Phối hợp giữa đơn vị, gia đình, chính quyền địa phương trong quản lý sĩ quan cấp phân đội hiện nay

(Quanlynhanuoc.vn) – Sĩ quan cấp phân đội trong Quân đội là lực lượng trẻ, đông đảo, chiếm tỷ lệ cao trong đội ngũ sĩ quan; là nguồn kế cận trực tiếp của sĩ quan cấp trung, sư đoàn. Họ là những người trực tiếp lãnh đạo, chỉ huy, trực tiếp sống và hoạt động cùng quân nhân thuộc quyền. Trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ, sĩ quan cấp phân đội đã tham gia và luôn có nhu cầu mở rộng quan hệ xã hội, đặc biệt là mối quan hệ với đơn vị, gia đình, chính quyền địa phương, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả công tác của đội ngũ này.

 

Ảnh minh họa (Nguồn: https://www.qdnd.vn).
Đặt vấn đề

Quản lý các mối quan hệ xã hội của quân nhân có vai trò rất quan trọng trong xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Đó là sự tác động về chính trị, tư tưởng, tổ chức và chính sách của các chủ thể, trực tiếp là cấp ủy, chỉ huy, các tổ chức trong đơn vị; sự tự giác quản lý của mỗi cán bộ, chiến sĩ nhằm điều chỉnh, bổ sung, phát triển các mối quan hệ xã hội tốt đẹp. Phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị, gia đình, chính quyền địa phương quản lý quan hệ xã hội của sĩ quan cấp phân đội trong quân đội hiện nay để trao đổi thông tin, nắm tình hình, phối hợp ngăn chặn có hiệu quả, không để các tệ nạn xâm nhập vào đơn vị, định hướng, phát triển nhân cách giúp cho họ thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.

Việc phối hợp giữa đơn vị, gia đình, chính quyền địa phương  trong quản lý quan hệ xã hội của sĩ quan cấp phân đội

Sĩ quan cấp phân đội trong quân đội là những cán bộ được phong, thăng quân hàm từ thiếu úy đến trung tá, thực hiện chức trách, nhiệm vụ phân đội (trung đội, đại đội, tiểu đoàn) hoặc tương đương. Đây là lực lượng thường xuyên phối hợp, tham gia cùng cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng địa bàn đóng quân vững mạnh. Tham gia tuyên truyền vận động Nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Vận động Nhân dân tích cực tham gia các phong trào, các cuộc vận động cách mạng ở địa phương. Đấu tranh làm thất bại âm mưu và hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch, phản động. Qua đó, góp phần xây dựng mối quan hệ đoàn kết quân dân, xây dựng chi bộ, đảng bộ địa phương vững mạnh.
Những năm qua, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị trong toàn quân đã thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác quản lý tư tưởng, kỷ luật và mối quan hệ xã hội của quân nhân, giữ vững ổn định tình hình đơn vị. Cụ thể:

Thứ nhất, chú trọng quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các chỉ thị, quy định về chấp hành pháp luật, kỷ luật, bảo đảm an ninh, an toàn trong đơn vị. Trọng tâm là: Chỉ thị số 91/CT-BQP ngày 22/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về công tác quản lý, giáo dục, chấp hành kỷ luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam; Thông tư số 192/2016/TT-BQP ngày 26/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về các hình thức kỷ luật và thẩm quyền xử lý kỷ luật trong Bộ Quốc phòng; Hướng dẫn số 800/QH-ĐL ngày 25/3/2019 của Cục Quân huấn về xây dựng đơn vị điểm vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”; Thông tư số 16/2020/TT-BQP ngày 21/02/2020 của Bộ Quốc phòng quy định việc áp dụng các hình thức kỷ luật, trình tự, thủ tục, thời hiệu, thời hạn và thẩm quyền xử lý kỷ luật trong Bộ Quốc phòng…

Thứ hai, làm tốt công tác phối hợp giữa đơn vị, gia đình, chính quyền địa phương trong quản lý quan hệ xã hội của sĩ quan cấp phân đội. Công tác phối hợp đi vào thực chất, hiệu quả, ngăn chặn được các tệ nạn xã hội xâm nhập vào đơn vị, chấp hành nghiêm quy định về an toàn giao thông, trả phép đúng thời gian quy định; tuyệt đại đa số sĩ quan luôn giữ vững và phát huy truyền thống Quân đội, nêu cao ý thức tự lực, tự cường, tích cực, chủ động, sáng tạo tiếp thu cái mới, đấu tranh với các hành vi tiêu cực, sai trái, giữ vững ổn định đơn vị.

Thứ ba, tình hình chấp hành kỷ luật của Quân đội, pháp luật của Nhà nước, sĩ quan cấp phân đội trong quân đội thực hiện nghiêm túc: “đại bộ phận cán bộ, chiến sĩ đã có chuyển biến tốt về nhận thức, ý thức tự giác chấp hành kỷ luật Quân đội, pháp luật Nhà nước, quy tắc trật tự an toàn xã hội, đã hạn chế thấp nhất các vụ việc xảy ra, giảm cả về số vụ, số lượt người vi phạm, số người chết, số người bị thương. Giảm cả 3 tiêu chí (số vụ việc, số lượt người vi phạm, số người chết, bị thương)… đặc biệt các vụ việc nghiêm trọng, như: tự tử, tự sát, cố ý gây thương tích, giết người… giảm rõ rệt”1.

Tuy nhiên hiện nay, quản lý quan hệ xã hội của chính quyền địa phương vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập: còn một bộ phận nhỏ sĩ quan cấp phân đội tham gia tín dụng đen, các tệ nạn lô đề, cờ bạc, vay nợ không có khả năng chi trả;  “một số cán bộ, đảng viên, chiến sĩ ý thức tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức lối sống chưa tốt, cá biệt có trường hợp còn vi phạm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội”2. Hiện tượng nhỏ lẻ đánh nhau gây thương tích, đào ngũ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mất an toàn trong huấn luyện, lao động, công tác, sinh hoạt, tham gia giao thông, đăng tải thông tin tiêu cực trên internet, mạng xã hội,… còn xảy ra.

Nguyên nhân của những hạn chế trên là do nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, bí thư, chính ủy, chính trị viên, cán bộ chỉ huy các cấp trong phối hợp giữa đơn vị, gia đình, chính quyền địa phương nơi đóng quân trong quản lý quan hệ xã hội của sĩ quan cấp phân đội có lúc còn xem nhẹ; chưa đề cao trách nhiệm trong quản lý của sĩ quan cấp phân đội. “Công tác giáo dục, quán triệt, quản lý của chỉ huy các cấp ở một số đơn vị chưa chặt chẽ, chưa sát với từng đối tượng”3. Chưa kịp thời nắm rõ được lý lịch, các mối quan hệ xã hội phức tạp, diễn biến tư tưởng, điều kiện hoàn cảnh gia đình, tình hình sức khỏe của sĩ quan để có các biện pháp ngăn chặn, giải tỏa kịp thời, do đó còn để xảy ra những vụ việc nghiêm trọng trong đơn vị. “Nắm bắt và giải quyết tình hình tư tưởng bộ đội của chỉ huy các cấp chưa kịp thời, triệt để; còn bị động, bất ngờ trước những tư tưởng bất thưởng nảy sinh”; “phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương chưa tốt dẫn đến vụ việc diễn biến phức tạp”4; “phối hợp với gia đình trong quản lý quân nhân chưa chặt chẽ”5.

Đề xuất một số giải pháp

Hiện nay, tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và xây dựng Quân đội trong tình hình mới đòi hỏi ngày càng cao. Trong khi đó, các thế lực thù địch ráo riết đẩy mạnh thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hóa” Quân đội; một trong những mũi nhọn chống phá nhằm vào thế hệ trẻ, trong đó có sĩ quan cấp phân đội. Mặt khác, những tiêu cực và tệ nạn xã hội nảy sinh từ mặt trái kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế đang hằng ngày, hằng giờ tác động, làm ảnh hưởng xấu đến nhận thức, tư tưởng, tâm lý, niềm tin của sĩ quan cấp phân đội. Để phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị, gia đình, chính quyền địa phương trong quản lý quan hệ xã hội của sĩ quan cấp phân đội hiện nay, cần tập trung thực hiện có hiệu quả một số giải pháp cơ bản sau đây:

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, điều lệnh, điều lệ, kỷ luật của Quân đội, nắm chắc chất lượng chính trị sĩ quan cấp phân đội.

Cấp ủy, bí thư, chính ủy, chính trị viên, cơ quan chính trị, chỉ huy các cấp ở các đơn vị cần phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị, gia đình, địa phương trong quản lý quan hệ xã hội của sĩ quan cấp phân đội, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, điều lệnh, điều lệ, 10 lời thề, 12 điều kỷ luật, tình hình địa phương, những điều quy định khi quan hệ xã hội với Nhân dân. Nội dung giáo dục, tuyên truyền tập trung vào Thông tư số 42/2016/TT-BQP của Bộ Quốc phòng; Kết luận số 1249-KL/QUTW ngày 27/11/2019 của Quân ủy Trung ương về tình hình chấp hành kỷ luật toàn quân; Chỉ thị số 103/CT-BQP ngày 28/11/2019 của Bộ Quốc phòng về việc tiếp tục tăng cường quản lý, giáo dục chấp hành kỷ luật và bảo đảm an toàn trong Quân đội nhân dân Việt Nam; Hướng dẫn số 2556/HD-CT ngày 30/12/2019 của Tổng cục Chính trị về công tác đảng, công tác chính trị trong quản lý, giáo dục chấp hành kỷ luật Quân đội và bảo đảm an toàn trong Quân đội nhân dân Việt Nam; Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen; Công văn số 1660/TM-QH ngày 11/6/2022 của Bộ Tổng Tham mưu về tăng cường các biện pháp quản lý, giáo dục nhằm ngăn chặn tình trạng tự tử, tự sát và vi phạm kỷ luật trong toàn quân…
Yêu cầu công tác tuyên truyền, giáo dục phải thực hiện tốt trong tất cả các khâu, các bước với nội dung, hình thức và phương pháp phù hợp với đơn vị giáo dục, tuyên truyền thông qua sinh hoạt, học tập, diễn đàn, tọa đàm, hội thi, hội thao, báo cáo viên, tuyên truyền viên giỏi, truyền thanh nội bộ. Đơn vị và địa phương cần duy trì tốt chế độ định kỳ tổ chức hội nghị liên tịch để đánh giá, rút kinh nghiệm công tác phối hợp hoạt động giữa đơn vị và địa phương. Thực hiện tốt chế độ các cấp lãnh đạo của đơn vị và địa phương định kỳ họp 6 tháng, 12 tháng để nghe báo cáo của cấp dưới và các cơ quan chức năng; chỉ đạo giải quyết kịp thời những vấn đề mới đặt ra trong quản lý quan hệ xã hội của sĩ quan cấp phân đội.

Quản lý toàn diện chất lượng chính trị sĩ quan cấp phân đội, trong đó đặc biệt chú trọng quản lý hồ sơ, lý lịch… Cấp ủy, tổ chức đảng, bí thư, chính ủy, chính trị viên, cơ quan chính trị các cấp cần phối hợp chặt chẽ với gia đình, địa phương quản lý chặt chẽ ở tất cả các khâu, các bước từ đăng ký, sắp xếp, quản lý nguồn, công tác đào tạo; nắm trình độ, năng lực công tác, phẩm chất đạo đức và sức khỏe, các mối quan hệ của sĩ quan cấp phân đội qua phần nhận xét đánh giá của gia đình, địa phương; đối chiếu với “phiếu tự thuật” của sĩ quan;  thường xuyên trao đổi với cấp ủy, chính quyền địa phương để nắm bắt tâm tư nguyện vọng, hoàn cảnh gia đình, kịp thời tháo gỡ, động viên sĩ quan vượt qua những khó khăn, vướng mắc. Kết hợp với cơ quan quân sự địa phương làm tốt công tác tuyển chọn, không để những sĩ quan không đủ tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức, sức khỏe vào Quân đội. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với gia đình, tìm hiểu thân nhân của sĩ quan; từ đó có các giải pháp giáo dục, định hướng, giúp đỡ sĩ quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, không để bị cuốn vào các tệ nạn xã hội, bị lôi kéo bởi những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, góp phần ngăn ngừa tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Hai là, rà soát, quản lý chặt chẽ tình hình tư tưởng, không ngừng hoàn thiện cơ chế phối hợp trong quản lý quan hệ xã hội của sĩ quan cấp phân đội.

Chú trọng rà soát, quản lý chặt chẽ tình hình tư tưởng của sĩ quan cấp phân đội, “tăng cường giáo dục, quản lý, chủ động giải quyết tư tưởng bộ đội bảo đảm cán bộ, chiến sĩ an tâm tư tưởng, chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của Quân đội, quy định đơn vị”6. Cấp ủy, chỉ huy các cấp phải thường xuyên gần gũi sĩ quan cấp phân đội, nắm vững quy trình, các bước của công tác tư tưởng; thông qua hoạt động thực tiễn trong các nhiệm vụ, công tác, sinh hoạt, thực hiện các chế độ quy định để nắm bắt tâm trạng hoặc những vấn đề nảy sinh tư tưởng của sĩ quan cấp phân đội để kịp thời giải quyết các vướng mắc. Xây dựng kế hoạch, định kỳ phối hợp với gia đình sĩ quan cấp phân đội nắm chắc diễn biến tư tưởng, thông báo những diễn biến tư tưởng của sĩ quan cho đơn vị, đặc biệt trong dịp nghỉ lễ, nghỉ phép…, để có biện pháp quản lý phù hợp; phối hợp với đoàn thể địa phương nơi đóng quân nắm vững các diễn biến tư tưởng nảy sinh… Đồng thời, kết hợp chặt chẽ giữa quản lý tình hình tư tưởng với phát hiện, điều chỉnh hành vi sĩ quan cấp phân đội; biểu dương khen thưởng kịp thời gương người tốt, việc tốt; kịp thời đấu tranh ngăn ngừa, xử lý những biểu hiện tiêu cực, các hành vi vi phạm pháp luật, kỷ luật, những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống,…

Cấp ủy, chỉ huy các cấp cần xây dựng quy chế phối hợp quản lý giữa cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy nơi công tác và cấp ủy, chính quyền nơi cư trú. Quy chế phối hợp phải xác định rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, hình thức, phương pháp và chế độ giao ban, phản ánh tình hình về các mối quan hệ của sĩ quan cấp phân đội với Nhân dân địa phương nơi đóng quân hoặc nơi cư trú trong từng tháng, quý hoặc một năm hai lần.

Ba là, thực hiện đồng bộ các chính sách bảo đảm lợi ích vật chất, tinh thần của sĩ quan cấp phân đội gắn với xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, bảo đảm đơn vị vững mạnh toàn diện, gia đình văn hóa, địa bàn đóng quân an toàn.

“Quân đội mạnh là nhờ giáo dục khéo, nhờ chính sách đúng và nhờ kỷ luật nghiêm”7. Vì vậy, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần thực hiện nghiêm các chế độ, chính sách. Chủ động phối hợp chặt chẽ với gia đình và địa phương cán bộ, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, nhu cầu chính đáng cho sĩ quan cấp phân đội, như: quan tâm động viên, tạo điều kiện về thời gian, tổ chức thăm hỏi cán bộ và thân nhân cán bộ những lúc khó khăn, hoạn nạn; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương địa bàn đóng quân và gia đình sĩ quan để trao đổi, nắm hoàn cảnh gia đình, tâm tư tình cảm, khó khăn vướng mắc, có biện pháp giúp đỡ, nhất là số cán bộ có điều kiện hoàn cảnh gia đình khó khăn về kinh tế, số cán bộ nhiều tuổi chưa xây dựng gia đình, số cán bộ trẻ đã xây dựng gia đình song hiếm muộn…Từ đó có biện pháp giúp đỡ, tạo điều kiện để cán bộ yên tâm công tác.

Đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hóa trong Quân đội gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa của Quốc gia”; xây dựng gia đình văn hóa. Cấp ủy, tổ chức đảng, chính ủy, chính trị viên, cơ quan chính trị, chỉ huy các cấp cần chủ động phối hợp chặt chẽ gia đình, với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương nơi đóng quân để xây dựng các kế hoạch, quy chế hoạt động, mục đích tạo môi trường, đời sống văn hóa lành mạnh ở cả địa phương và đơn vị. Giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống đoàn kết gắn bó quân dân cho sĩ quan với thanh niên địa phương “xây dựng mối quan hệ đoàn kết máu thịt với Nhân dân, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, gắn với xây dựng các điểm sáng văn hóa và địa bàn an toàn”8, qua đó góp phần ngăn chặn, đẩy lùi những hủ tục, tệ nạn xã hội, xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn đóng quân.

Đồng thời, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo của từng đơn vị, của mọi cán bộ, đảng viên, sĩ quan nhằm tạo sự chuyển biến tích cực, có chiều sâu trong đời sống văn hóa tinh thần; làm cho các nhân tố chính trị, tư tưởng bắt rễ sâu hơn, vững chắc hơn trong mọi hoạt động của sĩ quan cấp phân đội. Phấn đấu mỗi sĩ quan là một chiến sĩ văn hóa, mỗi gia đình sĩ quan là một gia đình văn hóa, khu tập thể sĩ quan trở thành khu tập thể văn hóa. Các đơn vị trên địa bàn đóng quân là một điểm sáng văn hóa.

Phối hợp giữa đơn vị, gia đình, chính quyền địa phương trong quản lý quan hệ xã hội của sĩ quan cấp phân đội hiện nay là một nội dung cơ bản, quan trọng trong công tác quản lý, giáo dục và rèn luyện cán bộ, đảng viên trong quân đội. Đây là nền tảng có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, thiết thực góp phần bồi dưỡng cho mỗi sĩ quan cấp phân đội bản chất cách mạng và những phẩm chất, nhân cách cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”. Phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị, gia đình, chính quyền địa phương nơi đóng quân quản lý quan hệ xã hội của sĩ quan cấp phân đội là nội dung, biện pháp quan trọng góp phần xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện, bảo đảm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Chú thích:
1, 3, 4, 5. Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam. Báo cáo tình hình chấp hành pháp luật, kỷ luật của toàn quân năm 2022. Hà Nội, 2022, tr. 2, 3, 6, 7.
2, 6. Báo cáo số 975/BC-CT ngày 20/4/2023 của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam về sơ kết 2 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong Đảng bộ Quân đội và toàn quân.
7. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 7. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 483.
8. Kết luận số 841/KL-CT ngày 27/3/2023 của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện: Cuộc vận động xây dựng môi trường văn hóa trong quân đội.
Tài liệu tham khảo:
1. Công văn số 1323/TC-ĐV ngày 18/10/2019 của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam về việc nâng cao chất lượng công tác kết nạp, quản lý, rèn luyện đảng viên.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.
3. Tổng cục Chính trị Quân đội. Tài liệu nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025. H. NXB Quân đội nhân dân, 2020.

Thiếu tá, ThS. Hoàng Văn Phong
Đại tá, PGS, TS. Đỗ Huy Hà
Thiếu tá. Nguyễn Hải Biên
      Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng