Vai trò của Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Cao Lãnh, Đồng Tháp trong thực hiện chuyển đổi số hiện nay

(Quanlynhanuoc.vn) – Thực hiện chuyển đổi số quốc gia yêu cầu cả hệ thống chính trị vào cuộc, trong đó có Hội Liên hiệp phụ nữ nói chung và trong hoạt động của Hội phụ nữ thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp nói riêng, góp phần xây dựng người phụ nữ năng động, trí tuệ, sáng tạo, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Bài viết nghiên cứu vai trò của Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Cao lãnh trong thực hiện chuyển đổi số và đề xuất một số giải pháp thúc đẩy công tác này hiệu quả.
Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Cao Lãnh luôn đồng hành cùng phụ nữ trong các hoạt động của cơ quan, gia đình.
Đặt vấn đề

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát những phẩm chất, truyền thống tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam qua câu nói nổi tiếng đã trở thành kinh điển: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cùng già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”1. Đảng ta cũng nhiều lần nhấn mạnh trong các kỳ Đại hội Đảng: “Phát huy truyền thống tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ. Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới”2. Những quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đã nói lên vị trí, vai trò quan trọng của phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp nói riêng trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay, nhất là đối với việc thực hiện chuyển đố số hiện nay; góp phần xây dựng người phụ nữ năng động, trí tuệ, sáng tạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng đời sống văn hoá mới, đem lại hiệu quả thiết thực cụ thể trong công việc, cuộc sống.

Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Cao Lãnh luôn đồng hành cùng phụ nữ trong các hoạt động của cơ quan, gia đình

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là đòi hỏi khách quan của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá hiện đại hoá, mở cửa, hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay. Vì vậy, thực hiện chuyển đổi số trong công việc, cuộc sống sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công việc, đời sống con người được cải thiện; các nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến văn bản của Đảng, Nhà nước, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội phụ nữ tỉnh, thành phố được nhanh chóng, thuận lợi, dễ dàng, đặc biệt, tổ chức những chương trình, hành động của Hội Liên hiệp phụ nữ sẽ phong phú, da dạng, hấp dẫn hơn và có sức lan toả sâu rộng trong toàn xã hội. Vai trò của Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố trong thực hiện chuyển đổi số được thể hiện ở một số vấn đề cơ bản sau:

Một là, trực tiếp quán triệt, phổ biến, tuyên truyền quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tầm quan trọng của việc ứng dựng công nghệ thông tin vào công việc, cuộc sống.

Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp đã cụ thể hoá những văn bản của cấp trên vào từng khu vực, địa bàn cụ thể. Nhận biết, đánh giá vai trò này được biểu hiện thông qua tinh thần, trách nhiệm của từng chi hội phụ nữ trong hướng dẫn, tổ chức thực hiện thắng lợi những yêu cầu, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương và gia đình đặt ra đã đầy đủ, toàn diện chưa. Từ đó, xây dựng chương trình, kế hoạch, phối kết hợp tổ chức, lực lượng tiến hành phổ biến, tuyên truyền, giáo dục đến toàn thể phụ nữ trong thành phố. Tính tích cực, chủ động của phụ nữ trong chuyển đổi số nhanh hay chậm, nhiều hay ít phụ thuộc rất lớn vào công tác phổ biến, tuyên truyền của Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp.

Hai là, trực tiếp tổ chức thực hiện các nội dung thực hiện chuyển đổi số.

Đây là vai trò quan trọng có ý nghĩa quyết định đến việc nâng cao tính hiệu quả thực hiện chuyển đổi số của phụ nữ thành phố hiện nay. Trên cơ sở các văn bản của cấp trên, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, thiết thực, phù hợp với đặc điểm tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ ở mỗi cơ quan, đơn vị đang đòi hỏi. Đánh giá vai trò này được biểu hiện thông qua sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động trong công việc, cuộc sống; phụ nữ ở cơ quan hành chính sự nghiệp đã thành thạo công nghệ thông tin chưa, có thường xuyên cập nhật, bổ sung kiến thức không; biết cách hướng dẫn người dân đến làm việc một cách thuận tiện, dễ dàng không; giúp đỡ, định hướng phụ nữ các cấp trong phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng gia đình hạnh phúc, văn minh, giàu mạnh không.

Nội dung, hình thức, biện pháp tổ chức thực hiện có phong phú, đa dạng, hấp dẫn cuốn hút được đông đảo phụ nữ tham gia, hưởng ứng không. Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố là lực lượng tiên phong đi đầu trong thực hiện chuyển đổi số, thấy được những tiện ích, ưu điểm nổi bật khi sử dụng công nghệ số trong xử lý công việc, tình huống, trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, quảng bá giới thiệu sản phẩm, liên doanh, liên kết phát triển du lịch. Từ đó, mới tạo động lực, ý chí, niềm tin để phụ nữ tin và làm theo, không ngại khó, ngại khổ, đồng hành cùng với Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố trong thực hành chuyển đổi số.

Ba là, thường xuyên phối kết hợp với các tổ chức, lực lượng tổ chức các hoạt động thực tiễn để phụ nữ tham gia thực hành chuyển đổi số.

Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố không chỉ là nơi bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho phụ nữ mà còn là diễn đàn dân chủ, địa chỉ tin cậy để phụ nữ các cấp, các ngành phát huy năng lực, sở trường, thế mạnh của mình thông qua tổ chức các hoạt động thực tiễn. Các hoạt động thực tiễn, như: hội thảo khoa học, văn hoá văn nghệ, xây dựng trang thông tin, hình thành các chuỗi sản phẩm bán hàng online giới thiệu đặc sản ở các địa phương, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, kỹ năng cho phụ nữ nông thôn… qua đó, một mặt vừa tuyên truyền, giáo dục cho phụ nữ pháp luật về bình đẳng giới, hôn nhân gia đình, chống bạo lực gia đình, mặt khác trang bị kiến thức, kỹ năng xử trí tình huống, tham gia nhiều hơn vào các hoạt động xã hội, tăng lên tính tự tin, hiểu biết các vấn đề xã hội, có cách xử trí, ứng biến hiệu quả, phù hợp, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho phụ nữ nói chung và phụ nữ thành phố Cao Lãnh nói riêng.

Hiện nay, Hội Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố có 4 biên chế, gồm: 1 chủ tịch, 1 phó chủ tịch, 2 chuyên viên. Cơ cấu tổ chức Hội: 17 cơ sở trực thuộc gồm có 15 hội phụ nữ xã, phường và các chi hội phụ nữ chợ, Hội Phụ nữ Công an. Hiện có 69 chi hội phụ nữ khóm, ấp, 446 tổ hội phụ nữ với tổng số hội viên là 64.666 người, trong đó, phụ nữ tham gia vào tổ chức Hội là 35.006, đạt tỷ lệ tập hợp là 54,13%.

Thời gian qua, Hội đã tiến hành tuyên truyền, phổ biến đến 90% hội viên và Nhân dân nắm rõ về lợi ích của người dân khi tham gia cài đặt sổ khám bệnh điện tử; cung cấp các thông tin sức khỏe của bản thân. Phối hợp với Công an các ngành địa phương, tổ chức các điểm làm căn cước công dân lưu động trên địa bàn, hướng dẫn hồ sơ thủ tục làm căn cước công dân cho người dân. Phối hợp cùng Công an và Đoàn Thanh niên thành lập các “Tổ lưu động hướng dẫn kích hoạt tài khoản định danh điện tử trên VNeID” cho người dân.

Về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động, Hội thường xuyên tập huấn cho cán bộ Hội sử dụng phần mềm theo dõi, quản lý cán bộ, hội viên, cập nhật thống kê và công tác thi đua khen thưởng trong hệ thống Hội. Mở lớp tập huấn viết tin cho 60 cán bộ hội cơ sở về một số nội dung cơ bản, như: kỹ năng viết tin; kỹ năng khai thác văn bản để viết tin; kỹ năng chụp ảnh cho tin. Qua các lớp tập huấn đã giúp cho cán bộ hội phụ nữ cơ sở được nâng cao kiến thức, kỹ năng đưa tin cho các hoạt động Hội.

Phối hợp cùng Trung tâm tin học thành phố tổ chức tập huấn ứng dụng công nghệ thông tin cho 45 chị là cán bộ hội cơ sở với 3 nội dung cơ bản: ứng dụng trang tin về công tác tuyên tuyền, quản lý trang Fanpage, Zalo của Hội; ứng dụng phần mềm Zavi cho hoạt động họp trực tuyến chi, tổ hội khóm ấp; ứng dụng công tác văn phòng, tổng hợp báo cáo với hình thức online. Thông qua lớp tập huấn này đã giúp cho cán bộ Hội cơ sở được trang bị những kiến thức cơ bản một số vấn đề về mạng xã hội; duy trì 1 trang Fanpage Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố; 15 trang facebook hội cơ sở; 5 nhóm zalo thành phố; 43 nhóm zalo chi hội và 173 nhóm tổ phụ nữ và mô hình tổ phụ nữ. Các trang Fanpage Hội đã thường xuyên thông tin hoạt động; đăng, tải hơn 400 tin bài hoạt động hội và phong trào phụ nữ của các địa phương và các sự kiện chính trị nổi bật của thành phố3

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, vai trò của Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố trong thực hành chuyển đổi số còn một số hạn chế: nhận thức, trách nhiệm của một số Hội cấp cơ sở chưa toàn diện sâu sắc đầy đủ, chưa mạnh dạn trong thực hiện chuyển đổi số; công tác tuyên truyền, phổ biến còn chậm, chưa linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức, hướng dẫn phụ nữ cấp cơ sở thực hiện; phụ nữ cấp cơ sở chưa tiếp cận được nhiều với chuyển đổi số, chưa biết cách sử dụng phần mềm, những tiện ích từ thực hành chuyển đổi số đem lại; kỹ năng, động tác hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ phụ nữ thực hành chuyển đổi số của Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố còn lúng túng, chưa phong phú, đa dạng, hấp dẫn, chủ yếu phụ nữ thành phố tiếp cận được, phụ nữ ở nông thôn vẫn chưa biết cách sử dụng các phần mềm của ứng dụng công nghệ số trong giải quyết công việc, trong cuộc sống; một số thành viên của Hội chưa năng động, sáng tạo; hoạt động của Hội còn thiếu cơ sở vật chất, nhất là kinh phí tổ chức các hoạt động thực hiện chuyển đổi số.

Một số nguyên nhân là do: (1) Vai trò, trách nhiệm của Hội có lúc, có thời điểm chưa cao, chưa cụ thể hoá linh hoạt, sáng tạo các hướng dẫn của cấp trên vào cơ quan, đơn vị, địa phương phù hợp, hiệu quả. (2) Một số phụ nữ của Hội chưa có nhiều kỹ năng trong tuyên truyền, phổ biến, vận động phụ nữ tham gia ngày càng nhiều hơn vào thực hành chuyển đổi số. (3) Hội chưa có nhiều đổi mới về nội dung, hình thức, biện pháp tổ chức thực hiện chuyển đổi số ở cấp cơ sở. (4) Hội chưa nhận được nhiều sự hưởng ứng nhiệt tình, trách nhiệm của phụ nữ các cấp trong thực hành chuyển đổi số.

Một số biện pháp phát huy vai trò của Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Cao Lãnh trong thực hiện chuyển đổi số

Một là, trang bị đầy đủ những kỹ năng, kiến thức cho các thành viên của Hội trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số.

Đại hội lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”4. Theo đó, các thành viên của Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố phải trang bị đầy đủ kiến thức, hiểu biết các vấn đề xã hội, thành thạo trong công nghệ thông tin mới có thể hướng dẫn, giúp đỡ phụ nữ khác; thường xuyên cập nhật, bổ sung kiến thức, thông tin mới có liên quan đến công việc và những lĩnh vực khác để tuyên truyền, vận động phụ nữ tin và làm theo; đề cao tinh thần, trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân; cùng chung tay, góp sức vào sự phát triển kinh tế – xã hội của thành phố; khi được phân công, giao nhiệm vụ phát huy năng lực, sở trường, thế mạnh của bản thân đã được học, lĩnh hội ở các môi trường khác nhau; nhiệt tình, trách nhiệm trong phối kết hợp với các tổ chức, lực lượng có liên quan để thực hành chuyển đổi số một cách phù hợp, hiệu quả nhất; thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, xây dựng văn hoá công sở trong thực hiện chuyển đổi số; tự trang bị cho bản thân những kiến thức, kỹ năng thuyết trình trước phụ nữ để mỗi phụ nữ luôn tin tưởng và quyết tâm thay đổi tư duy nhận thức, có cách nghĩ, cách làm mới trong đời sống, mạnh dạn thực hành chuyển đổi số.

Trong bối cảnh hội nhập, mở cửa sâu rộng hiện nay, nếu phụ nữ không cập nhật kiến thức, không có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin sẽ trở nên lạc hậu không theo kịp thời đại, tạo ra nhiều áp lực trong cuộc sống. Do đó, các thành viên Hội Liên hiệp phụ nữ hành động mạnh mẽ, quyết liệt để lôi cuốn đông đảo phụ nữ đồng hành với nhiệm vụ chung của xã hội, nhất là thực hành chuyển đổi số. Những nội dung, kiến thức, kỹ năng về thực hành chuyển đổi số tập trung vào việc tổ chức thực hiện tốt Đề án chuyển đổi số của tỉnh Đồng Tháp, giới thiệu Trung tâm thực hành chuyển đổi số của tỉnh Đồng Tháp, triển khai ứng dụng E – Đồng Tháp, dịch vụ công trực tuyến, phần mềm quản lý các hội viên phụ nữ…

Hai là, thường xuyên đổi mới phương thức hoạt động đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra ngày càng cao hiện nay.

Đảng ta đã khẳng định: “Gắn kết và đổi mới tổ chức bộ máy và cơ chế hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội các cấp”5. Với tinh thần này, Hội phải tích cực, chủ động đổi mới nội dung, hình thức vận động, tập hợp, đoàn kết phụ nữ tham gia ngày càng hiệu quả hơn vào quá trình thực hành chuyển đổi số; đề ra chương trình, kế hoạch hành động sát hợp với thực tiễn, có giải pháp căn cơ, toàn diện trong đánh giá chất lượng hoạt động của Hội, từ đó, xác định khâu yếu, mặt yếu để tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ở các cấp, các ngành. Xây dựng Hội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tham gia các phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, chương trình “mẹ đỡ đầu”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh”…

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và thực hành chuyển đổi số trong mọi hoạt động, hướng về cơ sở, lấy phụ nữ cơ sở là địa bàn trọng tâm, trọng điểm trong thực hành chuyển đổi số; tổ chức những lớp học ở các địa phương giới thiệu, hướng dẫn cách thức, phương pháp thực hành chuyển đổi số cho phụ nữ; lắng nghe chia sẻ, nguyện vọng của phụ nữ, từ đó, có tham mưu, đề xuất, phối hợp với lực lượng khác để giải quyết thấu tình, đạt lý những đề xuất, mong muốn của chị em phụ nữ.

Xây dựng mô hình phụ nữ ở tổ dân phố, thôn, ấp tiên phong trong thực hành chuyển đổi số, đem lại những kết quả trong thực tiễn, qua đó, tạo động lực, niềm tin cho các chị em phụ nữ học tập, làm theo; lồng ghép thực hiện chuyển đổi số với nhiệm vụ chuyển đổi cơ cấu kinh tế, khuyến khích, động viên, hỗ trợ phụ nữ vươn lên làm giàu chính đáng, giữ được hạnh phúc gia đình; từng bước đấu tranh loại bỏ văn hoá phẩm đồi truỵ, suy nghĩ, nhận thức chưa đúng về vị thế, vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại, xoá đi mặc cảm, tư ti về bản thân, hoà mình vào xã hội.

Ba là, tăng cường phối kết hợp giữa các tổ chức, lực lượng trong thực hành chuyển đổi số.

Đây là yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra rất thiết thực không chỉ đối với Hội Liên hiệp phụ nữ của thành phố mà còn đối với các tổ chức chính trị – xã hội khác, bảo đảm cho quá trình hoạt động hiệu quả hơn, đạt được mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ đề ra. Hội cần tăng cường phối kết hợp với Trung tâm Chuyển đổi số của tỉnh để nâng cao kỹ năng, tay nghề hoạt động; khi tổ chức những lớp học, bồi dưỡng kỹ năng chuyển đối số cần mời những kỹ sư am hiểu về công nghệ thông tin, xây dựng bài học dễ hiễu, dễ nhớ cho chị em phụ nữ; tổ chức những buổi giao lưu, kết hợp với Đoàn niên, Mặt trận Tổ quốc định kỳ tổ chức những buổi giới thiệu thực hành chuyển đổi số ngay tại địa phương; bảo đảm đầy đủ các trang thiết bị cần thiết cho phụ nữ tham gia lớp tập huấn.

Tăng cường mở rộng, liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp, nhà máy bảo đảm cho sản phẩm của phụ nữ làm ra được tiêu thụ ngay trên thị trường, đem lại lợi nhuận nhất định, từ đó, phụ nữ thấy được giá trị của thực hành chuyển đổi số, tích cực hơn nữa trong tự học, tự bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, hiểu biết xã hội, tăng lên phương pháp sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin. Trong mỗi hoạt động của Hội cần có sự tham gia, đồng hành của các tổ chức, lực lượng một cách thường xuyên, liên tục, nhất là trong thực hành chuyển đổi số. “Tăng cường các chương trình phát triển, hỗ trợ tri thức, kỹ năng cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi”.6

Bốn là, tổ chức sơ kết, tổng kết về thực hiện chuyển đổi số.

Thông qua tổ chức sơ kết, tổng kết trong thực hiện chuyển đổi số, đánh giá năng lực hoạt động thực tiễn, cách thức tiến hành chuyển đổi số thời gian qua có điểm mạnh, hạn chế gì, qua đó rút kinh nghiệm bảo đảm cho hoạt động thực hành chuyển đổi số diễn ra theo đúng kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ, đạt được kết quả tốt.

Đề cao tinh thần, trách nhiệm trong công việc, mạnh dạn, thẳng thắn không che dấu khuyết điểm, đổ lỗi cho người khác; đánh giá một cách toàn diện, khách quan, lịch sử, cụ thể từng kết quả đạt được trên các mặt hoạt động công tác, thấy được sự nỗ lực, cố gắng vượt bậc của các thành viên Hội. “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”7, vì thế, Hội phải làm tốt công tác biểu dương, khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có nhiều thành tích, nỗ lực, cố gắng trong thực hiện chuyển đổi số để tôn vinh, lan toả sâu rộng trong toàn xã hội; việc làm đó khách quan, dân chủ, công tâm, ghi nhận, đánh giá đúng cống hiến, đóng góp của chị em phụ nữ đối với quá trình hoạt động của hội, không bôi hồng hoặc tô đen, tạo bầu không khí làm việc sôi nổi, hào hứng, phấn khởi, khắc phục khó khăn, gian khổ, nhận trách nhiệm và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Kết luận

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Phụ nữ ta chẳng tầm thường, đánh Đông, dẹp Bắc, làm gương để đời” để đánh giá, ghi nhận công lao của phụ nữ, Người đã tặng Phụ nữ Việt Nam tám chữ vàng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Những tình cảm đó của Người đã được các thế hệ phụ nữ phát huy trong mọi giai đoạn, thời kỳ cách mạng, nhất là trong thực hiện chuyển đổi số hiện nay.

Nghị quyết Đại hội phụ nữ tỉnh Đồng Tháp lần thứ X, nhiệm kỳ 2021- 2026 xác định, một trong hai khâu đột phá là đổi mới phương thức hoạt động của Hội, trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần xây dựng người phụ nữ Đồng Tháp thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước “Đoàn kết – Nghĩa tình – Năng động – Sáng tạo”. Mỗi bước phát triển của Hội là sự thể hiện quá trình lớn mạnh, trưởng thành, phát triển về số lượng, chất lượng, đưa nghị quyết của Đảng, của Hội vào thực tiễn.

Chú thích:
1. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 4. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2011, tr. 199.
3. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động Hội. https://baodongthap.vn, ngày 18/4/2023.
2,4,5,6. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập 1. H. NXB. Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 169, 169, 178, 169.
7. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 1. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2011, tr.284.
ThS. Nguyễn Thị Hải Vân
Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Cao Lãnh
Nguyễn Thị Hồng Thắm
Văn phòng Thành uỷ Cao Lãnh