Kinh nghiệm của một số quốc gia châu Á về nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm gỗ xuất khẩu tại thị trường châu Âu và giá trị tham khảo cho Việt Nam

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong hơn 10 năm trở lại đây, sản phẩm gỗ và chế biến từ gỗ xuất khẩu của Việt Nam đã phát triển khá mạnh mẽ. Xuất khẩu gỗ đã trở thành một trong những thế mạnh của ngành Lâm sản và có đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, sản phẩm gỗ và chế biến từ gỗ xuất khẩu của nước ta tại thị trường châu Âu (EU) đang gặp nhiều khó khăn và thách thức trước sự cạnh tranh mạnh mẽ của các đối thủ, như: Trung Quốc, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a… Đồng thời, sản lượng và giá trị xuất khẩu của ngành gỗ của Việt Nam vẫn còn thấp hơn so với một số nước. Vì vậy, việc học hỏi kinh nghiệm của một số nước châu Á về nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm gỗ xuất khẩu tại thị trường EU là cần thiết đối với Việt Nam.
Ảnh minh họa (internet).
Khái quát chung

Việt Nam có điều kiện khí hậu thuận lợi cho hoạt động sản xuất lâm nghiệp và có diện tích đất lâm nghiệp khá lớn, với lao động có việc làm trong khu vực nông – lâm – ngư nghiệp là dồi dào, do vậy, Việt Nam có thế mạnh và tiềm năng để phát triển  lâm nghiệp. Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ liên tục tăng qua các năm, trong đó Liên minh châu Âu (EU) là một trong những thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam. Tuy nhiên, so sánh giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam và các đối thủ trong khu vực, như: Trung Quốc, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a vào thị trường EU có sự chênh lệch khá nhiều. Cụ thể:

Xét về giá trị xuất khẩu, Trung Quốc là quốc gia có kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm gỗ lớn nhất sang thị trường EU giai đoạn 2015 – 2021. Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc đạt 23,4 tỷ USD, cao gấp 23 lần đối với Việt Nam, gấp 25 lần đối với In-đô-nê-xi-a và gấp 36,34 lần đối với Ma-lai-xi-a. Đến năm 2021, khoảng cách giá trị xuất khẩu của Trung Quốc tăng lên gấp 26 lần đối với Viêt Nam, gấp 31 lần In-đô-nê-xi-a và gấp 63,86 lần Ma-lai-xi-a1. Điều này cho thấy, Việt Nam ngày càng cải thiện được năng lực cạnh tranh so với đối thủ mạnh nhất là Trung Quốc, còn Ma-lai-xi-a và In-đô-nê-xi-a ngày càng tụt lại phía sau.

Nhằm đưa ra các biện pháp, chính sách đúng đắn để nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm gỗ sang thị trường quốc tế nói chung và thị trường EU nói riêng, việc nhìn lại và học tập kinh nghiệm của một số quốc gia đi trước và có thế mạnh trong nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm gỗ sang thị trường EU là hết sức cần thiết.

Kinh nghiệm của một số quốc gia châu Á về nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm gỗ xuất khẩu

(1) Kinh nghiệm của Trung Quốc.

Trung Quốc là nước xuất khẩu lớn nhất về sản phẩm đồ gỗ và có khả năng cạnh tranh lớn trên thị trường thế giới cả về giá trị lẫn khối lượng xuất khẩu. Để có được thành tựu như vậy, Trung Quốc đã thực hiện những chính sách và cách thức hiệu quả để cải thiện năng lực cạnh tranh của các sản phẩm gỗ xuất khẩu. Cụ thể:

Một là, chính sách thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ. Vào năm 2000, Trung Quốc đã đưa ra chiến lược điều chỉnh cơ cấu lại ngành công nghiệp lâm nghiệp, tập trung nhấn mạnh vào xây dựng rừng sinh thái, trồng rừng vùng nguyên liệu, bảo vệ môi trường và mục tiêu phấn đấu trong tương lai chỉ sử dụng toàn bộ nguyên liệu ở trong nước. Hơn nữa, Trung Quốc coi phát triển công nghiệp chế biến sản phẩm gỗ là trụ cột của ngành lâm nghiệp. Bên cạnh đó, Chính phủ hỗ trợ thuế, luật, vốn, lãi vay, khuyến khích tham gia đầu tư phát triển ngành chế biến gỗ, ban hành các quy định cụ thể để tham gia và hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ, khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường sử dụng công nghệ chế biến hiện đại vào sản xuất và thay thế các công nghệ máy móc thiết bị thô sơ, lạc hậu.

Hai là, các chính sách thương mại. Chính phủ Trung Quốc đã thúc đẩy chiến lược định hướng xuất khẩu bằng cách khuyến khích đầu tư nước ngoài, cho phép các nhà đầu tư nước ngoài thiết lập các nhà máy trong nước và trao đổi thị trường lấy vốn hoặc công nghệ. Hơn nữa, Chính phủ thực hiện chính sách mở cửa, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực chế biến gỗ và cung cấp nguồn nguyên liệu với các nước: My-an-ma, Nga, Ma-lai-xi-a, Mỹ, EU,… Ngoài ra, thương mại ngành nội thất gỗ của Trung Quốc hướng đến sự phát triển bền vững của nguồn cung nhập khẩu và tiếp thị xuất khẩu. Tính bền vững của nguồn cung nhập khẩu có thể đạt được bằng cách nhập khẩu gỗ hợp pháp với chứng nhận của Hội đồng Quản lý Rừng (FSC) và tính bền vững của tiếp thị xuất khẩu có thể đạt được thông qua đa dạng hóa thị trường, điều này có thể làm giảm rủi ro do khủng hoảng kinh tế gây ra. Trung Quốc khuyến khích càng nhiều các doanh nghiệp chế biến gỗ sản xuất đạt tiêu chuẩn chứng nhận FSC và COC.

Ngoài ra, Trung Quốc quan tâm và coi trọng tính liên kết trong sản xuất và chế biến gỗ. Các cụm công nghiệp của ngành sản xuất và chế biến đồ gỗ tập trung ở các tỉnh Quảng Đông, Sơn Đông, Chiết Giang, Liêu Ninh và Phúc Kiến. Sản lượng đồ gỗ nội thất của các tỉnh này chiếm 76% tổng sản lượng đồ gỗ nội thất của cả nước2. Hơn nữa, nhà nước Trung Quốc đã hỗ trợ tích cực các doanh nghiệp chế biến gỗ về xuất khẩu sản phẩm ra thị trường thế giới. Để hạn chế những vụ kiện chống bán phá giá từ EU, Chính phủ Trung Quốc đã giao cho các phòng thương mại của các địa phương phổ biến các kiến thức để đối phó với thị trường nhập khẩu thế giới. Coi trọng đầu tư công nghệ sản xuất và xem đây là vấn đề kiên quyết trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm gỗ xuất khẩu của mình. Có chính sách nhập khẩu nhiều loại công nghệ kỹ thuật khác nhau, hệ thống cảng biển được đầu tư phát triển mạnh để làm giảm chi phí đầu vào.

(2) Kinh nghiệm của In-đô-nê-xi-a.

EU thông qua Kế hoạch hành động thực thi luật lâm nghiệp, quản trị và thương mại (FLEGT) vào năm 2003 với mục đích chống khai thác gỗ bất hợp pháp và buôn bán bất hợp pháp các sản phẩm gỗ bất hợp pháp trên thị trường toàn cầu để giúp giải quyết nạn phá rừng (nhiệt đới) và suy thoái rừng. Một thành phần quan trọng của Kế hoạch hành động FLEGT là đàm phán các Hiệp định Đối tác Tự nguyện (VPA) song phương giữa EU và các nước sản xuất gỗ nhiệt đới. Do đó, theo VPA, chỉ những loại gỗ được cấp phép là hợp pháp (nghĩa là có giấy phép FLEGT) mới có thể được nhập khẩu vào châu Âu từ các nước đối tác.

Đến cuối năm 2018, VPA đã được ký kết với một số nước, trong đó có In-đô-nê-xi-a và Việt Nam3. Chính phủ In-đô-nê-xi-a đã triển khai Hệ thống xác minh tính hợp pháp của gỗ như một công cụ để cải thiện quản trị rừng và bảo đảm bảo liên kết thương mại tốt hơn với thị trường nước ngoài. Chính sách này giúp cải thiện danh tiếng của các sản phẩm gỗ  với mục đích sâu rộng là bảo đảm các liên kết thương mại tốt hơn đã giúp tiếp cận thị trường và thúc đẩy xuất khẩu. Cụ thể năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của In-đô-nê-xi-a sang EU đạt 1,18 tỷ USD  tăng 27% so năm trước4.

Ngoài ra, để nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm gỗ xuất khẩu, Chính phủ đã đưa ra hai giải pháp: chiến lược phát triển nguồn nguyên liệu và chiến lược phát triển thị trường. Trong đó, khu vực nhà nước và khu vực tư nhân có sự liên kết chặt chẽ với nhau. Đối với chiến lược phát triển nguồn nguyên liệu thì họ có một số biện pháp chính, như: nâng cao kiến thức kỹ năng trồng rừng, tập huấn và quản lý cho nông dân, cung cấp thông tin về thị trường cho nông dân, bảo đảm nguồn thu nhập tối thiểu cho người trồng rừng. Đối với chiến lược phát triển thị trường, họ chú trọng tổ chức nghiên cứu thị trường (cung, cầu) để sản xuất đáp ứng nhu cầu của thị trường, thông tin về các sản phẩm cạnh trạnh và thị trường các nước, phát triển ngành chế biến thành ngành công nghiệp cạnh tranh5.

(3) Kinh nghiệm của Ma-lai-xi-a.

Ma-lai-xi-a là một trong số các quốc gia đứng đầu ở Đông Nam Á về xuất khẩu các sản phẩm gỗ sang thị trường quốc tế nói chung và thị trường EU nói riêng. Năm 2021, giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của Ma-lai-xi-a sang EU đạt 576,5 triệu USD, đứng sau Việt Nam và In-đô-nê-xi-a trong số các quốc gia Đông Nam Á6. Để có thành công trên, Ma-lai-xi-a đã thực hiện một số biện pháp, như:

Một là, chú trọng phát triển nguồn nguyên liệu. Chính phủ rất coi trọng vai trò chiến lược của nguồn nguyên liệu đầu vào đối với ngành chế biến gỗ, nhất là gỗ xuất khẩu. Dù là một quốc gia có tài nguyên rừng dồi dào, song Ma-lai-xi-a không khai thác ồ ạt mà khai thác có kế hoạch bài bản. Cùng với khai thác, Ma-lai-xi-acòn có chính sách buộc các doanh nghiệp và khuyến khích người dân trồng và phát triển rừng mới để bổ sung kịp thời cho phần rừng đã bị khai thác. Từ năm 1999, Hội đồng chứng nhận gỗ của Ma-lai-xi-a (MTCC) đã được thành lập để cấp giấy chứng nhận gỗ cho các sản phẩm gỗ nhiệt đới. Theo đó, giấy chứng nhận xác nhận rằng, số nguyên liệu gỗ đó được các công ty và tổ chức này khai thác từ những cánh rừng nhiệt đới được quản lý một cách bền vững và nhờ biểu tượng của MTCC, họ được quyền xuất khẩu số gỗ đó vào thị trường EU. Bên cạnh đó, Ma-lai-xi-a cũng ra sức ngăn chặn tình trạng xuất khẩu gỗ trái phép, không để nguồn nguyên liệu gỗ quý báu được tiêu thụ bất hợp pháp gây ảnh hưởng đến hoạt động chế biến và xuất khẩu trong nước7.

Hai là, đầu tư công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Đây được coi là vấn đề kiên quyết trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm gỗ xuất khẩu của Ma-lai-xi-a. Chính phủ nước này đã khuyến khích và trực tiếp đầu tư cho thiết bị máy móc và phát triển công nghệ chế biến gỗ. Hầu hết các nhà máy chế biến gỗ của Ma-lai-xi-a đều được trang bị những dây chuyền công nghệ hiện đại của I-ta-li-a và Đài Loan. Bên cạnh đó, Chính phủ nước này đã thành lập một số cơ quan, bộ phận chức năng, như: cơ quan quản lý rừng, bộ công nghiệp gỗ Ma-lai-xi-a, thành lập bộ phận nghiên cứu và phát triển để nghiên cứu sản phẩm và thiết bị mới, chính sách rừng quốc gia, hội đồng chứng nhận chất lượng gỗ quốc gia8

Ba là, chú trọng vào chuỗi giá trị để duy trì khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế; tiến hành thiết kế, cải tiến mẫu mã và nâng cao tính sáng tạo để tạo ra những sản phẩm gỗ chất lượng cao và đăng ký thương hiệu cho sản phẩm trở thành những nhà thiết kế có thương hiệu riêng. Có những chính sách đặc biệt để bảo vệ ngành sản xuất đồ gỗ nội, ngoại thất. Bên cạnh đó, Chính phủ Ma-lai-xi-a nỗ lực cung cấp các khoản vay lãi suất thấp cho các doanh nghiệp để giúp họ tăng diện tích rừng. Ma-lai-xi-a và coi ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ là một những ngành xuất khẩu mũi nhọn nên chính phủ sử dụng chính sách khuyến khích xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm gỗ thông qua việc miễn giảm thuế tài nguyên, thuế xuất nhập khẩu, thuế thu nhập đối với doanh nghiệp tham gia chế biến gỗ xuất khẩu.

Kinh nghiệm cho Việt Nam về nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm gỗ xuất khẩu tại thị trường EU

Những chính sách và cách thức tiến hành của Trung Quốc, Ma-lai-xi-a và In-đô-nê-xi-a trong việc cải thiện năng lực cạnh tranh sản phẩm gỗ xuất khẩu đã gợi mở một số hàm ý cho Việt Nam trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm gỗ tại thị trường EU.

Thứ nhất, phát triển vùng nguyên liệu gỗ ổn định, bền vững, có kế hoạch khai thác gỗ bài bản. Điều này,được minh chứng tại Trung Quốc, Ma-lai-xi-a và In-đô-nê-xi-a khi các quốc gia này đã triển khai các chính sách và phương thức để phát triển vùng nguyên liệu gỗ một cách ổn định, bền vững, để từ đó chủ động trong sản xuất, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành. Duy trì chính sách siết chặt quản lý nạn khai thác gỗ bất hợp pháp trong nước; quản lý và cấp phép cho các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ sang thị trường quốc tế nói chung và thị trường EU nói riêng.

Thứ hai, đầu tư khoa học – kỹ thuật và công nghệ mới vào việc chế biến, sản xuất các sản phẩm gỗ để sản phẩm gỗ đa dạng hơn, tiết kiệm được chi phí và hạ giá thành, đồng thời, chất lượng sản phẩm gỗ xuất khẩu sẽ được cải thiện và đáp ứng được nhu cầu ngày càng đa dạng và yêu cầu cao tại thị trường EU. Nhận thức rõ tầm quan trọng của khoa học – công nghệ trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm gỗ xuất khẩu (Ma-lai-xi-a thì hầu hết các nhà máy sản xuất và chế biến gỗ xuất khẩu đều nhập các công nghệ tiên tiến của nước ngoài; Trung Quốc thì coi đầu tư công nghệ vào ngành gỗ là điểm nhấn quan trọng trong việc tạo lợi thế cạnh tranh tuyệt đối…)

Thứ ba, có những cơ chế, chính sách đặc biệt để hỗ trợ cho ngành công nghiệp gỗ phát triển. Theo kinh nghiệm của Trung Quốc, Chính phủ thông qua Bộ Thương mại, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế thông qua việc thu và hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với gỗ phế liệu để kích thích các doanh nghiệp khai thác và sử dụngnguyên liệu gỗ hiệu quả. Đối với Ma-lai-xi-a, Chính phủ đã áp dụng một số chính sách đặc biệt, như: chính sách tỷ giá cạnh tranh với đồng USD; chính sách áp dụng thuế đối với những lao động nước ngoài; hỗ trợ các khoản tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp sản xuất và chế biến gỗ… Chính những cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc biệt từ Chính phủ đã giúp cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu gỗ của Trung Quốc, Ma-lai-xi-a và In-đô-nê-xi-a nâng cao được năng lực cạnh tranh trên thị trường EU.

Thứ tư, từ việc thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại đa dạng và hiệu quả, những hoạt động xúc tiến thương mại sẽ quảng bá thương hiệu các sản phẩm gỗ xuất khẩu của các nước tại các thị trường nhập khẩu, nâng cao tầm nhận thức và nhu cầu của các thị trường đối với sản phẩm gỗ xuất khẩu, từ đó năng lực cạnh tranh của sản phẩm gỗ xuất khẩu được cải thiện. Trung Quốc đã rất thành công trong cách thức làm xúc tiến thương mại sản phẩm gỗ, theo đó, Chính phủ Trung Quốc không những đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại thông qua các đơn vị xúc tiến nhà nước, hiệp hội ngành nghề, các tham tán thương mại tại EU mà còn thông qua chính sách khuyến khích các Hoa kiều tại EU đẩy mạnh quảng bá sản phẩm gỗ của Trung Quốc thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa và đặc biệt là hệ thống phân phối sản phẩm rộng khắp của Hoa kiều tại thị trường EU.

Chú thích:
1, 4, 6. Thống kê thương mại dành cho phát triển doanh nghiệp quốc tế. https://www.trademap.org/, truy cập ngày 20/3/2023.
2. Yang, Hongqiang, Ji, Chunyi and Nie, Ning and Hong, Yinxing (2012). China’s wood furniture manufacturing industry: industrial cluster and export competitiveness. Forest Products Journal, Vol. Vol.62, No.3, 2012, pp. 214-221.
3. Emmanuel Acheampong, Ahmad Maryudi. Avoiding legality: Timber producers’ strategies and motivations under FLEGT in Ghana and Indonesia. Forest Policy and Economics, 2020, Volume 111.
4. Trần Văn Hùng. Phát triển ngành chế biến đồ gỗ vùng Đông Nam Bộ. Luận án tiến sỹ. Trường Đại học Kinh tế – Luật TP. Hồ Chí Minh, năm 2016.
5. Z. Noor Aini, Roda J.M & P. Ahmad Fauzi. Comparative Advantage of Malaysian Wood Products in the European Market. University of Technology MARA, Kuala Lumpur Malaysia, 2010.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Thị Dung. Định hướng và giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam trong giai đoạn mới (2005 2020). Đề tài nghiên cứu cấp Bộ, MS. B2005- 40-59, 2005.
2. Giải pháp thúc đẩy phát triển xuất khẩu gỗ và sản phẩm của Việt Nam. Kỷ yếu Hội thảo “Phát triển thương mại Việt Nam giai đoạn 2016-2025” do Viện nghiên cứu Thương mại và MUTRAP tổ chức tại Hà Nội, 11/2016.
3. Trần Văn Hùng. Nâng cao năng lực ngành công nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Tạp chí Phát triển và Hội nhập, Số 18 (28) – tháng 9 – 10/2014.
4. Quyết định số 387/QĐ-BTNMT ngày 02/3/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt và công bố kết quả thống kê diện tích đất đai năm 2020.
TS. Trần Thế Tuân
Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải
TS. Đỗ Thị Thơ

Trường Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội