Một số yêu cầu mang tính nguyên tắc trong phòng ngừa lộ, mất bí mật nhà nước trong Quân đội nhân dân Việt Nam

(Quanlynhanuoc.vn) – Bí mật nhà nước trong Quân đội nhân dân Việt Nam tồn tại dưới nhiều hình thức, trên nhiều phương diện khác nhau, liên quan đến hoạt động chuyên môn của nhiều ngành, nhiều quân nhân nên dễ bị lộ, bị mất và luôn là mục tiêu chủ yếu của các cơ quan đặc biệt nước ngoài, các thế lực thù địch, các loại tội phạm và một số đối tượng khác hướng tới thu thập, đánh cắp để phục vụ cho các mưu đồ chính trị, mục đích kinh tế và các mục đích khác nhau. Do vậy, công tác “Phòng ngừa lộ, mất bí mật nhà nước trong Quân đội nhân dân Việt Nam” hiện nay thực sự là vấn đề thời sự, mang tính cấp thiết cả về lý luận và thực tiễn, cần được nghiên cứu làm rõ. 
Ảnh minh họa (qdnd.vn).
Tình hình công tác giữ gìn bí mật nhà nuớc

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác giữ gìn bí mật nhà nước. Người đã có nhiều bài viết, nói chuyện yêu cầu cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân thực hiện tốt công tác bảo vệ và giữ gìn bí mật nhà nước. Đặc biệt, Người đã dạy rằng: “Ta biết giữ bí mật, thì bọn Việt gian mật thám khó mà hoạt động, ta biết giữ bí mật, thì dù địch có trăm tai, ngàn mắt, cũng không dò được tin tức của ta. Vì vậy, biết giữ bí mật, tức là đã nắm chắc một phần thắng lợi trong tay ta”1. Thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác giữ gìn bí mật nhà nước, bí mật quân sự; quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc cũng như giai đoạn hiện nay, công tác giữ gìn, bảo vệ, phòng ngừa lộ, mất bí mật nhà nước trong Quân đội nhân dân Việt Nam luôn được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, các cơ quan chức năng, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị, nhà trường trong toàn quân quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và đạt được những kết quả quan trọng.

Tuy nhiên, những năm gần đây, các thế lực thù địch luôn sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn thâm độc, xảo quyệt để thu thập, đánh cắp bí mật nhà nước nói chung, bí mật nhà nước trong Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng nhằm chống phá đất nước và quân đội ta. Bên cạnh đó, ở một số cơ quan, đơn vị, nhà trường quân đội còn tồn tại sơ hở, thiếu sót, hạn chế trong công tác bảo vệ bí mật nhà nước; đã xuất hiện tình trạng quân nhân làm lộ, mất bí mật nhà nước thuộc phạm vi cơ quan, đơn vị, nhà trường quản lý; vẫn còn có quân nhân sử dụng các trang mạng xã hội, đăng tải, chia sẻ thông tin về cá nhân, đơn vị, thậm chí là những thông tin thuộc diện bí mật và thông tin có tính chất nhạy cảm, không tốt về nội bộ cơ quan, đơn vị. Đặc biệt, “vẫn còn một số cán bộ, chiến sĩ mất cảnh giác, chủ quan, thiếu ý thức trách nhiệm, tùy tiện trong phát ngôn mà không kiểm chứng thông tin hay đưa một số hình ảnh sai trái, gây phản cảm… Điều đáng chú ý là, “tình trạng lộ, lọt bí mật quân sự trên mạng internet và các phương tiện thông tin, truyền thông còn nhiều, nhất là tài liệu thuộc lĩnh vực quân sự, quốc phòng liên quan đến một số cơ quan, đơn vị, nhà trường, doanh nghiệp trong Quân đội…”2.

Việc làm lộ, để mất bí mật nhà nước trong Quân đội nhân dân Việt Nam đã trực tiếp xâm phạm đến chế độ quy định về bảo quản và giữ gìn bí mật nhà nước trong quân đội, làm cho bí mật đó không còn nguyên vẹn, gây ảnh hưởng đến nội bộ, khả năng hoàn thành nhiệm vụ của Quân đội, gây cản trở đến công tác đối ngoại quốc phòng, công tác đối ngoại của Đảng và đe dọa sự vững chắc của độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và sự tồn vong của chế độ; tạo cơ hội cho các thế lực thù địch, phản động, các phần tử bất mãn, chống đối ở trong và ngoài nước thu thập được thông tin nội bộ quân đội và sử dụng những thông tin này để chống phá quân đội, xuyên tạc, kích động làm ảnh hưởng tiêu cực đến bản chất, truyền thống tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”.

Công tác phòng ngừa lộ, mất bí mật nhà nước trong Quân đội nhân dân Việt Nam là quá trình chủ thể ban hành và tiến hành các biện pháp một cách chủ động, tích cực, tự giác, linh hoạt, sáng tạo nhằm phát hiện, ngăn chặn, hạn chế, triệt tiêu các yếu tố có thể trở thành nguyên nhân và điều kiện làm phát sinh hành vi gây lộ, mất bí mật nhà nước trong Quân đội nhân dân Việt Nam một cách thiết thực và hiệu quả. Do đó, các chủ thể phòng ngừa là cấp ủy, chi, đảng bộ các cấp, chính ủy, chính trị viên, người chủ trì đơn vị, cán bộ các cấp, các tổ chức quần chúng, hội đồng quân nhân và bản thân mỗi quân nhân, trong đó lực lượng nòng cốt đã làm tốt vai trò là cơ quan, cán bộ bảo vệ an ninh các cấp. Đối tượng phòng ngừa là những quân nhân có hành vi xâm hại, đe dọa xâm hại, gây lộ, mất bí mật nhà nước trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Vì vậy, mục đích phòng ngừa nhằm phát hiện, ngăn chặn, hạn chế, triệt tiêu các yếu tố có thể trở thành nguyên nhân và điều kiện dẫn đến quân nhân phát sinh hành vi gây lộ, mất bí mật nhà nước trong Quân đội nhân dân Việt Nam một cách thiết thực và hiệu quả, bảo đảm cho Quân đội hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mọi tình huống.

Giải pháp tăng cường công tác phòng ngừa lộ, mất bí mật nhà nước trong Quân đội nhân dân Việt Nam

Như trên đã phân tích, nên đẩy mạnh việc sử dụng tổng thể các biện pháp phòng ngừa từ sớm, từ xa, chủ động phòng ngừa, giữ vững bên trong là chính; chú trọng việc nâng cao nhận thức của cấp ủy, chi, đảng bộ các cấp, chính ủy, chính trị viên, người chủ trì đơn vị, cán bộ các cấp và từng quân nhân về tính chất nguy hiểm của việc bị lộ, mất bí mật nhà nước trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quy phạm nội bộ về bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong Bộ Quốc phòng; tăng cường hoạt động kiểm soát, phát hiện, vô hiệu hóa các hoạt động thu thập tin tức tình báo, cài cắm, móc nối, thu thập, đánh cắp lộ, mất bí mật nhà nước trong Quân đội nhân dân Việt Nam từ các thế lực thù địch, phản động, nhất là cơ quan đặc biệt nước ngoài… Để thực hiện tốt các nội dung này, cần tập trung vào các giải pháp sau:

Một là, quán triệt và thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của Quân đội về công tác bảo vệ bí mật nhà nước.

Đây là yêu cầu cơ bản chỉ đạo mọi hoạt động trong công tác phòng ngừa lộ, mất bí mật nhà nước trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của Quân đội trong công tác bảo vệ bí mật nhà nước là nền tảng cơ sở, định hướng các đơn vị trong Quân đội xác định đúng những vấn đề căn bản, cần thiết và các giải pháp khả thi trong phòng ngừa lộ, mất bí mật nhà nước trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

Yêu cầu đòi hỏi cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong Quân đội cần làm tốt công tác quán triệt và thực hiện đúng nội dung đề ra tại các văn bản của Đảng, Nhà nước và Quân đội về công tác bảo vệ bí mật nhà nước. Thực hiện nghiêm túc chế độ công tác quản lý, duy trì kỷ luật, các quy định về phòng bảo quản và giữ bí mật, bảo vệ chính trị nội bộ, bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, bảo vệ bí mật nhà nước, bí mật quân sự, các quy định cấm khi quân nhân truy cập internet, tham gia mạng xã hội… Xem đây là cơ sở pháp lý quan trọng để quản lý tốt con người và nâng cao hiệu quả phòng ngừa lộ, mất bí mật nhà nước trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

Hai là, phòng ngừa lộ, mất bí mật nhà nước trong Quân đội nhân dân Việt Nam phải đặt dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, chỉ huy cơ quan, đơn vị các cấp, sự chỉ đạo nghiệp vụ của cơ quan chuyên trách và phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, lực lượng có liên quan.

Đây là yêu cầu có tính nguyên tắc bắt buộc, bảo đảm cho công tác phòng ngừa lộ, mất bí mật nhà nước trong Quân đội nhân dân Việt Nam có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, diễn ra theo kế hoạch, tránh lệch lạc, tùy tiện, xa rời thực tế, xa rời nguyên tắc và mục đích và có sự vào cuộc của mọi lực lượng trong quá trình phòng chống.

Yêu cầu này đòi hỏi sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp thông qua các hình thức sinh hoạt, từ cấp ủy đến chi, đảng bộ, từ sinh hoạt lãnh đạo, sinh hoạt tự phê bình và phê bình, sinh hoạt kỷ luật (nếu có quân nhân vi phạm), xây dựng nghị quyết chuyên đề, phân công cấp ủy viên phụ trách, có sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm. Sau khi có sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, người chỉ huy cùng cấp xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện nghiêm túc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Phải có kế hoạch tỉ mỉ. Nội dung của kế hoạch phải thiết thực, rõ ràng, đúng mực, khi đặt kế hoạch phải tuyệt ối tránh sự sơ xuất “đại khái”, quá cao, phiền phức, miễn cưỡng”3. Do đó, đòi hỏi công tác phòng ngừa lộ, mất bí mật nhà nước trong Quân đội nhân dân Việt Nam phải được tiến hành thống nhất trong toàn quân, theo một kế hoạch chung và kế hoạch cụ thể của từng cơ quan, đơn vị. Quá trình tổ chức thực hiện, các cơ quan, đơn vị cấp cơ sở phải thường xuyên báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo về mặt nghiệp vụ từ cơ quan chuyên trách và phải huy động sự vào cuộc của các tổ chức, lực lượng có liên quan, phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả.

Ba là, phòng ngừa lộ, mất bí mật nhà nước trong Quân đội nhân dân Việt Nam phải bám sát thực tiễn tình hình cơ quan, đơn vị, thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp phòng ngừa và khẩn trương, quyết liệt, nghiêm túc trong xử lý quân nhân vi phạm.

Thực tiễn là cơ sở, động lực, mục đích của nhận thức. Do vậy, luôn đòi hỏi công tác phòng ngừa lộ, mất bí mật nhà nước trong Quân đội nhân dân Việt Nam không được chung chung, trừu tượng mà cầm phải xuất phát từ thực tiễn tình hình của các cơ quan, đơn vị trong quân đội. Đây là yêu cầu bắt buộc, đòi hỏi các cơ quan, đơn vị trong quân đội căn cứ tình hình thực tiễn những nội dung về số lượng, chất lượng, nhân sự, các hoạt động có liên quan đến bí mật nhà nước của của cơ quan, đơn vị mình, nhất là việc lưu giữ, bảo quản, vận chuyển, chuyển giao vật, tài liệu chứa bí mật nhà nước, tình hình quân nhân trong cơ quan, đơn vị sử dụng điện thoại di động thông minh, truy cập Internet, tham gia các trang mạng xã hội có nguy cơ gây lộ, mất bí mật nhà nước để quản lý và phòng ngừa cho phù hợp. Nếu không bám sát thực tiễn này thì công tác phòng ngừa sẽ chung chung, không hiệu quả. Bên cạnh đó, đòi hỏi khách quan đối với mọi chủ thể phòng ngừa phải luôn luôn đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp để bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, hiệu quả. Nếu chỉ lặp đi, lặp lại một nội dung, hình thức, phương pháp thì hiệu quả sẽ không cao.

Bên cạnh đó, công tác phòng ngừa luôn đòi hỏi sự khẩn trương, quyết liệt, nghiêm túc trong xử lý quân nhân vi phạm. Cần hướng tập thể quân nhân nói chung, quân nhân vi phạm nói riêng thấy được tính chất nguy hiểm của sự việc, không mơ hồ, mất cảnh giác, phát triển khả năng tự phòng ngừa và thúc đẩy tinh thần, trách nhiệm trong giữ gìn, bảo vệ bí mật nhà nước tại cơ quan, đơn vị.

Bốn là, phải huy động và phát huy vai trò của các tổ chức, lực lượng trong công tác phòng ngừa lộ, mất bí mật nhà nước.

Đây là yêu cầu có ý nghĩa hết sức quan trọng, cần thiết trong công tác phòng ngừa lộ, mất bí mật nhà nước trong Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay đòi hỏi các tổ chức, lực lượng tại các cơ quan, đơn vị trong quân đội, nhất là các đơn vị cơ sở cần nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác bảo vệ bí mật nhà nước; thực hiện đúng quy định trong công tác bảo vệ bí mật nhà nước. Tham gia tích cực, chủ động, trách nhiệm trong công tác phòng ngừa lộ, mất bí mật nhà nước thuộc cơ quan, đơn vị mình với tư cách là chủ thể phòng ngừa. Kịp thời phát hiện, báo cáo, đề xuất với cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy cơ quan, đơn vị mình các biện pháp đấu tranh xóa bỏ các dấu hiệu tiềm ẩn nguy cơ lộ, mất bí mật nhà nước từ các bộ phận, quân nhân trong cơ quan, đơn vị một cách thiết thực, đúng quy định.

Năm là, phòng ngừa lộ, mất bí mật nhà nước trong Quân đội nhân dân Việt Nam phải nâng cao nhận thức và tính tự giác của quân nhân trong bảo vệ bí mật nhà nước.

Đây là yêu cầu căn bản, mang tính bắt buộc, có giá trị bền vững trong công tác phòng ngừa lộ, mất bí mật nhà nước trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Bởi vì trong tất cả các lĩnh vực hoạt động thực tiễn, chỉ có nhận thức đúng và tự giác chấp hành các quy định thì hoạt động thực tiễn mới có hiệu quả, thắng lợi.

Yêu cầu đòi hỏi cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong quân đội cần làm tốt công tác nâng cao nhận thức của quân nhân thuộc quyền bằng nhiều hình thức, biện pháp khác nhau, có sự liên kết chặt chẽ từ trang bị tri thức, khơi dậy niềm tin và kích thích í chí của mỗi quân nhân. Quá trình trang bị tri thức đi từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ chung đến riêng, bảo đảm phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”. Sử dụng nhiều hình thức, biện pháp khơi dậy niềm tin và ý chí của mỗi quân nhân. Đồng thời, nâng cao tính tự giác của mỗi quân nhân trong việc chấp hành các quy định bảo vệ bí mật nhà nước, như: làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục, nêu gương, các biện pháp hành chính cũng như các biện pháp mang tính cưỡng chế, bắt buộc thể hiện tinh thần “kỷ luật thép” của Quân đội.

Chú thích:
1, 3. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 581 – 582, 270.
2. Tăng cường công tác bảo vệ bí mật quân sự, tích cực phòng ngừa, tránh lộ, lọt thông tin. http://tapchiqptd.vn, ngày 12/11/2018.
Đoàn Văn Chí
Nguyễn Phú Phương
Cục Bảo vệ an ninh Quân đội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam