(Quanlynhanuoc.vn) – Chiều ngày 12/9/2023 tại Hà Nội, Học viện Hành chính Quốc gia tổ chức Hội thảo khoa học: Góp ý “Chương trình bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cấp tỉnh” nhằm bảo đảm chất lượng, tiến độ việc biên soạn chương trình theo đúng kế hoạch. Hội thảo tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tới các Phân viện thuộc Học viện tại TP. Hồ Chí Minh, khu vực Tây Nguyên và khu vực miền Trung. PGS. TS. Nguyễn Thị Hồng Hải, Trưởng khoa Hành chính học chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo, có lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Nội vụ; lãnh đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc Học viện; Hội đồng Khoa học và Đào tạo Học viện; Ban chỉ đạo, Ban thư ký thực hiện nhiệm vụ biên soạn chương trình, các nhà khoa học trong và ngoài Học viện.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải đánh giá chất lượng bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cấp tỉnh là một công việc quan trọng nhằm cung cấp thông tin về mức độ nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ công vụ của lãnh đạo, quản lý sau khi được bồi dưỡng. Kết quả đánh giá cũng đồng thời là một kênh phản hồi chính thức từ người học, người dạy và các bên liên quan về quá trình thực hiện hoạt động bồi dưỡng, về hiệu quả, chất lượng bồi dưỡng để các cơ quan, đơn vị có kế hoạch cải tiến, nâng cao chất lượng bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tích cực thảo luận, làm rõ các vấn đề lý luận về đánh giá chất lượng bồi dưỡng và công cụ đánh giá chất lượng bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cấp tỉnh; thực trạng quy định pháp luật về đánh giá chất lượng bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cấp tỉnh và sử dụng công cụ đánh giá chất lượng bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cấp tỉnh hiện nay. Từ kinh nghiệm đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực nói chung, các đại biểu đã đề xuất giải pháp cho việc đánh giá và xây dựng công cụ đánh giá chất lượng bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cấp tỉnh.
Theo ThS. Nguyễn Trọng Nhã, giảng viên Khoa Nhà nước và pháp luật, nếu chương trình bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cấp tỉnh gắn với 3 nhóm đối tượng bồi dưỡng: viên chức lãnh đạo, quản lý đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cấp tỉnh; người được quy hoạch vào chức danh trên; các đối tượng khác theo quy định của pháp luật. Như vậy, cần làm rõ các đối tượng khác theo quy định của pháp luật là gì? Ông Nhã đề xuất một số yêu cầu về kết cấu, nội dung chương trình, đề nghị cập nhật các kiến thức về văn hóa công vụ, kỹ năng quản trị nội bộ và yêu cầu chương trình tài liệu, kiến thức không được trùng lặp với các chương trình bồi dưỡng khác, phải đápứng nhu cầu người học, đồng thời, nội dung chương trình phải đáp ứng được yêu cầu của phát triển nền kinh tế thị trường trong bối cảnh hiện nay.
TS. Thiều Thị Thu Hương, giảng viên Khoa Quản lý xã hội cho rằng, đây là một chương trình cần thiết, phù hợp với mục tiêu bồi dưỡng là cập nhật, nâng cao kiến thức, kỹ năng trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của lãnh đạo, quản lý đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cấp tỉnh. Tuy nhiên, cần làm rõ thêm các mục tiêu cụ thể của chương trình, hay nói rõ hơn là chương trình bồi dưỡng sẽ cung cấp gì mang tính đặc trưng cho lãnh đạo, quản lý đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh. Bà Hương cũng đề xuất nhóm biên soạn xem xét và nghiên cứu bổ sung thêm chuyên đề báo cáo về quản lý đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cấp huyện để giúp người đọc thấy rõ thực trạng quản lý trong bối cảnh phát triển hiện nay.
Nói về tính ứng dụng của chương trình, TS. Bùi Thị Ngọc Mai, giảng viên Khoa Quản trị nhân lực cho biết, các nội dung của chương trình dự kiến có thể đáp ứng nhu cầu của học viên. Tuy nhiên, để có thông tin xác thực, Ban biên soạn nên tiến hành khảo sát, đánh giá yêu cầu thực tiễn nhu cầu và công việc của học viên.
Đại diện Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh, TS. Nguyễn Thị Phương đề xuất, nên: thống nhất khái niệm các đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp “dịch vụ công” hay cung cấp “dịch vụ sự nghiệp công” (khoản 2 Điều 3 Nghị định 60/2021/NĐ-CP sử dụng khái niệm dịch vụ sự nghiệp công); bổ sung thêm một chuyên đề báo cáo lựa chọn, trong đó có thể tham khảo thêm một trong hai chuyên đề, sau: (1) chuyên đề định hướng trong công tác quản lý và phát triển các đơn vị sự nghiệp công lập trong bối cảnh hiện nay hoặc (2) chuyên đề tác động của xu hướng xã hội hóa các dịch vụ sự nghiệp công tới sự phát triển của các đơn vị sự nghiệp công lập. Nên bổ sung một chuyên đề riêng để chia sẻ sâu hơn về một số kỹ năng khác, ví dụ như: kỹ năng quản lý sự thay đổi; kỹ năng tiếp xúc báo chí và xử lý khủng hoảng truyền thông…
TS. Nguyễn Minh Sản, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học hành chính cho rằng, về cơ bản, chương trình bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cấp tỉnh đã đáp ứng tốt yêu cầu về nội dung và hình thức. Tuy nhiên, để nhóm biên soạn có thể tham khảo, hoàn thiện chương trình có chất lượng cao hơn, cần bổ sung, điều chỉnh một số khái niệm và chuyên mục, ví dụ, như: (1) Chuyên đề 1, mục I bổ sung: những yếu tố ảnh hưởng đến đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cấp tỉnh; mục II bổ sung khái niệm: lãnh đạo, quản lý đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cấp tỉnh. (2) Chuyên đề 2, mục I bổ sung tên mục thành: khái quát về cung ứng dịch vụ công theo định hướng khách hàng trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cấp tỉnh và khái niệm cung ứng dịch vụ công theo định hướng khách hàng trong đơn vị sự nghiệp công lập…
Kết luận Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải trân trọng ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến phát biểu tại Hội thảo đầy trách nhiệm, tâm huyết và đi sâu vào các vấn đề đặt ra tại Hội thảo; đồng thời, trân trọng tiếp thu các đề xuất, kiến nghị để các đơn vị nghiên cứu, hoàn thiện chương trình bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cấp tỉnh đáp ứng mục tiêu đề ra. PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải mong muốn trong thời gian tới, các đại biểu tiếp tục đóng góp ý kiến để hoàn thiện chương trình bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cấp tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cấp tỉnh trong thời gian tới.