Phát triển ngành khai thác và nuôi trồng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU trong bối cảnh thực thi Hiệp định EVFTA     

(Quanlynhanuoc.vn) – Khai thác và nuôi trồng thủy sản là một ngành kinh tế quan trọng luôn được quan tâm, đầu tư phát triển có chiều sâu trong điều kiện hội nhập kinh tế thế giới hiện nay. Trước thực trạng phát triển ngành Thủy sản ở Việt Nam, đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi phải có những giải pháp thiết thực để phát triển ngành khai thác và nuôi trồng thủy sản xuất khẩu vào thị trường EU trong bối cảnh thực thi Hiệp định EVFTA.
Ảnh minh họa (vasep.com.vn).
Đặt vấn đề

Với đặc điểm bờ biển dài trên 3.260 km. Việt Nam có vùng đặc quyền kinh tế trên biển rộng hơn 1 triệu km² và vùng mặt nước nội địa rộng lớn hơn 1,4 triệu ha nhờ hệ thống sông ngòi, đầm lầy, ao hồ dày đặc1. Ngành Thủy sản đã và đang đóng góp vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Trong thời gian qua, sản xuất thủy sản xuất khẩu của Việt Nam luôn trong tình trạng thiếu nguyên liệu đầu vào để phục vụ sản xuất, xuất khẩu chỉ đáp ứng được khoảng 50 – 70% nhu cầu trong nước, nhiều doanh nghiệp sản xuất thủy sản phải sản xuất cầm chừng hoặc tạm ngừng sản xuất đã làm ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường EU.

Thực trạng phát triển nuôi trồng và khai thác thủy sản của Việt Nam giai đoạn 2015 – 2022 

(1) Về hoạt động nuôi trồng thủy sản.

Nuôi trồng thủy sản đang từng bước trở thành một trong những ngành sản xuất hàng hoá chủ lực, phát triển rộng khắp, có vị trí quan trọng và đang tiến đến xây dựng các vùng sản xuất tập trung. Từ năm 2015 – 2022: sản lượng nuôi trồng thủy sản của Việt Nam tăng từ 3,53 triệu tấn lên 5,19 triệu tấn, tăng 47%. Nuôi trồng thủy sản phục vụ cho xuất khẩu tập trung chủ yếu ở đồng bằng sông Cửu Long (chiếm  95%  tổng sản lượng cá tra và 80% sản lượng tôm). Cả nước có 2.362 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ (1.750 cơ sở giống tôm sú và 612 cơ sở giống tôm chân trắng). Sản lượng tôm giống đạt 79,3 triệu con (tôm sú 15,8 triệu con; tôm chân trắng 64,1 triệu con)2. Diện tích nuôi trên biển 260 nghìn ha và 7,5 triệu m3 lồng; sản lượng đạt 600 nghìn tấn. Trong năm 2022, nuôi trồng thủy sản tiếp tục phát triển do tăng sản lượng cá tra và tôm thẻ chân trắng, đạt 3.611,2 nghìn tấn, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 20213. Tuy nhiên, do diện tích các vùng nuôi trồng thủy sản còn mang tính nhỏ lẻ, phân tán nên khó khăn cho công tác phát triển vùng có quy mô lớn và khó thực hiện chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, khó ứng dụng khoa học – công nghệ vào nuôi trồng thủy sản. Mặt khác, công tác khuyến ngư chưa thật sự phù hợp với năng lực trình độ tiếp nhận thông tin của người nuôi trồng thủy sản nên hiệu quả chưa đạt được như mong đợi.

(2) Về hoạt động khai thác.

Hoạt động khai thác thủy sản có sự gia tăng theo từng năm trong giai đoạn từ 2015 – 2022. Sản lượng khai thác thủy sản của Việt Nam tăng từ 3 triệu tấn lên 3,86 triệu tấn, tăng 29%. Năm 2020: toàn quốc có 94.572 tàu cá, 4.227 tổ đội hoạt động với 179.601 lao động trên biển. Trong đó, nghề lưới kéo 17.078 tàu, chiếm 18,1%; nghề lưới vây 7.212 tàu, chiếm 7,6%; nghề lưới rê 33.538, chiếm 35,5%; nghề câu 16.043 tàu, chiếm 17%; nghề khác có 17.543 tàu, chiếm 18,5%; tàu dịch vụ hậu cần 3.158 chiếc, chiếm 3,3% 4.

Nhìn chung, công nghệ đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản còn lạc hậu. Tàu thuyền khai thác và đánh bắt chủ yếu có công suất nhỏ, công cụ và phương tiện đánh bắt thô sơ, lạc hậu nên đa số tàu thuyền và ngư dân khai thác ven bờ. Bên cạnh đó, lao động nghề hải sản chưa được chú trọng đào tạo chiếm tỷ lệ lớn, chủ yếu là lao động truyền thống (chiếm hơn 67%)5.

(3) Về giá trị xuất khẩu thủy sản.

Thủy sản Việt Nam hiện đã xuất khẩu tới 27 quốc gia thành viên của EU. Năm 2022 là một năm bứt phá của ngành Thủy sản khi xuất khẩu đạt kim ngạch 11 tỷ USD, cao nhất sau 20 năm gia nhập thị trường quốc tế. Riêng kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 4,3 tỷ USD, cá tra đạt 2,4 tỷ USD và cá ngừ chạm mốc 1 tỷ USD6, chiếm 4 – 5% GDP,  9 – 10% tổng kim ngạch xuất khẩu quốc gia góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, tạo nhiều việc làm và tăng thêm thu nhập cho người dân.

Từ số liệu của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2022, tăng 22% so với năm 2019 (thời điểm trước dịch Covid-19), kim ngạch tăng 25%. Trong đó, thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh nhất là Trung Quốc (+71,3%)7. Tuy nhiên, xuất khẩu thủy sản vẫn gặp một số khó khăn về thị trường như thuế chống phá giá ở mức quá cao. Mức thuế 3,87 USD/kg trong kết quả cuối cùng thuế POR13 đối với cá tra Việt Nam khiến cho số doanh nghiệp cá tra xuất khẩu sang Mỹ vốn đã rất ít nay càng khó để trụ vững trên thị trường Mỹ8.

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác và nuôi trồng thủy sản xuất khẩu vào thị trường EU

Một là, đối với nuôi trồng và khai thác thủy sản:

(1) Đẩy mạnh công tác quy hoạch các vùng nuôi trồng thủy sản. Hình thành vùng nuôi tập trung, đầu tư vốn, kỹ thuật đầy đủ, kiểm soát chặt đầu vào, đầu ra để tạo nguồn nguyên liệu chất lượng cao, đầu tư vùng nguyên liệu gắn kết với người nuôi để quản lý và kiểm soát giá cả. Tăng cường đầu tư tàu thuyền đánh bắt có công suất lớn, được trang bị đầy đủ dụng cụ khai thác hiện đại nhằm khai thác hiệu quả, an toàn cho ngư dân và phương tiện hoạt động ở các ngư trường xa.

(2) Đầu tư nghiên cứu và áp dụng các mô hình nuôi trồng thủy sản sạch. Đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất thức ăn cho thủy sản theo công nghệ mới để tăng cường chất lượng thức ăn, hạ giá thành, bảo đảm vệ sinh và phòng chống dịch bệnh. Tăng cường đầu tư các cơ sở hậu cần, dịch vụ phục vụ cho khai thác thủy sản. Nâng cấp các cảng cá ở các đảo quan trọng, nhất là nâng cấp hệ thống cấp nhiên liệu, nước đá, nước ngọt và tiêu thụ hàng hóa.

(3) Xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết trong nuôi trồng thủy sản, từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm thủy sản cuối cùng. Tăng cường sự kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước. Đầu tư xây dựng các chợ thủy sản là đầu mối quan trọng góp phần đô thị hoá các vùng nông thôn ven biển, tạo môi trường phát triển bền vững cho nghề cá.

(4) Cần thực hiện tốt công tác kiểm dịch nuôi trồng thủy sản. Phải thực hiện tốt các khâu kỹ thuật, như: chuẩn bị ao nuôi, cải tạo ao sau mỗi vụ nuôi, chuẩn bị nước nuôi, sát trùng cho con giống…

Hai là, đối với chế biến và xuất khẩu thủy sản:

(1) Xây dựng cơ chế liên doanh, liên kết giữa nông – ngư dân sản xuất nguyên liệu với các nhà doanh nghiệp (trong và ngoài nước) trong chế biến thủy sản, đặc biệt trong sản xuất thức ăn, chế phẩm sinh học, thuốc thú y thủy sản theo hình thức đa sở hữu để cùng chia sẻ rủi ro, lợi ích giữa các bên.

(2) Thực hiện hiệu quả công tác xúc tiến thương mại để củng cố và phát triển thị trường truyền thống, mở rộng thêm các thị trường lớn ngoài EU, Nhật Bản, Mỹ, cần phát triển mở rộng các thị trường Đông Âu, Trung Đông, Trung Quốc, Hàn Quốc…

(3) Tiếp tục phát triển các hình thức hợp tác, liên doanh trong các lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, cơ khí, hậu cần dịch vụ, chế biến, thương mại thủy sản với các nước trong khu vực và quốc tế. Nâng cao hiệu quả đàm phán, hợp tác với các nước trong khu vực về khai thác thủy sản tại các vùng biển chồng lấn, hợp tác khai thác trên vùng biển các nước ASEAN.

Kết luận

Với những điều kiện hết sức thuận lợi cho nuôi trồng, khai thác và xuất khẩu thủy sản, trong những năm qua, xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào thị trường EU luôn chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh các quốc gia là đối thủ cạnh tranh trực tiếp vẫn duy trì đà tăng ổn định ở mức cao là một vấn đề đáng lo ngại, đặt ra nhiều khó khăn cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU. Để nâng cao hiệu quả ngành nuôi trồng và khai thác mặt hàng thủy sản xuất khẩu, Việt Nam cần thực hiện đồng bộ các giải pháp cũng như đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tìm đầu ra cho hoạt động xuất khẩu các mặt hàng thủy sản trong thời gian tới.

Chú thích:
1. Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam. Báo cáo xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2020. TP. Hồ Chí Minh, 2021, tr. 15.
2, 3, 4, 5, 7. Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam. Tổng quan ngành thủy sản Việt Nam năm 2022. TP. Hồ Chí Minh, 2022, tr. 8, 12, 34.
6, 8. Nguyễn Thị Hoài Thu. Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường liên minh châu Âu (EU). Luận án tiến sỹ Kinh tế chính trị, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2022, tr. 55, 80, 103, 112.
Tài liệu tham khảo:
1. Hoàng Hải Bắc. Nâng cao năng lực cạnh tranh của mặt hàng thủy sản Việt Nam trên thị trường EU kể từ khi Việt Nam gia nhập tổ chức thương mại thế giới. Luận án tiến sỹ kinh tế. Học viện Khoa học xã hội, Hà Nội, 2017.
2. Vũ Thanh Hương. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU: tác động đối với thương mại hàng hoá giữa hai bên và hàm ý cho Việt Nam. Luận án tiến sỹ kinh tế, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2017.
3. Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ – Bộ Công Thương. Thông tin xuất khẩu vào thị trường EU ngành Thủy sản. H. NXB Công Thương, 2020.
4. Rurangwa et al (2016), Aquaculture Innovation in Vietnam, Wageningen Marine Research.
ThS. Nguyễn Viết Đức – ThS. Đậu Vĩnh Phúc
Học viện Chính trị – Bộ Quốc phòng