Một số kết quả hoạt động đối ngoại đa phương của Việt Nam từ năm 2020 đến nay

(Quanlynhanuoc.vn) – Đối ngoại đa phương là một trong ba trụ cột của nền ngoại giao toàn diện, hiện đại của Việt Nam đã được Đại hội XIII của Đảng xác định, góp phần quan trọng công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ năm 2020 đến nay, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, song hoạt động đối ngoại đa phương của nước ta vẫn tiếp tục được tăng cường, nâng tầm nhiều mặt. Bài viết phân tích khái quát những thành tựu của hoạt động đối ngoại đa phương của Việt Nam, để chứng minh rằng, nước ta đã tham gia một cách chủ động, trách nhiệm và có chất lượng tại các tổ chức, diễn đàn đa phương, tham gia thảo luận giải quyết các vấn đề thế giới và khu vực, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của đất nước và bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc trên trường quốc tế.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gõ búa kết thúc phiên giao dịch tại Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE), ngày 16/5/2022. Ảnh: TTXVN.
Đặt vấn đề

Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 08/8/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030 là văn bản chỉ đạo đầu tiên của Đảng về công tác đối ngoại đa phương của đất nước, đưa đối ngoại đa phương thành một nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, với mục tiêu: “nỗ lực vươn lên đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt hoặc hòa giải tại các diễn đàn, tổ chức đa phương có tầm quan trọng chiến lược đối với đất nước”, phù hợp với khả năng và điều kiện cụ thể của nước ta.

Đối ngoại Việt Nam trong những năm qua tiếp tục gặt hái nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa to lớn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó đối ngoại đa phương tiếp tục là bệ đỡ vững chắc cho việc củng cố nền tảng chính trị tin cậy trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước, đóng góp vào thành công chung của đường lối đối ngoại “độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc.

 Thực hiện nhiều trọng trách quan trọng

(1) Năm 2020, Việt Nam đã hoàn thành ba trọng trách quốc tế quan trọng, đó là: Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN); Chủ tịch Hội đồng Liên Nghị viện ASEAN lần thứ 41; Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nhiệm kỳ (2020 – 2021).

(2) Việt Nam trúng cử vào nhiều tổ chức, cơ quan có uy tín của Liên hiệp quốc, như: làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hiệp quốc khóa 77, Ủy ban liên Chính phủ Công ước UNESCO về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nhiệm kỳ (2022 – 2026), Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc nhiệm kỳ (2023 – 2025); đồng thời tiếp tục thực hiện trọng trách thành viên tại Hội đồng Thống đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) nhiệm kỳ (2021-2023), Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ (2021 – 2025), Ủy ban Luật pháp Quốc tế (ILC) nhiệm kỳ (2023 – 2027), Ủy ban Luật Thương mại Quốc tế nhiệm kỳ (2019 – 2025) và một số cơ quan chuyên ngành khác1.

(3) Đặc biệt, khi làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nhiệm kỳ (2020 – 2021), Việt Nam tham gia đóng góp thực chất vào công việc chung của Hội đồng Bảo an, như: thúc đẩy việc tìm kiếm giải pháp bền vững, toàn diện cho xung đột, nhất là các nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ và trẻ em; chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, bảo vệ thường dân trong xung đột vũ trang, biến đổi khí hậu, an ninh biển, ứng phó với đại dịch Covid-19…. Qua đó, khẳng định được năng lực điều hành, từng bước thể hiện rõ vai trò nòng cốt, dẫn dắt, hòa giải tại các hội nghị Hội đồng Bảo an.

Như vậy, ngoại giao đa phương được triển khai tích cực, có bước chuyển về chất với bước tiến từ việc gia nhập đến tham gia ngày càng chủ động, tích cực, đóng góp thực chất và đưa ra nhiều sáng kiến được cộng đồng quốc tế chia sẻ, để lại dấu ấn đặc biệt quan trọng trong đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương của Việt Nam, chủ động, tích cực đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương.

Tổ chức thành công nhiều hội nghị cấp cao, đóng góp quan trọng tại nhiều diễn đàn quốc tế

Việt Nam đã tổ chức thành công tất cả các hội nghị cấp cao, bao gồm: hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 (tháng 6/2020) và Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 (tháng 11/2020); Hội nghị Đại hội đồng Liên nghị viện các quốc gia Đông Nam Á (AIPA) lần thứ 4; đặc biệt, hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 đã tổ chức 20 cuộc họp liên quan và hơn 80 văn kiện đã được thông qua. Đây là số lượng văn kiện được thông qua cao nhất trong các kỳ họp ASEAN.

Với vai trò chủ tịch, Việt Nam đã chủ động điều phối ASEAN vượt qua nhiều thách thức, ứng phó hiệu quả với dịch bệnh Covid-19; đồng thời, phát huy tinh thần đoàn kết và hợp tác quốc tế, hỗ trợ vật tư y tế, tài chính cho 51 quốc gia ứng phó với dịch bệnh Covid-19. Chủ đề mà Việt Nam đưa ra, đó là một ASEAN “Gắn kết và chủ động thích ứng” đã trở thành một thương hiệu của ASEAN. Nhiều sáng kiến, đóng góp của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế, khu vực khác được các nước ủng hộ, đánh giá cao, như:

Tại cuộc họp cấp cao của Hội đồng Bảo an về an ninh biển (8/2021), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu sáng kiến “thiết lập một mạng lưới các cơ chế, sáng kiến về an ninh biển khu vực do Liên hiệp quốc điều phối để tăng cường chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, phối hợp hành động, kịp thời ứng phó với các thách thức chung”2, được rất nhiều đối tác hoan nghênh.

Về ứng phó với dịch bệnh Covid-19, tại cuộc họp Hội đồng Bảo an (tháng 02/2021), Việt Nam đã đề xuất sáng kiến Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh. Sáng kiến này đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ, rộng rãi của cộng đồng quốc tế, thể hiện qua việc có 112 quốc gia đồng bảo trợ Nghị quyết. Điều này cho thấy, sáng kiến của Việt Nam đưa ra đúng thời điểm và đáp ứng đúng sự quan tâm cao của cộng đồng quốc tế về phòng chống đại dịch Covid-19 cũng như các dịch bệnh khác hiện nay và trong tương lai3.

Tận dụng cơ chế, diễn đàn, khuôn khổ hợp tác đa phương để phát triển kinh tế – xã hội

Việt Nam đã tận dụng các cơ chế, diễn đàn, khuôn khổ hợp tác đa phương để phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, như: triển khai Khung Chiến lược hợp tác phát triển bền vững Việt Nam – Liên hiệp quốc giai đoạn (2022 – 2026) và các cơ chế hợp tác tiểu vùng; thực hiện có hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), nhất là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP); Hiệp định thương mại tự do châu Âu – Việt Nam (EVFTA); Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Bên cạnh đó, Việt Nam còn tích cực tham gia mạng lưới các cơ chế hợp tác, liên kết kinh tế đa phương từ cấp độ toàn cầu (WTO, WB, IMF…), liên khu vực (ASEM, APEC, FEALAC…), khu vực (ASEAN, ADB…) cho đến mạng lưới các hiệp định thương mại tự do với hầu hết các trung tâm kinh tế – thương mại hàng đầu thế giới4. Từ việc tham gia mạng lưới này đã góp phần từng bước gắn nền kinh tế và thị trường trong nước với khu vực và thế giới, tạo thêm động lực xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Những kết quả nổi bật của ngoại giao đa phương từ năm 2020 đến nay đã đóng góp vào thành tựu chung của đối ngoại Việt Nam sau hơn 35 năm đổi mới, góp phần tạo lập vị thế và uy tín quốc tế mà “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”5, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, đồng thời mở rộng sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với sự nghiệp đổi mới của đất nước ta. Đồng thời, qua các hoạt động đa phương nói trên, vị thế, vai trò, uy tín của Đảng ta không ngừng được nâng lên 6. Chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng được khẳng định một cách nhất quán tại các diễn đàn, giúp các chính đảng trên thế giới và bạn bè quốc tế ngày càng nhận thức đầy đủ và toàn diện hơn về vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, về những thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng. Hợp tác đa phương giúp nước ta có nhiều cơ hội trao đổi lý luận, kinh nghiệm thực tiễn quản lý đất nước, giải quyết các vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội… góp phần hoàn thiện và nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong bối cảnh mới.

Kết luận

Đối ngoại đa phương góp phần đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tăng cường sức mạnh tổng hợp của đất nước. Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, vì lợi ích quốc gia – dân tộc, đối ngoại đa phương của nước ta trong những năm qua tiếp tục phát huy vai trò là một trong những kênh đối ngoại trụ cột của nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, qua đó, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của đất nước Việt Nam, của Đảng Cộng sản Việt Nam trên trường quốc tế, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, dân chủ, công bằng và tiến bộ xã hội trên thế giới.

Chú thích:
1. Đối ngoại đa phương năm 2022: những dấu ấn nổi bật. https://scov.gov.vn, ngày 18/01/2023.
2. Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu 3 đề xuất ứng phó thách thức an ninh biển tại Hội đồng Bảo an. https://tuoitre.vn, ngày 09/8/2021.
3. Thông điệp của Thủ tướng về ngày phòng, chống dịch do Việt Nam đề xuất.https://vietnamnet.vn, ngày 27/12/2020.
4. Đối ngoại đa phương góp phần đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tăng cường sức mạnh tổng hợp của đất nước. https://tuyengiao.vn, ngày 8/02/2019.
5. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 322.
6. Đối ngoại đảng năm 2022 tiếp tục phát huy vai trò một trụ cột quan trọng của mặt trận đối ngoại Việt Nam. https://tapchicongsan.org.vn, ngày 22/02/2023.
Tài liệu tham khảo:
1. Lưu Thúy Hồng. Ngoại giao đa phương trong hệ thống quan hệ quốc tế đương đại. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2015.
2. Lương Văn Kế. Địa chính trị Việt Nam thế kỷ XXI. H. NXB Đại học quốc gia, 2015.
3. Phạm Bình Minh (chủ biên). Cục diện thế giới đến 2020. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2010.
4. Phạm Bình Minh (chủ biên). Định hướng chiến lược đối ngoại Việt Nam đến 2020. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011.
5. Hoàng Khắc Nam. Lý thuyết quan hệ quốc tế. NXB Thế giới, 2017.
6. Đặng Đình Quý (chủ biên). Chủ nghĩa đa phương trên thế giới và đối ngoại đa phương của Việt Nam. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2019.
7. Nguyễn Cơ Thạch. Thế giới trong 50 năm qua (1945 – 1995) và thế giới trong 25 năm tới (1996 – 2020). H. NXB Chính trị quốc gia, 1998.
Lê Tùng Lâm
Học viện Báo chí và Tuyên truyền