Thế trận an ninh nhân dân trong xây dựng thế trận bảo vệ Tổ quốc

(Quanlynhanuoc.vn) – Bảo vệ Tổ quốc là một trong những nhiệm vụ quan trọng, chiến lược của cách mạng Việt Nam. Bảo vệ Tổ quốc liên quan trực tiếp đến sự an nguy của quốc gia, dân tộc và sự tồn vong của chế độ chính trị, quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân, liên quan đến độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Chính vì vậy, bảo vệ Tổ quốc phải huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của các bộ, ban, ngành và toàn dân tộc, trong đó đặc biệt coi trọng và phát huy vai trò, sức mạnh của quần chúng nhân dân, hình thành nên các loại hình thế trận trong thế trận bảo vệ Tổ quốc.
Ảnh minh họa (internet).

Trong thực tế bảo vệ Tổ quốc qua hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam, cha ông ta đã xây dựng, vận hành có hiệu quả các loại hình thế trận, đã trở thành nghệ thuật trong bảo vệ Tổ quốc. Ngày nay, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới ngày càng khó khăn, phức tạp hơn, đòi hỏi phải xây dựng và phát huy các loại hình thế trận, trong đó có thế trận an ninh nhân dân. Đồng thời, phải kết hợp các thế trận để tạo nên thế trận liên hoàn vững chắc theo tinh thần Nghị quyết số 51-NQ/TW ngày 05/9/2019 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia “Xây dựng, củng cố nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân, kết hợp chặt chẽ với nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc; thiết lập thế trận an ninh liên hoàn”.

Thế trận bảo vệ Tổ quốc là một loại hình thế trận đặc biệt. Tư duy về thế trận bảo vệ Tổ quốc và xây dựng thế trận bảo vệ Tổ quốc đã hình thành từ rất sớm, từ thời kỳ đầu dựng nước và giữ nước của cha ông ta. Trải qua các giai đoạn phát triển của đất nước, thế trận bảo vệ Tổ quốc dần được củng cố, tăng cường và phát triển vững mạnh. Tuy nhiên, lý luận về thế trận bảo vệ Tổ quốc là vấn đề mới, trên thực tế, chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu làm rõ. Qua nghiên cứu, luận bàn về thế trận bảo vệ Tổ quốc, bước đầu có thể nhận thấy, thế trận bảo vệ Tổ quốc là tổng hợp của các loại hình thế trận, được tổ chức, bố trí theo ý đồ chiến lược trong bảo vệ Tổ quốc. Hay nói cách khác, thế trận bảo vệ Tổ quốc là hình thái tổ chức, bố trí các thế trận trên cơ sở huy động mọi nguồn lực tạo nên sức mạnh tổng hợp để bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

Thế trận bảo vệ Tổ quốc được cấu thành bởi nhiều thế trận khác nhau như: thế trận lòng dân, thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, thế trận biên phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân, thế trận nghiệp vụ… Thế trận bảo vệ Tổ quốc là sự tập hợp của nhiều lực lượng, phương tiện và các nguồn lực cần thiết khác, được tổ chức, bố trí ở nhiều hình thức khác nhau (bí mật, công khai,hoặc kết hợp giữa công khai và bí mật) và ở trạng thái chủ động, sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc. Thế trận bảo vệ Tổ quốc hướng tới mục tiêu cao nhất là bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong mọi tình huống. Đồng thời, thế trận bảo vệ Tổ quốc đòi hỏi phải có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các cơ quan, ban ngành và sự tích cực, chủ động của Nhân dân, trong đó Công an nhân dân và Quân đội nhân dân là lực lượng nòng cốt.

Xây dựng thế trận bảo vệ Tổ quốc là quá trình hoạch định và thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; tổ chức, bố trí lực lượng, phương tiện và các nguồn lực cần thiết khác nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và làm nòng cốt, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước nhằm chủ động bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống. Trong xây dựng thế trận bảo vệ Tổ quốc, Đảng, Nhà nước ban hành chủ trương, chính sách làm cơ sở tổ chức, bố trí lực lượng, phương tiện và các nguồn lực khác nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp để chủ động bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và giữ vai trò nòng cốt trong tham mưu với Đảng, Nhà nước xây dựng thế trận bảo vệ Tổ quốc, đồng thời là lực lượng trực tiếp, phối hợp, hướng dẫn các cơ quan, ban ngành xây dựng các thế trận trong thế trận bảo vệ Tổ quốc theo sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước. Quần chúng nhân dân là lực lượng đông đảo, tuy không phải là chủ thể thực hiện các mặt hoạt động để xây dựng thế trận bảo vệ Tổ quốcnhưng quần chúng nhân dân là đối tượng được huy động tham gia thế trận bảo vệ Tổ quốc thông qua các loại hình thế trận như thế trận lòng dân, thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân.

Trong bảo vệ Tổ quốc, thế trận an ninh nhân dân là một loại hình thế trận trong thế trận bảo vệ Tổ quốc. Tư duy về thế trận an ninh nhân dân cũng được hình thành từ rất sớm cùng với thế trận bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, thuật ngữ “thế trận an ninh nhân dân” xuất hiện chính thức lần đầu tại Nghị quyết Đại hội lần thứ VII (năm 1991) của Đảng Cộng sản Việt Nam với tinh thần: Kết hợp củng cố nền quốc phòng toàn dân với xây dựng thế trận an ninh nhân dân”1. Sau đó, tiếp tục được đề cập trong Văn kiện Đại hội lần thứ VII, IX, X, VI, XII, XIII của Đảng và Nghị quyết về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia. Đồng thời, thế trận an ninh nhân dân đã được các cơ quan, ban ngành đặc biệt quan tâm và đầu tư nghiên cứu dưới góc độ lý luận trong bảo vệ Tổ quốc.

Nghiên cứu về thế trận an ninh nhân dân từ trước đến nay đã được đề cập đến dưới nhiều góc độ khác nhau. Điển hình như: Luật An ninh quốc gia năm 2004 xác định: “Thế trận an ninh nhân dân là việc tổ chức, bố trí lực lượng bảo vệ an ninh quốc gia và các nguồn lực cần thiết để chủ động bảo vệ an ninh quốc gia2. Theo Từ điển Bách khoa Công an nhân dân Việt Nam năm 2005 định nghĩa: Thế trận an ninh nhân dân là hình thái tổ chức và bố trí lực lượng theo một ý đồ chiến lược để phát huy sức mạnh tổng hợp bảo vệ an ninh, trật tự. Thế trận an ninh nhân dân được xây dựng từ đơn vị cơ sở, có liên hệ phối hợp chặt chẽ với nhau trên từng địa bàn, từng khu vực và trong phạm vi cả nước”3. Đề tài khoa học cấp Nhà nước “Xây dựng thế trận an ninh nhân dân trong tình hình mới” năm 2015 của tác giả Bùi Quảng Bạ đã đưa ra khái niệm: Thế trận an ninh nhân dân là hình thái tổ chức, bố trí lực lượng và các nguồn lực theo một ý đồ chiến lược để phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, của cả hệ thống chính trị, nòng cốt là lực lượng Công an nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành tập trung, thống nhất của Nhà nước, nhằm chủ động bảo vệ vững chắc an ninh, trật tự”4

Có thể thấy, các quan niệm khi bàn về thế trận an ninh nhân dân trong các công trình khoa học trên đều có điểm chung:

Thứ nhất, có sự tham gia tự giác, có tổ chức, tích cực của đông đảo quần chúng nhân dân và các cơ quan, ban ngành, các tổ chức chính trị, xã hội, các đoàn thể quần chúng trong đấu tranh phòng, chống âm mưu, hoạt động xâm phạm an ninh, trật tự của các thế lực thù địch, các loại tội phạm;

Thứ hai, các lực lượng chuyên trách được tổ chức, bố trí một cách hợp lý, kết hợp chặt chẽ với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, trong đó, lực lượng Công an nhân dân giữ vai trò nòng cốt;

Thứ ba, sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng và sự quản lý, điều hành tập trung, thống nhất, hiệu quả của Nhà nước đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự.

Nghiên cứu về thế trận an ninh nhân dân trong thế trận bảo vệ Tổ quốc, bước đầu tác giả xác định trên một số vấn đề cơ bản sau:

Một là, thế trận an ninh nhân dân là một bộ phận cấu thành của thế trận bảo vệ Tổ quốc và có quan hệ chặt chẽ với thế trận bảo vệ Tổ quốc. Trong bảo vệ Tổ quốc, thế trận an ninh nhân dân góp phần huy động sức mạnh tổng hợp của đất nước, trong đó có sự tham gia đông đảo của Nhân dân, lực lượng vũ trang làm nòng cốt, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành tập trung, thống nhất của Nhà nước để phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, các loại tội phạm xâm phạm đến sự ổn định và phát triển bền vững của chế độ chính trị và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc của Nhân dân. Thế trận an ninh nhân dân tạo nên sự vững mạnh của thế trận bảo vệ Tổ quốc, nếu không có thế trận an ninh nhân dân thì sẽ không hình thành nên thế trận bảo vệ Tổ quốc, hoặc có thế trận bảo vệ Tổ quốc nhưng hiệu quả hoạt động sẽ không cao.

Hai là, thế trận an ninh nhân dân có mối quan hệ chặt chẽ với các thế trận khác trong thế trận bảo vệ Tổ quốc. Bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, của toàn dân tộc, của các cấp, các ngành, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối, về mọi mặt của Đảng, sự quản lý, điều hành thống nhất của Nhà nước, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt. Bảo vệ Tổ quốc phải huy động được sức mạnh của toàn dân tộc, tạo nên các thế trận trong bảo vệ Tổ quốc như thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân, thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân… Thế trận an ninh nhân dân và các thế trận trên có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, tác động, hỗ trợ lẫn nhau trong xử lý, giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự cũng như các vấn đề khác trong bảo vệ Tổ quốc. Tổ chức, vận hành tốt thế trận an ninh nhân dân giúp nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an ninh, trật tự, là cơ sở, điều kiện thuận lợi để phát huy thế trận lòng dân, củng cố nền an ninh nhân dân, nền quốc phòng toàn dân, nâng cao hiệu quả hoạt động của thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân.

Ba là, thế trận an ninh nhân dân là nghệ thuật quy tụ sức mạnh của quần chúng nhân dân trong xây dựng thế trận bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng thế trận bảo vệ Tổ quốc đòi hỏi phải huy động và phát huy được các nguồn lực, trong đó có nguồn lực con người. Vì vậy, huy động sự tham gia đông đảo của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc là một trong những nghệ thuật đặc sắc của cách mạng Việt Nam. Để huy động có hiệu quả sức mạnh của quần chúng nhân dân, thế trận an ninh nhân dân là một trong những hình thái phổ biến và phù hợp nhất. Thế trận an ninh nhân dân góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, tăng cường tiềm lực an ninh quốc gia, là cơ sở để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong mọi tình huống. 

Thực tiễn về phát huy thế trận an ninh nhân dân trong xây dựng thế trận bảo vệ Tổ quốc

Những năm qua, quán triệt việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng, củng cố nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân trong thế trận bảo vệ Tổ quốc, lực lượng Công an nhân dân đã chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp xây dựng, củng cố vững chắc cơ sở chính trị, khối đại đoàn kết toàn dân và sự phát triển mọi mặt của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm sự ổn định, vững mạnh của hệ thống chính trị; chăm lo giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Báo cáo Chính trị Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Chính trị, xã hội ổn định, đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Các lĩnh vực an sinh xã hội, y tế, giáo dục – đào tạo, khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam, v.v. có nhiều chuyển biến tích cực, có mặt khá nổi”5.

Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng chỉ ra: “Tiềm lực quốc phòng và an ninh được tăng cường; thế trận lòng dân được chú trọng; thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân, nhất là các địa bàn chiến lược, trọng điểm đươc củng cố vững chắc”6. Tuy nhiên, xây dựng thế trận an ninh nhân dân thời gian qua có lúc, có nơi còn những tồn tại, hạn chế nhất định do nhiều nguyên nhân khác nhau đã làm giảm hiệu quả của việc phát huy vai trò, sức mạnh của Nhân dân trong bảo vệ Tổ quốc. Điều này đã được Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nêu: “Chưa có giải pháp hữu hiệu để xử lý vấn đề phân hóa giàu nghèo… Chất lượng dịch vụ y tế, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bảo dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, bất cập”7; “Các nguồn lực, tiềm năng sáng tạo của Nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc chưa được phát huy tốt…; kết hợp giữa phát triển kinh tế – xã hội với đảm bảo quốc phòng, an ninh trên một số lĩnh vực, địa bàn chưa thực sự nghiêm túc, chặt chẽ, hiệu quả8. Bên cạnh đó, vai trò tham mưu với Đảng, Nhà nước trong lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp với các cơ quan, ban, ngành xây dựng thế trận an ninh nhân dân trong thế trận bảo vệ Tổ quốc của lực lượng Công an vẫn còn những điểm hạn chế; xây dựng, duy trì, gắn kết giữa các loại hình thế trận trong thế trận bảo vệ Tổ quốc còn chưa thường xuyên, liên tục; việc xây dựng, mở rộng thế trận an ninh nhân dân ra địa bàn ngoài nước chưa phát huy được tối đa hiệu quả. Mặt khác, lý luận về bảo vệ Tổ quốc hiện nay còn đang từng bước hoàn thiện, việc định hình các loại hình thế trận trong thế trận bảo vệ Tổ quốc còn chưa được rõ ràng.

Một số giải pháp

Trong những năm tới, tình hình thế giới, khu vực có những biến động khó lường. Các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, chia rẽ lòng dân, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, ngăn cản sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tình hình đó đòi hỏi phải xây dựng được thế trận an ninh nhân dân trong tổng thể thế trận bảo vệ Tổ quốc, coi đó vừa là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, vừa là yêu cầu cấp bách để bảo vệ Tổ quốc. Để thực hiện được điều này, cần thiết phải tiến hành đồng bộ, toàn diện nhiều nội dung, biện pháp, với sự tham gia của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị, trong đó tập trung vào một số giải pháp trọng tâm sau:

Một là, nghiên cứu, bổ sung, phát triển, hoàn thiện lý luận về bảo vệ Tổ quốc, trong đó cần chú ý nghiên cứu và định hình rõ các loại hình thế trận trong bảo vệ Tổ quốc.

Cùng với sự phát triển, đổi mới về nhận thức trong bảo vệ Tổ quốc, việc nghiên cứu, bổ sung, phát triển, hoàn thiện lý luận về bảo vệ Tổ quốc là hết sức cần thiết. Do đó, cần tập trung nghiên cứu, bổ sung, phát triển, hoàn thiện lý luận về bảo vệ Tổ quốc như lý luận về thế trận bảo vệ Tổ quốc, xây dựng thế trận bảo vệ Tổ quốc; lý luận về thế trận an ninh nhân dân và xây dựng thế trận an ninh nhân dân; lý luận về quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân… Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, định hình và làm rõ các loại hình thế trận trong bảo vệ Tổ quốc; vị trí, vai trò, mối quan hệ của các loại hình thế trận trong thế trận bảo vệ Tổ quốc trong đó có thế trận an ninh nhân dân.

Hai là, tham mưu với Đảng, Nhà nước trong lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp với các cơ quan, ban, ngành xây dựng thế trận an ninh nhân dân trong tổng thể thế trận bảo vệ Tổ quốc.

Xây dựng thế trận an ninh nhân dân trong thế trận bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, của các cấp, các ngành. Do đó, xây dựng thế trận an ninh nhân dân đòi hỏi phải huy động được sức mạnh tổng hợp của các cơ quan, ban ngành, tổ chức, đoàn thể quần chúng trong phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn, loại trừ các nguy cơ, thách thức đe dọa tới an ninh, trật tự. Đồng thời, lực lượng Công an nhân dân cần phải chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước trong lãnh đạo, chỉ đạo về mọi mặt, trong đó tập trung tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành các chủ trương, kế hoạch, lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành trong xây dựng thế trận an ninh nhân dân, bảo vệ Tổ quốc từ trước, từ sớm, từ xa.

Ba là, xây dựng, duy trì và kết hợp có hiệu quả các thế trận, tạo thế trận liên hoàn vững chắc trong bảo vệ Tổ quốc.

Thế trận bảo vệ Tổ quốc là tổng hợp của nhiều thế trận. Do đó, để bảo vệ vững chắc Tổ quốc cần phải xây dựng, duy trì và kết hợp chặt chẽ, có hiệu quả các loại hình thế trận, tạo nên thế trận liên hoàn vững chắc. Tập trung xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc, gắn bó chặt chẽ với thế trận quốc phòng toàn dân, phù hợp với nhiệm vụ bảo vệ địa bàn, khả năng kinh tế từng địa phương, bảo đảm vừa thuận tiện sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu theo phương châm “làng giữ làng, xã giữ xã, huyện giữ huyện, tỉnh giữ tỉnh”; gắn kết chặt chẽ giữa các khu vực phòng thủ với thế trận tác chiến phòng thủ quân khu, hình thành thế trận ở các hướng chiến lược và trên cả nước.

Bốn là, mở rộng thế trận an ninh nhân dân ra địa bàn ngoài nước tạo thế trận bảo vệ Tổ quốctừ sớm, từ xa.

Trong xu thế mở cửa, hội nhập hiện nay, các thế lực thù địch, các loại tội phạm luôn lợi dụng quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước để hoạt động xâm phạm an ninh, trật tự. Chúng liên kết với nhau tạo thành các tổ chức tội phạm hoạt động xuyên lục địa, xuyên quốc gia với phương thức, thủ đoạn tinh vi. Vì vậy, mở rộng thế trận an ninh nhân dân ra địa bàn ngoài nước để hình thành một mặt trận rộng lớn trong đấu tranh phòng, chống tội phạm là một phương thức tất yếu. Để thực hiện được điều này, lực lượng Công an cần căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị, địa phương có kế hoạch mở rộng hợp tác quốc tế, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ rộng rãi của các nước trên thế giới, tranh thủ sự ủng hộ của đồng bào Việt kiều, của người dân trên toàn thế giới…, góp phần xây dựng thế trận bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Năm là, xây dựng lực lượng Công an nhân dân thực sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, bảo đảm đủ khả năng quy tụ, phát huy được vai trò của Nhân dân trong thế trận bảo vệ Tổ quốc.

Xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại là một chủ trương lớn của Đảng, tạo tiền đề, điều kiện cơ bản, quan trọng để bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Mặt khác, Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt, quy tụ, phát huy vai trò của Nhân dân trong thế trận bảo vệ Tổ quốc, do đó, chất lượng, hiệu quả hoạt động của lực lượng Công an nhân dân ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của thế trận bảo vệ Tổ quốc. Triển khai thực hiện chủ trương xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại cần phải thực hiện khẩn trương, khoa học, chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn, trong đó, cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm như: quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thực sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; chăm lo xây dựng và tạo điều kiện thuận lợi để lực lượng Công an nhân dân phát huy vai trò nòng cốt trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm đủ khả năng quy tụ, phát huy được vai trò của Nhân dân trong thế trận bảo vệ Tổ quốc.

Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 1991, tr. 177.
2. Luật An ninh quốc gia năm 2004.
3. Bộ Công an. Từ điển bách khoa Công an nhân dân Việt Nam. H. NXB Công an nhân dân, 2005, tr. 1.082 – 1.083.
4. Bùi Quảng Bạ. Xây dựng thế trận an ninh nhân dân trong tình hình mới. Đề tài khoa học cấp Nhà nước, Hà Nội, 2015, tr. 9.
5, 6, 7, 8. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 21, 68, 85 – 86, 88 – 89.
TS. Bùi Trung Hiếu
Học viện An ninh nhân dân