Cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long – thực trạng và giải pháp

ThS. Vũ Thị Bích
Học viện Chính trị khu vực IV
(Quanlynhanuoc.vn) – Cải cách hành chính nhà nước nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới. Bài viết phân tích thực trạng cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long thời gian qua. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, chỉ ra những hạn chế, khó khăn trong quá trình cải cách hành chính, từ đó, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả cải cách hành chính ở tỉnh Vĩnh Long thời gian tới.
Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: TTXVN.
Kết quả đạt được

Thực hiện triển khai Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030 của Chính phủ, kế hoạch cải cách hành chính của tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021 – 2025, ngày 16/12/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long đã ban hành Quyết định số 3484/QĐ-UBND về ban hành Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước năm 2022 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Kế hoạch đã đề ra 46 nhiệm vụ cụ thể, trong đó có 36 nhiệm vụ có thời hạn và 10 nhiệm vụ thường xuyên trong năm. Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Trung ương và Quyết định số 3484/QĐ-UBND của UBND tỉnh Vĩnh Long đã ban hành nhiều văn bản quan trọng góp phần thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ này. Nhờ đó, công tác cải cách hành chính của tỉnh đã đạt được những thành tựu quan trọng.

(1) Về cải cách thể chế

Trong năm 2022, UBND và HĐND tỉnh đã ban hành 63 văn bản quy phạm pháp luật quy định các nội dung thuộc phạm vi quản lý của tỉnh; UBND cấp huyện đã ban hành 30 quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện và bãi bỏ một số văn bản không còn phù hợp1.

Kết quả tổ chức thi hành pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật được thực hiện đúng theo quy định. Trong đó, các lĩnh vực trọng tâm là: các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19. Kết quả kiểm tra, rà soát và hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật cũng được tiến hành đầy đủ và kịp thời. Qua quá trình kiểm tra, các văn bản đều được ban hành theo đúng thẩm quyền, trình tự thủ tục. Công tác rà soát, hệ thống hóa đạt kết quả đề ra.

Về thực hiện tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cũng được tổ chức thực hiện nghiêm và đạt nhiều kết quả quan trọng. Toàn tỉnh đã tổ chức Hội nghị tập huấn văn bản pháp luật mới do Quốc hội ban hành cho cán bộ, công chức, viên chức. Cùng với các văn bản pháp luật, nội dung tuyên truyền về cải cách hành chính cũng được lồng ghép để tuyên truyền phổ biến, qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh về nội dung cải cách hành chính.

(2) Về cải cách thủ tục hành chính

Trong năm 2022, tỉnh Vĩnh Long đã ban hành 120 quyết định để công bố danh mục thủ tục hành chính, trong đó: công bố mới 89 thủ tục hành chính; sửa đổi, bổ sung và thay thế 355 thủ tục hành chính; bãi bỏ 101 thủ tục hành chính. Đến nay, tổng số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh là 1.692 thủ tục hành chính. Tất cả các quyết định và thủ tục hành chính sau khi được công bố áp dụng đều được cập nhật công khai tại cổng dịch vụ công quốc gia, đồng bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính với cổng dịch vụ công của tỉnh. Phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Sở Thông tin và Truyền thông, VNPT tỉnh Vĩnh Long hoàn thành kiểm thử 176 dịch vụ công trực tuyến. Đến ngày 14/12/2022, có 1.105 dịch vụ công trực tuyến của tỉnh được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia2.

Hiện nay, tất cả hồ sơ thủ tục hành chính đã thực hiện số hóa. Tỉnh Vĩnh Long đã đưa vào vận hành và triển khai thực hiện hệ thống thông tin một cửa điện tử liên thông từ tỉnh đến cơ sở. Tổng hợp, cập nhật kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính tại các cấp chính quyền đều đạt kết quả rất cao.

(3) Về cải cách tổ chức bộ máy

Trong năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành 06 quyết định quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của 06 đơn vị. Chủ tịch UBND tỉnh cũng ban hành 10 quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của 5 đơn vị sự nghiệp trực thuộc các sở, ngành. Quá trình rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập tại địa phương đã thành lập mới 1 đơn vị sự nghiệp trực thuộc tỉnh (Trung tâm điều dưỡng người có công)3.

(4) Về cải cách chế độ công vụ

Trong những năm qua, tỉnh Vĩnh Long đã tiến hành xây dựng và ban hành các quy định về vị trí việc làm đối với công chức, viên chức. Trên cơ sở Đề án vị trí việc làm đã được phê duyệt, tỉnh đã triển khai xây dựng khung năng lực cho từng chức danh theo danh mục vị trí việc làm, tiếp tục hoàn thiện đề án vị trí việc làm cùng với công tác kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy theo quy định.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh được tiến hành thường xuyên và đạt nhiều kết quả. Năm 2022, tỉnh đã cử 22 cán bộ, công chức đi đào tạo sau đại học; 01 cán bộ được tham gia lớp bồi dưỡng thanh tra viên cao cấp4. Ngoài ra, tỉnh còn tổ chức nhiều lượt các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

(5) Về cải cách tài chính công

UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt trong thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, đồng thời chủ động kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Vì vậy, kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 của tỉnh đạt kết quả cao, cụ thể: tổng kế hoạch vốn đầu tư công đến 31/11/2022 của tỉnh là 4.879,631 tỷ đồng, thực hiện 2.999,245 tỷ đồng, đạt 61,46%, giải ngân 2.982,461 tỷ đồng. Tỷ lệ giải ngân này cao hơn 2,79 điểm % so với mức trung bình của cả nước5.

Thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập : số đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư là 7/499 đơn vị; đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên là 30/499 đơn vị; đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên là 33/499 đơn vị; đơn vị do nhà nước bảo đảm chi thường xuyên là 429/499 đơn vị6.

(6) Về xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số

UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản quan trọng nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn. Nhờ đó, việc xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số có những chuyển biến tích cực. Hiện hạ tầng kỹ thuật số của tỉnh được triển khai đến các cơ quan hành chính từ cấp tỉnh đến cấp xã, hoạt động ổn định thông suốt. Tất cả các sở, ban, ngành của tỉnh; UBND các cấp có xây dựng hệ thống mạng LAN kết nối mạng WAN của tỉnh. Hệ thống tường lửa (firewall) bảo đảm an toàn, thông tin được triển khai đến các sở, ban, ngành của tỉnh; triển khai hệ thống họp trực tuyến kết nối với Chính phủ đến tất cả xã, phường, thị trấn.

Hệ thống dữ liệu dùng chung toàn tỉnh được triển khai đa dạng và hoạt động có hiệu quả, như: hệ thống thư điện tử tỉnh; hệ thống một cửa điện tử của tỉnh; cổng dịch vụ công của tỉnh; hệ thống hỗ trợ tham gia cộng đồng, tra cứu hệ thống  thông tin địa lý GIS cơ bản;…

Việc xây dựng, phát triển ứng dụng, dịch vụ phục vụ người dân, doanh nghiệp mang lại nhiều dấu hiệu khả quan. cổng dịch vụ công tỉnh đã kết nối và đồng bộ trạng thái hồ sơ thủ tục hành chính lên cổng dịch vụ công quốc gia; thực hiện kết nối đăng ký trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia. Cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử của tỉnh đã kết nối, chia sẻ dữ liệu với 3 cơ sở dữ liệu quốc gia, 6 hệ thống thông tin của bộ, ngành trung ương thông qua nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu dùng chung cấp tỉnh (LGSP) với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia7.

Nổi bật trong năm 2022, tỉnh đã đưa vào vận hành thử nghiệm phần mềm chấm điểm chỉ số cải cách hành chính trên địa bàn toàn tỉnh, điều này góp phần giúp công tác thẩm định, chấm điểm chỉ số cải cách hành chính hằng năm được nhanh chóng, chính xác, công khai, minh bạch.

Một số hạn chế, khó khăn

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long vẫn gặp những hạn chế, khó khăn nhất định. Cụ thể:

Thứ nhất, trong cải cách thủ tục hành chính: (1) Việc thống kê số liệu về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính trên ứng dụng triển khai chưa đầy đủ gây khó khăn cho công tác tổng hợp báo cáo, hồ sơ liên thông của các đơn vị chưa thực hiện đầy đủ; (2) Người dân chưa quan tâm sử dụng dịch vụ công trực tuyến và dịch vụ bưu chính công ích; (3) Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử đã đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính nhưng vẫn chưa ổn định, dẫn đến việc nộp hồ sơ trực tuyến có những khó khăn nhất định.

Thứ hai, trong cải cách tài chính công: (1) Các đơn vị sự nghiệp công lập gặp khó khăn trong việc ban hành định mức kinh tế kỹ thuật, xây dựng danh mục, xác định giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước do cơ chế tài chính và cách xác định giá chưa được Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể; (2) Định mức khoán chi kinh phí hoạt động đối với các cơ quan hành chính tuy đã có cải thiện nhưng so với các tỉnh của đồng bằng sông Cửu Long và cả nước vẫn còn thấp.

Thứ ba, trong xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số: công tác triển khai thực hiện chuyển đổi số của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới và mong muốn của người dân, doanh nghiệp, cụ thể: (1) Nhận thức của một số cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức về chuyển đổi số chưa cao, điều này dẫn đến tình trạng việc xây dựng nền tảng chính quyền điện tử còn chậm; một số cơ quan, đơn vị chưa chủ động tham gia chuyển đổi số; việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan còn hạn chế. (2) Nguồn nhân lực phục vụ công tác chuyển đổi số hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu.

Đề xuất một số giải pháp

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả cải cách hành chính ở tỉnh Vĩnh Long trong giai đoạn tới cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Một là, tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân trong tỉnh về cải cách hành chính. Đây là một trong những khâu đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ cải cách hành chính. Công tác tuyên truyền cần nêu rõ về sự cần thiết, nội dung cải cách hành chính, từ đó tạo được sự đồng thuận và nâng cao ý thức trách nhiệm tham gia của mỗi cá nhân cũng như tổ chức trong việc xây dựng nền hành chính của tỉnh ngày càng hiện đại, hiệu quả. Công tác tuyền truyền cần được thực hiện đa dạng và phong phú về hình thức, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin, lồng ghép trong các chương trình hành động của mỗi địa phương, cơ quan, ban, ngành để đạt hiệu quả cao.

Hai là, cần chủ động hơn nữa trong việc ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản triển khai thực hiện nhiệm vụ và chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính. Tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác xây dựng, thẩm định và trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm kịp thời, đúng luật định; thực hiện theo dõi thi hành pháp luật; kiểm tra, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật và xử lý các văn bản trái pháp luật qua kiểm tra trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định; tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thường xuyên, đầy đủ đúng quy định.

Ba là, kịp thời cập nhật các thủ tục hành chính do trung ương ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ. Tiếp tục rà soát đánh giá, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm bớt giấy tờ, quy trình, thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân trên tất cả các lĩnh vực, nhất là trên các lĩnh vực có nhiều bức xúc, gây tắc nghẽn trong công tác quản lý và các hoạt động liên quan đến người dân và doanh nghiệp, gắn với công bố công khai, minh bạch các thủ tục hành chính và cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, tình hình giải quyết thủ tục hành chính.

Bốn là, tiếp tục rà soát, sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để giảm biên chế bảo đảm phù hợp với biên chế được giao và tình hình của tỉnh; tiếp tục triển khai thực hiện nghị quyết của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh. Tăng cường kiểm tra tình hình tổ chức và hoạt động của các cơ quan chuyên môn, UBND các huyện, thị xã, thành phố. Chú trọng thực hiện kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đã phân cấp cho cấp huyện, cấp xã.

Năm là, bố trí cán bộ, công chức, viên chức theo đúng vị trí việc làm; thường xuyên cập nhật, bổ sung đề án vị trí việc làm của các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp trực thuộc đã được phê duyệt; bảo đảm cơ cấu hợp lý giữa công chức giữ chức vụ lãnh đạo và công chức không giữ chức vụ lãnh đạo. Tiếp tục chỉ đạo việc quản lý, sử dụng công chức, viên chức bảo đảm đúng quy định hiện hành; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Sáu là, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ ngân sách nhà nước trong chi thường xuyên và chi đầu tư công; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra cải cách tài chính công gắn với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về biên chế, kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan hành chính theo quy định. Tăng cường theo dõi, kiểm tra tiến độ, kết quả thực hiện các kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhà nước về tài chính, ngân sách tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh.

Tám là, tiếp tục xây dựng hoàn thiện thể chế phục vụ xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số trên địa bàn tỉnh; xây dựng và phát triển các nền tảng cơ sở dữ liệu; phát triển các ứng dụng, dịch vụ trong nội bộ cơ quan nhà nước; phát triển ứng dụng, dịch vụ phục vụ người dân, tổ chức; triển khai thực hiện bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số tỉnh 3 cấp; triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn thông tin; thường xuyên rà soát, đánh giá việc thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho các hệ thống thông tin thuộc trách nhiệm quản lý để kịp thời khắc phục các lổ hổng, nguy cơ mất an toàn thông tin, cơ sở dữ liệu.

Chú thích:
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7. Báo cáo  số 452/BC-UBND ngày 08/12/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long về cải cách hành chính năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 của tỉnh Vĩnh Long, tháng 12/2022, tr. 5, 7, 8, 10, 10, 11, 13.