(Quanlynhanuoc.vn) – Văn hóa pháp luật có vai trò đặc biệt quan trọng trong xây dựng nền tư pháp nói chung và ngành Tòa án nói riêng trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh. Bài viết bước đầu đề xuất một số yêu cầu có tính nguyên tắc trong bồi dưỡng văn hóa pháp luật cho đội ngũ thẩm phán tòa án nhân dân các cấp ở nước ta đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Văn hóa pháp luật và sự cần thiết về văn hóa pháp luật của đội ngũ thẩm phán tòa án nhân dân các cấp
Pháp luật vừa là sản phẩm của văn hóa, vừa là công cụ bảo vệ các giá trị văn hóa. Các giá trị phổ quát của văn hóa là chân – thiện – mỹ được thể chế hóa trong Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước và được mọi tổ chức, cá nhân thừa nhận, tự giác thực hiện.
Văn hóa pháp luật là một bộ phận hợp thành của nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc mà Đảng, Nhà nước ta chủ trương xây dựng; là nền tảng tinh thần để xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; đồng thời cũng là tiền đề định hướng mọi công dân sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
Đội ngũ thẩm phán tòa án nhân dân các cấp có vai trò rất quan trọng trong giải quyết và xét xử các loại án, góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa; lực lượng nòng cốt bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật và giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cá nhân, tổ chức. Chính vì vậy, văn hóa pháp luật của thẩm phán tòa án nhân dân các cấp là trình độ nhận thức, hiểu biết sâu sắc kiến thức pháp luật; hiểu rõ về bản chất tốt đẹp, văn minh, tiến bộ, giá trị chân, thiện, mỹ của pháp luật, pháp chế xã hội chủ nghĩa; được biểu hiện bằng tình cảm, niềm tin, hành vi, thói quen, tình yêu nghề nghiệp và khát vọng tự hoàn thiện vươn tới các giá trị của văn hoá pháp luật để hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.
Trong xu thế mới hiện nay, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chủ động hội nhập và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, nhiệm vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, thực hiện quản lý nhà nước bằng pháp luật cần đòi hỏi Đảng, Nhà nước phải xây dựng hệ thống tư pháp trong sạch, vững mạnh, bảo vệ công lý, tôn trọng và bảo vệ quyền con người trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội đất nước và quan hệ quốc tế. Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Xây dựng và thực hiện các chuẩn mực văn hóa trong lãnh đạo, quản lý. Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa công sở lành mạnh, dân chủ, đoàn kết, nhân văn; đẩy lùi bệnh quan liêu, bè phái, mất đoàn kết, chủ nghĩa cơ hội và thực dụng”1. Thực tiễn đòi hỏi phải tăng cường bồi dưỡng văn hóa pháp luật để góp phần nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực thực tiễn, phong cách công tác của đội ngũ thẩm phán tòa án nhân dân các cấp.
Yêu cầu về nguyên tắc trong bồi dưỡng văn hóa pháp luật cho đội ngũ thẩm phán tòa án nhân dân các cấp
Quá trình bồi dưỡng văn hóa pháp luật cho đội ngũ thẩm phán Tòa án nhân dân; cấp ủy, chính quyền, cơ quan, ban ngành chức năng các cấp cần nắm vững và thực hiện tốt những yêu cầu có tính nguyên tắc sau:
Một là, quán triệt sâu sắc chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh chính trị, đường lối đổi mới của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước trong tăng cường bồi dưỡng văn hóa pháp luật cho đội ngũ thẩm phán tòa án nhân dân các cấp.
Lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối đổi mới của Đảng là cơ sở lý luận, phương pháp khoa học để đội ngũ thẩm phán tòa án nhân dân các cấp nhận thức đầy đủ, sâu sắc về Nhà nước pháp quyền và nền tư pháp xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Vì vậy, quá trình bồi dưỡng văn hóa pháp luật cho đội ngũ thẩm phán tòa án nhân các cấp phải tập trung giáo dục, quán triệt làm cho họ nhận thức ngày càng sâu sắc những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; những thành tựu lý luận mà Đảng ta đã đạt được trên cơ sở trung thành, vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh để đề ra đường lối cách mạng đúng đắn, đặc biệt là những thành tựu, to lớn, có ý nghĩa lịch sử sau 35 năm đổi mới đất nước… qua đó, nâng cao trình độ lý luận chính trị, xây dựng, củng cố niềm tin khoa học của đội ngũ thẩm phán tòa án nhân dân các cấp vào con đường đi lên CNXH ở nước ta mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nhân dân ta đã lựa chọn.
Trên cơ sở nâng cao trình độ lý luận chính trị, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, xây dựng quan điểm tư tưởng, lập trường đúng đắn, bản lĩnh chính trị vững vàng, cấp ủy, chính quyền, cơ quan, ban,ngành chức năng tập trung bồi dưỡng cho đội ngũ thẩm phán tòa án nhân dân các cấp nắm vững quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Làm cho họ hiểu rõ ở Việt Nam tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân.
Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Nhà nước ta tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân; quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ của công dân; thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương. Đồng thời, bồi dưỡng cho đội ngũ thẩm phán tòa án nhân dân các cấp nắm chắc nội dung cơ bản của Hiến pháp năm 2013, các bộ luật của Nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ ban hành; các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết và là thành viên; hệ thống luật pháp của các nước có quan hệ với Việt Nam… đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và sự bùng nổ mạnh mẽ khoa học công nghệ số, yêu cầu đấu tranh phòng, chống các loại tội trong bối cảnh mới…
Hai là, tăng cường bồi dưỡng văn hóa pháp luật cho đội ngũ thẩm phán tòa án nhân dân các cấp phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng và sự quản lý, điều hành tập trung thống nhất của chính quyền các cấp.
Đảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị. Xây dựng đội ngũ cán bộ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trực tiếp là của các cấp ủy, tổ chức đảng mà trước hết là người đứng đầu và cơ quan tham mưu của Đảng, trong đó cơ quan tổ chức, cán bộ là nòng cốt. Đội ngũ thẩm phán tòa án nhân dân các cấp là một bộ phận cán bộ của Đảng, Nhà nước, được chánh án tòa án nhân dân tối cao bổ nhiệm; chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và tòa án nhân dân cấp trên về tổ chức công tác xét xử; thực hiện nguyên tắc thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của hệ thống pháp luật tố tụng và Luật Tổ chức tòa án nhân dân… Việc đẩy mạnh công tác bồi dưỡng văn hóa pháp luật cho đội ngũ thẩm phán tòa án nhân dân các cấp là nội dung cơ bản của công tác xây dựng cán bộ tư pháp của Đảng. Vì vậy, tăng cường bồi dưỡng văn hóa pháp luật cho đội ngũ thẩm phán tòa án nhân dân các cấp phải đặt dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, sự quản lý, điều hành tập trung thống nhất của chính quyền các cấp.
Vấn đề có tính nguyên tắc này đòi hỏi, cấp ủy, chính quyền các cấp, trước hết là người đứng đầu phải quán triệt, thực hiện nghiêm các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về cán bộ và công tác cán bộ, lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ và phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị tăng cường bồi dưỡng văn hóa pháp luật cho đội ngũ thẩm phán tòa án nhân dân các cấp. Chính quyền các cấp quản lý tập trung thống nhất và điều hành phối hợp, phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, ban ngành chức năng trong tăng cường bồi dưỡng văn hóa pháp luật cho đội ngũ thẩm phán tòa án nhân dân các cấp. Cấp ủy, chính quyền các cấp lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, toàn diện từ việc xây dựng chương trình, kế hoạch, xác định nội dung, hình thức, biện pháp; lựa chọn, phân công lực lượng và triển khai tổ chức thực hiện… bảo đảm quá trình bồi dưỡng văn hóa pháp luật cho đội ngũ thẩm phán tòa án pháp luật các cấp đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, những tác động tiêu cực từ mặt trái của kinh tế thị trường; các thế lực thù địch ráo riết thực hiện âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, kích động, lôi kéo chống Đảng, Nhà nước ta… Vì vậy, chỉ có đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, quản lý, điều hành tập trung, thống nhất của chính quyền các cấp mới phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành mới tạo thành sức mạnh tổng hợp để nâng cao chất lượng, hiệu quả việc bồi dưỡng văn hóa pháp luật cho đội ngũ thẩm phán này.
Ba là, tăng cường bồi dưỡng văn hóa pháp luật cần phải gắn liền với bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, lối sống, nâng cao kiến thức, năng lực thực tiễn, bảo đảm cho họ hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Văn hóa pháp luật lấy đạo đức làm nền tảng, “coi trọng cả đức và tài, trong đó đức là gốc”, phẩm chất đạo đức, lối sống là cái “cội nguồn” để đội ngũ thẩm phán tòa án nhân dân các cấp hình thành, phát triển, hoàn thiện phẩm chất nhân cách. Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Tăng cường giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội của các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên… nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của người Việt Nam”2. Đội ngũ thẩm phán tòa án nhân dân các cấp là những người bảo vệ công lý, bảo vệ sự tôn nghiêm của pháp luật và tổ chức xét xử các vụ án. Chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của họ và sự kỳ vọng của xã hội, đòi hỏi họ phải là những tấm gương mẫu mực về phẩm chất đạo đức, lối sống, kiến thức, năng lực, tác phong công tác. Vì vậy, cùng với tăng cường bồi dưỡng văn hóa pháp luật phải tăng cường bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, lối sống, nâng cao kiến thức hiểu biết, năng lực thực tiễn cho đội ngũ thẩm phán tòa án nhân dân các cấp.
Cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, ban ngành chức năng tập trung bồi dưỡng những chuẩn mực đạo đức cách mạng bảo đảm cho đội ngũ thẩm phán tòa án nhân dân các cấp luôn tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với lợi ích quốc gia, dân tộc, đặt lợi ích của Đảng, Nhà nước, Nhân dân, của công dân và tổ chức lên trên lợi ích cá nhân; thực sự “cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư”, có lòng yêu đất nước, quê hương, có tấm lòng nhân hậu, yêu thương con người, tinh thần đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp; có ý thức thượng tôn pháp luật, dũng cảm, kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với những cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật; có lối sống khiêm tốn, giản dị, liêm khiết, trung thực, thẳng thắn, công tâm, khách quan, công bằng; lời nói đi đôi với việc làm, gương mẫu chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương có trách nhiệm với xã hội và gia đình…
Phẩm chất đạo đức và kiến thức pháp luật, văn hóa pháp luật có mối quan hệ chặt chẽ biện chứng và tương hỗ lẫn nhau. Những chuẩn mực đạo đức cách mạng và giá trị chân – thiện – mỹ của văn hóa được cụ thể hóa trong Hiến pháp, pháp luật và các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước… Vì vậy, cùng với bồi dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, lối sống phải nâng cao kiến thức toàn diện, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và năng lực thực tiễn bảo đảm cho đội ngũ thẩm phán tòa án nhân dân các cấp hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.
Bốn là, phát huy sức mạnh tổng hợp trong tăng cường bồi dưỡng văn hóa pháp luật cho đội ngũ thẩm phán tòa án nhân dân các cấp.
Quá trình bồi dưỡng văn hoá pháp luật cho đội ngũ thẩm phán tòa án nhân dân các cấp có sự tham gia của nhiều tổ chức, lực lượng và hoạt động tự học tập, tu dưỡng, rèn luyện của chính bản thân người thẩm phán. Vì vậy, để tăng cường bồi dưỡng văn hoá pháp luật cho đội ngũ thẩm phán tòa án nhân dân các cấp có chất lượng, hiệu quả phải phát huy vai trò, trách nhiệm của chủ thể, các tổ chức, lực lượng và tính tích cực, chủ động, sáng tạo của từng người.
Thực hiện yêu cầu có tính nguyên tắc này, trước hết phải phát huy vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, quản lý, điều hành của chính quyền và vai trò của các cơ quan chức năng trong tham mưu, đề xuất, chỉ đạo, hướng dẫn, xây dựng kế hoạch, xác định đúng nội dung, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức, biện pháp bồi dưỡng và sự tham gia tích cực, hiệu quả của các lực lượng liên quan trong tăng cường bồi dưỡng văn hoá pháp luật cho đội ngũ thẩm phán tòa án nhân dân các cấp. Chú trọng phát huy vai trò trách nhiệm của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các cơ quan chuyên trách của tòa án nhân dân cấp trên và các thẩm phán giàu kinh nghiệm trong bồi dưỡng văn hóa pháp luật cho đội ngũ thẩm phán tòa án nhân dân các cấp. Giáo dục, động viên, xây dựng động cơ, thái độ đúng đắn, nâng cao ý thức tự giác, nỗ lực quyết tâm không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao phẩm chất, năng lực của đội ngũ thẩm phán. Kết hợp chặt chẽ giữa việc bồi dưỡng của chủ thể, các tổ chức, lực lượng với tự bồi dưỡng của mỗi người nhằm biến quá trình bồi dưỡng của các tổ chức, lực lượng thành quá trình tự bồi dưỡng văn hoá pháp luật của chính họ. Chỉ có như vậy, việc tăng cường bồi dưỡng văn hoá pháp luật cho đội ngũ thẩm phán tòa án nhân dân các cấp mới thực sự có chất lượng cao, hiệu quả thiết thực…