Tăng cường sự lãnh đạo của các tỉnh ủy, thành ủy vùng đồng bằng sông Hồng đối với công tác giáo dục và đào tạo

(Quanlynhanuoc.vn) – Sự lãnh đạo của các tỉnh ủy, thành ủy vùng đồng bằng sông Hồng có ý nghĩa quyết định đối với công tác giáo dục và đào tạo. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác giáo dục và đào tạo trong tình hình mới, các tỉnh ủy, thành ủy vùng đồng bằng sông Hồng cần triển khai công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nội dung, như: nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên; đổi mới nội dung lãnh đạo; xây dựng các chi bộ, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; tăng cường kiểm tra, giám sát đối với tổ chức đảng và đảng viên trong các cơ sở giáo dục và đào tạo.
Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Đồng bằng sông Hồng, ngày 14/6/2023. Ảnh: moet.gov.vn.
Sự lãnh đạo, chỉ đạo của các tỉnh ủy, thành ủy vùng đồng bằng sông Hồng đối với công tác giáo dục và đào tạo thời gian qua

Đồng bằng sông Hồng là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Nơi đây có hai thành phố trực thuộc trung ương là Hà Nội, Hải Phòng và 9 tỉnh, bao gồm: Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình. Các tỉnh đồng bằng sông Hồng là nơi tập trung nhiều trường đại học, cao đẳng, trung cấp, các cơ sở nghiên cứu khoa học, thực nghiệm, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước. Đây là cơ sở, nền tảng để trở thành “con chim đầu đàn” về đổi mới, sáng tạo trong mọi lĩnh vực, trong đó có công tác giáo dục và đào tạo.

Quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác giáo dục và đào tạo như Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, với quyết tâm chính trị cao, đưa vùng đồng bằng sông Hồng phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế, các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và Nhân dân các tỉnh đã đoàn kết, thống nhất tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển công tác giáo dục và đào tạo và đạt được nhiều thành tựu, bổ sung nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ sự phát triển kinh tế – xã hội của vùng. Điển hình là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra mục tiêu nhiệm vụ trọng tâm là: thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 – 2025 nhấn mạnh: một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện hóa mục tiêu “phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số” là cải cách toàn diện công tác giáo dục và đào tạo.

Theo đó, các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng đã triển khai phát triển toàn diện cả về quy mô, chất lượng giáo dục và đào tạo. Mạng lưới trường, lớp và các loại hình đào tạo phát triển mạnh, được bố trí hợp lý đáp ứng yêu cầu ngày càng cao nhu cầu học tập của Nhân dân. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy – học được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, hiện đại, về cơ bản bảo đảm đáp ứng yêu cầu dạy – học của chương trình giáo dục phổ thông mới. Đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục với cơ cấu hợp lý, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác giáo dục và đào tạo. Hình thức dạy học theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tăng cường năng lực tự học, tự nghiên cứu của người học.

Tuy nhiên, công tác giáo dục và đào tạo ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng còn tồn tại một số hạn chế, như: một số địa phương còn quá tải số học sinh/lớp; số lớp/trường, gây khó khăn trong công tác quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Còn có tỉnh, thành phố mất cân đối đội ngũ giáo viên; thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở các cấp học, bậc học, đặc biệt là giáo viên mầm non, tiểu học ở những địa bàn khó khăn về kinh tế. Ở một số quận, huyện chất lượng giáo viên chưa đồng đều cũng ảnh hưởng không nhỏ đến nhiệm vụ chung của toàn ngành.

Một số giải pháp

Để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng, các tỉnh ủy, thành ủy cần tập trung vào các nội dung, biện pháp sau:

Một là, cần hiện thực hóa đường lối, chủ trương của Đảng, mục tiêu nhiệm vụ của các tỉnh ủy, thành ủy đã đề ra; đồng thời, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên đối với công tác giáo dục và đào tạo.

Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ở vùng đồng bằng sông Hồng thực chất là một cuộc cách mạng trong lĩnh vực này, do đó, cần phải có sự nhận thức đúng, đầy đủ về vai trò lãnh đạo của các tỉnh ủy, thành ủy đối với công tác giáo dục và đào tạo. Theo đó, các cấp ủy đảng cần đẩy mạnh lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, giáo dục, quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về công tác giáo dục và đào tạo. Đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, tổ chức chính trị – xã hội, thường xuyên gặp gỡ, đối thoại, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, định hướng tư tưởng, bảo vệ quyền lợi chính đáng của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và học sinh, sinh viên. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết các hoạt động giáo dục và đào tạo của các tỉnh, thành phố, qua đó, làm chuyển biến sâu sắc, toàn diện nhận thức của cấp ủy, cán bộ chủ trì, đội ngũ cán bộ, đảng viên trong ngành Giáo dục và Đào tạo.

Các tỉnh ủy, thành ủy vùng đồng bằng sông Hồng cần tiếp tục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các tỉnh ủy viên trong lãnh đạo công tác giáo dục và đào tạo, đây được coi là giải pháp quan trọng hàng đầu nhằm tăng cường sự lãnh đạo của tỉnh ủy, thành ủy đối với công tác giáo dục và đào tạo. Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu phải là những người vững vàng, kiên định về lập trường chính trị, tư tưởng, nắm vững quan điểm, đường lối của Đảng, gương mẫu về đạo đức, lối sống, am hiểu tình hình thực tế địa phương, có kiến thức và kinh nghiệm về xây dựng Đảng, nhạy bén về chính trị, có khả năng phân tích, tổng hợp và tư duy độc lập. Công tác tuyển chọn cán bộ làm công tác tham mưu phải khách quan, minh bạch, đúng người, đúng việc. Các tỉnh ủy, thành ủy cần có cơ chế, chính sách đủ mạnh để thu hút cán bộ có phẩm chất, năng lực tham mưu về làm việc trong các cơ quan tham mưu của các tỉnh ủy, thành ủy.

Để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên về sự cần thiết tăng cường lãnh đạo của các tỉnh ủy, thành ủy vùng đồng bằng sông Hồng đối với công tác giáo dục và đào tạo, từng tổ chức, cơ quan cần tiến hành thường xuyên, liên tục bằng nhiều hình thức, biện pháp, như: thông qua sinh hoạt, học tập, duy trì nề nếp, chế độ, công tác tuyên giáo, tổ chức, cán bộ, chính sách, hoạt động quần chúng; gắn kết chặt chẽ với nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng; xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh với xây dựng đơn vị vững mạnh; xây dựng cấp ủy với xây dựng đội ngũ cán bộ chủ trì; lựa chọn, bố trí cán bộ đủ phẩm chất, năng lực làm công tác giảng dạy, quản lý giáo dục.

Hai là, đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các tỉnh ủy, thành ủy đối với công tác giáo dục và đào tạo.

Tỉnh ủy, thành ủy vùng đồng bằng sông Hồng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, tổ chức chính trị – xã hội, ngành Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tạo sự đồng thuận và huy động các lực lượng trong xã hội tham gia vào công cuộc đổi mới, phát triển giáo dục và đào tạo; khắc phục tư tưởng bao cấp trong giáo dục; đồng thời, cảnh giác trước nguy cơ thương mại hóa giáo dục đang diễn ra hiện nay. Rà soát, bổ sung quy chế làm việc; thực hiện tốt phân công, phân cấp, ủy quyền, nâng cao trách nhiệm của các địa phương, cơ sở đào tạo trong quản lý đội ngũ cán bộ, giáo viên trên địa bàn các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng.

Lãnh đạo đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy học phù hợp với mọi cấp học, bậc học và yêu cầu phát triển toàn diện về năng lực, phẩm chất người học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương. Các cấp ủy, tổ chức đảng cần có chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy chế, các kế hoạch nhiệm kỳ, tích cực đổi mới nội dung, chương trình đào tạo học sinh theo hướng chuẩn hóa cấp học, bậc học; đổi mới phương pháp dạy – học theo phương châm chất lượng, hiệu quả, thiết thực. Cấp ủy cần tập trung lãnh đạo phát triển hệ thống giáo dục theo hướng đa dạng hóa các mô hình đào tạo, chương trình và phương thức học tập để phù hợp với mọi đối tượng người học, thúc đẩy học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập.

Các tỉnh ủy, thành ủy lãnh đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường sử dụng công nghệ thông tin để quản lý công tác giáo dục và đào tạo, đẩy nhanh quá trình triển khai hệ thống quản lý hành chính điện tử kết nối với cơ quan quản lý các cấp; xác định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo.

Ba là, lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng các chi bộ ở các trường học trong sạch, vững mạnh.

Chú trọng lãnh đạo duy trì nghiêm nề nếp, chế độ sinh hoạt đảng, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, phân công cá nhân phụ trách, tự phê bình và phê bình; tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và học sinh, sinh viên; làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, xây dựng nhà trường đoàn kết, mẫu mực, tích cực đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị, phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Bốn là, lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ mới.

Các tỉnh ủy, thành ủy cần lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục phù hợp yêu cầu nhiệm vụ và thực tiễn từng địa phương, trọng tâm là xây dựng và triển khai thực hiện nghiêm túc chiến lược phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trong tình hình mới; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, nhất là lực lượng làm việc ở đơn vị cơ sở, các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo.

Năm là, lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.

Công tác kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng và đảng viên trong các cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về tư tưởng, nhận thức và hành động trong cấp ủy, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị – xã hội các cấp; kịp thời đánh giá đúng ưu điểm của tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên; phát hiện, làm rõ thiếu sót, khuyết điểm để uốn nắn, khắc phục và xử lý nghiêm khi có vi phạm, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy đảng, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục và đào tạo. Thực hiện công tác kiểm tra, giám sát một cách chủ động, đồng bộ, với phương châm “giám sát phải mở rộng”, “kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm”; kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, lấy “xây” là cơ bản nhưng “chống” phải hết sức quyết liệt. Nội dung kiểm tra, giám sát tổ chức đảng và đảng viên cần gắn với thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của các tỉnh ủy về nâng cao chất lượng công tác giáo dục và đào tạo. Công tác kiểm tra, giám sát gắn liền với công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, phải được tiến hành công khai, dân chủ, khách quan, thận trọng và chặt chẽ, bảo đảm đúng nguyên tắc, phương pháp.

Tăng cường sự lãnh đạo của các tỉnh ủy, thành ủy vùng đồng bằng sông Hồng đối với công tác giáo dục và đào tạo trong giai đoạn hiện nay có vị trí, vai trò hết sức quan trọng và là yêu cầu cấp thiết, tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trước hết cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên; tập trung đổi mới nội dung lãnh đạo của các tỉnh ủy, thành ủy; quan tâm chăm lo xây dựng chi bộ, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ mới; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với tổ chức đảng và đảng viên trong các cơ sở giáo dục và đào tạo.

Tài liệu tham khảo:
1. Bùi Ngọc Thanh. Kiểm tra, giám sát người đứng đầu các cơ quan nhà nước theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 12, tháng 6/2017.
2 Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
3. Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.
4. Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về tăng cường củng cố xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới.
5. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
6. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
7. Quy định số 22-QĐ/TW ngày 28/7/2021 của Bộ Chính trị về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng.
ThS. Hứa Thanh Mai
Trường THCS Ngô Quyền, quận Lê Chân, Hải Phòng