Phát triển nguồn nhân lực nữ các dân tộc thiểu số ở Tây Bắc

(Quanlynhanuoc.vn) – Nguồn nhân lực nữ các dân tộc thiểu số ở Tây Bắc hiện nay, ngoài những nét đặc điểm chung với nguồn nhân lực nữ dân tộc thiểu số trên toàn quốc, họ cũng có những nét đặc trưng riêng biệt của vùng Tây bắc. Những năm gần dây, điều kiện đời sống kinh tế, thu nhập và các dịch vụ y tế, văn hóa, giáo dục của vùng Tây Bắc không ngừng được tăng cường… song vẫn còn những hạn chế, bất cập về tình trạng thể lực, trình độ học vấn phổ thông thấp hơn mức trung bình so với cả nước. Bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực này ở các tỉnh Tây Bắc trong thời gian tới.
Ảnh minh họa (dangcongsan.vn).
Thực trạng nguồn nhân lực nữ dân tộc thiểu số ở Tây Bắc hiện nay

Vùng Tây Bắc có chung đường biên giới với Lào và Trung Quốc. Được giới hạn bởi phía Nam hữu ngạn sông Hồng và phía Tây là dãy núi sông Mã. Về mặt hành chính, vùng Tây Bắc gồm có Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, với diện tích trên 5,64 triệu ha và trên 3,5 triệu dân1.

Nguồn nhân lực nữ các dân tộc thiểu số ở Tây Bắc hiện nay, ngoài những đặc điểm chung với nguồn nhân lực nữ dân tộc thiểu số trên toàn quốc họ còn có những nét đặc trưng riêng biệt. Tây Bắc có 23 dân tộc thiểu số cùng sinh sống chiếm gần 80% dân số toàn vùng, trong đó có 2 dân tộc trên 500 nghìn người (Thái, Mường), 9 dân tộc thiểu số chiếm trên 90% người cùng dân tộc  của cả nước, 3 dân tộc có dân số từ 100 nghìn đến 500 nghìn người (Tày, Mông, Dao)2.

Kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở của Tổng cục Thống kê nhiều năm cho thấy, các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc có dân số trẻ với tỷ lệ từ 10 – 34 tuổi chiếm 39,9% dân tộc thiểu số trongvùng, trong đó nam chiếm 49,76 % nữ chiếm 50,24 %3. Một số tỉnh trong khu vực đã chú trọng tăng cường công tác phát triển nguồn nhân lực nữ, chẳng hạn, như: tỉnh Hòa Bình có 24/38 đơn vị sở, ban, ngành cấp tỉnh có cán bộ nữ trong tập thể lãnh đạo chiếm 58,3%4. Đối với tỉnh Lai Châu, tỷ lệ nữ tham gia đại biểu Quốc hội, HĐND, cấp ủy các cấp; cán bộ nữ là trưởng, phó các sở, ban, ngành và tương đương ngày càng tăng (đại biểu Quốc hội chiếm 16,67%; đại biểu HĐND các cấp chiếm 94,4%; cán bộ nữ là trưởng, phó các sở, ban, ngành và tương đương chiếm 18,6%; cán bộ nữ là trưởng, phó các phòng, ban và tương đương chiếm 33,7%; toàn tỉnh có 13.616 cán bộ, công chức, viên chức nữ, chiếm 58,34% và đảng viên nữ là 5.618, chiếm 21,5%5.

Ở tỉnh Lào Cai, hằng năm, tỷ lệ lao động nữ dân tộc thiểu số được tạo việc làm mới đều đạt và vượt kế hoạch trên 50%; tỷ lệ lao động nữ được đào tạo chuyên môn kỹ thuật đạt trên 78%. Một số ngành có tỷ lệ nữ cao, đó là ngành giáo dục chiếm 73%, ngành y tế chiếm 64,4%, ngành ngân hàng chiếm 60%; đồng thời trong các hoạt động nông nghiệp, kinh doanh dịch vụ, thương mại, du lịch, … tỷ lệ nữ lao động luôn chiếm 70%6.

Đây là  lực lượng dân số trẻ hùng hậu, cần chăm sóc và bồi dưỡng đào tạo để có tri thức phục vụcho công cuộc phát triển kinh tế – xã hội.

(1) Về thể lực: tình trạng thể lực của nguồn nhân lực nữ các dân tộc thiểu số Tây Bắc đã và đang được cải thiện theo chiều hướng ngày càng tốt hơn, do các điều kiện kinh tế, đời sống và các dịch vụ y tế, văn hóa, giáo dục không ngừng được tăng cường. Tuy nhiên, vùng dân tộc và miền núi Tây Bắc có tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em vẫn cao hơn so với cả nước; tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi (trẻ emdưới 1 tuổi/1.000 trẻ sinh sống) cũng ở mức cao (Sơn La). Tuổi thọ, thể lực của nguồn nhân lực nữ các dân tộc thiểu số thấp, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống, tảo hôn, đặc biệt đối với dân tộc Mông hiện nay vẫn còn những diễn biến khá phức tạp, tỷ lệ trẻ hóa độ tuổi kết hôn cũng đang diễn ra… Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ tới thể lực của nguồn nhân lực nữ các dân tộc thiểu số.

(2) Về trí lực: trình độ học vấn phổ thông của nguồn nhân lực nữ các dân tộc thiểu số thấp hơn mức trung bình của cả nước và còn nhiều bất cập. Tỷ lệ nguồn nhân lực nữ dân tộc thiểu số qua đào tạo của Tây Bắc còn rất thấp so với cả nước. Hiện nay, Tây Bắc đang trong tình trạng thiếu lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao ở các ngành giáo dục, điện tử, tin học, công nghệ… Mặt khác, nhân lực của khu vực đang mất cân đối nghiêm trọng trong cơ cấu lao động kỹ thuật, tình trạng thừa lao động giản đơn chưa qua đào tạo, thiếu lao động đã qua đào tạo có trình độ chuyên môn cao đang diễn ra ở tất cả các ngành, các thành phần kinh tế. Các ngành nghề đào tạo và chất lượng đào tạo chưa đápứng yêu cầu của nền kinh tế.

(3) Về đời sống tinh thần: do nhận thức, hiểu biết xã hội và kỹ năng sống của phần lớn phụ nữ các dân tộc thiểu số được hình thành chủ yếu qua tích lũy kinh nghiệm từ các hoạt động sản xuất, đời sống và được truyền từ đời này sang đời khác trong phạm vi một dòng họ, một cộng đồng, một dân tộc cụ thể ở vùng miền nhất định nên việc hội nhập nâng cao nhận thức, hiểu biết về xã hội bên ngoài rất hạn chế, kỹ năng sống chưa được hoàn thiện và phù hợp với sự phát triển chung của xã hội. Đây là một trong những rào cản trong phát triển nguồn nhân lực nữ dân tộc thiểu số ở Tây Bắc hiện nay, nhất là về khả năng thích ứng môi trường làm việc mới.

Mặc dù có tố chất cần cù, chịu khó nhưng tính thời vụ và tự do được thể hiện rõ nét trong cáchoạt động sản xuất, đời sống với tác phong, kỹ năng và kỷ luật lao động thấp. Bên cạnh đó, sự ỷ lại, trì trệ, tâm lý “dễ làm khó bỏ”, luôn bằng lòng với những gì sẵn có, thiếu ý thức phấn đấu cầu thị, ngại va chạm, thụ động, chưa có ý thức học tập không thể tạo ra nền xã hội cho lập nghiệp, lập thân và rộng hơn là tìm cơ hội phát triển cho hiện tại và tương lai. Đặc biệt với đặc tính như trên, ở địa bàn các tỉnh Tây Bắc rất khó để thu hút đầu tư, phát triển các ngành công nghiệp nhẹ tạo công ănviệc làm cho nguồn nhân lực nữ các dân tộc thiểu số.

Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ dân tộc thiểu số các tỉnh Tây Bắc

Thứ nhất, cần tuyên truyền và thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Quan tâm và ưu đãi phụ nữ các dân tộc thiểu số, phụ nữ miền núi, vùng sâu vùng xa, có chính sách đặc thù đối với cán bộ nữ công tác ở vùng cao, vùng sâu, biên giới, hải đảo, là người dân tộc thiểu số, cán bộ nữ đi học có con nhỏ… nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển của các vùng khó khăn, rút ngắn khoảng cách phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền, dân tộc.

Thứ hai, các tỉnh Tây Bắc cần có thêm những chính sách ưu tiên đối với phụ nữ trong giáo dục và đào tạo, tiếp cận kiến thức về lao động, sản xuất… nhằm nâng cao trình độ và hiểu biết của phụ nữ, đặc biệt với bộ phận là dân tộc thiểu số nhưng lại ở vùng địa lý khó khăn, xa trung tâm hành chính. Cần tiến hành quy hoạch xây dựng mạng lưới đào tạo và dạy nghề trong vùng, phát triển đa dạng các loại hình đào tạo nghề, tăng dần tỷ trọng đầu tư cho giáo dục; lồng ghép nhiều hơn chương trình dạy nghề, hướng nghiệp với chương trình dạy nghề ở trung học phổ thông đối với học sinh dân tộc thiểu số. Các cơ sở đào tạo trên địa bàn các tỉnh tăng cường liên kết với các trường đại học trong vùng. Chú trọng đào tạo theo địa chỉ, đào tạo gắn với việc sử dụng lao động. Xã hội hóa công tác đào tạo nghề, tăng cường đào tạo nghề cho nông dân, tập trung vào đối tượng cụ thể là người dân tộc thiểu số, gắn kết các cơ sở sử dụng lao động với các cơ sở đào tạo nghề. Đồng thời, lựa chọn ngành mũi nhọn để tập trung ưu tiên, đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp đặc thù của các địa phương.

Thứ ba, tăng cường hoạt động tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới, để nam giới và xã hội nhận thức được việc đầu tư giáo dục cho phụ nữ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ vùng dân tộc thiểu số. Đặc biệt là tăng cường hơn nữa vai trò của phụ nữ có uy tín và trình độ trong cộng đồng, từ đó giúp họ phát huy năng lực, uy tín, tham gia hướng dẫn cho chị em phụ nữ trong thôn, bản xây dựng kinh tế, phát triển, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Thứ tư, từng bước xóa bỏ tâm lý mặc cảm, tự ti của chị em, khơi dậy ý thức vươn lên, không cam chịu, thụ động, ỷ lại để hoàn thiện chính bản thân mình, có đóng góp tích cực trong tạo dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc, nuôi con khỏe, dạy con ngoan.

Chú thích:
1, 2, 3. Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở trung ương. Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở thời điểm 0 giờ ngày 01/4/2019. H. NXB Thống kê, 2019.
4. Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 13/7/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình về xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2020 2025, định hướng đến năm 2030.
5. Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 15/3/2021 của Tỉnh ủy Lai Châu về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý người dân tộc thiểu số và cán bộ chủ chốt cấp xã giai đoạn 2021 2025, định hướng đến năm 2030.
6. Kế hoạch số 100/KH-UBND ngày 08/3/2021 của UBND tỉnh Lào Cai thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU ngày 11/12/2020 của Tỉnh ủy Lào Cai về đổi mới, phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện – nguồn nhân lực – khoa học công nghệ tỉnh Lào Cai, giai đoạn 20202025.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị định số 39/2015/NĐ-CP ngày 27/4/2015 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số.
2. Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 15/6/2016 của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 2020, định hướng đến năm 2030.
3. Tổng quan thực trạng kinh tế – xã hội của 53 dân tộc thiểu số (5/2017) – tiểu dự án hỗ trợ giảm nghèo PRPP – UBDT do UNDP và Irish Aid tài trợ – Ủy ban Dân tộc. Hà Nội, tháng 5/2017.
ThS. Đặng Thị Hồng Vi
TS. Lê Hương Giang
Trường Đại học Lao động – Xã hội