Quan điểm của Đảng về phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII

(Quanlynhanuoc) – Thực hiện an sinh xã hội là chủ trương lớn của Đảng, một nhiệm vụ có vai trò quan trọng đối với sự phát triển cũng như tiến bộ và công bằng xã hội. Làm tốt nhiệm vụ này sẽ góp phần bảo đảm nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của người dân, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, góp phần ổn định và cải thiện đời sống Nhân dân, tạo đồng thuận xã hội và đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế.
An sinh xã hội đã được xác định là yếu tố xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước trong thời gian tới.

An sinh xã hội được hiểu là hệ thống cơ chế, chính sách, biện pháp mà Nhà nước và xã hội triển khai nhằm trợ giúp mọi thành viên trong xã hội đối phó với những rủi ro, cú sốc làm cho họ bị suy giảm hoặc mất nguồn thu nhập và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng… Với cách tiếp cận này, hệ thống an sinh xã hội được hình thành từ 5 trụ cột cơ bản: giảm nghèo bền vững; đào tạo nghề, lao động, việc làm; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các loại bảo hiểm khác; bảo trợ xã hội; các dịch vụ xã hội cơ bản.

Trên cơ sở nhận thức sâu sắc về tình hình trong nước và thế giới; về vị trí, vai trò của chính sách an sinh xã hội đối với ổn định và phát triển đất nước; dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc và thực trạng hoạt động của hệ thống an sinh xã hội. Bên cạnh đó,Đảng đã chú trọng nâng cao phúc lợi xã hội, an sinh xã hội; phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, tiến tới bao phủ toàn dân với các chính sách phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro cho người dân.

Tuy nhiên, trong thực tiễn vẫn còn nhiều vấn đề đang được đặt ra, đó là: “Giảm nghèo chưa bền vững, chưa có giải pháp hữu hiệu để xử lý vấn đề phân hóa giàu – nghèo, gia tăng bất bình đẳng về thu nhập, kiểm soát và xử lý các mâu thuẫn, xung đột xã hội. Chất lượng dịch vụ y tế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, có mặt còn bất cập. Chính sách tiền lương, thu nhập, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phúc lợi xã hội có mặt còn hạn chế; thụ hưởng của người dân từ thành tựu phát triển của đất nước chưa hài hòa” 1. Hướng tới phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định một số nội dung, yêu cầu như sau:

Thứ nhất, bảo đảm chính sách lao động, việc làm, thu nhập và triển khai các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bền vững.

Chính sách lao động, việc làm, thu nhập cho người dân là trụ cột cơ bản nhất của chính sách an sinh xã hội. Đổi mới phương pháp tiếp cận trong xây dựng và thực hiện pháp luật, chính sách lao động, việc làm bám sát với thực tiễn phát triển kinh tế xã hội của đất nước và xu hướng của thời đại; gắn trực tiếp các mục tiêu, chỉ tiêu về lao động, việc làm với mục tiêu phát triển kinh tế. Tạo môi trường và điều kiện để phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, thống nhất, có sự quản lý, kiểm soát, điều tiết của Nhà nước; tập trung hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống thông tin dự báo thị trường lao động và chất lượng dịch vụ việc làm. Trong đó, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu rõ một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021- 2030 là: “Thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của Nhân dân”2. Vì vậy, an sinh xã hội đã được xác định là yếu tố xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước trong thời gian tới.

Quan tâm giáo dục nghề nghiệp để người lao động có tay nghề, kỹ năng, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và sử dụng lao động, thực hiện đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động, khắc phục tình trạng giáo dục nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành, không sát với thực tiễn. Chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với cơ cấu kinh tế, nâng cao tỷ trọng lao động trong khu vực chính thức, tập trung giải quyết việc làm cho lao động khu vực phi chính thức, đặc biệt là lao động nông nghiệp chuyển đổi ngành nghề. Bên cạnh đó, cần thực hiện trả lương theo thị trường để khuyến khích người lao động.

Bên cạnh đó, Đảng đã có nhiều chủ trương, chính sách lãnh đạo công tác xóa đói giảm nghèo phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước và xu thế chung của thế giới. Đảng ta đòi hỏi trước hết cần điều chỉnh chuẩn nghèo đa chiều, chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình; tiếp đến cần đổi mới cách tiếp cận trong giảm nghèo bằng các chính sách hỗ trợ có điều kiện, giảm hỗ trợ cho không, khơi dậy ý chí chủ động và tạo điều kiện thuận lợi để người dân vươn lên tự thoát nghèo. Cùng với chính sách giảm nghèo cần có chính sách khuyến khích làm giàu chính đáng theo phát luật, phát triển mạnh tầng lớp trung lưu gắn với nâng cao trách nhiệm xã hội.

Thứ hai, cải cách hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng dựa trên nguyên tắc đóng hưởng, chia sẻ – bền vững.

Phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, đa dạng: tầng do Nhà nước chịu trách nhiệm, là chính sách trợ cấp hưu trí xã hội đối với người cao tuổi không có lương hưu hoặc bảo hiểm xã hội hằng tháng, người khó khăn trong cuộc sống (gặp thiên tai, dịch bệnh, bị thất nghiệp). Chính sách bảo hiểm thất nghiệp, không chỉ trợ cấp tiền cho người bị thất nghiệp mà phải tổ chức đào tạo, đào tạo lại để họ thích ứng với thị trường lao động. Tầng do Nhà nước, người sử dụng lao động và người lao động tham gia là bảo hiểm xã hội cơ bản, bao gồm bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện. Cần có chính sách để chuyển dần từ bảo hiểm xã hội tự nguyện sang bảo hiểm xã hội bắt buộc hướng tới bảo hiểm xã hội toàn dân. Tầng do người sử dụng lao động và người lao động tham gia là bảo hiểm hưu trí bổ sung theo nguyên tắc thị trường, tạo điều kiện cho người sử dụng lao động và người lao động có thêm lựa chọn tham gia đóng góp để được hưởng lương cao hơn.

Phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt. Tiếp tục sửa đổi quy định về điều kiện thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng hưu trí theo hướng linh hoạt. Sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hướng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia bảo hiểm xã hội thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội. Điều chỉnh công thức tính lương hưu theo nguyên tắc đóng – hưởng; công bằng, bình đẳng; chia sẻ và bền vững. Bảo đảm lương hưu được hưởng trên cơ sở mức đóng và thời gian đóng bảo hiểm xã hội; người lao động không phân biệt thành phần kinh tế đều có nghĩa vụ tham gia để hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội. Giải quyết vấn đề bảo hiểm thất nghiệp, Văn kiện Đại hội XIII đề ra chủ trương đào tạo và đào tạo lại cho người lao động; quan tâm chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với cơ cấu kinh tế; “Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, tiến tới bao phủ toàn dân với các chính sách phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro cho người dân, bảo đảm trợ giúp cho các nhóm đối tượng yếu thế. Cải cách hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, dựa trên nguyên tắc đóng – hưởng, chia sẻ – bền vững”3.

Thứ ba, mở rộng và thực hiện tốt các chính sách trợ giúp xã hội với người có công, xóa đói giảm nghèo, tiền lương, lao động việc làm và bảo hiểm thất nghiệp.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh đến xây dựng và thực hiện đồng bộ thể chế, chính sách phát triển xã hội và huy động phân bổ các nguồn lực giải quyết các vấn đề xã hội. Trong đó, tập trung chăm lo, giải quyết vấn đề người có công với cách mạng, gắn với hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách trên cơ sở nguồn lực của Nhà nước và xã hội; bảo đảm người có công và gia đình có mức sống từ trung bình khá trở lên; phải “Cân đối ngân sách để tiếp tục thực hiện việc nâng mức trợ cấp xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công, giải quyết căn bản chính sách đối với người có công; nâng cấp các công trình “đền ơn đáp nghĩa”4.

Giải quyết vấn đề xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân, Văn kiện XIII của Đảng chủ trương điều chỉnh chuẩn nghèo đa chiều, bảo đảm mức sống tối thiểu và các dịch vụ cơ bản cho người dân; nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và triển khai có hiệu quả chương trình phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2020 – 2030; “bảo đảm an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu – nghèo giữa các vùng, miền, dân tộc”5. Chính sách trợ giúp xã hội là một nội dung cơ bản của hệ thống an sinh xã hội, có vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần bảo đảm an toàn cho các thành viên xã hội khi bản thân họ gặp phải rủi ro mà bản thân không thể tự khắc phục được. Quan tâm chăm lo tầng lớp yếu thế, dễ bị tổn thương và những người gặp rủi ro trong cuộc sống là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng ta, thể hiện tính nhân văn, nhân đạo, bản chất tốt đẹp của chế độ ta và phù hợp với truyền thống đạo lý tương thân tương ái của dân tộc.

Để công tác trợ giúp xã hội đạt hiệu quả cao, Đảng chỉ rõ phải phát triển và đa dạng hóa các dịch vụ trợ giúp xã hội chuyên nghiệp, trợ giúp toàn diện cả vật chất và tinh thần phù hợp, có tính chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội và người dân. Kết hợp giữa trợ giúp thường xuyên với trợ giúp đột xuất, để kịp thời ứng phó với ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh … Trong thời gian dịch Covid-19, Nhà nước đã dành nhiều nguồn lực đối phó với đại dịch; thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn: giảm, giãn thuế, phí, lệ phí; giảm giá điện, nước, dịch vụ viễn thông; khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất tín dụng; bên cạnh đó, nhiều tổ chức, cá nhân đã tích cực quyên góp, ủng hộ, giúp đỡ trong công tác phòng, chống dịch bệnh, hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn, mất việc làm, thu nhập. Giúp đỡ, tạo điều kiện để mọi người, đặc biệt là đối tượng yếu thế tiếp cận các nguồn lực, cơ hội phát triển, hưởng thụ công bằng các dịch vụ cơ bản, để họ hòa nhập với cộng đồng, tạo điều kiện cho mọi người, nhất là trẻ em, nhóm yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số, người di cư hòa nhập, tiếp cận bình đẳng nguồn lực, cơ hội phát triển và hưởng thụ công bằng các dịch vụ xã hội cơ bản.

Thứ tư, tiếp tục bảo đảm những nhu cầu cơ bản, thiết yếu của Nhân dân về nhà ở, đi lại, giáo dục, y tế.

Một trong những nguyên nhân cơ bản của đói nghèo là do người lao động không có trình độ giáo dục cơ bản và kỹ năng nghề nghiệp nên năng suất lao động không cao và khó tìm được việc làm tốt hơn. Đảng ta yêu cầu cần xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách giáo dục phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế: miễn, giảm học phí cho người học; quan tâm phát triển giáo dục ở tất cả các vùng miền, có nhiều ưu tiên trong phát triển giáo dục ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số. Giải quyết những vấn đề về chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh cho Nhân dân, Đảng chỉ rõ: phấn đấu đạt 32 giường bệnh và 11 bác sĩ trên 1 vạn dân; tập trung phát triển một số trung tâm y tế chuyên sâu, xây dựng một số cơ sở khám, chữa bệnh có tầm cỡ khu vực và quốc tế; thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, phấn đấu tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế trên 95% dân số, đa dạng mức đóng và mức hưởng; phát triển y học cổ truyền gắn với y học hiện đại6

Tổ chức cung cấp dịch vụ y tế công, bảo đảm các dịch vụ cơ bản, người dân được quản lý, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe. Tiếp tục nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, khắc phục căn bản tình trạng quá tải bệnh viện tuyến trên, phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh. Khuyến khích hợp tác công – tư, đầu tư tư nhân, cung cấp các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu; phát triển mô hình bác sĩ gia đình. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật, công nghệ thông tin, công nghệ số trong khám, chữa bệnh, liên thông công nhận kết quả khám, xét nghiệm. Tăng cường đào tạo, đào tạo lại, luân phiên cán bộ y tế, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới. Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, nâng cao y đức. Thiết lập hệ thông sổ sức khỏe điện tử đến từng người dân. Phấn đấu đến năm 2025, trên 90% dân số được quản lý, theo dõi và chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tỷ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế đạt trên 80%7. Bên cạnh đó, vấn đề nhà ở là nội dung được Đảng thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, vì giải quyết tốt vấn đề nhà ở sẽ giúp người dân yên tâm lao động, sản xuất, gắn bó với quê hương; đồng thời, hạn chế tình trạng di cư tự do.

Quan điểm về an sinh xã hội trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng có vai trò định hướng, chỉ đạo toàn bộ hoạt động an sinh xã hội của nước ta trong thời gian tới. Cần quán triệt, nắm vững, rút ra ý nghĩa, giá trị của các quan điểm, đồng thời, vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị một cách phù hợp; góp phần nhanh chóng đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống và nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

Chú thích:
1, 2, 3, 4, 5. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn Kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 32, 47,150, 149, 150.
6, 7. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn Kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 120, 121.
Nguyễn Bá Cảnh
Hệ 5, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng