Áp dụng biện pháp tự vệ thương mại: thực tiễn từ việc áp thuế tự vệ của Phi-líp-pin đối với xi măng Việt Nam

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang bị ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19, nhiều quốc gia đã đang sử dụng công cụ phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ ngành sản xuất của mình. Bài viết nghiên cứu tình hình áp dụng biện pháp tự vệ thương mại từ thực tiễn việc áp thuế tự vệ của Phi-líp-pin đối với một số mặt hàng xi măng của Việt Nam. Với mục đích cung cấp những kiến thức căn bản nhằm hỗ trợ kháng kiện cho ngành xi măng của Việt Nam. Bài viết phân tích tình hình xuất khẩu xi măng của Việt Nam sang Phi-líp-pin và những thiệt hại từ biện pháp tự vệ này.
Ảnh minh hoạ: baochinhphu.vn.
Đặt vấn đề

Đại dịch Covid-19 hiện đang để lại những ảnh hưởng tiêu cực cho hoạt động sản xuất – kinh doanh của các ngành công nghiệp trên thế giới. Do vậy, để bảo vệ cho các ngành sản xuất nội địa, Chính phủ các nước đang gia tăng các biện pháp bảo hộ, một trong số đó là thông qua các biện pháp phòng vệ thương mại. Chỉ trong năm 2020, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương đã phải xử lý tới 39 vụ kiện về phòng vệ thương mại (trong đó có 21 vụ kiện chống bán phá giá, 6 vụ kiện chống trợ cấp, 10 vụ việc tự vệ và 2 vụ điều tra hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại1.

Phi-líp-pin thuộc khối các nước ASEAN, đang ngày càng khởi xướng nhiều vụ điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam. Trong đó, vào năm 2019, Phi-líp-pin đã áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng xi măng của Việt Nam khi quốc gia này cho rằng,lượng nhập khẩu xi măng từ Việt Nam là quá lớn, khiến ngành sản xuất xi măng nội địa phải chịu thiệt hại nghiêm trọng.

Tình hình nghiên cứu

Biện pháp tự vệ là một trong những biện pháp thường xuyên được áp dụng, vai trò như một cái van khẩn cấp để điều tiết thương mại2. Tính đến tháng 7 năm 2022, trong tổng số 220 vụ việc nước ngoài điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu từ Việt Nam3 có tới gần 50 vụ việc điều tra tự vệ, chỉ đứng sau các vụ việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá. Hiệp định về biện pháp tự vệ quy định, biện pháp tự vệ được áp dụng khi hàng hóa nhập khẩu gia tăng đột biến, một cách tuyệt đối hoặc tương đối, gây ra thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây ra thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước. Biện pháp tự vệ có tính chất toàn cầu, tức là khi một quốc gia thành viên WTO áp dụng biện pháp tự vệ cho một mặt hàng cụ thể, thì dù mặt hàng đó được nhập khẩu từ quốc gia nào cũng sẽ bị áp dụng biện pháp4.

Theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), biện pháp tự vệ chỉ được phép áp dụng ở mức độ vừa đủ, tức là đủ để ngăn chặn hoặc bù đắp các thiệt hại và tạo điều kiện để ngành sản xuất nội địa thích nghi, điều chỉnh và phát triển. Thêm nữa, biện pháp tự vệ không được kéo dài quá 4 năm (tính cả thời gian áp dụng biện pháp tạm thời) và mức độ phải giảm dần theo định kỳ sau năm đầu tiên áp dụng. Trường hợp biện pháp được áp dụng trên 3 năm thì phải được xem xét lại vào giữa kỳ để cân nhắc khả năng chấm dứt hoặc giảm mức áp dụng. Biện pháp tự vệ có thể gia hạn nhưng tổng cộng thời gian áp dụng không được quá 8 năm. Đây là điểm tương tự giữa quy định của WTO và của Việt Nam. Tuy nhiên, WTO cũng quy định thêm rằng, đối với các quốc gia phát triển, trong đó có Việt Nam, thì biện pháp tự vệ có thể kéo dài thời gian áp dụng thêm 2 năm, tức là tổng thời gian áp dụng không quá 10 năm.

Trong vụ việc Phi-líp-pin áp thuế tự vệ đối với mặt hàng xi măng nhập khẩu khởi xướng năm 2018, mức thuế cuối cùng được đưa ra như sau: (1) 250 Php/MT cho năm 2019; (2) 225 Php/MT cho năm 2020 và (3) 200 Php/MT cho năm 2021. Tuy nhiên, sau năm đầu tiên áp dụng thuế tự vệ, Hiệp hội các nhà sản xuất xi măng Phi-líp-pin (CeMAP) lại gửi hồ sơ yêu cầu hoãn giảm thuế theo lộ trình lên DTI, tức là tiếp tục duy trì mức thuế 10 peso/túi 40kg thay vì giảm xuống còn 9 peso/túi 40 kg. Yêu cầu này là chưa từng có tiền lệ ở các quốc gia khác, tuy nhiên, DTI vẫn chấp nhận yêu cầu khi quyết định mức thuế năm thứ hai cho xi măng là 245 PhP/MT hay 9.8 peso/túi 40 kg. Như vậy, có thể thấy trong bối cảnh ngành sản xuất nội địa đang bị chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch và hàng nhập khẩu, Chính phủ Phi-líp-pin đã và đang tìm mọi cách hạn chế lượng nhập khẩu vào nước này6.

Việc đánh giá thiệt hại mà ngành xi măng Việt Nam phải gánh chịu từ thuế tự vệ của Phi-líp-pin dựa trên căn cứ thực tế vào số liệu về giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Phi-líp-pin, thu nhập bình quân của người lao động tại Việt Nam và lượng hàng tồn kho. Những số liệu này được lấy từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, Tổng cục Thống kê Việt Nam và Cơ quan Thống kê quốc gia của Phi-líp-pin để xem xét, đánh giá tình hình nghiên cứu một cách xác thực nhất.

Kết quả nghiên cứu

Về giá trị nhập khẩu

Trước khi Phi-líp-pin áp dụng biện pháp tự vệ lên mặt hàng xi măng nhập khẩu từ Việt Nam, sản lượng xuất khẩu xi măng đã có mức tăng trưởng ngoại mục, từ khoảng 280 nghìn USD lên tới hơn 300 triệu USD chỉ trong vòng 6 năm (mức tăng hơn 1.000 lần). Tuy nhiên, biện pháp tự vệ đã khiến giá trị xuất khẩu sụt giảm khoảng 11%, tương đương mức thâm hụt khoảng 40 triệu USD.

Về sản lượng xuất khẩu

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, sản lượng xuất khẩu xi măng của Việt Nam sang Phi-líp-pin liên tục tăng cao trong những năm gần đây. Từ năm 2014, kim ngạch xuất khẩu xi măng Việt Nam sang Phi-líp-pin chỉ ở mức 1,1 triệu tấn, sang năm 2015 sản lượng xuất khẩu đã tăng gấp đôi (lên khoảng 2,2 triệu tấn). Đà tăng trưởng tiếp tục được giữ ổn định các năm tiếp theo, tổng sản lượng xi măng Phi-líp-pin nhập khẩu từ Việt Nam ước đạt 3,8 triệu tấn; trong năm 2018, tăng khoảng 50% so với năm trước từ 4,1 triệu tấn lên 6,2 triệu tấn. Đến năm 2019, Chính phủ Phi-líp-pin lần đầu tiên áp dụng biện pháp tự vệ đối với xi măng Việt Nam, do đó, sản lượng xuất khẩu xi măng của Việt Nam có sự sụt giảm lớn, mức giảm khoảng 17,8%.

Về thu nhập bình quân người lao động

Trong giai đoạn từ năm 2015 – 2019, thu nhập bình quân của người lao động làm việc trong ngành xi măng ở Việt Nam liên tục được cải thiện. Mức thu nhập năm 2015 của người lao động khoảng 13 triệu/người/tháng, tăng lên mức 13,7 triệu/tháng trong năm tiếp theo. Thu nhập tăng của người lao động tại thời điểm này trùng với thời điểm sản lượng xuất khẩu sang Phi-líp-pin có bước nhảy vọt khi tăng gần gấp đôi (từ 2,2 triệu tấn lên 3,8 triệu tấn). Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu xi măng có đà tăng trưởng mạnh từ 4,1 triệu tấn lên 6,2 triệu tấn, đã tác động tích cực lên thu nhập bình quân của người lao động làm việc trong ngành. Người lao động có mức thu nhập cao hơn khoảng 3,2% so với năm trước đó.

Chỉ đến khi chịu tác động kép từ ảnh hưởng của biện pháp tự vệ mà Chính phủ Phi-líp-pin áp dụng lên mặt hàng xi măng của Việt Nam, bên cạnh đó, thời điểm từ năm 2019, do sự tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới chuỗi logistics thế giới, dẫn đến thu nhập của người lao động không có sự thay đổi và giữ nguyên ở mức 14,45 triệu đồng/người/tháng.

Về lượng hàng tồn kho

Trong giai đoạn tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu xi măng, sản lượng xi măng tồn kho được giữ ở mức thấp, năm 2015 chỉ ở mức 600.000 tấn, do Phi-líp-pin tăng cường nhập khẩu xi măng từ Việt Nam (sản lượng nhập khẩu tăng gấp đôi từ 1,1 triệu tấn tại năm 2014 lên 2,2 triệu tấn). Phi-líp-pin tiếp tục giữ tăng sản lượng xi măng nhập khẩu trong năm 2016, nên sản lượng xi măng tồn kho chỉ còn khoảng 0,4 triệu tấn. Năm 2017 Việt Nam đưa vào hoạt động của một số nhà máy mới, với công suất sản xuất tăng lên, nhưng mức tăng trưởng nhập khẩu từ Phi-líp-pin chỉ còn khoảng dưới 10%. Với 2 yếu tố này tác động tiêu cực lên lượng xi măng của Việt Nam tồn kho tăng gấp đôi, lên mức 0,9 triệu tấn.

Trong năm 2018, khi tổng kim ngạch xuất khẩu xi măng của Việt Nam sang Phi-líp-pin tăng trưởng mạnh trở lại, khoảng 50% (từ 4,1 triệu tấn lên 6,2 triệu tấn), đã cải thiện tổng lượng hàng tồn kho ngành xi măng. Cụ thể, sản lượng tồn kho quay đầu giảm một nửa, từ 0,9 triệu tấn xuống 0,4 triệu tấn. Đây là tín hiệu tích cực đối với ngành xi măng của Việt Nam.

Tuy nhiên, cũng do sản lượng nhập khẩu ngày một tăng, năm 2018, Cơ quan điều tra Phi-líp-pin đã vào cuộc xem xét tình hình quốc gia này nhập khẩu xi măng từ Việt Nam và ngay lập tức, tác động xấu đến sự tăng trưởng, phát triển của ngành sản xuất xi măng Việt Nam. Việc Chính phủ Phi-líp-pin áp dụng biện pháp tự vệ đối với xi măng Việt Nam trong năm 2019, bên cạnh đó, sự ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực kép lên chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu của xi măng Việt Nam. Hậu quả là tổng lượng tồn kho của ngành xi măng Việt Nam có sự tăng vọt (gấp hơn 3 lần, từ 0,5 triệu tấn lên 1,7 triệu tấn).

Đánh giá chung

Qua những số liệu nêu trên cho thấy, những tác động tiêu cực của thuế tự vệ mà Chính phủ Phi-líp-pin áp lên mặt hàng xi măng thể hiện, như: sản lượng xuất khẩu xi măng giảm, lượng hàng tồn kho lớn, thu nhập bình quân người lao động không được cải thiện.

So sánh các số liệu minh chứng ở trên vào thời gian trước khi bị áp thuế tự vệ, tổng kim ngạch xuất khẩu xi măng của Việt Nam sang Phi-líp-pin đã đạt được những bước tiến lớn, rất đáng khích lệ; tổng sản lượng xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng trong một thời gian dài, bền vững. Song, từ khi Phi-líp-pin quyết định áp dụng biện pháp tự vệ để hạn chế lượng hàng nhập khẩu vào quốc gia này, ngay lập tức các rủi ro, tiêu cực đã tác động đến toàn bộ chiến lược, kế hoạch, quá trình phát triển của toàn ngành.

Chính vì vậy, để hạn chế rủi ro khi các quốc gia bất ngờ điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại tương tự như Phi-líp-pin áp dụng đối với mặt hàng xi măng của Việt Nam, trong tương lai, các doanh nghiệp xi măng của Việt Nam cần tránh tăng trưởng nóng, chỉ tập trung kỳ vọng vào một vài thị trường nhất định (hiện tại, 3 thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam gồm Trung Quốc, Pa-ki-xtan và Phi-líp-pin). Thay vào đó, các doanh nghiệp nên trao đổi, thảo luận cùng Hiệp hội xi măng nghiên cứu các giải pháp, xây dựng kế hoạch, chiến lược thâm nhập vào các thị trường mới, như: thị trường Ấn Độ và thị trường Mỹ để có thể duy trì mức tăng trưởng bền vững cho toàn ngành.

Chú thích:
1. Áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại theo pháp luật Việt Nam hiện nay. https://repository.vnu.edu.vn, truy cập 18/8/2017.
2,3. Tiếp cận đầy đủ Luật Quản lý ngoại thương về xuất nhập khẩu hàng hóa. http://www.ictvietnam.vn, truy cập 30/8/2018.
4. Mai Xuân Hợi. Sử dụng công cụ phòng vệ thương mại Chính sách hữu hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam. Tạp chí Pháp luật và phát triển, số tháng 10/2016.
5. Việt Nam chủ động phòng vệ thương mại trong hội nhập. https://www.mof.gov.vn, truy cập 16/8/2022.
6. Đại học Huế. Báo cáo Tổng hợp đề tài nghiên cứu khoa học: Phòng vệ thương mại bằng công cụ thuế quan ở Việt Nam. Chủ nhiệm đề tài: Đặng Đình Dũng, tháng 12/2019.
ThS. Nguyễn Hoàng Kiên
Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương