Phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Bắc Ninh

(Quanlynhanuoc.vn) – Những năm gần đây, kinh tế tỉnh Bắc Ninh luôn đạt mức tăng trưởng đáng kể, nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội tăng. Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2022 tăng 9,5%; doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tăng 28%; kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt trên 87 tỷ USD, tăng 5%1. Tuy nhiên, hiện nay, do tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến sự tăng trưởng kinh tế trong nước, vì vậy, Bắc Ninh cần triển khai đồng bộ các giải pháp để phát triển kinh tế – xã hội trong thời gian tới.
Ảnh minh họa (bacninhtv.vn).

Tỉnh Bắc Ninh có diện tích 822,7 km2, nằm ở cửa ngõ phía Bắc Thủ đô Hà Nội, trong tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Bắc Ninh có dân số 1.488.250 người, trong đó nam chiếm 49,2%, nữ chiếm 50,8%. Tỉnh có 8 đơn vị hành chính, bao gồm: 2 thành phố (thành phố Bắc Ninh và Từ Sơn), 2 thị xã (thị xã Quế Võ và Thuận Thành) và 4 huyện (bao gồm: huyện Yên Phong, Tiên Du, Gia Bình và Lương Tài), 126 đơn vị hành chính cấp xã, (70 xã, 52 phường và 4 thị trấn). Bắc Ninh là tỉnh có các đường quốc lộ quan trọng chạy qua nối liền với các trung tâm kinh tế, thương mại và văn hóa miền Bắc. Quốc lộ 1A nối thành phố Hà Nội – Bắc Ninh – Lạng Sơn; đường cao tốc Quốc lộ 18 nối sân bay Quốc tế Nội Bài – Bắc Ninh – Hạ Long; Quốc lộ 38 nối Bắc Ninh – Hải Dương – Hải Phòng; trục đường sắt xuyên Việt đi Lạng Sơn và Trung Quốc2, đây chính  là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế liên kết vùng, kết nối giao thương, là tiền đề thuận lợi cho việc phát triển kinh tế – xã hội.

Thực trạng về phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Bắc Ninh

Những năm qua, kinh tế – xã hội tỉnh Bắc Ninh luôn phát triển mạnh mẽ, tổng sản phẩm bình quân đầu người năm 2022 đạt 142.289 tỷ đồng, tăng 7,39% so với năm 2021, trong đó khu vực công nghiệp – xây dựng 107.134 tỷ đồng, tăng 6,49%; dịch vụ 25.723 tỷ đồng, tăng 13,67%; thuế sản phẩm, trợ cấp sản phẩm 5.461 tỷ đồng, tăng 2,83%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 3.962,3 tỷ đồng, tăng 0,52%, góp phần đưa quy mô tổng sản phẩm bình quân đầu người của tỉnh đứng thứ 9 trên cả nước và đứng thứ 4 khu vực đồng bằng sông Hồng. Cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản: 16%, công nghiệp và xây dựng: 51,7%, dịch vụ: 32,3%3.

Về sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn mới, nông nghiệp tuy không phải là lĩnh vực đóng góp nhiều về giá trị tăng thêm cho nền kinh tế, song vẫn phát huy vai trò là trụ đỡ nền kinh tế nên tổng sản lượng lương thực đạt trên 397.105 tấn, bằng 108,7% kế hoạch đề ra. Các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao xuất hiện ngày càng nhiều, nhiều vùng sản xuất chuyên canh được hình thành, như: vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao 114 ha ở thành phố Từ Sơn và huyện Tiên Du; vùng chuyên canh hoa 120,4 ha ở thành phố Bắc Ninh và huyện Thuận Thành… Hiện nay, tỉnh thực hiện “Chương trình mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm”, toàn tỉnh hiện có 93 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận đạt OCOP, trong đó 34 sản phẩm đạt hạng 3 sao, 59 sản phẩm đạt hạng 4 sao; triển khai xây dựng đề án thí điểm 03 mô hình OCOP du lịch cộng đồng4. Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao tiếp tục được đẩy mạnh, hiện đã có thêm 18 xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao, trong đó đã có 9 xã công nhận đạt chuẩn.

Về sản xuất công nghiệp, tích cực khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, mở rộng và đa dạng hóa các thị trường xuất, nhập khẩu góp phần quan trong cho sự phục hồi và tăng trưởng của ngành Công nghiệp. Các sản phẩm công nghiệp chủ lực có vị trí then chốt đã có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển của các ngành công nghiệp khác đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường, như: điện thoại, đồng hồ thông minh, máy vi tính và linh kiện điện tử…

Về hoạt động thương mại, dịch vụ, đã bứt phá mạnh mẽ trở lại sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 80.160 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2021 và vượt 15% kế hoạch đề ra5. Hoạt động kinh doanh dịch vụ, du lịch trở lại trạng thái bình thường mới cùng với nhiều chương trình kết nối cung – cầu hàng hóa được tổ chức đã và đang tạo đà tích cực cho sự phục hồi của ngành thương mại, dịch vụ. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa là: 91,7 tỷ USD, đạt 99,6% kế hoạch đề ra, trong đó xuất khẩu: 48,4 tỷ USD; nhập khẩu: 43,3 tỷ USD6.

Về hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư, tỉnh đã tích cực đổi mới, nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư, tổ chức Hội thảo giới thiệu, tuyên truyền Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2025. Tổ chức Chương trình ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác ba bên giữa Bộ Công thương, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh và Samsung Việt Nam; thực hiện hỗ trợ kỹ thuật đối với 5 doanh nghiệp trong nước; Tổ chức triển lãm: “Triển lãm công nghiệp điện tử – Viễn thông – Công nghệ thông tin Infortech Bắc Ninh 2020” với quy mô 70 gian hàng7.

Về thu, chi ngân sách nhà nước, đạt 30.372 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 22.772 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu 7.600 tỷ đồng, đạt 104,1% dự toán năm, tổng chi ngân sách địa phương đạt 20.163 tỷ đồng, tăng 10,7% so với dự toán8.

Về lĩnh vực về văn hóa xã hội, tổ chức thành công Hội nghị Văn hóa tỉnh Bắc Ninh kết nối trực tuyến 138 điểm cầu đến các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh với gần 7.000 đại biểu tham dự9. Chú trọng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa; quản lý tốt các hoạt động lễ hội, dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch; tăng cường công tác quản lý, tu bổ, các di sản văn hóa, di tích lịch sử, cách mạng.

Về công tác giáo dục và đào tạo, tỉnh đã thực hiện hiệu quả việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh phong trào thi đua sáng tạo trong “Dạy tốt – Học tốt – Quản lý tốt”; tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống, truyền thống văn hóa cho học sinh, sinh viên bảo đảm an ninh, an toàn trong trường học. Quy mô, mạng lưới trường học, lớp học cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập, cơ sở vật chất trường học được đầu tư đồng bộ, tỷ lệ kiên cố hóa phòng học và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia khối công lập đạt 100%.

Về công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân được quan tâm thường xuyên, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được tăng cường, nâng cấp ở các tuyến. Công tác y tế dự phòng thực hiện tốt, nhất là công tác kiểm soát các bệnh truyền nhiễm, như: bệnh sốt xuất huyết Dengue, sởi, Rubella, bệnh đậu mùa khỉ…

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được còn tồn tại một số hạn chế nhất định, cần được tháo gỡ các “nút thắt”. Trong đó, tập trung đến huy động nguồn lực; phát triển kết cấu hạ tầng; sử dụng, quản lý đất đai, môi trường… Chính vì vậy, để phát triển, nhất là công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ xanh; đào tạo nguồn nhân lực; đặc biệt, Bắc Ninh cần ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

Một số giải pháp trong thời gian tới

Một là, cần thực hiện có hiệu quả phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể, hộ kinh doanh cá thể; liên kết hiệu quả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Hai là, tăng cường các giải pháp thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn, thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động số 41-CTr/TU ngày 25/11/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đẩy mạnh thu hút và khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.

Tập trung xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển toàn diện, bền vững, đồng bộ và hiện đại gắn với quá trình đô thị hóa. Tổ chức hiệu quả mô hình “Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu”, “Xã nông thôn mới kiểu mẫu” gắn với mục tiêu xây dựng tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Ba là, thu hút và phát triển ngành công nghiệp theo chiều sâu, công nghiệp công nghệ cao, tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ và giảm tỷ trọng gia công.

Bốn là, tập trung phát triển các hoạt động kinh doanh, thương mại, dịch vụ, chú trọng phát triển, thu hút các nhà đầu tư vào các trung tâm thương mại, siêu thị, dịch vụ logistics…; hình thành “Trung tâm Hội chợ – triển lãm tỉnh Bắc Ninh”; “Khu liên hợp – dịch vụ nông sản – chợ đầu mối Thuận Thành “Trung tâm thương mại AEON tại thành phố Bắc Ninh”; “Trung tâm logistics tại huyện Yên Phong” với quy mô cấp vùng, khu vực.

Đẩy nhanh việc thực hiện đầu tư xây dựng các khu đô thị, du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, các trường đại học trên địa bàn tỉnh, tạo lên các khu đô thị mới có quy mô lớn, chất lượng.

Tiếp tục khuyến khích kinh doanh theo chuỗi, hệ thống cửa hàng bán lẻ tiện ích và cung cấp dịch vụ cho các khu công nghiệp về lương thực, thực phẩm; suất ăn; dịch vụ môi trường; y tế, chăm sóc sức khỏe; bảo vệ và bảo đảm an ninh, trật tự; nhà ở xã hội; vận tải công cộng…

Năm là, tiếp tục đổi mới căn bản, phát triển toàn diện giáo dục và đào tạo, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống, truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ; thực hiện hiệu quả Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học” giai đoạn 2019 – 2025 và xây dựng “Trường học hạnh phúc”. Duy trì và củng cố kết quả giáo dục mũi nhọn, nâng cao chất lượng công tác dạy và học theo hướng “Học thật, thi thật, kết quả thật”.

Đa dạng hóa các loại hình đào tạo nghề, gắn đào tạo theo địa chỉ, theo đơn đặt hàng; đồng thời, nâng cao chất lượng dạy nghề cho lao động nông thôn theo hướng hiện đại, tiệm cận với khu vực và thế giới.

Sáu là, đẩy nhanh tiến độ các dự án ứng dụng công nghệ thông tin của các ngành, lĩnh vực, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin hướng tới chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 52-NQ/TU ngày 18/3/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyên đổi số tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030; xây dựng kho dữ liệu tập trung, hệ sinh thái dữ liệu mở.

Bảy là, tiếp tục, thực hiện Nghị quyết số 71-NQ/TU ngày 29/8/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XX) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; cuộc vận động “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, xây dựng gia đình, khu dân cư, cơ quan công sở văn hóa. Bảo tồn và phát huy tốt giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể (Dân ca Quan họ Bắc Ninh, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ…). Thực hiện hiệu quả Đề án biên soạn “Bách khoa thư Dân ca Quan họ Bắc Ninh”; đề án “Phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch tỉnh Bắc Ninh, giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030”.

Tám là, nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu, đẩy mạnh phát triên các kỹ thuật chuyên sâu, tăng cường đào tạo, chuyên giao kỹ thuật, nâng cao năng lực chuyên môn cho y tế xã, phường, thị trấn.

Chú thích:
1. Năm 2022, kinh tế Bắc Ninh tăng trưởng ước đạt 8,75%. Nhiều chỉ tiêu kinh tế – xã hội của tỉnh này tiếp tục tăng và thuộc top đầu cả nước. https://laodong.vn, ngày 04/12/2022.
2. Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh. https://bacninh.gov.vn, ngày 24/4/2023.
3, 4, 5, 6, 8, 9. Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội và công tác điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh năm 2022; kế hoạch phát triển năm 2023, ngày 30/11/2022.
7. Thực trạng hoạt động xúc tiến đầu tư trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh (Phần 1). https://skhdt.bacninh.gov.vn, ngày 23/3/2021.
ThS. Đinh Quốc Tuyền
Trường Đại học Lao động – Xã hội
ThS. Nguyễn Huyền Trang
Học viện Cảnh sát nhân dân