02/2022 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Kết luận số 40-KL/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống trính trị giai đoạn 20222026 và Quy định số 70-QĐ/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị về quản lý biên chế của hệ thống chính trị.

ThS. Nguyễn Quốc Hoàn – Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa
ThS. Nguyễn Thị Thục – Học viện Ngân hàng