(Quanlynhanuoc.vn) – Đầu tư công có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, là đòn bẩy trong phát triển đối với một số ngành, vùng trọng điểm. Đầu tư công hiệu quả là một trong các giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của quốc gia cũng như của các địa phương. Bài viết nghiên cứu tình hình đầu tư công ở tỉnh Phú Thọ trong những năm gần đây, trên cơ sở đánh giá thực trạng, đề xuất một số giải pháp nhằm tăng hiệu quả đầu tư công của tỉnh.
Phú Thọ là tỉnh trung du miền núi, cửa ngõ Tây Bắc của Thủ đô Hà Nội (cách Hà Nội 80 km về phía Bắc). Những năm qua, tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh Phú Thọ đã có chuyển biến tích cực với mức tăng trưởng GDP bình quân hằng năm liên tục tăng (năm 2021 đạt 6,31%, năm 2022 đạt 7,97%)1, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng (giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng công nghiệp – xây dựng và dịch vụ); quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa diễn ra khá nhanh; các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục và công tác xã hội đã có những tiến bộ đáng kể; điều kiện và mức sống của Nhân dân trong tỉnh được nâng cao rõ rệt, bước đầu tạo diện mạo mới về kinh tế – xã hội, đưa Phú Thọ cùng cả nước phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế. Có được những kết quả đó phải kể đến vai trò quan trọng của đầu tư công nhằm dẫn dắt đầu tư, khơi dậy tiềm năng to lớn cho phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh.
Thực trạng đầu tư công tại tỉnh Phú Thọ
Đầu tư công có vai trò quan trọng trong việc tạo nền tảng cơ sở vật chất về kinh tế – xã hội cho địa phương, do đó, công tác đầu tư công luôn được tỉnh Phú Thọ chú trọng. Lượng vốn đầu tư tăng trưởng liên tục trong giai đoạn từ 2020 – 2022 (tăng 8.067 tỷ đồng).
Qua bảng tổng hợp trên cho thấy, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách địa phương chiếm đa số và cũng tăng đều qua các năm 2020 – 2022 (tăng 7.646 tỷ đồng).
Về tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện so với tổng sản phẩm (GPD) trên địa bàn tỉnh cũng tăng qua các năm 2020 – 2022, từ 40,8% – 43,4%. Trong đó, tỷ lệ đóng góp từ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm phần lớn, lần lượt là 60% (năm 2020), 51,6% (năm 2021) và 55,9% (năm 2022), thấp nhất là ngành tài chính, ngân hàng và bảo hiểm, lần lượt là: 10,7% (năm 2020), 0,8% (năm 2021) và 0,7% (năm 2022)2.
Về kết quả giải ngân vốn đầu tư công, năm 2021, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư của tỉnh đạt 87,6%3, kết thúc năm ngân sách 2022, tỉnh Phú Thọ giải ngân đạt 86,3%4. Tuy đạt tỷ lệ thấp hơn so với năm 2021, nhưng đây là kết quả tích cực vì số vốn đầu tư công năm 2022 tăng cao hơn so với năm 2021 và tỷ lệ giải ngân của tỉnh cao hơn so với trung bình cả nước (cả nước đạt 79,5%). Nguyên nhân chậm giải ngân chủ yếu do khả năng thực hiện của một số chủ đầu tư và nhà thầu còn hạn chế.
Thực hiện Nghị quyết số 61-NQ/TU ngày 13/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Phú Thọ về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025 và Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2023, trong đó xác định việc triển khai thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong năm 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công cần thực hiện nghiêm nguyên tắc, tiêu chí, thứ tự ưu tiên, nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch bảo đảm phù hợp với năng lực, khả năng thực hiện của dự án. Theo đó, đã đạt được một số kết quả nhất định:
Một là, tỉnh đã bám sát chủ trương, định hướng đầu tư của Chính phủ và tranh thủ sự hỗ trợ của các bộ, ngành trung ương; phát huy sự năng động của các cấp, các ngành, do đó đã huy động được nguồn vốn cho đầu tư công phát triển, trong đó các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước đạt mức cao. Bên cạnh đó, các dự án đầu tư của tư nhân đăng ký thực hiện tăng cao cả về quy mô và số lượng dự án.
Hai là, việc tổng hợp, phân bổ các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước các năm gần đây (kể cả các nguồn vốn bổ sung, ứng trước kế hoạch) được triển khai nhanh, đồng bộ, bảo đảm theo đúng quy định của Luật Đầu tư công năm 2019 và hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.
Ba là, công tác quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng, về đấu thầu có chuyển biến; các chính sách liên quan đến đầu tư và xây dựng được triển khai kịp thời, đúng quy định; công tác giám sát, đánh giá đầu tư, thanh tra, kiểm tra được chú trọng; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành được tăng cường bước đầu tạo sự phối hợp trong xử lý vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đầu tư công tại tỉnh Phú Thọ vẫn còn một số tồn tại, hạn chế:
(1) Việc huy động vốn đầu tư ngoài ngân sách còn hạn chế, nhất là vốn đầu tư tư nhân, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chưa triển khai được các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
(2) Công tác giao, phân bổ kế hoạch vốn ngân sách tỉnh còn thiếu đồng bộ so với yêu cầu của Luật Đầu tư công năm 2019 dẫn đến việc lập, phân bổ vốn các nguồn đầu tư chưa đồng bộ, chưa huy động được các nguồn vốn ngân sách khác.
(3) Tiến độ triển khai một số dự án trọng điểm còn chậm, chưa bảo đảm yêu cầu, một số dự án đến hết quý III chưa giải ngân hoặc giải ngân thấp; công tác giải phóng mặt bằng còn vướng mắc; chất lượng một số công trình chưa được giám sát, chất lượng chưa tốt; phối hợp xử lý của một số cơ quan, đơn vị còn chậm, kéo dài; vốn giải ngân một số dự án còn chậm, đặc biệt là vốn nước ngoài (ODA).
(4) Công tác chỉ đạo chưa đồng bộ, còn lúng túng trong giải quyết các thủ tục đầu tư theo quy định mới; công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án còn chậm; trong đó một số dự án khảo sát, lập dự án đầu tư chưa sát với thực tế dẫn đến phải thực hiện điều chỉnh, bổ sung nhiều lần; trong quá trình thực hiện chưa có sự phối hợp sâu sát trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; vai trò quản lý nhà nước trong việc giám sát thực hiện quy hoạch, giám sát chất lượng chưa nghiêm.
Nguyên nhân khách quan ảnh hưởng đến việc thu hút vốn đầu tư làm chậm tiến độ triển khai một số dự án lớn, trọng điểm, như: môi trường đầu tư kém lợi thế so với các tỉnh lân cận; cạnh tranh trong thu hút đầu tư ngày càng lớn; cơ chế, chính sách thu hút vốn đầu tư chưa hấp dẫn,…
Nguyên nhân chủ quan ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng thực hiện các dự án đầu tư do công tác chỉ đạo giải phóng mặt bằng chậm, việc giám sát tiến độ, tháo gỡ khó khăn của một số chủ đầu tư chưa quyết liệt; vai trò tham mưu của một số ngành chưa được đề cao, sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong việc giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp chưa kịp thời. Trách nhiệm, năng lực của một số chủ đầu tư còn yếu, hạn chế; sự phối hợp giữa chủ đầu tư, nhà thầu, địa phương chưa tốt; trong chỉ đạo chưa sát sao, quyết liệt, chưa gắn với dự án, địa bàn dẫn đến nhiều việc còn tồn đọng kéo dài; còn tư tưởng né tránh, xử lý các vấn đề của dự án không đồng bộ. Năng lực tài chính, phương án tổ chức thi công còn hạn chế, chưa bảo đảm yêu cầu. Công tác phối hợp, xử lý giữa chủ đầu tư, nhà thầu và địa phương chưa đồng bộ, nhất là trong việc giám sát chất lượng công trình và bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư công tại tỉnh Phú Thọ thời gian tới
Thứ nhất, tập trung định hướng đầu tư theo ngành và lĩnh vực. Tập trung đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội trọng điểm, gồm: đường cao tốc Phú Thọ – Tuyên Quang, quốc lộ 32C đoạn Phú Thọ đi Yên Bái; tăng cường đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng đô thị thành phố Việt Trì, tiếp tục ưu tiên đầu tư hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 – 2030. Tiếp tục đầu tư cho lĩnh vực y tế, giáo dục; đẩy mạnh đầu tư hoàn thành các công trình văn hóa, thể thao, nhà ở xã hội, như: dự án Khu di tích lịch sử Đền Hùng, công viên Văn Lang,…
Thứ hai, tiếp tục rà soát, điều chỉnh bổ sung cơ chế, chính sách, làm tốt công tác chuẩn bị dự án để thu hút các nguồn vốn đầu tư, phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh. Tập trung rà soát cơ chế, chính sách thu hút, hỗ trợ đầu tư, cơ chế giao đất, thu tiền sử dụng đất đối với các dự án đầu tư khu đô thị, nhà ở, xây dựng các danh mục dự án kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài giai đoạn 2023 – 2025. Tranh thủ sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, thực hiện đồng bộ các giải pháp, phát huy tính năng động của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân để tranh thủ sự ủng hộ của các bộ, ngành đối với các dự án theo quy hoạch trên địa bàn tỉnh.
Thứ ba, tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án; làm tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, nghiên cứu điều chỉnh thủ tục rút ngắn các quy trình tổ chức, thẩm định đối với các dự án trọng điểm; rà soát các cơ quan, đơn vị để tổ chức lại hoạt động theo hướng hiệu quả, bố trí cán bộ có năng lực, trình độ thực sự; tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo quyết liệt các dự án sử dụng vốn ứng trước kế hoạch; đẩy nhanh tiến độ giải ngân theo đúng yêu cầu, bảo đảm giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao hằng năm theo đúng quy định của Luật Đầu tư công năm 2019.
Thứ tư, tăng cường quản lý nhà nước về đầu tư và xây dựng. Tổ chức triển khai thực hiện tốt Luật Đầu tư công năm 2019 và các nghị định hướng dẫn thi hành luật, trong đó chú trọng việc triển khai xây dựng, ban hành quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 (ở cấp tỉnh và cấp huyện). Thực hiện đúng quy định về quản lý vốn đầu tư công, nâng cao trách nhiệm các cấp, các ngành trong việc tham mưu, đề xuất các chương trình, dự án.
Thứ năm, tăng cường mối quan hệ phối hợp trong hệ thống chính trị để thực hiện việc quảng bá, thu hút nguồn lực đầu tư; huy động sự tham gia của hệ thống chính trị nhằm tăng cường hoạt động thanh tra, giám sát, kiểm tra, đánh giá trong quá trình đầu tư công; chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí trong đầu tư công. Xác định rõ trách nhiệm trực tiếp của người đứng đầu cơ quan, tổ chức đối với hiệu quả kinh tế – xã hội của các dự án đầu tư, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, gây thất thoát, lãng phí trong đầu tư công.