(Quanlynhanuoc.vn) – Những năm qua, thành tựu khoa học – công nghệ trên thế giới và khu vực có những thay đổi nhanh chóng. Nhận diện và đánh giá những thay đổi trong bối cảnh mới, Đảng và Nhà nước đặc biệt chú trọng đến việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế gắn với phát triển kinh tế tri thức, lấy khoa học – công nghệ, tri thức và nguồn nhân lực chất lượng cao làm động lực chủ yếu…1. Nghiên cứu các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nghiên cứu viên tại các viện nghiên cứu hiện nay là hết sức cần thiết.
Một số quy định về đào tạo, bồi dưỡng nghiên cứu viên
Đội ngũ nghiên cứu viên được quy định theo tiêu chuẩn nghiệp vụ của các ngạch viên chức thuộc ngành Khoa học và công nghệ. Theo đó, ngày 11/10/2022, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 14/2022/TT-BKHCN về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 24/2014/TTLT-BKHCN-BNV ngày 01/10/2014 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành khoa học và công nghệ được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Thông tư số 01/2020/TT-BKHCN ngày 20/01/2020 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
Bên cạnh đó, một số chính sách quan trọng liên quan đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ viên chức đã được Nhà nước ban hành, cụ thể: Luật Viên chức được Quốc hội quy định rất rõ quyền, nghĩa vụ của viên chức là “được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ”; Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; Quyết định số 163/QĐ-TTg ngày 25/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016-2025; Quyết định số 1659/QĐ-TTg ngày 19/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2019-2030”; Quyết định số 1960/QĐ-TTg ngày 01/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng cho cán bộ, công chức, viên chức làm công tác hội nhập quốc tế giai đoạn 2021- 2025” cùng một số quy định khác.
Một số khó khăn trong đào tạo, bồi dưỡng nghiên cứu viên
Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chính là những hạt nhân của nền công vụ, là yếu tố cốt yếu bảo đảm cho sự phát triển kinh tế – xã hội và ổn định chính trị. Trong đó, đội ngũ viên chức giữ chức danh nghề nghiệp là nghiên cứu viên trong lĩnh vực kinh tế có vai trò rất quan trọng trong việc nghiên cứu, hoạch định và thực thi các chính sách phát triển kinh tế – xã hội đáp ứng những yêu cầu trong tình hình mới.
Trong công tác phát triển chất lượng nguồn nhân lực nói chung, để đưa ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực trong thời gian tới, đòi hỏi cần phải: “Xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho đất nước, cho từng ngành, từng lĩnh vực với những giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung cho giải pháp đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực trong nhà trường cũng như trong quá trình sản xuất, kinh doanh, chú trọng nâng cao tính chuyên nghiệp và kỹ năng thực hành”2.
Một số khó khăn trong thực hiện đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nghiên cứu viên hiện nay, chủ yếu do năng lực chuyên môn, nghiệp vụ công tác của đội ngũ nghiên cứu viên còn chưa đồng đều và thiếu tính chuyên nghiệp, chưa đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chuẩn, nhiều cán bộ không được làm việc đúng chuyên môn, sở trường, một bộ phận nghiên cứu viên trẻ còn thiếu tư duy, ngại rèn luyện. Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, nhận định: “nhiều cán bộ… thiếu tính chuyên nghiệp, làm việc không đúng chuyên môn, sở trường; trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp và khả năng làm việc của cán bộ trong môi trường quốc tế còn nhiều hạn chế”.
Nội dung, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng còn nhiều giàn trải, chưa tập trung vào công tác chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ nghiên cứu viên. Nội dung các bài giảng còn máy móc, chưa đáp ứng với những thay đổi về địa – kinh tế, địa – chính trị trong khu vực và trên thế giới. Mặt khác, chưa phát huy tinh thần phản biện khoa học cũng như phát huy năng lực tìm tòi, nghiên cứu của nghiên cứu viên,… Chương trình đào tạo, bồi dưỡng còn chậm đổi mới, chưa kết hợp chặt chẽ giữa lý luận với thực tiễn3, trong khi bối cảnh kinh tế – xã hội thế giới và trong nước liên tục thay đổi đòi hỏi công tác đào tạo, bồi dưỡng cần thiết thực, đổi mới và hiệu quả cao hơn nữa.
Ngoài ra, chính sách đãi ngộ về lương, thưởng còn hạn chế, chưa đáp ứng và chưa tương xứng với trình độ cũng như năng suất làm việc của đội ngũ nghiên cứu viên. Bên cạnh đó là các yêu cầu về việc tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế đã khiến cho tâm lý của nghiên cứu viên có nhiều xáo trộn, không muốn làm việc, không có điều kiện hoặc không muốn nâng cao trình độ, năng lực. Điều này tác động rất lớn đối với tâm lý, dẫn đến số lượng nghiên cứu viên giảm sút do nghỉ việc, không muốn tham gia đào tạo, bồi dưỡng đã khiến các viện nghiên cứu gặp nhiều khó khăn, thách thức trong tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng cho nghiên cứu viên.
Khuyến nghị một số giải pháp
Việt Nam đang tăng cường các hoạt động hợp tác, hội nhập sâu rộng, cùng với đó, những diễn biến trong khu vực và trên thế giới có những biến đổi nhanh chóng, phức tạp, các mô hình phát triển kinh tế – xã hội mới xuất hiện lại đòi hỏi tư duy và có kinh nghiệm cao. Do đó, yêu cầu trong công tác nghiên cứu khoa học, đề xuất các giải pháp gắn liền với thực tiễn, hoạch định các chính sách phát triển khoa học công nghệ, văn hoá, kinh tế – xã hội… đòi hỏi đội ngũ nghiên cứu viên phải đáp ứng được các yêu cầu cao và chuyên nghiệp hơn.
Thứ nhất, khẳng định vai trò quan trọng của đội ngũ nghiên cứu viên trong công tác nghiên cứu, đề xuất, tham gia xây dựng các chủ trương, chính sách phát triển khoa học – công nghệ, giáo dục, y tế, an ninh – quốc phòng, đối ngoại, kinh tế – xã hội… Tăng cường chất lượng nghiên cứu viên tại các viện nghiên cứu về các mặt, bảo đảm cho các nghiên cứu viên có được môi trường nghiên cứu tốt, các kết quả nghiên cứu phục vụ tổ chức, người dân và xã hội một cách thiết thực.
Thứ hai, các viện nghiên cứu phải có kế hoạch rõ ràng, hiệu quả trong công tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng các yêu cầu của tổ chức. Bởi lẽ, công tác phát triển nhân sự gắn chặt với việc phát triển chất lượng đội ngũ nghiên cứu viên tại các viện nghiên cứu. Để phát triển đội ngũ nghiên cứu viên chất lượng cao cần chú trọng gắn kết 3 khâu: đào tạo, sử dụng, đãi ngộ. Việc đào tạo phải dựa trên xu hướng, nhu cầu phát triển của nền kinh tế Việt Nam, học hỏi các kinh nghiệm để áp dụng có hiệu quả tại các viện nghiên cứu của Việt Nam.
Thứ ba, xây dựng cơ chế thu hút đội ngũ nghiên cứu viên chất lượng cao. Các viện nghiên cứu thu hút đội ngũ nghiên cứu viên thông qua các cơ chế, chính sách đặc thù, tạo điều kiện tốt nhất cả về vật chất, tinh thần và môi trường làm việc hiệu quả. Thu hút đội ngũ nghiên cứu viên chất lượng cao luôn kết hợp chặt chẽ với công tác bồi dưỡng, đãi ngộ, thăng tiến rõ ràng, công khai, minh bạch dựa trên kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao. Đối với nguồn nội bộ tại các viện nghiên cứu, việc thu hút được thực hiện và chịu trách nhiệm bởi người đứng đầu cơ quan, đơn vị quyết định thông qua công tác đánh giá viên chức trên cơ sở kết quả, hiệu quả công tác, tinh thần, thái độ làm việc cũng như đạo đức công vụ trong thực thi các nhiệm vụ.
Mặt khác, đối với các nguồn lực từ bên ngoài, bản thân các viện nghiên cứu sẽ xây dựng cơ chế tuyển dụng đối với các đối tượng như sinh viên tốt nghiệp đạt loại giỏi trở lên, thủ khoa phù hợp với chuyên ngành đặc thù, các nhà khoa học trẻ có học hàm, học vị tham gia vào công tác nghiên cứu khoa học và thực hiện nhiệm vụ của các viện nghiên cứu. Thu hút theo các cơ chế tuyển dụng thi tuyển, xét tuyển công khai, minh bạch. Cung cấp cho người dự tuyển nắm bắt được các thông tin về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, những yêu cầu trong công tác…
Thứ tư, tiếp tục nghiên cứu, xây dựng chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với yêu cầu làm việc, chuyên môn của nghiên cứu viên. Trong đó, trọng tâm như sau:
(1) Nâng cao năng lực chuyên môn, đặc thù của các ngành, lĩnh vực đối với nghiên cứu viên của các viện nghiên cứu. Đào tạo, bồi dưỡng gắn liền với các hoạt động thực tiễn, vừa bảo đảm tính lý luận, vừa đáp ứng với các yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ và phù hợp với quy định của thế giới.
(2) Hoàn thiện các kỹ năng. Kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng phản biện khoa học, đàm phán cùng các kỹ năng giao tiếp quốc tế đáp ứng yêu cầu hội nhập sâu rộng hiện nay.
(3) Đào tạo, bồi dưỡng nghiên cứu viên có khả năng ngoại ngữ và chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa. Đặc thù trong công tác nghiên cứu là phải tìm tòi, nghiên cứu các kinh nghiệm quốc tế, trong khi các tài liệu khoa học trên thế giới chủ yếu bằng ngôn ngữ quốc tế, cho nên việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng ngoại ngữ là rất quan trọng. Bên cạnh đó, các hoạt động về chính phủ số, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo đang được diễn ra mạnh mẽ, do đó các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiên cứu viên cũng cần bám sát các hoạt động này.
(4) Tiếp tục xây dựng và kiện toàn đội ngũ nghiên cứu viên, giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng tham gia đào tạo, bồi dưỡng nghiên cứu viên. Bảo đảm đội ngũ giảng viên am hiểu sâu về kiến thức pháp luật và chuyên ngành, đồng thời thông hiểu các nghiên cứu thực tiễn, kinh nghiệm tốt của thế giới.
Thứ năm, xây dựng đội ngũ chuyên gia là các nghiên cứu viên cao cấp, các chuyên gia cố vấn cho các cơ quan nhà nước, các nhà khoa học quốc tế có kinh nghiệm phục vụ trong công tác đào tạo, bồi dưỡng. Có kinh nghiệm trong quản lý và hướng dẫn các đội nhóm cũng như phát huy năng lực nghiên cứu và nâng cao vị thế đội ngũ nghiên cứu viên đáp ứng các quy chuẩn của quốc tế.