Đổi mới sáng tạo trong quản lý nhà nước về kinh tế

(Quanlynhanuoc.vn) – Sáng này 29/9/2023, tại Hà Nội, Khoa Quản lý Kinh tế, Học viện Hành chính Quốc gia tổ chức Hội thảo “Đổi mới sáng tạo trong quản lý nhà nước về kinh tế”. PGS.TS. Đỗ Thị Kim Tiên – Phó Trưởng khoa Khoa Quản lý Kinh tế chủ trì Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo.

Tham dự Hội thảo, về đại biểu khách mời, có: Ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bà Trần Hương Giang, Trưởng phòng Thí nghiệm tăng tốc đổi mới sáng tạo, Chương trình Phát triển của Liên Hiệp quốc tại Việt Nam (UNDP); TS. Phạm Quang Ngọc, Trường Kinh doanh và Công nghệ FPT, Đại học FPT; Ông Trương Việt Hà, Trung tâm Dự báo và phát triển nguồn nhân lực, Đại học Quốc gia Hà Nội; Ông Vũ Trường Giang, Phòng Nghiên cứu tổng hợp, Viện Khoa học Tổ chức Nhà nước, Bộ Nội vụ; Bà Phạm Thị Thúy Hồng, Tạp chí Tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ.

Về phía Học viện, có TS. Đặng Xuân Hoan, nguyên Giám đốc Học viện; lãnh đạo các khoa, ban, đơn vị thuộc và trực thuộc Học viện cùng các giảng viên, sinh viên Khoa Quản lý Kinh tế, các Phân viện tại TP. Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế và khu vực Tây Nguyên. Tham dự Hội thảo còn có các nhà khoa học trong và ngoài Học viện.

PGS.TS. Đỗ Thị Kim Tiên phát biểu đề dẫn Hội thảo.

Phát biểu đề dẫn, PGS.TS. Đỗ Thị Kim Tiên nhấn mạnh, thời gian qua, Việt Nam đã đạt nhiều kết quả tích cực trong phát triển kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo. Theo báo cáo chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2023 (Global Innovation Index, gọi tắt là GII), Việt Nam được xếp ở vị trí 46/132 quốc gia/nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022. Kết quả này nhờ vào việc áp dụng đổi mới sáng tạo trong các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế, là kết quả đáng ghi nhận nhưng cũng đặt ra thách thức to lớn trong thời gian tới để tiếp tục phát huy tiềm năng của Việt Nam, đòi hỏi sự nỗ lực của các cấp, các ngành trong cả nước, đặc biệt là việc áp dụng đổi mới sáng tạo tại các cơ quan trong bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế.

Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, Khoa Quản lý Kinh tế tổ chức Hội thảo “Đổi mới sáng tạo trong quản lý về kinh tế” theo Quyết định số 1146/QĐ-HCQG ngày 04/5/2023 của Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia. Mục tiêu của Hội thảo nhằm làm rõ thêm các vấn đề lý luận và thực tiễn về đổi mới sáng tạo trong quản lý nhà nước về kinh tế. Hội thảo cũng gợi mở những giải pháp khoa học nhằm tư vấn cho các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý nhà nước về kinh tế thực hiện đổi mới sáng tạo trong quản lý. PGS.TS. Đỗ Thị Kim Tiên đề nghị các nhà khoa học tập trung trao đổi vào các chủ đề: (1) Những vấn đề lý luận về đổi mới sáng tạo và đổi mới sáng tạo trong quản lý nhà nước về kinh tế; (2) Thực trạng đổi mới sáng tạo trong quản lý nhà nước về kinh tế ở Việt Nam; (3) Kinh nghiệm quốc tế về đổi mới sáng tạo trong quản lý nhà nước về kinh tế; (4) Giải pháp tăng cường đổi mới sáng tạo trong quản lý nhà nước về kinh tế ở Việt Nam.

Bà Trần Hương Giang, Trưởng phòng Thí nghiệm tăng tốc đổi mới sáng tạo, Chương trình Phát triển của Liên Hiệp quốc trình bày tham luận.

Trình bày tham luận “Đổi mới sáng tạo công và kinh nghiệm quốc tế” tại Hội thảo, bà Trần Hương Giang, Trưởng phòng Thí nghiệm tăng tốc đổi mới sáng tạo đã khái quát đổi mới sáng tạo trong khu vực công và kinh nghiệm về đổi mới sáng tạo của một số quốc gia trên thế giới ở một số khía cạnh: (1) Xây dựng lực lượng lao động có trình độ học vấn cao và đầy tham vọng; (2) Các sáng kiến thúc đẩy kỹ thuật số; (3) Các quy định nhập cư tiến bộ; (4) Nền kinh tế mở và các hiệp định thương mại tự do; (5) Thực hiện quản trị kỹ thuật số. Để đạt được hiệu quả và thành công như một số quốc gia, Việt Nam cần thực hiện: thứ nhất, đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài; thứ hai, cải thiện và thúc đẩy môi trường kinh doanh thuận lợi, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp có cơ hội được thành lập và phát triển; thứ ba, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, nâng cao năng lực tiếp cận công nghệ tiên tiến, tăng tỷ lệ nội địa hóa với các sản phẩm công nghệ cao.

Ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Theo ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia nêu tính cạnh tranh chính là yếu tố “cốt tử” của đổi mới sáng tạo. Cần kết hợp giữa các xu thế quốc tế và trong nước (về kỹ thuật: như các công nghệ mới, về kinh tế: như kinh tế số, kinh tế chia sẻ; về xã hội: như vấn đề an ninh thông tin cá nhân, cân bằng cuộc sống, già hóa dân số; về môi trường: như xu thế quản lý hiệu quả nguồn lực khan hiếm) và thế mạnh của Việt Nam hoặc từng địa phương, từng doanh nghiệp (như hạ tầng công nghiệp, nguồn nhân lực…) để lựa chọn con đường thực hiện đổi mới sáng tạo cả khu vực công và khu vực tư.

Ông Phạm Quang Minh – Tổng Giám đốc công ty Cổ phần Thang máy Royal Việt Nam.

Ông Phạm Quang Minh – Tổng Giám đốc công ty Cổ phần Thang máy Royal Việt Nam chia sẻ, xu thế hội nhập và đổi mới công nghệ đặt ra cho Việt Nam những vấn đề rất mới trong quá trình phát triển, đi tắt, đón đầu để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế. Đồng thời, các kế hoạch, chiến lược đề ra khoa học hơn, nên quản lý nhà nước về kinh tế ở cấp vĩ mô thuận lợi và đạt hiệu quả cao. Nền kinh tế số cho phép quản lý nhà nước ở cấp độ vĩ mô khá minh bạch, các cân đối lớn được tính toán cụ thể, khoa học. Nguồn lực trong nền kinh tế được huy động tối đa phục vụ cho sản xuất, kinh doanh và phát triển. Là một doanh nghiệp đầu tư đa ngành, ông Phạm Quang Minh mong muốn đưa công nghệ số ứng dụng vào đổi mới, tích cực nắm bắt cơ hội, đầu tư hạ tầng công nghệ, công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng.

Ông Nguyễn Tất Thịnh, Khoa Quản lý kinh tế, Học viện Hành chính Quốc gia.

Theo ông Nguyễn Tất Thịnh, giảng viên Khoa Quản lý kinh tế, đổi mới sáng tạo trong quản lý nhà nước về kinh tế là một khái niệm thể hiện sự áp dụng những ý tưởng mới, phương pháp tiên tiến và công nghệ hiện đại vào việc quản lý và điều hành kinh tế của một quốc gia. Đây là quá trình nhằm cải thiện hiệu suất, tạo ra giá trị gia tăng và thúc đẩy sự phát triển bền vững cho nền kinh tế. Việc đổi mới sáng tạo trong quản lý nhà nước về kinh tế cần dựa trên một số yếu tố: tư duy mở, giảm nhẹ hàm lượng chính trị, đột phá về văn hóa quản lý và định hướng phục vụ xã hội.

TS. Đặng Xuân Hoan phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, TS. Đặng Xuân Hoan đề nghị cần làm rõ mấy vấn đề sau: thế nào là đổi mới sáng tạo, cải tiến mang tính đột phá mới gọi là đổi mới, phải có ý tưởng mới có đổi mới. Hoạt động kinh tế của doanh nghiệp hay cá nhân hay luôn luôn thay đổi. Hoạt động kinh tế thay đổi thì hoạt động quản lý kinh tế cần thay đổi đồng bộ từ việc xây dựng kế hoạch, chiến lược đến nhân sự, công tác thanh tra, kiểm tra, công tác thi đua, khen thưởng, kỷ luật, đổi mới sáng tạo nguồn lực về tài chính, nguồn lực về công nghệ, pháp luật hóa các hoạt động đổi mới sáng tạo.

Đại biểu dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học đề xuất một số ý kiến tăng cường đổi mới sáng tạo trong quản lý nhà nước về kinh tế, giúp nâng cao hiệu suất quản lý và thúc đẩy sự phát triển kinh tế, cần đổi mới sáng tạo trong quản lý nhà nước về kinh tế, không chỉ bao gồm tính sáng tạo và thử nghiệm mà còn đòi hỏi năng lực kết nối và tạo điều kiện hợp tác, khả năng khai thác và khám phá, khả năng tiếp thu kiến thức mới và không ngừng học hỏi.
Kết luận hội thảo, PGS.TS. Đỗ Thị Kim Tiên cảm ơn các ý kiến đóng góp tâm huyết của các nhà khoa học, đây là các nội dung quan trọng góp phần hoàn thiện sự đổi mới, sáng tạo trong quản lý nhà nước về kinh tế, nhằm tối ưu hóa tài nguyên, thúc đẩy sự phát triển và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.

Ánh Nguyệt – Tuấn Anh