Nhu cầu lao động tại các doanh nghiệp da giày ở TP. Hồ Chí Minh sau dịch Covid-19

(Quanlynhanuoc.vn) – Mục tiêu của bài viết là xây dựng mô hình tháp nhu cầu của người lao động trong các doanh nghiệp da giày ở TP. Hồ Chí Minh sau đại dịch Covid-19 trên cơ sở Học thuyết Nhu cầu của Maslow (năm 1943). Với 300 phiếu điều tra cho thấy 5 bậc nhu cầu của người lao động có ảnh hưởng tích cực đến động lực làm việc của người lao động trong doanh nghiệp da giày ở TP. Hồ Chí Minh, gồm: (1) Nhu cầu sinh học; (2) Nhu cầu an toàn; (3) Nhu cầu xã hội; (4) Nhu cầu được tôn trọng; (5) Nhu cầu tự hoàn thiện.
Ảnh minh họa (idccenter.gov.vn).
Đặt vấn đề

Ngành da giày là một trong những thâm dụng lao động ở Việt Nam, do vậy, khi Covid-19 xảy ra, ngành này chịu ảnh hưởng lớn về lao động, đặt biệt là nhân sự làm việc phổ thông, ảnh hưởng rất nhiều tới các hợp đồng đã ký kết cả trong và ngoài nước. Tuy nhiên, do đặc thù của ngành da giày là vất vả và rủi ro cao nên rất khó duy trì được đội ngũ lao động ổn định, trong khi đó, lại cần có một đội ngũ lao động có chuyên môn cao, gắn bó và tâm huyết với DN. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để giữ chân người lao động (NLĐ) thông qua việc cân bằng giữa thỏa mãn nhu cầu NLĐ và gia tăng động lực làm việc cho NLĐ? Bài viết đề cập nhằm xây dựng tháp nhu cầu cho NLĐ trong DN da giày ở TP. Hồ Chí Minh cũng như xác định mối quan hệ giữa nhu cầu và động lực làm việc của NLĐ, trên cơ sở đó, có đề xuất một số gợi ý để gia tăng động lực làm việc cho NLĐ trong các DN da giày tại TP. Hồ Chí Minh.

Cơ sở lý thuyết, mô hình và phương pháp nghiên cứu

Hệ thống nhu cầu của Abraham Maslow (1943)1 xây dựng là một trong những mô hình được sử dụng rộng rãi nhất trong nghiên cứu về động lực cá nhân. Nhu cầu của cá nhân rất phong phú và đa dạng. Ông đã chia nhu cầu của con người thành 5 bậc từ thấp đến cao, bao gồm:

(1) Nhu cầu tự nhiên: là nhu cầu duy trì sự tồn tại tự nhiên của cơ thể nó bao gồm các yếu tố: ăn, ở, mặc, nghỉ ngơi, duy trì nòi giống… các nhu cầu này xuất hiện sớm nhất, chi phối những mong muốn của con người, do đó, con người sẽ tìm mọi cách để thỏa mãn rồi đạt đến những nhu cầu cao hơn.

(2) Nhu cầu an toàn: là nhu cầu sẽ xuất hiện tiếp theo khi nhu cầu sinh lý được thỏa mãn. Nhu cầu này thể hiện trong cả thể chất lẫn tinh thần, được khẳng định thông qua các mong muốn như sự ổn định trong cuộc sống, được sống trong xã hội có pháp luật, sinh sống tại khu vực có an ninh tốt…

(3) Nhu cầu xã hội: khi các nhu cầu sinh lý, an toàn được thỏa mãn, con người sẽ đòi hỏi các nhu cầu về tình cảm sự thương yêu, tình đồng loại… Nhu cầu này thể hiện qua quá trình giao tiếp như việc tìm kiếm, kết bạn, tìm người yêu, lập gia đình, tham gia một cộng đồng nào đó, làm việc, tham gia các câu lạc bộ, làm việc nhóm, picnic,…

(4) Nhu cầu được tôn trọng: thể hiện qua hai cấp độ là nhu cầu được người khác quý mến, nể trọng thông qua các thành quả của bản thân và nhu cầu cảm nhận, quý trọng chính bản thân, danh tiếng của mình, có lòng tự trọng, sự tự tin vào khả năng của bản thân. Sự đáp ứng và đạt được nhu cầu này có thể khiến cho một đứa trẻ học tập tích cực hơn, một người trưởng thành cảm thấy tự do hơn và NLĐ cảm thấy nỗ lực hơn.

(5) Nhu cầu tự hoàn thiện bản thân: chính là nhu cầu được sử dụng hết khả năng, tiềm năng của bản thân để tự khẳng định bản thân, để làm việc và đạt các thành quả trong xã hội.

Qua quá trình tổng quan nghiên cứu, tác giả nhận thấy, Học thuyết nhu cầu của Maslow phù hợp khi vận dụng vào nghiên cứu động lực làm việc cho NLĐ trong các DN da giày tại TP. Hồ Chí Minh thông qua việc thỏa mãn các bậc nhu cầu của con người. Trên cơ sở mô hình tháp nhu cầu của Maslow (1943) và tháp nhu cầu của Hoàng Thị Hồng Lộc và cộng sự (2014)2, tác giả xây dựng mô hình tháp nhu cầu của NLĐ trong các DN da giày tại TP Hồ Chí Minh (xem Hình 1) như sau:

Thang đo các biến độc lập trong mô hình được kế thừa từ thang đo của Hoàng Thị Hồng Lộc và cộng sự (2014) (xem Bảng 1 dưới đây):

Thang đo biến phụ thuộc “nhu cầu lao động” được trích từ thang đo của Herzberg Frederick, Mausned & Snyderman (1959)3, đo lường bằng “sự thích thú, mong muốn được làm việc” của NLĐ. Giả thuyết nghiên cứu đề xuất:

H1: Thỏa mãn nhu cầu sinh học sẽ ảnh hưởng tích cực đến động lực làm việc của NLĐ trong các DN da giày tại TP. Hồ Chí Minh

H2: Thỏa mãn nhu cầu an toàn sẽ ảnh hưởng tích cực đến động lực làm việc của NLĐ trong các DN da giày tại TP. Hồ Chí Minh.

H3: Thỏa mãn nhu cầu xã hội sẽ ảnh hưởng tích cực đến động lực làm việc của NLĐ trong các DN da giày tại TP. Hồ Chí Minh.

H4: Thỏa mãn nhu cầu được tôn trọng sẽ ảnh hưởng tích cực đến động lực làm việc của NLĐ trong các DN da giày tại TP. Hồ Chí Minh.

H5: Thỏa mãn nhu cầu tự hoàn thiện bản thân sẽ ảnh hưởng tích cực đến động lực làm việc của NLĐ trong các DN vận tải da giày tại TP. Hồ Chí Minh.

Về phương pháp nghiên cứu được sử dụng theo phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng để phân tích:

(1) Đối với phương pháp định tính thì tác giả lựa chọn ngẫu nhiên 5 DN trong hiệp hội DN da giày TP. Hồ Chí Minh. Cỡ mẫu tối thiểu gấp năm lần tổng số biến quan sát trong thang đo, số biến quan sát trong bảng hỏi là 26, do vậy cỡ mẫu tối thiểu cần đạt là: 26*5 = 130 quan sát. Để đạt được số phiếu như kỳ vọng, tác giả tiến hành phát ra 300 phiếu. Sau khi thu thập và làm sạch dữ liệu có 255 phiếu đủ điều kiện để đem vào phân tích.

(2) Đối với phương pháp định lượng thì tác giả sử dụng phần mềm spss 22 để phân tích với các phương pháp như: thống kê mô tả; độ tin cậy của thang đo Cronbach’s Alpha, Phân tích nhân tố khám pháp EFA và phân tích hồi quy.

Kết quả nghiên cứu

Từ kết quả thống kê mô tả (xem Bảng 2)

Để đánh giá độ tin cậy của thang đo, tác giả thực hiện kiểm định hệ số Cronbach‟s Alpha. Những biến quan sát có hệ số Cronbach‟s Alpha (Cronbach‟s Alpha if Item Deleted) từ 0,6 trở lên là có thể chấp nhận được và hệ số tương quan biến tổng (Corrected Item Total Correlation) của biến quan sát lớn hơn 0,3 sẽ được giữ lại (Hair và cộng sự, 1998). Để đánh giá độ tin cậy của thang đo xem Bảng 3 dưới đây:

Kết quả bảng 3 cho thấy:

Thang đo nhu cầu sinh học, thang đo nhu cầu được tôn trọng và thang đo nhu cầu tự hoàn thiện bản thân: các biến quan sát đều có hệ số tương quan biến tổng lớn hơn 0,3 và hệ số Cronbach‟s Alpha lớn hơn 0,6, do đó các biến quan sát đều có tương quan chặt chẽ với biến tổng trong mô hình và đảm bảo độ tin cậy.

Thang đo nhu cầu an toàn: các biến quan sát AT5 và AT6 có hệ số Cronbach‟s Alpha lớn hơn 0,6 nhưng có hệ số tương quan biến tổng nhỏ hơn 0,3, do đó 2 biến quan sát này bị loại khỏi thang đo nhu cầu an toàn. Các biến quan sát còn lại đều có hệ số Cronbach‟s Alpha lớn hơn 0,6 và hệ số tương quan biến tổng nhỏ hơn 0,3, do đó, các thang đo này bảo đảm độ tin cậy.

Thang đo nhu cầu xã hội: các biến quan sát XH4 và XH5 có hệ số Cronbach‟s Alpha lớn hơn 0,6 nhưng có hệ số tương quan biến tổng nhỏ hơn 0,3, do đó 2 biến quan sát này bị loại khỏi thang đo nhu cầu an toàn. Các biến quan sát còn lại đều có hệ số Cronbach‟s Alpha lớn hơn 0,6 và hệ số tương quan biến tổng nhỏ hơn 0,3, do đó, các thang đo này bảo đảm độ tin cậy.

Phân tích nhân tố EFA

Để tìm hiểu mối quan hệ tương quan giữa các biến quan sát và biến thành phần, tác giả thực hiện phân tích nhân tố EFA. Theo Hair và cộng sự (1998)4 với mẫu lớn hơn 300 thì hệ số tải (Factor loading) lớn hơn hoặc bằng 3 là đạt giá trị hội tụ (xem Bảng 4).

Từ Bảng 4 cho thấy, các biến độc lập: Nhu cầu sinh học, Nhu cầu an toàn, Nhu cầu xã hội, Nhu cầu được tôn trọng, Nhu cầu tự khẳng định bản thân đều có các biến quan sát cùng tải về một nhân tố độc lập và có giá trị Factor loading lớn hơn 0,3. Như vậy, thang đo các biến độc lập trong mô hình đều bảo đảm yêu cầu và có thể sử dụng trong các phân tích tiếp theo.

Kiểm định giả thuyết và phân tích hồi quy

(1) Kiểm định giả thuyết:

Kết quả Bảng 5 dưới đây cho thấy R2 hiệu chỉnh = 0.679 điều này có nghĩa là các biến độc lập trong mô hình giải thích được 67,9% nghĩa là sự biến thiên của biến phụ thuộc. Mặt khác, hệ số Durbin- Watson có giá trị bằng 1.843 cho thấy không có tương quan giữa các phần dư.

Để kiểm định đồ phù hợp của mô hình, tác giả phân tích phương sai ANOVA, kết quả kiểm định F (xem Bảng 6) có trị số là 231.176 và mức ý nghĩa sig = 0.000 nhỏ hơn 0.05, điều này thể hiện mô hình hồi quy tuyến tính đưa ra là phù hợp với dữ liệu thu thập được và mối quan hệ này bảo đảm độ tin cậy với mức ý nghĩa là 5%.

(2) Phân tích hồi quy:

Kết quả phân tích hồi quy Bảng 7 cho thấy: các biến độc lập đều có hệ số phóng đại phương sai VIF nhỏ hơn 10, như vậy không có hiện tượng đa cộng tuyến trong mô hình. Mặt khác các biến độc lập đều có giá trị sig nhỏ hơn 0.05 và hệ số Beta chưa chuẩn hóa đều lớn hơn 0, điều này có nghĩa là các biến độc lập đều có ảnh hưởng thuận chiều đến biến phụ thuộc.

Như vậy, phương trình mối quan hệ giữa biến phụ thuộc và biến độc lập được biểu diễn như sau:

Y = -1,676 + 0,673*X1 + 0,386*X2 + 0,192*X3+ 0,142*X4 + 0,135*X5

Trong đó: Y: Nhu cầu lao động (NC); X1: Nhu cầu sinh học (SH); X2: Nhu cầu an toàn (AT); X3: Nhu cầu xã hội (XH); X4: Nhu cầu được tôn trọng (TT); X5: Nhu cầu tự hoàn thiện bản thân (HT)

Bảng 7 cho thấy, các giả thuyết H1, H2, H3, H4, H5 được chấp nhận.

Một số đề xuất, khuyến nghị

Kết quả nghiên cứu xác định được 5 thành phần của tháp nhu cầu có ảnh hưởng tích cực đến động lực làm việc của NLĐ trong các DN da giày ở TP. Hồ Chí Minh. Trong đó, nhu cầu sinh học có tác động mạnh nhất đến nhu cầu làm việc của NLĐ (beta = 0,673), nhu cầu tự hoàn thiện bản thân có ảnh hưởng ít nhất đến nhu cầu làm việc của NLĐ (beta = 0,135). Theo đó, để thực hiện có hiệu quả, cần dựa trên mối quan hệ tương quan tuyến tính của các bậc nhu cầu đối với nhu cầu lao động của NLĐ trong các DN da giày tại TP. Hồ Chí Minh, nghiên cứu đề xuất một số khuyến nghị nhằm thỏa mãn các bậc nhu cầu của NLĐ, từ đó gia tăng động lực làm việc cho NLĐ trong các DN da giày tại TP Hồ Chí Minh, cụ thể:

Thứ nhất, về nhu cầu sinh học: nhu cầu này được thể hiện thông qua tiền lương và các khoản phụ cấp ngoài lương, do vậy, DN cần có chính sách lương, thưởng minh bạch phù hợp với năng suất, hiệu quả công việc của NLĐ.

Thứ hai, về nhu cầu an toàn: đây chính là điều kiện làm việc được an toàn. Vì ngành da giày là lao động trực tiếp nên DN phải có các phương tiện hỗ trợ NLĐ để tái sản xuất sức lao động trong quá trình thực hiện công việc, đơn cử như chế độ phúc lợi hàng năm… Đồng thời, cần xây dựng và phát huy văn hóa DN để giúp NLĐ xác định được mục tiêu của DN, từ đó có thể xác định được nhu cầu gắn bó của mình với DN.

Thứ ba, về nhu cầu xã hội: là mối quan hệ với các đồng nghiệp và cấp trên. Đối với đồng nghiệp thì phải làm việc theo nhóm để có sự gắn kết trong công việc thông qua các chương trình văn hóa thể thao giúp NLĐ thư giãn và có sự gắn kết giữa đồng nghiệp và các nhà quản trị.

Thứ tư, về nhu cầu được tôn trọng: thể hiện việc tôn trọng đồng nghiệp và được lãnh đạo đánh giá cao thông qua các nhà quản trị cần cảm nhận được sự đóng góp của NLĐ, khích lệ, động viên NLĐ, đồng thời, tìm hiểu nguyên nhân sâu xa khi nhân viên vi phạm, từ đó giúp NLĐ nhận thấy được sự quan tâm và tôn trọng, từ đó họ sẽ có động lực làm việc cao, năng suất chất lượng được thăng tiến.

Thứ năm, về nhu cầu tự hoàn thiện bản thân: điều này đòi hỏi các nhà quản trị phải có kế hoạch nâng cao trình độ tay nghề đối với nhân viên và xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nghề nghiệp đối với nhân viên công bằng, minh bạch để NLĐ có động lực phấn đấu.

Chú thích:
1. Maslow (1943). A Theory of Human Motivation, Psychological Review, Vol. 50, No.4.
2. Hoàng Thị Hồng Lộc và cộng sự. Xây dựng khung lý thuyết về động lực làm việc ở khu vực công tại Việt Nam. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Khoa học Xã hội, Nhân văn và Giáo dục 32 (2014): 97-105.
3. Herzberg Frederick, Mausned & Snyderman (1959). The Motivation of Work, Harvard Business Review Classics, New York.
4. Hair J.F., Tatham R.L., Anderson R.E. and Black W. (1998). Multivariate Data Analysis, 5th Edition, New Jersey: Prentice-Hall, Inc.
Tài liệu tham khảo:
1. Trần Kim Dung – Nguyễn Ngọc Lan Vy. Thang đo động viên nhân viên. Tạp chí Phát triển kinh tế (số 244/2011).
2. Trương Minh Đức. Ứng dụng mô hình định lượng đánh giá mức độ tạo động lực làm việc cho nhân viên Công ty Trách nhiệm hữu hạn ERICSSON Việt Nam. Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, Kinh tế và Kinh Doanh (số 27/2011).
3. Bartol & Martin (1998) Management, rd ed., McGraw-Hill.New York, NY.
4. Dinibutun (2012) Work Motivation: Theoretical Framework, Journal on GSTF Business Review, Vol.1, No.4.
5. Gambrel & Cianci (2003) Maslow’s Hierarchy of Needs: does it apply in a collectivist culture, Journal of Applied Management and Entrepreneurship, Vol. 8, No.2.
6. Halepota (2005) Motivational Theories and Their Application in Construction, Cost Engineering, Vol.47, Issue 3.
ThS. Phạm Thành Công
Viện Kinh tế Việt Nam