Một số giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nghiên cứu viên lĩnh vực kinh tế trong bối cảnh chuyển đổi số

(Quanlynhanuoc.vn) – Chuyển đổi số đã có những tác động sâu rộng, bao trùm lên tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế – xã hội, góp phần tăng năng suất lao động, chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh theo hướng đổi mới sáng tạo, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia. Chuyển đổi số không chỉ là cuộc cách mạng của công nghệ mà còn là cuộc cách mạng về thể chế, chính sách. Chuyển đổi số dựa trên ba tiêu chí: chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Do vậy, việc phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu viên đáp ứng được các yêu cầu đặt ra trong thực hiện chuyển đổi số là rất quan trọng.
Ảnh: gdnn.gov.vn.
Định hướng, mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nghiên cứu viên lĩnh vực kinh tế trong bối cảnh chuyển đổi số

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong đội ngũ nghiên cứu viên đáp ứng với các yêu cầu, nhiệm vụ mới, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo đang đặt ra nhiều vấn đề. Đặc biệt, phải xây dựng được hệ thống các giải pháp, trong đó cần chú trọng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội cũng như phục vụ người dân và xã hộitốt hơn.

Hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tác động rất lớn đến nền hành chính nói chung và đặt ra những yêu cầu riêng trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2025 tiếp tục giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% đơn vị sự nghiệp công lập và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021; phấn đấu tối thiểu 20% đơn vị sự nghiệp tự chủ tài chính; 100% đơn vị sự nghiệp kinh tế và đơn vị sự nghiệp khác đủ điều kiện chuyển đổi thành công ty cổ phần1. Theo đó, việc đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nghiên cứu viên đáp ứng các yêu cầu về chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo đang được đặt ra rất cấp bách.

Cùng với đó, Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm giai đoạn 2021- 2030 đã đề ra nhiệm vụ: “Huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số,…”2. Theo đó, cần phải phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Tiếp tục phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự cường và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam…

Một số yếu tố ảnh hưởng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiên cứu viên lĩnh vực kinh tế trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay

Có nhiều yếu tố tác động đến đào tạo và bồi dưỡng nghiên cứu viên trong lĩnh vực kinh tế. Trong đó, có một số yếu tố quan trọng:

(1) Các xu hướng và nhu cầu nghiên cứu mới.

Nhu cầu nghiên cứu trong lĩnh vực kinh tế thường thay đổi theo thời gian và thị trường. Do đó, các viện nghiên cứu cần theo dõi và điều chỉnh chương trình đào tạo, bồi dưỡng để bảo đảm rằng nghiên cứu viên có kiến thức và kỹ năng phù hợp với xu hướng và nhu cầu của bối cảnh phát triển kinh tế mới.

(2) Các chính sách và quy định.

Các chính sách và quy định của mỗi/các quốc gia và tổ chức quốc tế có thể ảnh hưởng đến quá trình đào tạo và bồi dưỡng nghiên cứu viên. Chính vì vậy, việc tuân thủ các quy định và đáp ứng các yêu cầu đòi hỏi các viện nghiên cứu cần thay đổi chương trình đào tạo và phương pháp giảng dạy.

(3) Tài chính.

Tài chính là một yếu tố quan trọng đối với việc đào tạo và bồi dưỡng nghiên cứu viên. Viện nghiên cứu cần bảo đảm có đủ nguồn lực tài chính để tài trợ cho quá trình đào tạo và nghiên cứu của nghiên cứu viên.

(4) Sự hợp tác và liên kết.

Sự hợp tác và liên kết với các viện nghiên cứu và tổ chức khác có thể cung cấp cơ hội đào tạo và bồi dưỡng cho nghiên cứu viên. Viện nghiên cứu cần phát triển mạng lưới liên kết rộng rãi để tăng cường cơ hội cho nghiên cứu viên học hỏi và trao đổi kinh nghiệm.

(5) Công nghệ và phương pháp nghiên cứu mới.

Công nghệ và phương pháp nghiên cứu tiên tiến liên tục được phát triển trong lĩnh vực kinh tế. Các viện nghiên cứu cần cập nhật và cung cấp đào tạo về các công nghệ và phương pháp mới nhằm giúp nghiên cứu viên nắm bắt được những tiến bộ trong lĩnh vực này.

(6) Sự thay đổi trong yêu cầu của các ngành kinh tế, công nghiệp,…

Yêu cầu của các ngành này đã và đang đòi hỏi về kỹ năng và kiến thức của nghiên cứu viên trong lĩnh vực kinh tế cần phải thay đổi. Các viện nghiên cứu cần điều chỉnh chương trình đào tạo để đáp ứng yêu cầu mới của các ngành kinh tế, công nghiệp và thị trường lao động. Tổng quan, việc cập nhật liên tục và linh hoạt chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiên cứu viên là quan trọng để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu và thị trường lao động.

Một số giải pháp

Thứ nhất, xây dựng kế hoạch tổng thể về đào tạo, bồi dưỡng một cách khoa học và thực tiễn. Xác định mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể định hướng mang tính chiến lược, có sự tổ chức, phân công rõ ràng, cụ thể tránh chồng chéo trong quá trình thực hiện, quy định trách nhiệm của các đơn vị tại cơ quan, đơn vị và các cơ quan cấp trên có thẩm quyền. Bảo đảm các quy định về kinh phí đào tạo, bồi dưỡng công khai, minh bạch, áp dụng có hiệu quả Thông tư  số 03/2023/TT-BNV ngày 30/4/2023 của Bộ Nội vụ hướng dẫn một số quy định của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18/10/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Thứ hai, cung cấp cho đội ngũ nghiên cứu viên hệ thống lý luận về chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Các vấn đề lý luận trong chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo đang được Việt Nam đi trước đón đầu và xây dựng mô hình mẫu trong khu vực. Các vấn đề về lý luận đã và đang được nghiên cứu, phân tích, đánh giá một cách tổng quan nhằm thực hiện một cách hiệu quả.

Thứ ba, tiếp tục thực hiện việc đổi mới phương thức và nội dung các chương trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nghiên cứu viên trong lĩnh vực kinh tế. Nội dung bám sát theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong đó liên tục nghiên cứu, trao đổi, học hỏi các kinh nghiệm của các tổ chức, các quốc gia trên thế giới.

Nội dung đào tạo, bồi dưỡng nghiên cứu viên trong lĩnh vực kinh tế phải bảo đảm trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng, nâng cao trách nhiệm tìm tòi, nghiên cứu sâu rộng các lĩnh vực về phát triển kinh tế – xã hội nhất là các mô hình kinh tế mới, như: kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế ban đêm… Phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cần tiếp tục đổi mới theo hướng nâng cao năng lực, phát huy tính chủ động của nghiên cứu viên trong quá trình làm việc. Xây dựng nội dung giảng dạy theo hướng mở, tích hợp sử dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số mạnh mẽ và đổi mới sáng tạo, chú trọng tính thực tiễn trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng học viên nhằm bồi dưỡng kỹ năng xử lý tình huống cho họ. Có các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế hỗ trợ, định hướng và đánh giá các chuyên đề nghiên cứu.

Thứ tư, xây dựng môi trường nghiên cứu đa dạng từ các cá nhân độc lập nghiên cứu đến làm thành lập các nhóm nghiên cứu. Có sự xem xét, đánh giá các hoạt động nghiên cứu để xem xét tính khả thi trong điều kiện thực tế trong nước cũng như có sự điều chỉnh cụ thể trong việc thực hiện các nghiên cứu.

Thứ năm, xây dựng và hình thành mạng lưới các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế – xã hội nói chung. Đây được coi là hạt nhân nghiên cứu bởi họ là những người đã dày dặn kinh nghiệm trong nghiên cứu và đáp ứng các yêu cầu trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ, bên cạnh đó giúp họ có những kỹ năng làm việc mới, phù hợp đòi hỏi của thực tiễn chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Có cơ chế, chính sách đặc thù trong việc tạo mọi điều kiện tham gia học tập và nghiên cứu các mô hình tiến bộ trên thế giới nhằm ứng dụng vào trong nước một cách có chọn lọc, bảo đảm phát triển kinh tế – xã hội và ổn định về chính trị.

Thứ sáu, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát và đánh giá nghiệm thu các nghiên cứu của các nghiên cứu viên một cách khoa học, khách quan. Tăng cường công tác đánh giá trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng sẽ bảo đảm chương trình, kế hoạch một cách hiệu quả, bảo đảm tính khách quan và đúng quy định.

Chú thích:
1. Một số vấn đề đặt ra trong quá trình chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần. https://tapchicongsan.org.vn, ngày 19/4/2022.
2. Nhận thức về chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và toàn dân không ngừng được nâng cao. https://tapchicongsan.org.vn, ngày 25/01/2023.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18/10/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
2. Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị Trung ương 6 khóa (XII) về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
3. Thông tư số 03/2023/TT-BNV ngày 30/4/2023 của Bộ Nội vụ hướng dẫn một số quy định của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
4. Về những hạn chế, yếu kém trong đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ. https://dangcongsan.vn, ngày 17/9/2018.
Trần Trung Hiếu
Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương