(Quanlynhanuoc.vn) – Trong tác phẩm “Thường thức chính trị” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của lý luận chính trị và giáo dục lý luận chính trị: “Có lý luận soi đường thì quần chúng hành động mới đúng đắn, mới phát triển được tài năng và lực lượng vô cùng tận của mình”. Với 50 bài báo trong tác phẩm “Thường thức chính trị” đã trình bày cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu và bao quát nhiều quan điểm về chính trị, như: vấn đề giai cấp, nhà nước, cách mạng, chế độ xã hội, kinh tế, xây dựng Đảng, về thời đại ngày nay, tinh thần quốc tế, tinh thần yêu nước, tình hình thế giới và ở Việt Nam, xu thế phát triển của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng… là “kim chỉ nam quý giá” cho Đảng trong thực hiện xây dựng nhà nước pháp quyền hiện nay.
1. Để đáp ứng yêu cầu của cách mạng Việt Nam giai đoạn 1950-1954 (năm 1950, Trung Quốc, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa lần lượt công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, viện trợ vật chất cho cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam; Đại hội lần thứ II của Đảng năm 1951 là “Đại hội kháng chiến thắng lợi”, đánh dấu bước phát triển, trưởng thành của Đảng; cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thu được nhiều thắng lợi to lớn, chuẩn bị bước vào giai đoạn tổng phản công để giành thắng lợi quyết định…), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết 50 bài báo với bút danh Đ.X., đăng trên nhiều số báo Cứu quốc trong nǎm 1953 để làm tài liệu học tập và tuyên truyền giúp cho cán bộ, đảng viên, Nhân dân hiểu và nắm bắt được những kiến thức cơ bản nhất về chính trị, pháp luật, kinh tế, văn hóa; về đường lối lãnh đạo, mục đích và phương pháp, cách thức tiến hành cách mạng để vận dụng cho đúng vào thực tiễn.
Trong hoàn cảnh, đất nước vừa phải chống giặc đói, giặc ngoại xâm và giặc dốt; trong khi đó nhận thức, hiểu biết của cán bộ, đảng viên, Nhân dân cũng cần được Đảng chăm lo, bồi dưỡng. Lúc này, Đảng phải lựa chọn hình thức, phương thức tuyên truyền, vận động, bồi dưỡng kiến thức, hiểu biết cho Nhân dân với những thông tin vừa phổ thông, đơn giản, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ làm theo để khắc phục những sai sót không đáng có. Điều này được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh trong bài nói chuyện tại lớp chỉnh huấn đầu tiên của Trung ương (ngày 11/5/1952, tức là trước khi viết “Thường thức chính trị”).
Thường thức chính trị hiểu đơn giản là những tri thức, kiến thức phổ thông về chính trị; song trong 50 bài báo với bút danh Đ.X thì lại có hàm nghĩa rất rộng, bao gồm: kiến thức về chính trị theo nguyên nghĩa, về nhà nước, pháp luật, kinh tế, văn hóa, đối nội và đối ngoại… được đặt trong mối liên hệ phổ biến của triết học Mác – xít.
2. Về vấn đề nhà nước, “Thường thức chính trị” có 34 lần sử dụng thuật ngữ “nhà nước” để đưa ra khái niệm nhà nước, tính chất của nhà nước (từ hình thức nhà nước, từ chiếm hữu nô lệ đến nhà nước xã hội chủ nghĩa), nguyên tắc hoạt động của nhà nước, các nhiệm vụ của nhà nước, nguyên tắc đảng lãnh đạo nhà nước và quyền lợi, nghĩa vụ của Nhân dân trong nhà nước… Trong đó, những quan điểm về đặc trưng, tính chất của nhà nước kiểu mới ở Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày, phân tích tập trung nhất trong bài báo số 17 – Chế độ Nhà nước dân chủ cộng hòa, với 241 chữ (tính cả tiêu đề); và bài báo số 22 – Nhiệm vụ của nhà nước dân chủ mới (371 chữ, tính cả tiêu đề). Trong nhiều bài báo còn lại, cũng có đề cập đến vấn đề nhà nước và nhà nước kiểu mới ở Việt Nam, tuy nhiên không phải nội dung chính, nội dung chủ yếu của những bài viết đó.
Khi nghiên cứu quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề nhà nước nói chung, về tính chất của Nhà nước kiểu mới nói riêng ở Việt Nam trong tác phẩm “Thường thức chính trị” thì phải tuân thủ vấn đề có tính nguyên tắc về phương pháp luận – đó là không được tách rời các bài báo với nhau mà phải đặt trong mối liên hệ phổ biến của triết học Mác – xít thì mới có cái nhìn tổng thể về tính chất của Nhà nước kiểu mới ở Việt Nam.
Có nhiều bài viết trình bày, phân tích về các giai cấp khác nhau, song về bản chất là để nói về cơ sở xã hội – giai cấp, về bản chất giai cấp của Nhà nước. Các bài viết liên quan đến kinh tế là để nói về cơ sở kinh tế; các bài viết về Đảng, về văn hóa là để nói về cơ sở chính trị, tư tưởng của Nhà nước nói chung, Nhà nước kiểu mới ở Việt Nam nói riêng. Tựu trung lại, là để nói về tính tất yếu khách quan của Nhà nước kiểu mới ở Việt Nam; là Nhà nước được hình thành và phát triển theo một quá trình lịch sử tự nhiên, phù hợp với các quy luật khách quan của lịch sử xã hội loài người.
Có thể khái quát những tính chất nổi bật của Nhà nước kiểu mới – Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh trong tác phẩm “Thường thức chính trị” như sau:
Thứ nhất, bản chất giai cấp của Nhà nước kiểu mới ở Việt Nam là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân làm chủ. Trong bài báo số 18 – Nhân dân dân chủ chuyên chính, Người chỉ rõ: “Tính chất của một nhà nước là: trong nhà nước ấy, giai cấp nào thống trị, giai cấp nào bị thống trị. Nhà nước ấy bảo vệ lợi ích của giai cấp nào, đàn áp giai cấp nào”.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tính chất nổi bật của Nhà nước ta (Nhà nước kiểu mới – Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, được thành lập sau thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945) là nhà nước của Nhân dân, đây là đặc điểm về bản chất giai cấp làm cho Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa khác hẳn về chất so với nhà nước phong kiến và nhà nước tư sản. Trong bài báo số 2 – Chế độ phong kiến là gì? Người viết “Nhà nước phong kiến là nhà nước của giai cấp địa chủ. Nó lấy vua chúa làm trung tâm. Nó dùng mồ hôi nước mắt của nông dân để nuôi một bầy quan lại và quân lính, đặng áp bức bóc lột nông dân”.
Trong bài báo số 17- Chế độ Nhà nước dân chủ cộng hòa, Người phân tích “Từ khi có chế độ tư hữu, người giàu thành giai cấp bóc lột, người nghèo thành giai cấp bị bóc lột. Giai cấp người giàu xây dựng bộ máy thống trị gồm có chính phủ, quân đội, toà án, cảnh sát,… Bộ máy ấy gọi là nhà nước để thống trị giai cấp bị bóc lột. Nhà nước phong kiến là công cụ của địa chủ để thống trị nông dân. Nhà nước tư bản là công cụ của giai cấp tư sản để thống trị giai cấp công nhân”.
Trong bài báo số 18 – Nhân dân dân chủ chuyên chính, Người sử dụng phương pháp lịch sử cụ thể và phương pháp so sánh để phân tích kỹ về tính chất của Nhà nước kiểu mới ở Việt Nam – Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa: “Trước kia Việt Nam ta vẫn có Nhà nước và Chính phủ. Song đó là công cụ của đế quốc và phong kiến để áp bức nhân dân. Cách mạng Tháng Tám thành công, ta lập ra Chính phủ mới, quân đội, công an, tòa án, pháp luật mới của nhân dân để chống kẻ địch trong và ngoài, và để giữ gìn quyền lợi của nhân dân”. Người nhấn mạnh “Nhà nước mới của ta và Nhà nước cũ, tính chất khác nhau”, cụ thể là: “Nhà nước cũ nằm trong tay đế quốc và phong kiến, tính chất nó là đế quốc và phong kiến, là phản động. Nhà nước ta ngày nay là nằm trong tay nhân dân chống đế quốc và phong kiến. Tính chất nó là nhân dân dân chủ chuyên chính”.
Thứ hai, cơ sở xã hội – giai cấp của Nhà nước kiểu mới ở Việt Nam (khi đó) là liên minh bốn giai cấp công, nông, tiểu tư sản và tư sản dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích: Nhân dân là bốn giai cấp: công nhân, nông dân, tiểu tư sản và tư sản dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân và của Đảng, các giai cấp ấy đoàn kết lại, bầu ra Chính phủ của mình. Đối với nội bộ nhân dân thì thực hành dân chủ. Đối với đế quốc, phong kiến và lũ phản động, thì thực hành chuyên chính chống lại chúng, đàn áp chúng. Trong nước, tất cả mọi quyền lực đều là của Nhân dân, tức là của các giai cấp công, nông, tiểu tư sản và tư sản dân tộc. Bốn giai cấp ấy do giai cấp công nhân lãnh đạo, lấy công nông liên minh làm nền tảng, đoàn kết các giai cấp dân chủ và các dân tộc trong nước, để thực hành dân chủ chuyên chính.
Thứ ba, cơ sở kinh tế của Nhà nước kiểu mới ở Việt Nam là sự tồn tại đan xen của nhiều thành phần kinh tế, nhiều quan hệ sản xuất. Trong bài báo số 23 – Thành phần kinh tế ở nước ta (vùng tự do), Người chỉ rõ nền kinh tế nước ta có những thành phần như sau: kinh tế địa chủ phong kiến bóc lột địa tô; kinh tế quốc doanh, có tính chất chủ nghĩa xã hội; các hợp tác xã tiêu thụ và hợp tác xã cung cấp, có tính chất nửa chủ nghĩa xã hội; kinh tế cá nhân của nông dân và của thủ công nghệ; kinh tế tư bản tư nhân; kinh tế tư bản quốc gia (bao gồm hình thức kinh tế do Nhà nước hùn vốn với tư nhân để kinh doanh và hình thức kinh tế do Nhà nước lãnh đạo – còn gọi là kinh tế quốc doanh, là nền tảng và sức lãnh đạo của kinh tế dân chủ mới). Trong bài báo số 24 – Chính sách kinh tế của Đảng và Chính phủ, Người nêu rõ 4 chính sách kinh tế của Nhà nước kiểu mới ở Việt Nam là: (1) công tư đều lợi; (2) chủ thợ đều lợi; (3) công nông giúp nhau; (4) lưu thông trong ngoài. Người nhấn mạnh: bốn chính sách ấy là mấu chốt để phát triển kinh tế của nước ta.
Thứ tư, cơ sở chính trị, tư tưởng của Nhà nước kiểu mới là chủ nghĩa Mác-Lênin. Trong bài báo số 12 – Vì sao công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng? Người viết: “Đặc tính cách mạng của giai cấp công nhân là: kiên quyết, triệt để, tập thể, có tổ chức, có kỷ luật. Lại vì là giai cấp tiền tiến nhất trong sức sản xuất, gánh trách nhiệm đánh đổ chế độ tư bản và đế quốc, để xây dựng một xã hội mới, giai cấp công nhân có thể thấm nhuần một tư tưởng cách mạng nhất, tức là chủ nghĩa Mác – Lênin. Đồng thời, tinh thần đấu tranh của họ ảnh hưởng và giáo dục các tầng lớp khác. Vì vậy, về mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và hành động, giai cấp công nhân đều giữ vai trò lãnh đạo”.
Thứ năm, Nhà nước kiểu mới ở Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam. Trong bài báo số 12 – Vì sao công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng? Người chỉ rõ “Giai cấp công nhân có chủ nghĩa Mác – Lênin. Trên nền tảng đấu tranh, họ xây dựng nên Đảng theo chủ nghĩa Mác – Lênin là Đảng Lao động Việt Nam. Đảng đề ra chủ trương, đường lối, khẩu hiệu cách mạng, lôi cuốn giai cấp nông dân và tiểu tư sản vào đấu tranh, bồi dưỡng họ thành những phần tử tiên tiến... Tuy hiện nay ở nước ta giai cấp công nhân còn nhỏ, song ở thế giới thì giai cấp công nhân rất to lớn. Cho nên quyền lãnh đạo cách mạng chỉ do giai cấp công nhân nắm”. Trong bài báo số 37 – Tự phê bình và phê bình, Người khẳng định “Một đảng có chủ nghĩa Mác – Lênin, có kỷ luật nghiêm khắc, thật thà tự phê bình và phê bình, liên hệ chặt chẽ với nhân dân; một đảng đúng đắn về tư tưởng, về chính trị, về tổ chức như Đảng Lao động Việt Nam, đó là đảm bảo chắc chắn cho kháng chiến nhất định thắng lợi, kiến quốc nhất định thành công”
Trong tác phẩm “Thường thức chính trị”, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng dành nhiều nội dung quan trọng để phân tích, làm rõ Nhà nước kiểu mới ở Việt Nam hoạt động dựa trên nguyên tắc tập trung dân chủ; Nhà nước thực hiện nhiệm vụ xây dựng quân đội, xây dựng kinh tế, xây dựng văn hóa, xây dựng chính quyền; trong nhà nước dân chủ mới, nhân dân vừa có quyền lợi vừa có nghĩa vụ.
3. Trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Nhà nước dân chủ ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta luôn kiên trì vận dụng sáng tạo và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng Việt Nam; qua đó đã đạt được những thành tựu to lớn và vẻ vang.
Cần nhấn mạnh rằng, không phải chỉ chúng ta tự khẳng định điều này, mà cộng đồng quốc tế cũng dày công nghiên cứu và thừa nhận. Trong cuốn sách “Khuôn mặt tiêu biểu của châu Á trong lịch sử hiện đại “Hồ Chí Minh” giải phóng dân tộc và đổi mới”, do Nhà xuất bản Iwanami (Tokyo, Nhật Bản) phát hành, được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia dịch là “Hồ Chí Minh – Giải phóng dân tộc và đổi mới” và xuất bản tháng 5/1997, giáo sư, tiến sỹ sử học Furuta Motoo (Đại học Tổng hợp Tokyo) đã nhấn mạnh: đường lối đổi mới hiện nay của Đảng Cộng sản Việt Nam là vừa tiếp thu những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời kỳ ông lãnh đạo cách mạng Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, vừa phát huy tư tưởng đó thành những chủ trương cụ thể trong quá trình khôi phục và phát triển kinh tế sau ngày thắng lợi hoàn toàn (năm 1975), nhất là những năm gần đây. Thậm chí, UNESCO còn nhấn mạnh rằng “Các dân tộc chối từ con đường đau khổ của chủ nghĩa tư bản, có thể nghiên cứu để tìm thấy trong tư tưởng Hồ Chí Minh một hướng đi thích hợp cho sự lựa chọn của mình”1.
Việc tổng kết các chương trình, đề tài nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh giai đoạn 2001-2005 do Đảng và Nhà nước chỉ đạo thực hiện đã đi đến khẳng định sử dụng chính thức thuật ngữ “Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam của dân, do dân và vì dân” để thay cho thuật ngữ “Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước kiểu mới – nhà nước của dân, do dân và vì dân”. Kết quả nêu trên đã đóng góp những luận cứ quan trọng dẫn đến sự xuất hiện khái niệm “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” được Đảng ta sử dụng lần đầu tiên trong Văn kiện Hội nghị Trung ương 2 (khóa VII), từ đó khái niệm Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa được sử dụng chính thức trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước ta.
Cũng từ những quan điểm khởi đầu về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mà khái niệm này ngày càng được bổ sung, hoàn thiện, cho đến nay đã trở thành một hệ thống quan điểm lý luận toàn diện, sâu sắc. Kế thừa, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nghị quyết số 27-NQ/TW Hội nghị Trung ương lần thứ sáu (khóa XIII) về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới tiếp tục nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo “Kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”.
Vận dụng sáng tạo và phát triển quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tính chất của Nhà nước kiểu mới ở Việt Nam vào xây dựng, hoàn thiện Nhà nước Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, chúng ta cần tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau đây2:
Một là, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam để thống nhất nhận thức về các đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đồng thời, quán triệt sâu sắc việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị; được tiến hành đồng bộ với thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Hai là, bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Ưu tiên tập trung thể chế hóa đầy đủ và thực hiện đúng đắn, hiệu quả cơ chế nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, nhất là dân chủ ở cơ sở theo tinh thần Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở vừa ban hành.
Ba là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, hiệu quả, bảo đảm yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững. Đó phải là hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, ổn định, khả thi, dễ tiếp cận, đủ khả năng điều chỉnh các quan hệ xã hội, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp làm trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật trên tất cả các lĩnh vực, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, khơi dậy, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Bốn là, tiếp tục đổi mới tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của các thiết chế trung tâm trong bộ máy nhà nước (Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ và chính quyền địa phương, tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân); bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và kiểm soát hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Năm là, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đảm bảo mọi quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, phải được ràng buộc bằng trách nhiệm, quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn; lạm dụng, lợi dụng quyền lực phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý. Kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của Nhà nước và cán bộ, công chức, viên chức.
Sáu là, tăng cường, chủ động hội nhập quốc tế đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới để chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, thực chất, hiệu quả, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hiệp quốc và pháp luật quốc tế; giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia, chế độ xã hội chủ nghĩa.
Bảy là, tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhân dân trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tiếp tục cụ thể hóa, thể chế hóa, hoàn thiện, thực hiện tốt cơ chế “Ðảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” và phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Mọi chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích và hạnh phúc của Nhân dân; phát huy đầy đủ quyền làm chủ, tính tích cực, sáng tạo của Nhân dân. Hoàn thiện cơ chế để phát huy vai trò của Nhân dân tham gia xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, các quy định cụ thể để tăng cường và bảo đảm Ðảng gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình; bảo đảm các tổ chức đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, thực sự gương mẫu, đi đầu trong việc tuân thủ Hiến pháp và pháp luật.
Tiếp tục đổi mới tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động, phát huy đầy đủ, hiệu quả vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Xây dựng và hoàn thiện cơ chế để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong việc phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, thực hiện giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Ðảng, Nhà nước, kiểm soát quyền lực nhà nước và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.