Bến Tre thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội  

 (Quanlynhanuoc.vn) – Bến Tre là tỉnh nông nghiệp thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nay, do biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch Covid-19… đã ảnh hưởng đáng kể đến phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh; đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu cho người dân, đặc biệt là nhóm gia đình chính sách, người có công với cách mạng, diện hộ nghèo, cận nghèo, nhóm bảo trợ xã hội được sống trong cộng đồng an toàn, phát triển tốt về thể chất và tinh thần, có mức sống ngang bằng với mức sống trung bình với cộng đồng dân cư nên việc bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Bến Tre được cấp ủy, chính quyền các cấp hết sức quan tâm.

 

Mỏ Cày Bắc vận động kinh phí trang bị hệ thống vệ sinh tại Trường Tiểu học Tân Bình. (Nguồn: https://baodongkhoi.vn)
Đặt vấn đề

Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng và tổ chức thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, xem đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển bền vững, giữ vững ổn định chính trị – xã hội, thể hiện tính ưu việt của mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.      Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương chính sách, về an sinh xã hội, hệ thống chính sách, pháp luật tiếp tục mở rộng hơn quyền hưởng, mức hưởng các chế độ ưu đãi xã hội và an sinh xã hội cho người dân, đặc biệt trong các lĩnh vực: việc làm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trợ giúp xã hội và giảm nghèo bền vững. Hệ thống chính sách xã hội không ngừng mở rộng, bao phủ  hầu hết các nhóm đối tượng, mức chuẩn trợ cấp được điều chỉnh tăng, điều kiện hưởng và hình thức hỗ trợ ngày càng được mở rộng.

Ngoài thực hiện tốt các chính sách của Trung ương, tỉnh Bến Tre đã chủ động ban hành các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng thụ hưởng phù hợp với điều kiện kinh tế địa phương, mang lại hiệu quả và lợi ích thiết thực.

Kết quả thực hiện chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Bến Tre

Một là, về việc làm, thị trường lao động và giảm nghèo.

Công tác tư vấn, giới thiệu việc làm được quan tâm thực hiện, các phiên giao dịch việc làm và mở rộng kết nối cung, cầu lao động với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh được tổ chức thường xuyên. Đã giải quyết việc làm cho 98.895 lao động, đạt 109,9% kế hoạch, giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp thành thị từ 3,42% năm 2015 xuống còn 3,34% vào năm 2022. Có 4.588 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt 183,52% chỉ tiêu (chỉ tiêu 500 lao động/năm); thu nhập và đời sống người dân được cải thiện và ngày càng nâng cao1. Đề án phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016 – 2020 được tập trung triển khai song song với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, qua đó đạt được kết quả khả quan, góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh.

Hai là, về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế.

Thời gian qua, tỉnh đã tổ chức thực hiện tốt chính sách, chế độ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; tập trung các giải pháp để phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, đặc biệt là đối tượng tự nguyện. Cùng với đó, đổi mới phương thức phục vụ, chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp nhằm bảo đảm tính chuyên nghiệp và thuận lợi cho người dân, góp phần hoàn thành vượt mức chỉ tiêu đề ra. Tính đến cuối năm 2022, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân đạt 92,38%, vượt 2,38% chỉ tiêu đề ra2. Tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp ngày càng tăng; việc chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp luôn được quan tâm thực hiện đầy đủ, bảo đảm đúng quy định.

Ba là, về trợ cấp xã hội cho những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Hằng năm, có trên 55 ngàn trường hợp được nhận trợ cấp xã hội hằng tháng, kinh phí trên 230 tỷ đồng/năm, trong đó: có 110 trẻ mồ côi, 813 người cao tuổi neo đơn, 28.692 người từ 80 tuổi trở lên, 18.091 người khuyết tật đặc biệt nặng, 4.289  người khuyết tật nặng và 4.684 đối tượng khác3. Triển khai thực hiện tốt công tác chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi theo quy định của Luật Người cao tuổi năm 2009 và các hoạt động trợ giúp người khuyết tật theo Luật Người khuyết tật năm 2010. Tuy nhiên, mức chuẩn trợ giúp xã hội có điều chỉnh tăng nhưng vẫn còn ở mức thấp (mức chuẩn từ 180.000 lên 270.000 đồng) so với giá cả thị trường thường xuyên biến động nên cuộc sống của đối tượng bảo trợ xã hội sống trong gia đình hộ nghèo không có điều kiện phát triển sinh kế.

Bên cạnh đó, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em được quan tâm thực hiện. Tỉnh tiếp tục triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 05/12/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới; các chương trình, đề án về bảo vệ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em vùng nông thôn nghèo; đẩy mạnh công tác xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em; chủ động thực hiện các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em, tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em.

Bốn là, bảo đảm mức tối thiểu về một số dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân.

(1) Về giáo dục: năm 2022, các mục tiêu phát triển giáo dục đạt và vượt so với chỉ tiêu đã đề ra. Chất lượng giáo dục toàn diện đối với học sinh các cấp ngày càng được nâng cao. Tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2016 đạt 92,74%, năm 2022 đạt 99,29%4. Giáo dục mũi nhọn tiếp tục được duy trì và phát triển; tỷ lệ học sinh bỏ học ở các cấp học duy trì ở mức thấp. Thành quả xóa mù chữ, phổ cập giáo dục các cấp được duy trì và phát triển. Tỷ lệ xóa mù chữ giảm dần mỗi năm. Mạng lưới trường, lớp học được đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi và cơ hội học tập cho mọi người. Cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục được đầu tư theo hướng đạt chuẩn quốc gia, cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy và học.

Công tác đào tạo nghề có nhiều chuyển biến tích cực, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được đầu tư nâng cấp, xây dựng mới, trang thiết bị tương đối hoàn chỉnh, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo; công tác liên thông, liên kết đào tạo và đào tạo theo đơn đặt hàng từng bước được chú trọng. Qua đó góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 52,09% năm 2016 lên 60,6% năm 2022, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ từ 25,9% năm 2016 lên 30,95% năm 20225.

(2) Về y tế: công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe Nhân dân được quan tâm thực hiện và có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần cải thiện chỉ số sức khỏe cộng đồng. Các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, giám sát dịch tễ, sẵn sàng ứng phó khi dịch bệnh xảy ra được tăng cường thực hiện; đặc biệt năm 2020, tỉnh đã chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch ứng phó với tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tăng cường giám sát, điều tra, phát hiện sớm. Mạng lưới khám, chữa bệnh công lập từ tuyến tỉnh đến cơ sở được mở rộng và củng cố, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế các huyện, nhất là các bệnh viện, phòng khám đa khoa liên xã, các Trạm Y tế được quan tâm đầu tư xây dựng; từng bước khắc phục tình trạng xuống cấp các cơ sở y tế, cải thiện được tình trạng thiếu hụt giường bệnh; đầu tư 100% trạm Y tế xã, phường, thị trấn đạt chuẩn Quốc gia về cơ sở vật chất. Chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh ngày càng được nâng cao; chính sách bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh cho các đối tượng chính sách xã hội được thực hiện tốt hơn; mức độ hưởng thụ và tiếp cận các dịch vụ y tế của người dân tăng lên rõ rệt.

(3) Về nhà ở: đã hỗ trợ xây dựng 5.012 căn nhà (xây mới 3.844 căn, sửa chữa 1.168 căn). Trong đó, có 1.204 nhà tình thương; 3.177 nhà tình nghĩa; 631 căn nhà nghĩa tình đồng đội với tổng kinh phí trên 197 tỷ đồng. Đồng thời, đã xây dựng hoàn thành 174 căn hộ do hộ gia đình, cá nhân đầu tư phục vụ nhu cầu công nhân và người lao động tại các khu công nghiệp thuê ở được phân bổ trên địa bàn các huyện: Châu Thành, Ba Tri, Chợ Lách và thành phố Bến Tre. Riêng dự án nhà ở cho người có thu nhập thấp ở xã Sơn Đông với diện tích khu đất 3,98 ha, đã đầu tư xây dựng 243 căn nhà ở thương mại và 200 căn hộ ở xã hội6.

(4) Về nước sạch: hạ tầng cấp nước sạch đáp ứng cung cấp ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân. Đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt khoảng 98,5%, tăng 7,5% so với năm 2016, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt 61%, tăng 10% so năm 20167.

(5) Về thông tin: hoạt động thông tin báo chí, phát thanh, truyền hình chuyển biến tích cực, bảo đảm đúng định hướng của Đảng và Nhà nước. Đầu tư nâng cấp trang thiết bị cho hệ thống đài phát thanh các cấp, đào tạo nghiệp vụ đội ngũ cán bộ quản lý, phóng viên,… từ đó chất lượng thông tin, tuyên truyền từng bước được nâng lên. Thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở, đa dạng hóa thông tin và truyền thông đến người nghèo, vùng sâu, vùng xa. Bảo đảm 100% xã, phường, thị trấn tiếp và phát sóng Đài tiếng nói Việt Nam, Đài phát thanh và Truyền hình Bến Tre và Đài truyền thanh huyện, thành phố.

Năm là, thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội gắn với chủ trương của tỉnh, Đề án phát triển đa dạng sinh kế thoát nghèo bền vững, Chương trình Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp. Tổng doanh số cho vay đạt 4,2 ngàn tỷ đồng, với 171.894 lượt hộ vay vốn8.

 Đánh giá chung

Trong điều kiện kinh tế của tỉnh Bến Tre còn gặp nhiều khó khăn, tỉnh chưa tự cân đối được thu – chi ngân sách, nhưng tỉnh vẫn quan tâm và nỗ lực thực hiện tốt, cơ bản bảo đảm an sinh xã hội cho người dân trên địa bàn. Các chính sách hỗ trợ việc làm thông qua Quỹ quốc gia về việc làm, các chính sách tín dụng ưu đãi, giáo dục nghề nghiệp, giới thiệu việc làm,… đã góp phần quan trọng tạo điều kiện cho người dân có việc làm, ổn định cuộc sống; đối tượng thụ hưởng trợ giúp xã hội được mở rộng và mức chuẩn trợ cấp xã hội được điều chỉnh tăng lên, góp phần ổn định cuộc sống cho các đối tượng yếu thế.

Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được thực hiện hiệu quả Bảo hiểm xã hội đã được mở rộng đến người lao động; phát triển giáo dục, chăm lo sức khỏe cộng đồng, thực hiện bảo hiểm y tế cho người dân, cải thiện mức sống và điều kiện sống cho người có công với cách mạng, người nghèo, trẻ em, người lao động, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện cho họ tiếp cận các dịch vụ xã hội, từng bước nâng dần chất lượng cuộc sống.

Tuy nhiên, đời sống của đối tượng bảo trợ xã hội  còn khó khăn; hộ thoát nghèo chưa bảo đảm tính bền vững, nguy cơ tái nghèo cao; tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp còn thấp; công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân chưa được quan tâm đầy đủ; chất lượng giáo dục phổ thông tuy có nâng lên nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu giáo dục toàn diện. Một bộ phận cán bộ nhận thức chưa đầy đủ về công tác an sinh xã hội, chưa thật sự gắn nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội trong các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Mức trợ cấp xã hội thường xuyên hàng tháng tại cộng đồng được điều chỉnh tăng lên nhưng do giá cả thị trường ngày càng cao, cuộc sống của đối tượng bảo trợ xã hội sống trong hộ nghèo chủ yếu nhờ vào tiền trợ cấp nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Tỉnh chưa có chính sách đặc thù riêng hỗ trợ cho đối tượng bảo trợ xã hội trong hộ nghèo. Nguồn vốn tín dụng chính sách trung ương và ngân sách tỉnh phân bổ còn hạn chế; cơ chế chính sách dành cho công tác giảm nghèo chưa đồng bộ, hiệu quả thực hiện chưa cao và chưa thật sự khuyến khích người nghèo vươn lên thoát nghèo. Nguồn lực bảo đảm chính sách an sinh xã hội chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, việc huy động nguồn lực xã hội còn hạn chế.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; thị trường tiêu thụ hàng nông sản không ổn định, giá cả thị trường biến động tiêu cực kéo dài (heo hơi, dừa nguyên liệu,…) nên gây thiệt hại cho sản xuất, thu nhập của người dân. Đặc biệt là tác động của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến đời sống của người dân nhất là người nghèo và người lao động có thu nhập thấp dẫn đến nguy cơ tái nghèo.

Đề xuất giải pháp nhằm bảo đảm an sinh xã hội cho người có công, hộ nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội

Thứ nhất, thực hiện đầy đủ các chính sách theo quy định của Nhà nước.

Chính sách Người có công với cách mạng. Cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt thế hệ trẻ về sự hy sinh, đóng góp to lớn của các thế hệ người có công với cách mạng; xác định việc chăm lo, thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng là bổn phận, nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

 Chương trình giảm nghèo bền vững. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục ý chí vươn lên thoát nghèo, tiếp tục hỗ trợ hộ nghèo phát triển sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo; thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục, nhà ở, dạy nghề, giới thiệu việc làm, đưa người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài… thực hiện tốt phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”. Đồng thời, lồng ghép với các nguồn vốn của các Chương trình, dự án khác trên địa bàn để tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững.

Chính sách cho đối tượng bảo trợ xã hội. Tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách trợ giúp xã hội theo quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ cho các nhóm đối tượng bảo trợ xã hội, như: trẻ em mồ côi mất nguồn nuôi dưỡng, trẻ em con hộ nghèo, hộ cận nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật,… trên địa bàn tỉnh.  

Thứ hai, ban hành chính sách đặc thù riêng của tỉnh hỗ trợ cho các nhóm đối tượng khó khăn bảo đảm an sinh xã hội.

Bên cạnh những chính sách của Nhà nước đã được triển khai, tỉnh cần ban hành một số chính sách đặc thù riêng phù hợp với điều kiện của địa phương, như: hỗ trợ vốn phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; hỗ trợ chi phí cho người lao động tham gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng; hỗ trợ cho người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người tham gia chương trình khởi nghiệp thoát nghèo, bộ đội xuất ngũ, lao động thuộc diện mồ côi sống ở cộng đồng hoặc trong các cơ sở bảo trợ xã hội được hỗ trợ chi phí học nghề và các chi phí cần thiết khác… Đặc biệt, với những hộ nghèo, hộ cận nghèo có thể hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm y tế góp phần bảo đảm 100% nhân khẩu sống trong hộ cận nghèo có thẻ bảo hiểm y tế.

Thứ ba, huy động nguồn lực xã hội hóa.

Cùng với nguồn hỗ trợ từ trung ương, tỉnh cũng cần huy động nguồn lực xã hội hóa trong việc bảo đảm an sinh trên địa bàn. Nguồn vốn xã hội hóa tập trung thực hiện các nhu cầu cấp thiết, như: hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, trong đó có hộ người có công thuộc hộ nghèo; hỗ trợ dụng cụ chứa nước sạch (do biến đổi khí hậu, nước mặn xâm nhập sâu làm thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nước sinh hoạt); công tác chăm sóc y tế, nhà ở xã hội cho người cao tuổi sống trong hộ gia đình có mức sống trung bình… Cùng với đó, tỉnh cần tạo điều kiện và khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh xây dựng các cơ sở xã hội, nhà ở xã hội cho người cao tuổi không có điều sống ở cộng đồng.

Kết luận

An sinh xã hội là chính sách ưu việt cần tiếp tục được triển khai và sự chung tay của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội, sự tham gia của người dân, đặc biệt là người trực tiếp thụ hưởng các chính sách, tích cực, chủ động tham gia trong thực hiện chính sách an sinh xã hội. Với việc triển khai thực hiện tốt các chính sách của Nhà nước và việc ban hành các chính sách đặc thù của tỉnh Bến Tre đã bảo đảm hài hòa giữa mục tiêu phát triển kinh tế và an sinh xã hội bền vững; nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, tạo việc làm đầy đủ, việc làm tốt cho tất cả mọi người; góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, giảm bất bình đẳng trong xã hội.

Chú thích:
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8. Báo cáo số 369/BCSLĐTBXH ngày 04/02/2023 của Sở Lao động -Thương binh và Xã hội tỉnh Bến Tre về kết quả thực hiện công tác trợ giúp xã hội năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ năm 2023.
Tài liệu tham khảo:
1. Đề án số 8402/ĐA-UBND ngày 20/12/ 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre về Đề án thí điểm đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn 2030.
2. Kế hoạch số 600/KH-UBND ngày 07/01/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre về thực hiện Đề án thí điểm về đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Bến Tre giai đoạn 2022 – 2025.
3. Kế hoạch số 5197/KH-UBND ngày 18/8/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre về Tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau: giai đoạn 2021 2025 trên địa bàn tỉnh Bến Tre.
4. Kế hoạch số 763/KH-UBND ngày 16/3/2023 của Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Bến Tre năm 2023.
5. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Nguyễn Thị Lệ Hằng
Đảng ủy xã Khánh Thạnh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre