Kinh nghiệm quốc tế về chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu và những khuyến nghị đối với vùng duyên hải miền Trung Việt Nam

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong thế kỷ XXI, biến đổi khí hậu đã và đang trở thành một trong những thách thức quan trọng nhất đối với nhân loại. Việc ứng phó với biến đổi khí hậu đòi hỏi sự đồng thuận, hợp tác giữa địa phương, cơ sở, cộng đồng trên toàn cầu. Trong đó, cơ chế, chính sách đóng vai trò quan trọng, giúp cung cấp nền tảng pháp lý và quy chuẩn cho các mục tiêu và trách nhiệm của các ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân cũng như tạo ra cơ hội tài chính để hỗ trợ các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu. Bài viết đánh giá thực trạng và đúc rút kinh nghiệm quốc tế, từ đó đề xuất xây dựng, hoàn thiện và triển khai một số chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu vùng duyên hải miền Trung nước ta.
Ảnh minh họa (vov.vn).

Biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề toàn cầu khó khăn nhất mà nhân loại đang phải đối mặt và giải quyết trong thế kỷ XXI, bên cạnh những vấn nạn khủng bố, dịch bệnh, già hóa dân số, xung đột vũ trang,… biến đổi khí hậu không chỉ ảnh hưởng đến môi trường, tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, mà còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho kinh tế – xã hội, sức khỏe và phát triển bền vững của mỗi quốc gia và vùng lãnh thổ.

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Theo Báo cáo quốc gia về khí hậu và phát triển cho Việt Nam (CCDR), biến đổi khí hậu đã gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế – xã hội của Việt Nam. Chỉ riêng năm 2020, ước tính Việt Nam đã mất khoảng 10 tỷ USD, khoảng 3,2% GDP do những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Nếu không có những giải pháp thích hợp để thích ứng và giảm thiểu, dự báo biến đổi khí hậu có thể làm giảm từ 12% đến 14,5% GDP của Việt Nam vào năm 2050 và đẩy thêm một triệu người vào cảnh nghèo cùng cực vào năm 20301.

Vùng duyên hải miền Trung là một trong 6 vùng kinh tế – xã hội của Việt Nam, bao gồm 14 tỉnh, thành phố, được chia thành 3 tiểu vùng: Bắc Trung Bộ (gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị), vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (gồm: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định), Nam Trung Bộ (gồm: Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận). Vùng duyên hải miền Trung phía Bắc giáp với vùng đồng bằng sông Hồng và vùng Trung du miền núi Bắc Bộ, phía Nam giáp với vùng Đông Nam Bộ, phía Đông giáp Biển Đông, phía Tây giáp vùng Tây Nguyên và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, với tổng chiều dài khoảng 1.450 km, trải dài trên địa bàn 7 tỉnh, từ Thanh Hóa tới Quảng Nam.

– Diện tích tự nhiên toàn vùng duyên hải miền Trung là 95,860 km2 (chiếm 28,9% diện tích cả nước); có bờ biển dài gần 2.000 km, chiếm khoảng 60% chiều dài bờ biển cả nước (3.260 km). Địa hình dốc, hẹp, địa thế trải dài; phía Tây là dãy Trường Sơn, hệ thống sông, ngòi ngắn và dốc, thường xuyên bị thiên tai, bão, lũ. Đây là một trong những vùng kinh tế có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế – xã hội của cả nước2.

Tuy nhiên, đây cũng là vùng liên tục chịu ảnh hưởng nặng nề từ bão, lũ lụt và các hiện tượng thời tiết cực đoan khác, gây nguy hiểm đến cuộc sống con người và ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phát triển kinh tế – xã hội. Số liệu thống kê cũng cho thấy, hệ quả của biến đổi khí hậu, như: vấn đề tăng nhiệt độ, giảm lượng mưa, xâm nhập mặn, sạt lở bờ biển, thiếu nước ngọt, thiên tai ngày càng gia tăng về cường độ và tần suất xuất hiện, điều này đã và đang gây ra nhiều thách thức cho sự phát triển bền vững của vùng3. Ứng phó với biến đổi khí hậu là một vấn đề toàn cầu và đa ngành, đa lĩnh vực, đòi hỏi phải có sự phối hợp hành động của tất cả các ngành, lĩnh vực không chỉ trong nội bộ quốc gia mà còn giữa các quốc gia với nhau, trong đó cơ chế, chính sách là một công cụ đóng vai trò cực kỳ quan trọng.

Tác động của biến đổi khí hậu tới vùng duyên hải miền Trung

Là một trong những vùng dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu, số cơn bão đổ bộ hằng năm theo thống kê chiếm khoảng 43,6% tổng số cơn bão trong cả nước và thường là các cơn bão lớn hoặc đôi khi là siêu bão4. Ngoài ra, do hoàn lưu sau bão gây mưa lớn, một số hồ thủy điện đã xả lũ, khiến các tỉnh miền Trung thường xuyên chìm trong nước. Đơn cử như năm 2016, mưa lũ ở Nghệ An khiến 5 người bị chết, sập 13 ngôi nhà; số hộ dân bị ngập lụt lên đến 8.225 hộ, số hộ dân phải di dời do sạt lở đất là 24 hộ và thiệt hại 2.231,07 ha lúa mùa, 7.674,92 ha rau màu, 322 gia súc, 22.224 gia cầm, 3.506,6 ha thủy sản, thiệt hại ước tính lên tới 548,05 tỷ đồng5. Ở Quảng Bình: 21 người chết và mất tích; 92.509 nhà bị ngập; 56 nhà bị tốc mái; 431,44 ha  nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 31,4 ha rau màu bị ngập hỏng; trên 24 trang trại bị ảnh hưởng nặng6. Quảng Ngãi có 9 người chết, 4 người bị mất tích, 34 người bị thương, tổng thiệt hại ước tính khoảng 880 tỷ đồng7.

Bên cạnh đó, vùng còn thường xuyên phải đối mặt với nắng nóng và hạn hán. Tình trạng hạn hán và thiếu nước xảy ra thường xuyên trong mùa khô, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và hoạt động kinh tế của các địa phương, người dân trong vùng. Theo nghiên cứu, trong tổng số hơn 852.000 ha đất trống bị suy thoái của vùng này, khoảng 45% đang bị hoang mạc hóa, trong đó Ninh Thuận là tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Diện tích đất hoang mạc ở tỉnh Ninh Thuận lên đến hơn 41.000 ha, chiếm 12,21% tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh8. Điều đáng lưu ý là tình trạng hoang mạc hóa vẫn đang gia tăng cho đến thời điểm hiện tại.

Tình trạng xâm nhập mặn đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và nguồn nước sinh hoạt của người dân9. Tại một số vị trí đo mặn trên sông thuộc vùng duyên hải miền Trung, tình trạng xâm nhập mặn có xu hướng đang ngày càng trầm trọng. Xâm nhập mặn gia tăng không chỉ về độ mặn mà cả về phạm vi đã gây ra những thiệt hại không nhỏ về kinh tế cũng như sinh kế người dân. Ngoài ra, tình trạng xói lở bờ, mất đất dưới tác động của biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng; nhiều khu dân cư đã phải di dời đến nơi ở mới hoặc đang có nguy cơ mất đất do xói lở ngày càng hiện hữu. Ở Nghệ An, theo thống kê trong tổng số 45 xã nằm ven biển, có 19 xã đã và đang gặp hiện tượng xói lở, tổng chiều dài xói lở lên đến 19 km (bao gồm cửa lạch dài 11.050 m và bãi ngang dài 8.240 m). Đáng báo động hơn, số liệu thống kê còn cho thấy, mỗi năm khu vực này mất gần 100 ha đất ven biển, một số đoạn bờ biển đã xói lở đến gần khu dân cư như Sơn Hải và Quỳnh Long. Tốc độ xói lở của một số đoạn như Quỳnh Bảng và Quỳnh Ngọc là từ 150 đến 200 m/năm10. Tại Quảng Bình, biển lấn sâu vào đất liền hàng trăm mét, khiến cho hàng trăm hộ dân bị mất nhà phải di dời ra khỏi khu vực bị sạt lở vào sâu trong đất liền11. Ngoài ra, các khu vực nói trên còn chịu ảnh hưởng nặng nề do triều cường, lũ lụt… khiến cho tình trạng xói lở ngày cảng trở nên nghiêm trọng.

Theo kịch bản biến đổi khí hậu Việt Nam năm 2020 được Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành sau Báo cáo đánh giá lần thứ 5 (AR5) của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) và các công bố mới nhất của IPCC năm 2018 và 2019 về xu thế biến đổi khí hậu và nước biển dâng quy mô toàn cầu, vùng duyên hải miền Trung sẽ phải đối mặt với nhiều tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu trong ngắn hạn và dài hạn. Biến đổi khí hậu sẽ gây tác động, ảnh hưởng đến mọi mặt của cuộc sống, gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân. Một số tác động chủ yếu của biến đổi khí hậu thể hiện ở: (1) Sự dao động nhiệt độ theo mùa và theo năm (tăng nhiệt độ vào mùa hè, giảm nhiệt độ vào mùa đông, nhiệt độ cực đại và số lượng các đợt nóng có cường độ cao có xu hướng ngày càng gia tăng…); (2) Biến động về lượng mưa (lượng mưa tăng mạnh vào mùa mưa và giảm về mùa khô); (3) Xoáy thuận nhiệt đới, bão có xu hướng tăng mạnh cả về cường độ và tần suất bão và càng ngày càng khó dự đoán; (4) Nguy cơ ngập lụt do nước biển dâng.

Về mặt nhiệt độ, kịch bản biến đổi khí hậu chỉ ra nhiệt độ có xu thế tăng so với thời kỳ cơ sở (1986 – 2005). Vùng duyên hải miền Trung có xu thế tăng nhanh hơn ở khu vực phía Bắc và chậm hơn ở khu vực phía Nam, tăng nhanh ở khu vực ven biển và tăng chậm hơn ở các khu vực nằm sâu trong đất liền. Về lượng mưa hằng năm, trung bình lượng mưa toàn quốc có xu hướng gia tăng, mức tăng có thể từ 5 đến 10% và đạt mức 15% vào giữa thế kỷ, trong đó vùng duyên hải miền Trung có lượng mưa tăng cao hơn trung bình cả nước (có thể tăng ở mức trên 20%). Về mực nước biển dâng, kịch bản cho thấy đến năm 2050, trung bình nước biển dâng cho toàn dải ven biển Việt Nam là 22 cm (14 cm ÷ 32 cm), đến năm 2100, trung bình nước biển dâng là 53 cm (32 cm ÷ 76 cm). Nước biển dâng ở duyên hải miền Trung nhìn chung có xu hướng cao hơn so với các khu vực khác trong cả nước và đối diện với nguy cơ ngập khá cao12.

Để thích ứng và giảm nhẹ những ảnh hưởng xấu của biến đổi khí hậu gây ra, cần thiết và quan trọng phải xây dựng, ban hành và thực hiện hiệu quả các chính sách về biến đổi khí hậu, đặc biệt các chính sách đối với vùng duyên hải miền Trung. Các chính sách biến đổi khí hậu sẽ không chỉ giảm thiểu rủi ro và tăng cường khả năng thích ứng của các đối tượng bị ảnh hưởng mà còn giúp tận dụng các cơ hội để chuyển đổi sang một nền kinh tế các-bon thấp, xanh và hiệu quả

Một số kinh nghiệm quốc tế về chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu cấp địa phương và cấp vùng

Các chính sách biến đổi khí hậu cấp địa phương và cấp vùng trên thế giới là những sáng kiến nhằm giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu và tận dụng cơ hội phát triển bền vững, thực hiện bởi các chính quyền địa phương và vùng với sự tham gia của các bên liên quan, như: doanh nghiệp, cộng đồng và các tổ chức phi chính phủ. Các chính sách này nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và thích ứng với nó ở cấp độ gần gũi với người dân. Dựa vào khung chính sách chung của quốc gia, các nước trên thế giới đã có ban hành nhiều chính sách khác nhau để ứng phó với biến đổi khí hậu ở cấp địa phương và cấp vùng.

Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành chính sách liên kết khu vực, tập trung vào các vấn đề sau để ứng phó với biến đổi khí hậu: (1) Thiết lập cơ chế điều phối, giải quyết ở cả hai cấp độ khu vực và quốc tế về vấn đề giảm thiểu sự gia tăng phát thải khí nhà kính để ứng phó với biến đổi khí hậu; (2) Xây dựng chương trình giảm phát thải trong lĩnh vực giao thông vận tải toàn khu vực; (3) Cải cách chính sách năng lượng và chính sách thuế nhằm “xanh hóa” nền kinh tế; (4) Liên kết trong việc cam kết cắt giảm khí nhà kính và vận hành cơ chế mua bán phát thải (EU – ETS) và cơ chế phát triển sạch (CDM); (5) Thực hiện trách nhiệm toàn cầu trong ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường13.

Tại Hoa Kỳ, bang California đã ban hành đạo luật giảm khí thải nhà kính (Luật AB32) vào năm 2006 nhằm giảm lượng khí thải nhà kính của bang xuống mức năm 1990 vào năm 2020 và giảm thêm 80% vào năm 2050. Luật AB32 đã thiết lập một hệ thống giao dịch khí thải nhà kính, yêu cầu các ngành công nghiệp lớn phải mua và bán quyền thải khí. Luật AB32 cũng khuyến khích việc sử dụng năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu quả năng lượng, giảm tiêu thụ xăng dầu và phát triển các công nghệ xanh. Đối với cấp vùng, một số bang đã tham gia vào các sáng kiến giảm khí thải nhà kính liên bang, như: sáng kiến khí hậu bờ Tây (Western Climate Initiative) và sáng kiến đối thoại khí nhà kính Đông Bắc và Trung Đại Tây dương (Regional Greenhouse Gas Initiative). Các bang này đã thiết lập các hệ thống thương mại khí thải nhà kính và đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng.

Ngoài ra, Hoa Kỳ còn thực thi các chính sách tài chính cho ứng phó với biến đổi khí hậu bằng cách: (1) Thành lập quỹ khí hậu quốc gia để tập hợp các nguồn lực bên trong và bên ngoài liên quan tới biến đổi khí hậu hình thành một quỹ tập trung duy nhất. Quỹ này sau đó sẽ phân phối lại thông qua các công cụ tài chính khác nhau để hướng tới các dự án “xanh” tại Hoa Kỳ hoặc các quốc gia đối tác; (2) Vận hành thị trường các-bon quốc gia: sử dụng cơ chế thị trường để giảm thiểu phát thải khí nhà kính (GHG) bằng cách định giá cho lượng phát thải đó14.

Tại Đức, thành phố Freiburg đã được coi là một trong những thành phố tiên tiến nhất trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu ở châu Âu. Freiburg đã áp dụng các tiêu chuẩn xây dựng các-bon thấp, tăng cường giao thông công cộng và xe đạp, phát triển các khu dân cư sinh thái và tạo ra các khuôn viên xanh. Freiburg cũng đã tận dụng nguồn năng lượng mặt trời phong phú của mình để sản xuất điện và nhiệt. Nhờ đó Freiburg đã giảm lượng khí thải nhà kính của mình xuống dưới mức trung bình của Đức và châu Âu15.

Hà Lan đã giải quyết vấn đề liên kết vùng trong quản lý tài nguyên nước, đây là giải pháp nhằm giảm thiểu suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu bằng cam kết sử dụng hợp lý và bảo vệ môi trường giữa các khu vực ở thượng lưu và hạ lưu. Hà Lan sử dụng nhiều biện pháp can thiệp công khác nhau để huy động tài chính tư nhân. Các kênh can thiệp công có thể được chia thành hai loại chính là quỹ và ngân hàng. Các quỹ được tài trợ trực tiếp bởi Tổng cục Hợp tác quốc tế (DGIS) của Bộ Ngoại giao (MFA). Chính phủ tài trợ các ngân hàng phát triển bằng cách cung cấp vốn thanh toán và các bảo đảm nhà nước cho nguồn vốn thông thường (OCR) của ngân hàng16.

Trung Quốc đã sớm ban hành nhiều văn bản chính sách liên quan và thành lập các ban chỉ đạo điều hành công tác ứng phó ngay từ những năm đầu của thập kỷ 90. Đến nay, nhiều địa phương đã thành lập văn phòng ứng phó với biến đổi khí hậu hoặc văn phòng các-bon thấp. Bên cạnh đó, nhiều ngành, lĩnh vực đã lồng ghép các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu trong kế hoạch phát triển của ngành, liên ngành và liên vùng trên cơ sở các chính sách: (1) Xây dựng mục tiêu trong việc giảm cường độ phát thải cácbon theo thu nhập bình quân đầu người (GDP) trong kế hoạch 5 năm lần thứ 12 (2011 – 2015) thông qua các biện pháp đánh giá kiểm soát khí thải nhà kính ở cấp tỉnh; (2) Phân cấp trong xây dựng các văn bản pháp luật và kế hoạch biến đổi khí hậu và ứng phó với biến đổi khí hậu; (3) Ban hành các chính sách giải quyết tranh chấp nguồn nước trên lưu vực sông…17.

Tại Bra-xin, bang Amazonas đã thành lập hệ thống dịch vụ môi trường (SISA) vào năm 2010, nhằm bảo tồn rừng nhiệt đới và giảm sự phá rừng. SISA đã thiết lập một chương trình thanh toán cho các dịch vụ sinh thái, trong đó các hộ gia đình và cộng đồng được trả tiền để bảo vệ rừng. SISA cũng đã xây dựng một hệ thống giám sát rừng bằng công nghệ cao để ngăn chặn việc chặt phá rừng trái phép. SISA đã góp phần giúp Amazonas duy trì diện tích rừng lớn nhất trong số các bang của Brazil18.

Chính phủ Thái Lan đã thiết lập khung thể chế ứng phó với biến đổi khí hậu ở cấp quốc gia với sự ra đời của Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu (NCCC), chịu trách nhiệm xây dựng các chính sách quốc gia về biến đổi khí hậu, cũng như tham gia vào các đàm phán quốc tế thuộc Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu. Các địa phương và ban ngành đều xây dựng cơ quan về biến đổi khí hậu có liên quan, đồng thời thực thi các dự án thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững hướng đến mục tiêu phát triển bền vững quốc gia, giảm thiểu phát thải khí nhà kính, giảm thiểu rủi ro và thiên tai gây ra bởi biến đổi khí hậu. Các kế hoạch này được xây dựng bởi các cơ quan Chính phủ bằng phương pháp tiếp cận từ trên xuống và từ dưới lên, trong đó tiếp cận từ trên xuống được sử dụng trong các chiến lược của quốc gia hoặc theo ngành; tiếp cận từ dưới lên được sử dụng cho cộng đồng, tập trung vào các hành động cụ thể nhằm giải quyết rủi ro hiện tại hoặc nhu cầu phát triển. Một trong những mô hình thực thi cơ chế phối hợp đã thực hiện thành công là ở huyện Lao-oi (Đông Bắc Thái Lan), kế hoạch thích ứng được thực hiện với sự tham gia của tất cả các bên có liên quan nhằm giải quyết các rủi ro và tính dễ bị tổn thương liên quan đến sinh kế của cộng đồng19.

Khuyến nghị một số chính sách

Trên cơ sở xem xét kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng vùng duyên hải miền Trung, thực trạng biến đổi khí hậu thời gian vừa qua ở vùng cũng như bài học kinh nghiệm của các quốc gia trong việc ban hành cơ chế, chính sách ứng phó biến đổi khí hậu cấp ngành và địa phương, vùng duyên hải miền Trung cần có những chính sách đặc thù riêng phù hợp với điều kiện, nguồn lực của vùng. Là một bộ phận lãnh thổ quốc gia, do đó, chính sách về ứng phó với biến đổi khí hậu của vùng cần phải bảo đảm các nguyên tắc: (1) Tuân thủ theo quy định chung về ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam, đồng thời, bảo đảm phù hợp với cam kết quốc tế của Việt Nam trong khuôn khổ Công ước khung Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), Thỏa thuận Paris và các Nghị quyết của Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP); (2) Phù hợp với chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và các kế hoạch hành động cấp quốc gia, ngành và địa phương; (3) Phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và văn hóa của vùng duyên hải miền Trung; (4) Có tính toàn diện, liên ngành, liên vùng và liên cấp; (5) Có tính khoa học, minh bạch, công bằng và hiệu quả; (6) Thu hút sự tham gia rộng rãi của các bên liên quan: cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và người dân; có sự hỗ trợ và hợp tác của cộng đồng quốc tế.

Với đặc điểm của vùng duyên hải miền Trung, một số vấn đề đặt ra cần quan tâm giải quyết bao gồm: phòng, chống các hiểm họa, hạn chế những thiệt hại, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Để thực hiện tất cả điều này, cần tập trung một số giải pháp về chính sách sau:

Thứ nhất, xây dựng các chương trình, dự án về hợp tác và điều phối liên vùng để có thông tin, số liệu được cập nhật liên quan đến biến đổi khí hậu và nước biển dâng ở Việt Nam, trong đó có vùng duyên hải miền Trung. Hợp tác trong công tác đào tạo nguồn nhân lực và điều tra nghiên cứu những đề tài khoa học đặt ra cho khu vực. Cần khảo sát, đo đạc để xây dựng bản đồ địa hình của các vùng ven biển, các vùng đồng bằng để xác định bản đồ ngập lụt theo từng cấp dự báo nhằm có phương án bảo vệ thích hợp.

Thứ hai, rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách để tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục, tạo thuận lợi để thu hút các nguồn vốn đầu tư, các dòng tài chính của các định chế tài chính, tổ chức tín dụng quốc tế vào Việt Nam nói chung và duyên hải miền Trung nói riêng. Tạo cơ chế thuận lợi nhằm thu hút các tập đoàn quốc tế, tập đoàn đa quốc gia vào hợp tác và triển khai các dự án, đặc biệt là các dự án chuyển đổi sản xuất và tiêu thụ năng lượng thấp. Ưu tiên sử dụng các nguồn vốn vay ưu đãi, vốn ODA, hỗ trợ kỹ thuật của các quốc gia, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ cho ứng phó với biến đổi khí hậu. Xây dựng và triển khai nhân rộng các mô hình hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực. Điều cần ưu tiên trước mắt là phải thực hiện tốt việc lồng ghép nội dung biến đổi khí hậu trong các quy hoạch cấp tỉnh, quy hoạch ngành quốc gia trên cơ sở xem xét kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng đối với toàn vùng duyên hải miền Trung và từng địa phương trong vùng.

Thứ ba, cần tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, trong đó sớm nghiên cứu, xây dựng Luật Biến đổi khí hậu theo hướng tổng hợp, đa ngành, liên vùng và đáp ứng yêu cầu hội nhập, thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam. Nghiên cứu sớm xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả của các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu vùng duyên hải miền Trung làm tiền đề cho các chương trình, kế hoạch, hành động cụ thể nhằm giảm thiểu suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu.

Kết luận

Ứng phó với biến đổi khí hậu là một vấn đề liên ngành, liên lĩnh vực, liên vùng và địa phương cần có sự góp sức của các ngành, các địa phương. Tuy nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu không phải rập khuôn mà cần phải có sự linh hoạt tuỳ theo điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội, hạ tầng và nguồn lực của địa phương. Bài học kinh nghiệm của các quốc gia cho Việt Nam là cần có những chính sách đặc thù riêng đối với từng khu vực, vùng, địa phương, bảo đảm sự phù hợp với điều kiện cụ thể để huy động tối đa nguồn lực và sự tham gia hiệu quả trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu; thiết lập cơ chế và nâng cao hiệu quả điều phối, sự hợp tác giữa các ngành, địa phương; phát huy các sáng kiến vùng, địa phương và cơ sở trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu ở vùng duyên hải miền Trung Việt Nam không chỉ góp phần bảo vệ môi trường và an toàn cho người dân, mà còn tạo ra những lợi ích kinh tế – xã hội, như: tăng trưởng kinh tế bền vững, tạo việc làm xanh, cải thiện môi trường tự nhiên, nâng cao chất lượng cuộc sống… Do đó, việc triển khai các chính sách giúp thúc đẩy ứng phó hiệu quả biến đổi khí hậu là một trong những yếu tố then chốt để vùng duyên hải miền Trung có thể vượt qua những thách thức do biến đổi khí hậu gây ra, hướng tới một tương lai xanh và bền vững.

Chú thích:
1. Việt Nam cần đầu tư thêm khoảng 360 tỉ USD để đối phó biến đổi khí hậu. https://congdankhuyenhoc.vn, ngày 14/7/2022.
2. Thủ tướng: Quyết tâm biến Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ thành vùng đất giàu có, giàu bản sắc văn hóa và nhiều đột phá hơn nữa. https://binhdinh.gov.vn, ngày 05/02/2023.
3. Viện Khoa học Khí tượng thuỷ văn và Biến đổi khí hậu. Đề án thích ứng với biến đổi khí hậu phát triển bền vững vùng Duyên hải miền Trung. Hà Nội, 2017.
4. Trương Minh Dực. Biến đổi khí hậu và môi trường ở Duyên hải miền Trung. Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 4 (89) – 2015.
5. Nghệ An: Tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ. https://baotainguyenmoitruong.vn, ngày 24/10/2016.
6. Bản tin ngày 19/10/2016. https://stttt1.quangbinh.gov.vn, ngày 24/10/2016.
7. Mưa lũ ở Quảng Ngãi làm 9 người chết và mất tích. https://cand.com.vn, ngày 08/12/2016.
8. Duyên hải Nam Trung bộ đối mặt với hoang mạc hóa. https://www.sggp.org.vn, ngày 23/5/2008.
9. Tập trung ứng phó nắng nóng, hạn hán và xâm nhập mặn tại Trung Bộ, Tây Nguyên. https://toquoc.vn, ngày 21/5/2020.
10. Nghệ An: Biển đang “lấn” vào đất liền. https://baonghean.vn, ngày 09/4/2016.
11. Biển lấn khu dân cư, cần gấp kè chắn sóng. https://tuoitre.vn, ngày 16/11/2022.
12. Bộ Tài nguyên và Môi trường. Kịch bản Biến đổi khí hậu Việt Nam năm 2020.
13,16,17,18,19. Kinh nghiệm quốc tế về lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu vào các cơ chế, chính sách. https://monre.gov.vn, ngày 15/01/2023.
14. California Air Resources Board (2021), Global Warming Solutions Act of 2006.
15. Deutsche Welle (2022), The ‘Green City’ of Freiburg. https://greencity.freiburg.de/pb/,Len/1651793.html, truy cập ngày 20/8/2023.
ThS. Nguyễn Thanh Thảo
Cục Địa chất Việt Nam