Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 – giá trị trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay

(Quanlynhanuoc.vn) – Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt quốc dân đồng bào đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Bản Tuyên ngôn Độc lập ngắn gọn nhưng chứa đựng những nội dung bất hủ, ý nghĩa lịch sử, giá trị thời đại sâu sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.
Ảnh minh họa (TTXVN).
Đặt vấn đề

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của Nhân dân ta từ khi có Đảng lãnh đạo, mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Ngày 02/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ cách mạng lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á; chấm dứt ách đô hộ hơn 80 năm của thực dân Pháp đối với nước ta, mở ra kỷ nguyên độc lập, lần đầu tiên tên nước Việt Nam có tên bản đồ thế giới; đồng thời đã mở ra mối quan hệ ngoại giao với các nước trên thế giới với tư cách và vị thế của một quốc gia – dân tộc có độc lập, có chủ quyền. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình.

Bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945, khẳng định: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”1. Trải qua lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật, đã trở thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”2. Tuyên bố đó đã thể hiện ý chí và khí phách của dân tộc Việt Nam “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Đó cũng là lời hịch truyền gửi đến muôn đời con cháu mai sau.

Đã gần 80 năm trôi qua, ý nghĩa lịch sử và giá trị thời đại của Bản Tuyên ngôn Độc lập đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta luôn xác định “Củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là nòng cốt”3. Với nhận thức đúng đắn về sức mạnh bảo vệ Tổ quốc là sức mạnh tổng hợp, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã kiên trì lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiều chủ trương, chính sách trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại,… để xây dựng tiềm lực, thế trận cho sự nghiệp đó và đã giành được những thành tựu quan trọng.

Hiện nay, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc có sự phát triển mới, với nhiều thuận lợi do thế và lực của ta đã được cải thiện nhiều so với trước nhưng cũng đứng trước những thách thức gay gắt, cụ thể: “Các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước và đất nước ta”4. Tình hình Biển Đông đứng trước thách thức lớn, tiềm ẩn nguy cơ xung đột. Cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo và toàn vẹn lãnh thổ của Nhân dân ta còn cam go, phức tạp, lâu dài. Trước tình hình đó, lời thề “quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập” lại vang vọng, thúc giục các thế hệ hôm nay luôn nỗ lực nhiều hơn nữa để thực hiện trọn vẹn mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, bằng những hành động thiết thực.

Những giá trị của Bản Tuyên ngôn Độc lập trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc

Phát huy giá trị của Bản Tuyên ngôn trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc cần thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với sự nghiệp quốc phòng, an ninh bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

Trong đó, Đảng ta nhấn mạnh: “Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng có mặt tiến nhanh lên hiện đại, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc”5. Đây là vấn đề có tính nguyên và có ý nghĩa quyết định để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định bản chất cách mạng, toàn dân, toàn diện, sức mạnh quốc phòng, an ninh, quyết định thắng lợi của sự nghiệp bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Phải thường xuyên quán triệt sâu sắc các nghị quyết của Đảng, vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, xây dựng Nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, đảng viên (nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ), gắn bó mật thiết với Nhân dân để trở thành nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc.

Để thực hiện tốt nội dung này, chúng ta cần kiên trì đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Cùng với đó, cần chủ động tiến công, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, giữ vững sự ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ Đảng, bảo vệ công cuộc đổi mới và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị cho các tầng lớp nhân dân về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Kiên trì tuyên truyền, làm rõ nội hàm của mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc hiện nay không chỉ là “bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ” mà còn bao gồm cả “bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa và lợi ích quốc gia – dân tộc. Chủ động tuyên truyền những nội dung cốt lõi của Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Chiến lược Quốc phòng Việt Nam và Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng bằng nhiều hình thức.

Tuyên truyền nâng cao hiểu biết của Nhân dân về chủ quyền, lãnh thổ đất nước; làm cho họ hiểu đúng vấn đề chủ quyền với nội dung toàn diện, cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, sự “xâm lăng” về kinh tế, văn hóa của các thế lực bên ngoài, thiên tai, dịch bệnh cũng nguy hiểm không kém các cuộc xâm phạm lãnh thổ bằng các hành động quân sự. Mất văn hóa là mất tất cả; mất độc lập tự chủ về kinh tế thì trước sau cũng mất độc lập tự chủ về chính trị, dịch bệnh nếu không được kiểm soát tốt sẽ gây rối loạn đến tình hình chính trị – xã hội, kết cục là chủ quyền quốc gia cũng không còn. Vì vậy, trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay, chúng ta cần nắm vững phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” để xử lý các tình huống một cách tỉnh táo, bản lĩnh, vừa bảo đảm giữ được độc lập, chủ quyền, lãnh thổ, vừa giữ được môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước về mọi phương diện. Cần nhận thức đúng việc bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc phải được thực hiện trên mọi phương diện.

Thứ ba, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh, có sức chiến đấu cao.

Phát huy sức mạnh toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại tạo nên sức mạnh tổng hợp trong cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Chúng ta vừa phải ra sức tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, vừa phải coi việc phát huy nội lực luôn là nhân tố quyết định. Muốn vậy, kinh tế phải vững, quốc phòng phải mạnh, thực lực phải cường, lòng dân phải yên, chính trị – xã hội ổn định, cả dân tộc là một khối thống nhất.

Tiếp tục xây dựng xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trong đó có một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại; vững mạnh về chính trị, có chất lượng tổng hợp và có sức mạnh chiến đấu cao, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống. Xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu và dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp trên các vùng, miền, trên biển. Quan tâm xây dựng lực lượng trị an cơ sở đủ mạnh đáp ứng đòi hỏi của nhiệm vụ giữ gìn trật tự trị an cơ sở. Xây dựng, củng cố đường biên giới trên bộ hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; nâng cao năng lực thực thi pháp luật của các lực lượng làm nhiệm vụ ở biên giới, biển, đảo.

Thứ tư, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa

Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ; đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế; kiên trì thực hiện chủ trương không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Cần nắm vững phương châm “vừa hợp tác, vừa đấu tranh”, có cách nhìn biện chứng về “đối tượng”, “đối tác” để có thể tranh thủ hợp tác khía cạnh “đồng thuận” ở mỗi “đối tượng”; kiên quyết đấu tranh với từng “đối tác” về những vấn đề còn mâu thuẫn, trên nguyên tắc bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, lấy giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước là lợi ích cao nhất.

Trong tình hình hiện nay, cần kiên trì đấu tranh bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, trực tiếp là Công ước 1982 về Luật Biển của Liên hiệp quốc; yêu cầu các bên tranh chấp phải thực hiện nghiêm chỉnh Tuyên bố ASEAN – Trung Quốc về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), phấn đấu hoàn thành sớm việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử (COC). Đồng thời, sẵn sàng có các phương án tác chiến, khi tình huống buộc chúng ta phải tự vệ, để tỏ rõ mong muốn trước sau như một của chúng ta là hòa bình, hữu nghị, nhưng sẵn sàng hy sinh để giữ lấy chủ quyền, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Muốn thế, bên cạnh việc hoàn thiện các chính sách hỗ trợ người dân bám biển, bám đảo để khẳng định chủ quyền, cần tiếp tục đầu tư xây dựng các lực lượng thực thi pháp luật trên biển và tăng cường đầu tư hiện đại hóa các lực lượng có chức năng tác chiến bảo vệ biển, đảo để sẵn sàng đối phó hiệu quả với các tình huống có thể xảy ra, không để Tổ quốc bị bất ngờ.

Thực tiễn gần 40 năm đổi mới, đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử, tiếp tục khẳng định giá trị của Tuyên ngôn Độc lập, chúng ta không những bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa mà còn xây dựng đất nước ngày càng phát triển, “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. Vì vậy, dù phải đứng trước bao khó khăn, thử thách “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy!”. Lời bất hủ đó trong bản hùng văn lập quốc vĩ đại sẽ mãi là lời hiệu triệu với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, đoàn kết, đồng tâm hiệp lực, đóng góp sức lực, trí tuệ và tài năng, sẵn sàng hy sinh xương máu vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 mãi là kim chỉ nam cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, thể hiện khí phách của dân tộc trong trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau.

Chú thích:
1, 2. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 4. Tuyên Ngôn độc lập của Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2011, tr. 1, 3.
3, 4, 5. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 156, 158, 67.
Tài liệu tham khảo
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.
2. Tổng cục Chính trị. Tài liệu học tập, quán triệt Nghị quyết số 28-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Hà Nội, 2013.
3. Tổng cục Chính trị. Tài liệu nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI. Hà Nội, 2020.
4. Bộ Quốc phòng. Quốc phòng Việt Nam 2019. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2019.
Đại tá. PGS. TS Bùi Quang Huy
Trường Sĩ quan Chính trị, Bộ Quốc phòng