Một số kiến nghị nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Phật giáo quốc tế Trung ương

(Quanlynhanuoc.vn) – Ban Phật giáo quốc tế Trung ương trực thuộc Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam có chức năng, nhiệm vụ thực hiện các chương trình và kế hoạch hợp tác phật giáo quốc tế dưới sự chuẩn y của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Hoạt động của Ban Phật giáo quốc tế Trung ương đã đạt những thành tựu nhất định. Bài viết đề xuất một số giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả của Ban Phật giáo quốc tế Trung ương trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ quan hệ Phật giáo quốc tế theo tinh thần hòa bình, hữu nghị, đoàn kết tôn giáo với các nước trên thế giới.
Đại lễ Vesak 2019 với chủ đề: “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững” đã thu hút được 1.650 đại biểu quốc tế từ 112 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự.
Một số kết quả hoạt động của Ban Phật giáo quốc tế Trung ương thời gian qua

Với tinh thần hòa bình, hữu nghị, đoàn kết với các nước Phật giáo trên thế giới để hợp tác hoằng dương chính pháp, góp phần củng cố hòa bình nhân loại, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao, thân hữu với nhiều nước theo Phật giáo, như: Lào, Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ, Sri Lanka, Thái Lan, Mianma, Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Singapo, Inđônêxia và một số nước châu Âu, Bắc Mỹ…

Giáo hội Phật giáo Việt Nam là thành viên tích cực, năng động trong ngôi nhà chung của Phật giáo quốc tế, tích cực xây dựng mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giao lưu văn hóa giữa Phật giáo Việt Nam và các nước Phật giáo trên thế giới về mọi mặt văn hóa, kiến trúc, học thuật, kinh nghiệm tu học, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tích cực thể hiện vai trò quan hệ Phật giáo quốc tế của mình với tư cách là thành viên của các tổ chức quốc tế.

Không chỉ đóng góp tiếng nói của mình tại các tổ chức Phật giáo quốc tế, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã khẳng đinh vị trí và vai trò của mình trong cộng đồng Phật giáo thế giới thông qua các hoạt động giao lưu quốc tế khác, trước tiên là tham gia các kỳ Đại lễ Vesak – một lễ hội văn hóa, tôn giáo quốc tế của Liên Hiệp quốc nhằm tôn vinh giá trị đạo đức, văn hóa, tư tưởng hòa bình, đoàn kết hữu nghị của đức Phật. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã 6 lần tham dự Đại lễ Phật đản Liên Hiệp quốc tại Thái Lan và 2 lần Đại lễ Phật đản Liên Hiệp quốc tại New York… đã tổ chức thành công Đại lễ Phật đản Liên Hiệp quốc (Vesak) vào các năm 2008, 2014, 2019 tại Việt Nam. Đây cũng là dịp để giới thiệu, quảng bá về đất nước, con người, văn hoá Việt Nam, nhất là văn hóa Phật giáo ngày càng sâu sắc trong lòng bạn bè quốc tế.

Đặc biệt, Đại lễ Vesak 2019 với chủ đề: “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”. Đại lễ đã thu hút được 1.650 đại biểu quốc tế từ 112 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự, trong đó có nhiều vị tăng vương, tăng thống, lãnh đạo giáo hội, nhà nghiên cứu… cùng hơn 20.000 đại biểu là phật tử, Nhân dân trong nước. Đại lễ Vesak là sự kiện đối ngoại quan trọng khẳng định với cộng đồng quốc tế về sự quan tâm của Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với đời sống tự do tôn giáo của Nhân dân; khẳng định vị thế, trách nhiệm của Việt Nam đối với Liên Hợp quốc, đồng thời, là cơ hội tốt để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới, tăng cường du lịch góp phần phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương và đề nghị UNESCO công nhận quần thể danh thắng Hương Sơn (Hà Nội), Tam Chúc (Hà Nam), Đồng Tâm (Hoà Bình), Vân Long (Ninh Bình) là di sản văn hoá, thiên nhiên thế giới.

Ban Phật giáo quốc tế Trung ương thời gian qua đã tích cực tham gia công tác giáo dục đào tạo hàng vạn tăng, ni sinh theo học tại các học viện và các trường Phật học các cấp trong cả nước, đặc biệt là giới thiệu hàng nghìn tăng, ni sinh du học chương trình thạc sỹ và tiến sỹ phật học tại các nước, như: Ấn Độ, Trung Quốc, Myanmar, Sri Lanka, Thái Lan, Pháp, Nhật, Mỹ, Úc và Đài Loan… Ngoài ra, Ban Phật giáo quốc tế Trung ương cũng tích cực trong hoạt động sưu tập tài liệu Phật giáo các nước, dịch thuật và xuất bản, phổ biến ấn phẩm Phật học; trong đó đã hoàn thiện việc biên soạn và ấn hành tập sách “Lược sử Phật giáo Việt Nam qua từng thời kỳ và giới thiệu về cơ cấu tổ chức hành chính của Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay” bằng 2 ngôn ngữ Việt – Anh, sau đó tiếp tục phiên dịch ra các ngôn ngữ, như: Trung Quốc, Nhật, Hàn, Pháp… nhằm giới thiệu cho các nước và tổ chức Phật giáo trên thế giới hiểu rõ và chính xác hơn về Giáo hội Phật giáo Việt Nam; tổ chức dịch sách của các nước về tôn giáo sang tiếng Việt và từ tiếng Việt sang tiếng Anh, sách trắng về tôn giáo, văn bản pháp luật về tôn giáo (song ngữ)…

Với tinh thần từ bi cứu khổ của đạo Phật và đạo lý dân tộc Việt Nam “lá lành đùm lá rách, một miếng khi đói bằng một gói khi no”, Ban Phật giáo quốc tế Trung ương phối hợp với các ban, viện trong Hội đồng Trị sự và Ban Trị sự các tỉnh, thành hội và tăng, ni, tín đồ Phật tử đã nỗ lực vận động tài chính, phẩm vật, cứu trợ Nhân dân các nước bị thiên tai, lũ lụt, tàn phá; phối hợp cùng các Hội Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại hỗ trợ nhiều mặt cho đồng bào và tín đồ Phật tử Việt Nam đang sinh sống ở nhiều nước bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19… Giáo hội Phật giáo Việt Nam liên tục phát động Chương trình kêu gọi tăng, ni, tín đồ Phật tử tham gia ủng hộ cho Quỹ Vaccine phòng và chống Covid-19 cũng như thể hiện tinh thần chia sẻ trên tinh thần cộng đồng quốc tế.

Có được những thành tựu trên là do Ban Phật giáo quốc tế Trung ương nhận được sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự và sự giúp đỡ nhiệt tình của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Tôn giáo Chính phủ cùng các cơ quan nhà nước hữu quan. Sự lãnh đạo trực tiếp, quyết liệt của Ban Phật giáo quốc tế Trung ương trong các hoạt động Phật sự. Sự đoàn kết đồng lòng của tập thể Ban Phật giáo quốc tế Trung ương, mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa các tăng, ni, tín đồ Phật tử và toàn thể Nhân dân tín ngưỡng đạo Phật…

Một số kiến nghị tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Phật giáo quốc tế Trung ương thời gian tới

Một là, tiếp tục củng cố, ổn định tổ chức và kiện toàn nhân sự Ban Phật giáo quốc tế Trung ương; đồng thời, chú trọng đến phương thức phối hợp thực hiện các nhiệm vụ giữa các thành viên với Văn phòng Trung ương, cập nhật các thông tin về hoạt động quốc tế tại các Ban Trị sự với Trung ương Giáo hội.

Hai là, cần phân công, phân cấp chức năng, nhiệm vụ cho các thành viên Ban Phật giáo quốc tế Trung ương đảm nhận Phật sự theo khu vực và vùng lãnh thổ quốc gia; các Ban Trị sự có điều kiện cần thành lập Ban Phật giáo quốc tế tại các địa phương.

Ba là, chất lượng nguồn nhân lực của Ban Phật giáo quốc tế Trung ương dù đã được nâng cao nhưng chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động Phật sự trong tình hình mới hiện nay. Do đó, cần nâng cao chất lượng đội ngũ tăng, ni và tín đồ Phật tử thông qua việc chú trọng chất lượng giáo dục đào tạo tăng, ni. Tiếp tục đổi mới công tác tuyển sinh ở tất cả các hệ đào tạo nhằm bảo đảm chất lượng đầu vào và tiến hành cải cách giáo dục từ cơ cấu hệ thống đến chương trình, nội dung, phương pháp dạy – học, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo đại học và sau đại học, hướng tới đào tạo chuyên sâu về quan hệ quốc tế trong các tổ chức Phật giáo,…

Bốn là, Ban Phật giáo quốc tế Trung ương cần được trao đổi, cung cấp thông tin kịp thời và có sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ hơn nữa với các ban, Viện Trung ương và Ban Phật giáo quốc tế tại các tỉnh, thành phố trên toàn quốc để thực hiện có hiệu quả các hoạt động Phật sự đối ngoại.

Năm, tăng cường tổ chức các hoạt động gắn kết tín đồ Phật tử và Việt kiều đang sinh sống, làm việc tại nước ngoài; đẩy mạnh kết nối, hỗ trợ các Hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài để xây dựng tinh thần đạo pháp dân tộc, đoàn kết, tu học, tương than, tương trợ giữa tăng, ni, tín đồ Phật tử trong và ngoài nước, tạo cầu nối quan trọng để gìn giữ và quảng bá di sản truyền thống văn hóa Việt Nam và Phật giáo Việt Nam ra với thế giới.

Sáu, tăng cường hợp tác hữu nghị với các tổ chức, cơ sở, hội đoàn Phật giáo các nước; mở rộng hoạt động đối ngoại đa phương theo hướng ngoại giao văn hóa, ngoại giao Nhân dân; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 trong việc tổ chức hội nghị, hội thảo trực tuyến để thông tin tiếp cận đa chiều và kịp thời.

Kết luận

Trong xu thế phát triển, đổi mới và hội nhập toàn cầu của đất nước, trong tinh thần hòa bình và hữu nghị, đoàn kết với các nước Phật giáo trên thế giới, để hợp tác hoằng dương chính pháp và góp phần xây dựng, củng cố nền hoà bình cho nhân loại, Ban Phật giáo quốc tế Trung ương kể từ khi ra đời đến nay đã không ngừng hoàn thiện mọi mặt từ công tác tổ chức, hành chính, củng cố nhân sự, quan hệ ngoại giao, hoạt động Phật sự trong và ngoài nước… Nhờ đó, hoạt động của Ban Phật giáo quốc tế Trung ương đạt được nhiều kết quả viên mãn, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam, con người Việt Nam và Phật giáo Việt Nam yêu chuộng hòa bình, sẵn sàng làm bạn với tất cả các quốc gia trên thế giới, đập tan những âm mưu lợi dụng Phật giáo để gây chia rẽ, mất đoàn kết, phá hoại sự nghiệp xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa và thành quả cách mạng của Nhân dân Việt Nam.

Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo tổng kết Phật sự năm 2019 và phương hướng hoạt động năm 2020. https://vbgh.vn.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III. Tập I, II. NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, 2021.
3. Thích Thanh Điện (Chủ biên). 40 năm chặng đường lịch sử của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1981-2021). H. NXB Khoa học xã hội, 2021.
4. Lần thứ 3 Việt Nam đăng cai Đại lễ Vesak 2019. https://plo.vn, ngày 13/5/2019.
5. Báo cáo Tổng kết công tác Phật sự – 35 năm thành lập của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, do Thượng tọa Thích Đức Thiện, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự trình bày tại Đại lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, năm 2017.
Thu Hằng – Thu Hường