Một số giải pháp đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng

(Quanlynhanuoc.vn) – Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng luôn là một trong những nội dung được Đảng, Nhà nước dành sự quan tâm đặc biệt. Để làm rõ được nội dung cũng như phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay thì cần phải đánh giá một cách khách quan, khoa học, đầy đủ những ưu điểm, hạn chế, của Đảng trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân, từ đó đề xuất những giải pháp, khuyến nghị nhằm đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới.
Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng luôn là một trong những nội dung được Đảng, Nhà nước dành sự quan tâm đặc biệt.
Đặt vấn đề

Đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành công tác xây dựng Đảng trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân và hội nhập quốc tế nên không thể tránh khỏi những khó khăn, hạn chế về quan điểm, tư duy, nhận thức nên phải vừa làm, vừa nghiên cứu, rút kinh nghiệm để tiếp tục đổi mới hoàn thiện về nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng hiện nay. Bên cạnh đó, diễn biến phức tạp của tình hình trong nước và thế giới, nhất là sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động, các tổ chức đối lập trên mặt trận văn hóa tư tưởng làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác xây dựng đảng hiện nay.

Một số cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là Bí thư cấp ủy, người đứng đầu các Bộ, ban, ngành, đoàn thể trực thuộc Trung ương, cán bộ chủ chốt các tỉnh, Thành ủy chưa thực sự dành nhiều thời gian, tâm huyết cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nghiên cứu, tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Trung ương dẫn đến chất lượng thực hiện chủ trương, đường lối, nghị quyết của Trung ương ở một số đơn vị tổ chức đảng chưa cao, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng bị suy giảm.

Thực tiễn yêu cầu cần đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng

Qua tổng kết thực tiễn, kế thừa, vận dụng có hiệu quả chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội còn nhiều hạn chế bất cập. Đường lối, chủ trương, nghị quyết của Trung ương đảng qua các kỳ Đại hội, Hội nghị chưa được các tổ chức đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực sự đi vào thực tiễn cuộc sống của cán bộ, đảng viên, Nhân dân và toàn xã hội. Các nguyên tắc tập trung dân chủ, phê bình và tự phê bình, đoàn kết thống nhất, gắn bó mật thiết với Nhân dân trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật ở nhiều tổ chức đảng còn xảy ra vi phạm dẫn đến bị xử lý kỷ luật.

Công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn diễn ra còn chậm, nặng về lý thuyết xa rời thực tiễn, nhiều vấn đề còn khó hiểu, chưa được làm sáng tỏ dẫn đến hiểu sai, vận dụng không đúng, chất lượng khoa học chưa cao, chưa đem lại hiệu quả toàn diện cho quá trình tham mưu, dự báo chiến lược để Đảng ban hành nhiều quyết sách quan trọng làm cơ sở khoa học vững chắc để nhà nước cụ thể hóa thành pháp luật, đó là còn chưa kể một số chủ trương, đường lối đã có nghị quyết, kết luận của Trung ương nhưng nhiều cấp ủy, tổ chức đảng còn chậm ban hành chương trình, kế hoạch hành động. Bên cạnh đó, một số đề tài khoa học đã được phê duyệt nhưng thời gian báo cáo tổng kết, nghiệm thu còn kéo dài ảnh hưởng đến quá trình hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng còn chung chung, hình thức, thiếu tính linh hoạt, chủ động sáng tạo, chưa sát với thực tiễn trong nước và trên thế giới. Bên cạnh đó, tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên trong đó có cả lãnh đạo chủ chốt, cán bộ được quy hoạch cấp chiến lược diễn ra hết sức phức tạp và khó lường. Điển hình là các biểu hiện vi phạm những điều cán bộ, đảng viên không được làm mà cụ thể hơn là bị điều tra, khởi tố hình sự và bị khai trừ khỏi đảng.

Công tác đấu tranh, phòng ngừa, phản bác lại hoạt động “diễn biến hòa bình”, những sự xuyên tạc, chống phá của các thể lực thù địch, tổ chức đối lập trên không gian mạng của một số cơ quan chuyên môn chưa đạt được hiệu quả tích cực, đó là còn chưa kể đến một số trường hợp cán bộ, đảng viên do thiếu “sức đề kháng”, non kém về trình độ kiến thức, thiếu hiểu biết về chính trị nên đã xảy ra tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Cơ cấu tổ chức bộ máy ở một số cơ quan đảng, chính quyền từ Trung ương xuống đến cơ sở vẫn còn cồng kềnh, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn dẫn đến tình trạng khó xác định thẩm quyền trong khi thi hành công vụ ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết công việc. Tình trạng cán bộ bị xử lý kỷ luật về đảng và điều tra, truy tố về hình sự còn diễn ra khá phổ biến nhất là đội ngũ cán bộ đã, đang giữ chức vụ quản lý quan trọng, cán bộ dự nguồn quy hoạch cấp chiến lược,…

Công tác tuyển dụng đội ngũ cán bộ nhiều khi còn khép kín, trên trải thảm, dưới dải đinh, chảy máu chất xám dẫn đến khó chọn được cán bộ vừa hồng, vừa chuyên, đủ đức tài để vào công tác tại các cơ quan của Đảng, Nhà nước, các chế độ chính sách đãi ngộ liên quan đến cán bộ còn chưa phù hợp với khối lượng công việc và bảo đảm mức sống tối thiểu của đại bộ phận cán bộ, công chức, đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tham nhũng vặt hoặc cao hơn là tham nhũng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm trật tự quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng gây thất thoát tài sản, ngân sách nhà nước xảy ra ở một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước, một số bộ, ban, ngành Trung ương,…

Nhiều cấp ủy, tổ chức đảng mà cụ thể là Bí thư, người đứng đầu các đơn vị chưa sát sao trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, thi hành các nhiệm vụ kiểm tra – giám sát, nhất là khâu kiểm tra khi thấy dấu hiệu sai phạm, dẫn đến chưa kịp thời đấu tranh, ngăn chặn những biểu hiện suy thoái về phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ, số lượng cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật, vi phạm điều lệ đảng, bị xử lý đưa ra khỏi Đảng có chiều hướng gia tăng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín chính trị của Đảng trước quần chúng nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tin của Nhân dân đối với Đảng.  

Giải pháp đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong tình hình hiện nay

(1) Thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ:

Đảng cần thúc đẩy và tạo điều kiện cho người dân được tham gia tích cực và đóng góp vào quản lý và quyết định các vấn đề liên quan đến đất nước. Thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, kết hợp giữa xây và chống nhưng phải giữ vững tinh thần đoàn kết thống nhất trong đảng. Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức giáo dục lý luận chính trị, kết hợp giữa lý luận đi đôi với thực tiễn, kế thừa, phát huy và vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm trong quá trình đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội.

(2) Đấu tranh, ngăn chặn, phòng ngừa làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, phản động:

Tăng cường các biện pháp cần thiết đấu tranh có hiệu quả làm thất bại mọi âm mưu, diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, phản động nhất là trên mặt trận văn hóa, tư tưởng. Xây dựng thế trận đoàn kết toàn dân, cùng đấu tranh với những phần tử, tổ chức có mưu đồ nhằm lật đổ, chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo, xác định phương thức lãnh đạo của Đảng cho phù hợp trong việc đưa ra các quyết định chính trị cũng như phát triển kinh tế -xã hội.

(3) Nâng cao năng lực lãnh đạo:

Đảng cần tăng cường và nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, đặc biệt là ở cấp chiếnlược. Cần xây dựng một tập thể lãnh đạo cấp chiến lược mạnh mẽ, có kiến thức sâu rộng, đồng thời bảo đảm khách quan, tôn trọng quyền tự do ngôn luận và phản biện xã hội. Đảng cũng đảm nhận công tác tuyển chọn, đào tạo và kiểm soát cán bộ trong hệ thống chính quyền.

(4) Củng cố và nâng cao uy tín của Đảng:

Mọi chủ trương, đường lối của Đảng là đúng đắn và phù hợp với thực tiễn khách quan, đặt lợi ích của Nhân dân lên trên hết, củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, góp phần nâng cao uy tín củaĐảng và bảo đảm tuân thủ đúng các nguyên tắc và quy định của Đảng. Đồng thời, cần có các cơ chế giám sát chặt chẽ để bảo đảm sự công khai, minh bạch và phòng, chống tham nhũng. Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống và biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng gắn với xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.

(5) Đẩy mạnh cải cách hệ thống quy phạm pháp luât:

Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị ở Việt Nam hiện nay trong xác định, định hướng và điều hành các chính sách, quyết định quan trọng của đất nước. Với vai trò lãnh đạo, Đảng quyết định các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, định hình chính sách ngoại giao và hợp tác quốc tế của Việt Nam. Đảng cũng thúc đẩy và giám sát sự thực hiện các quyết định, chương trình và kế hoạch của Chính phủ, bảođảm trật tự và ổn định trong hệ thống chính trị, đồng thời gắn kết và thúc đẩy sự đoàn kết trong xã hội.

Kết luận

Đảng lãnh đạo đổi mới hệ thống chính trị Việt Nam bằng cách lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các biện pháp và chính sách để thu hút đầu tư, tăng cường công nghiệp hóa và hiện đại hóa quốc gia, như: thực hiện các biện pháp để khuyến khích đầu tư, mở cửa thị trường và tiến hành cải cách kinh tế.

Đổi mới chính sách hội nhập quốc tế sâu rộng, tăng cường sản xuất nông nghiệp và tăng cường hoạt động kinh doanh trong các ngành công nghiệp; đổi mới chính sách nhằm tăng năng suất nông nghiệp bằng cách thúc đẩy việc sử dụng công nghệ tiên tiến, cải cách hạ tầng nông nghiệp và khuyến khích các hợp tác xã nông nghiệp. Xác định rõ tầm quan trọng của giáo dục và đầu tư vào việc cải thiện chất lượng giáo dục, tăng cường đào tạo giáo viên, mở rộng mạng lưới trường học và nâng cao chất lượng giảng dạy. Thực hiện những biện pháp nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, bao gồm cải cách chăm sóc sức khỏe và phục vụ y tế, xây dựng hạ tầng và nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số và cộng đồng vùng sâu, vùng xa. Tập trung mở cửa hội nhập quốc tế, tăng cường quan hệ ngoại giao và thúc đẩy sự hợp tác kinh tế với các quốc gia khác, giúp Việt Nam tham gia vào nhiều tổ chức khu vực và quốc tế, đóng góp vào sự phát triển kinh tế và chính trị toàn cầu.

Tài liệu tham khảo:
1. Hiến pháp năm 2013.
2. Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam.Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I, II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.
ThS. Vũ Văn Ninh
Liên minh Hợp tác xã Việt Nam