Phát huy giá trị văn hóa truyền thống vùng Nam bộ trong xây dựng lối sống hiện nay

(Quanlynhanuoc.vn) – Phát huy giá trị văn hóa truyền thống vùng Nam bộ trong xây dựng lối sống là một trong những nội dung căn bản, gắn bó chặt chẽ với việc phát huy và bảo vệ hệ giá trị văn hóa Việt Nam nói chung, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa”1. Vì vậy, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống vùng Nam Bộ trong xây dựng lối sống cũng là góp phần bảo vệ hệ giá trị văn hóa Việt Nam hiện nay.
Ảnh minh họa (internet).
Giá trị văn hóa truyền thống vùng Nam Bộ trong xây dựng lối sống

Vùng Nam Bộ là một phần quan trọng của đồng bằng sông Cửu Long, mang trong mình đặc trưng của vùng đồng bào đa tộc người. Văn hóa Nam Bộ có hai đặc trưng chủ đạo đó là đồng bằng sông nước và sự tiếp biến các nền văn hóa của tộc người: Chăm, Khmer, người Hoa và văn hóa Việt trong vùng. Điều đặc biệt mang tính đặc trưng của văn hóa vùng Nam Bộ khác biệt là sự tiếp biến văn hóa của các tộc người thiểu số cộng cư, sự cộng cư đã tạo nên một giá trị văn hóa truyền thống đa màu sắc của vùng Nam Bộ, khác biệt so với sự tiếp biến văn hóa của đồng bằng Bắc Bộ, Trung Bộ. Giá trị truyền thống văn hóa đó được thể hiện qua một số vấn đề cơ bản sau đây:

(1) Giá trị văn hóa truyền thống vùng Nam Bộ trong xây dựng lối sống đó chính là cách thức sản xuất. Xét theo góc độ từ vị trí địa lý và điều kiện đặc thù của vùng Nam bộ. Đây là vùng đất đai phì nhiêu, rộng lớn, có diện tích nước bao quanh trải khắp vùng, nhờ có con sông Mê Kông bồi đắp lượng nước và sản vật đã tạo nên một lợi thế lớn cho vùng Nam Bộ về các ngành, nghề, lĩnh vực gắn liền với sông nước trong giao thương phát triển kinh tế vùng. Vì vậy, từ những lợi thế đó cũng đem lại một hệ thống giá trị về ngôn ngữ phong phú, như: kênh, rạch, ngòi, vũng, đầm, đìa, mương, háng, vịnh, bàu… Đồng thời, chính hệ thống ngôn ngữ đó đã góp phần vào hệ thống giá trị văn hóa truyền thống của vùng cũng như xây dựng lối sống miền sông nước cho vùng Nam Bộ ngày càng bền vững và phát triển. Ngoài ra, giá trị văn hóa truyền thống của vùng Nam Bộ cũng được thể hiện qua tính đặc trưng của nền sản xuất nông nghiệp trồng lúa nước, trái cây cùng với nhiều loại hình sản xuất cây công nghiệp tạo nên sự đa dạng trong văn hóa truyền thống, nhất là văn hóa mang tính đặc trưng vùng.

Bên cạnh đó, các loại hình sản xuất trên đất, vùng đồng bằng, văn hóa và lối sống của Nhân dân vùng Nam Bộ cũng được biểu hiện thông qua các hoạt động giao thương đường thủy của đặc thù vùng sông nước, như: chợ nổi Long Xuyên, chợ nổi Cái Răng, chợ nổi Phụng Hiệp…, từ những đặc trưng đó đã cho người dân nơi đây có những câu hò, những điệu múa, những nét đẹp truyền thống mang bản sắc riêng có đặc trưng theo từng lối sống riêng của các tộc người sinh sống trên đất nước.

(2) Giá trị văn hóa truyền thống trong lối sống của vùng Nam Bộ còn được thể hiện qua cách thức tổ chức đời sống xã hội theo hướng cổ truyền. Xuất phát từ nguồn gốc, tập quán, phong tục của vùng Nam Bộ, nơi có những tổ chức quần cư lập thành làng, ấp mang những đặc trưng khác với các tổ chức quần cư ở các vùng đồng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ, Trung Bộ. Bởi trong tổ chức quần cư của vùng Nam Bộ có chưa đựng nhiều giá trị truyền thống của sự hòa quyện giữa nhiều người ở các vùng khác nhau, các tộc người khác nhau gắn bó lại theo quan hệ làng xóm, láng giềng. Đây là nét giao thoa văn hóa, tiếp biến văn hóa đa sắc màu tạo nên hệ giá trị văn hóa đa dạng.

Ngoài ra, ở vùng Nam Bộ, với sự đan xen của nhiều tộc người từ người Việt, người Khmer, người Hoa…, cũng làm cho lối sống của vùng về phong tục, tập quán, tín ngưỡng tôn giáo cũng có nhiều đặc sắc, với nhiều hình thức thờ cúng khác nhau. Tuy có sự khác nhau nhất định giữa các tộc người về tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, nhưng đối với vùng Nam Bộ đặc điểm chung nhất về quần cư đó là vẫn giữ được một đặc trưng chung về chế độ gia đình phụ hệ và sự duy trì hình thức đại gia đình đan xen với tiểu gia đình trong cùng một quần thể quần cư. Đây là nét đặc trưng cũng phản ánh sự tương đối giống nhau về truyền thống văn hóa với các vùng đồng bằng khác, từ sự gắn bó về thế hệ gia đình quần cư, có thể nhận thấy sự tiếp nối truyền thống, phong tục, tập quán, đạo lý gia đình, truyền thống văn hóa bản địa vẫn được tiếp tục gìn giữ và phát huy và cũng là đặc điểm mang tính chất đặc trưng về giá trị truyền thống văn hóa vùng Nam Bộ.

Song hành với phong tục tôn giáo, tín ngưỡng của người dân vùng Nam Bộ có nhiều nét đặc trưng giống với người dân của vùng đồng bằng Bắc Bộ và Trung Bộ, thì vùng Nam Bộ còn có các yếu tố đặc trưng mang tính đan xen của tộc người Khmer, người Hoa và cách thức sinh sống bươn chải vùng sông nước cũng tạo cho giá trị văn hóa truyền thống của vùng có sự đa dạng nhiều màu sắc và nhiều loại hình văn hóa truyền thống khác nhau cùng với sự phát triển của nhiều lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo như: đạo Phật, đạo Cao Đài, đạo Hòa Hảo, đạo Thiên Chúa, đạo Tin Lành…

(3) Giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng lối sống của vùng Nam Bộ còn được thể hiện qua các hoạt động văn học – nghệ thuật. Đối với vùng Nam Bộ, đây là nơi hội tụ của nhiều tộc người khác nhau với nhiều phong tục, tập quán, lối sống đan xen, đa màu sắc với nhiều nét văn hóa đặc trưng. Cho nên, nơi đây cũng là một kho tàng đồ sộ về văn học – nghệ thuật dân gian gắn liền với lối sống vùng sông nước, mở đất, khai hoang và những danh thắng, di tích lịch sử, nhân vật lịch sử bên cạnh các câu hò, vè, bài hát vọng cổ, hát tài tử…, những đường nét về văn hóa truyền thống đó đã tạo nên một lối sống mang đặc trưng riêng có của vùng Nam Bộ góp phần to lớn vào hệ giá trị văn hóa truyền thống nơi đây.

Bên cạnh sự đa dạng về các loại hình văn học – nghệ thuật, cách thức ăn mặc, sinh hoạt cũng tạo nên những nét riêng trong giá trị văn hóa truyền thống của vùng Nam Bộ trong xây dựng lối sống. Với vị trí địa lý của vùng cũng là yếu tố ảnh hưởng bao trùm đến phong cách ăn ở, sinh hoạt của người dân, nhất là về ẩm thực của người dân trong vùng Nam Bộ. Ngoài ra, với những đặc điểm lợi thế về nguồn thủy sản, một nét đặc trưng về văn hóa nữa có thể kể đến đối với vùng Nam Bộ đó chính là cách thức chế biến các loại thủy sản tạo thành nét văn hóa đặc trưng riêng với nhiều loại sản phẩm khác nhau phục vụ du khách trong và ngoài nước.

(4) Giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng lối sống của vùng Nam Bộ còn phải kể đến sự giao lưu và tiếp biến văn hóa nơi đây. Không gian văn hóa vùng Nam Bộ là không gian văn hóa mở với nhiều sự tiếp biến của văn hóa Việt Nam trên một vùng đất mới, được nảy sinh, hình thành và phát triển thông qua quá trình du nhập của nhiều tộc người với nhiều nét văn hóa riêng có và việc chung tay khai phá vùng đất mới đã hòa quyện mật thiết với nhau cùng tạo nên hệ giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng vùng Nam Bộ. Bên cạnh sự cộng hưởng nhiều nền văn hóa khác nhau, vùng Nam bộ trong quá trình giao thoa văn hóa để tiếp nhận và chuyển hóa thì còn giữu lại những yếu tố văn hóa đặc sắc mang tính đặc trưng của chính nội tại văn hóa của tộc người đó, tạo nên những nét văn hóa khác biệt, vừa truyền thống tộc người, vừa đan xen, hòa quyện nét văn hóa mới của các tộc người khác nhau. Với sự tái tạo các giá trị văn hóa đó cũng chính là một đặc sản về văn hóa của vùng Nam Bộ.

Những nét đặc trưng tiêu biểu đó, nhất là những nét đặc trưng tiêu biểu của vùng đồng bằng sông nước đã làm cho vùng Nam Bộ có sự tái cấu trúc các giá trị văn hóa bằng sự tiếp biến, đan xen, hòa nhập, giữ gìn bản sắc riêng, xóa bỏ những nét văn hóa không phù hợp với môi trường phát triển mới để tạo ra những giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng lối sống mới hòa quyện cùng với hệ giá trị văn hóa quốc gia như Đại hội XIII của Đảng đã đề cập: “Lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam làm nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”2. Vì vậy, sự uyển chuyển, linh động, phóng khoáng, bao dung đã ngày càng trở thành nét văn hóa của văn hóa Việt Nam ở Nam Bộ và giá trị văn hóa vùng nói riêng.

Phát huy giá trị truyền thống văn hóa vùng Nam Bộ trong xây dựng lối sống hiện nay

Thứ nhất, phát huy giá trị truyền thống văn hóa vùng Nam Bộ trong xây dựng lối sống hiện nay cần phải lấy giá trị văn hóa con người làm nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển của vùng.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định, lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam làm nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng trong bảo đảm sự phát triển bền vững. Điều đó đòi hỏi đối với vùng Nam Bộ cần phải kế thừa, bảo vệ và phát huy các giá trị về văn hóa truyền thống, giá trị lịch sử của con người, vùng đất Nam bộ được vun đắp qua nhiều thời kỳ, thế hệ bằng sự khai hoang lập đất với tất cả những truyền thống của các tộc người sinh sống nơi đây. Những truyền thống văn hóa, lịch sử, đó là: lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự lực tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết làng xã, tộc người, lòng khoan dung, nhân ái, trọng nghĩa tình, đạo lý, đức tính cần cù, thông minh, sáng tạo trong lao động sản xuất…

Để có thể phát huy được những giá trị văn hóa truyền thống đó trong xây dựng lối sống, con người vùng Nam bộ trước hết cần phải tạo dựng môi trường sống, điều kiện phát triển thuận lợi trong phát triển văn hóa, truyền thống, nhất là giữ gìn các yếu tố bản sắc văn hóa vùng, miền, các giá trị văn hóa tiếp biến của các tộc người cùng cộng cư trong vùng Nam Bộ, tích cực đấu tranh xóa bỏ những yếu tố hủ tục, lạc hậu, phát triển các giá trị văn hóa mới, nét truyền thống cổ truyền trong từng lối sống, nét đẹp văn hóa của vùng Nam Bộ được nêu rõ trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng: “Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nền văn hóa, con người Việt Nam; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”3 và “Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”4.

Đồng thời, cần quan tâm bảo vệ, khai thác và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các giá trị tốt đẹp của vùng Nam Bộ, có cơ chế, giải pháp nhằm xử lý mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử với việc xây dựng con người, phát triển kinh tế – xã hội – văn hóa vùng Nam Bộ trong bối cảnh nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập sâu rộng đa phương hóa, đa dạng hóa quốc tế. Xây dựng các cơ chế, chính sách phát huy tinh thần phát triển văn hóa truyền thống gắn với giữ gìn bản sắc dân tộc trong thời đại mới, khuyến khích các tìm tòi mới trong sáng tạo văn hóa làm phong phú thêm bản sắc văn hóa của vùng Nam Bộ.

Thứ hai, phát huy giá trị truyền thống văn hóa vùng Nam Bộ trong xây dựng lối sống hiện nay, phải lấy con người làm trung tâm của quá trình phát huy và con người được hưởng thụ những thành quả đó.

Đại hội XIII đã xác định: “Lấy con người là trung tâm của phát triển và được chia sẻ những thành quả của quá trình phát triển kinh tế”5. Vì vậy, để phát huy được giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng lối sống hiện nay của vùng Nam Bộ trước hết cần thực hiện tốt hơn các chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh con người, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; xây dựng môi trường văn hóa đạo đức xã hội lành mạnh, văn minh. Bảo đảm những nhu cầu cơ bản, thiết yếu của Nhân dân về nhà ở, đi lại, giáo dục, y tế, việc làm, thu nhập… Không ngừng cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của Nhân dân. Triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững. Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, an sinh xã hội, dịch vụ xã hội đa dạng, đa tầng, linh hoạt, bao trùm, toàn diện nhất là đối với người nghèo, người yếu thế trong xã hội, quan tâm đến mọi người dân để “không ai bị bỏ lại phía sau” của quá trình phát triển. Tǎng đầu tư cho phát triển sự nghiệp phát triển vǎn hóa và con người; đổi mới cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư. Hoàn thiện và bổ sung các cơ chế, chính sách để đẩy mạnh xã hội hóa văn hóa…, đúng định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế. Không ngừng nâng cao phúc lợi xã hội, an sinh xã hội cho Nhân dân. Cùng với việc xác định cơ chế khơi dậy tinh thần cống hiến vì đất nước, tạo động lực để mọi cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tận tụy phục vụ Nhân dân, cần kiên quyết phê phán, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm, quan liêu, hách dịch, cửa quyền, nhũng nhiễu dân.

Đồng thời, thường xuyên quan tâm xây dựng khu dân cư, làng, bản văn hóa. Xây dựng khu dân cư, làng bản văn hóa nhằm tạo ra một môi trường xã hội trong sạch lành mạnh, an toàn, thuận lợi nhất để các gia đình đoàn kết, động viên, giúp đỡ nhau cùng thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở làng, xã, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội của cả cộng đồng; góp phần giữ vững ổn định chính trị, an ninh, trật tự xã hội, đẩy lùi các tệ nạn xã hội và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.

Từ những yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng, cần trân trọng và phát huy các giá trị truyền thống văn hóa vùng Nam Bộ trong xây dựng lối sống có ý nghĩa vô cùng quan trọng để vùng Nam Bộ hòa nhập chứ không hòa tan. Từ đó vận dụng và phát huy trong xây dựng lối sống hiện nay. Chính từ những đặc trưng mang tính vùng miền bởi sự hòa quyện, đan xen giữa các tộc người, giữa sự tiếp biến, giao thoa văn hóa và vị trí địa lý đã tạo ra giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của vùng Nam Bộ, nhất là lối sống của con người trong vùng. Góp phần xây dựng lối sống mang đậm chất “vùng Nam Bộ” trở thành một nét đẹp riêng trong hệ giá trị văn hóa Việt Nam.

Chú thích:
1. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 3. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, tr. 458.
2, 3, 4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 216, 34, 116.
5. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 81.
Phạm Đăng Hưng
Học viên cao học tại Học viện chính trị, Bộ Quốc phòng