Một số kết quả hợp tác giáo dục giữa Việt Nam – Trung Quốc hiện nay

(Quanlynhanuoc.vn) – Những năm qua, Việt Nam và Trung Quốc đã đạt được nhiều thỏa thuận quan trọng trong nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực giáo dục. Trên cơ sở các biên bản ghi nhớ hợp tác giữa hai nước, bài viết khái quát một số kết quả đạt được trong quan hệ hợp tác giáo dục, qua đó đề xuất một số giải pháp giúp hai nước đưa lĩnh vực hợp tác này phát triển lên tầm cao mới.
Thi và cấp chứng chỉ Hán Ngữ quốc tế HSK (Hanyu Shuiping Kaoshi). Ảnh: internet.
Các thỏa thuận, hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Trung Quốc

Hợp tác giáo dục là một phần quan trọng trong các lĩnh vực hợp tác giữa hai nước, giúp tăng cường tình hữu nghị và sự hiểu biết lẫn nhau. Từ năm 1993 đến nay, mối quan hệ hợp tác giáo dục giữa Việt Nam – Trung Quốc không ngừng được mở rộng và phát triển. Hai nước đã ký kết nhiều hiệp định hợp tác, như: “Biên bản hội đàm về hợp tác giáo dục Việt – Trung từ năm 1994 đến năm 1996”; “Tóm tắt đàm phán hợp tác giáo dục 1994 – 1996”, “Hiệp định trao đổi giáo dục 1997 – 2000”, “Hiệp định trao đổi giáo dục 2005 – 2009”, “Hiệp định trao đổi giáo dục 2011 – 2015″. Các văn bản, như: “Hiệp định trao đổi” và “Hiệp định trao đổi giáo dục 2016 – 2020” chủ yếu thể hiện ở việc các trường đại học gửi nhiều sinh viên quốc tế sang học tập tại các nước của nhau.

Đặc biệt, nội dung thỏa thuận tại Điều 3 Hiệp định hợp tác trong lĩnh vực giáo dục giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (có hiệu lực ngày 01/11/2022)1 đã có nhiều điểm nhấn quan trọng, như sau:

(1) Trung Quốc duy trì tổng số 150 suất học bổng toàn phần cho Việt Nam, trong đó có 10 suất học bổng cho chuyên ngành Hán ngữ, để đào tạo trình độ đại học, thạc sỹ và tiến sỹ tại các cơ sở giáo dục đại học ở Trung Quốc.

(2) Hằng năm, Trung Quốc duy trì tổng số 150 suất học bổng toàn phần dành cho Việt Nam, trong đó có 10 suất học bổng dành cho chuyên ngành Hán ngữ, để đào tạo trình độ đại học, thạc sỹ và tiến sỹ tại các cơ sở giáo dục đại học của Trung Quốc.

(3) Hằng năm, Trung Quốc duy trì tổng số 100 suất học bổng bán phần (miễn học phí) dành cho bên Việt Nam để đào tạo trình độ thạc sỹ và tiến sỹ tại các cơ sở giáo dục đại học của Trung Quốc.

(4) Việt Nam duy trì tổng số 15 suất học bổng toàn phần dành cho Trung Quốc để đào tạo trình độ đại học, thạc sỹ và tiến sỹ tại các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam. Việc tiếp nhận lưu học sinh Trung Quốc được thực hiện theo các quy định về tiếp nhận lưu học sinh nước ngoài của Việt Nam.

(5) Hai Bên hỗ trợ nhau trong công tác giảng dạy về ngôn ngữ: (1) Việt Nam giới thiệu các giáo viên dạy tiếng Trung cho Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam trong tháng 11 và tháng 12 hằng năm; (2) Việt Nam dành cho Trung Quốc 15 suất học bổng ngắn hạn về ngôn ngữ tiếng Việt và trao đổi học giả (kể cả học giả thỉnh giảng cao cấp).

Ngoài ra, Trung Quốc cam kết trong 5 năm tới cung cấp cho Việt Nam không dưới 1.000 suất học bổng Chính phủ Trung Quốc và không dưới 1.000 suất học bổng dành cho giáo viên tiếng Trung Quốc; giúp đỡ Việt Nam bồi dưỡng nhân tài chất lượng cao và giáo viên tiếng Trung Quốc2.

Trên cơ sở những thỏa thuận trên, có thể thấy: Hoạt động hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng được mở rộng và phát triển, nội dung hợp tác ngày càng phong phú, đa dạng, là kim chỉ nam cho các cấp địa phương và các trường đại học triển khai chương trình thúc đẩy hợp tác giáo dục giữa hai nước; Lưu học sinh của Việt Nam và Trung Quốc góp phần nâng cao vị thế của các trường đại học của nước mình; đồng thời, hiểu hơn về lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ của nhau, từ đó tạo nên tình cảm gắn bó tốt đẹp; Hoạt động hợp tác giáo dục là cầu nối tăng cường hữu nghị, hợp tác giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc.

Một số kết quả hợp tác giáo dục

Các trường đại học của Việt Nam hợp tác đào tạo trình độ đại học chính quy và liên thông với các trường đại học của Trung Quốc bằng các mô hình đào tạo, như:

(1) Mô hình 2+2 (mô hình thường áp dụng cho các ngành kinh tế, khoa học – công nghệ. Sinh viên có 2 năm học ngoại ngữ và các môn cơ sở ở trong nước, thời gian học chia đều cho cả hai bên).

(2) Mô hình 1+3 (mô hình áp dụng cho ngành ngôn ngữ, 1 năm đầu sinh viên học tiếng Trung Quốc hoặc tiếng Việt Nam ở trong nước, 3 năm sau sinh viên học ở nước ngoài).

(3) Mô hình 1+4 (mô hình dành cho sinh viên có 1 năm học tiếng ở trong nước, 4 năm học chuyên ngành ở nước ngoài).

Nhờ các chính sách hợp tác, mô hình đào tạo hợp lý, sự thuận lợi về khoảng cách địa lý giữa hai nước nên ngày càng thu hút nhiều sinh viên của hai nước tham gia học tập, nghiên cứu. Số lượng lưu học sinh Việt Nam đang theo học tại Trung Quốc (02/2020) là khoảng hơn 11.000 người3. Năm 2021, số lượng lưu học sinh là 11.329 người, Việt Nam là một trong 15 nước trên thế giới có nhiều lưu học sinh đang học tập trại Trung Quốc4. Năm 2022, có khoảng 11.000 học sinh Việt Nam đang học tập tại các trường đại học ở Trung Quốc và khoảng 2.000 học sinh Trung Quốc đang học tập tại Việt Nam5.

Các cơ sở giáo dục đại học thu hút được nhiều lưu học sinh Việt Nam tại Trung Quốc, tập trung phần lớn ở các cơ sở đại học thuộc các tỉnh: Quảng Tây, Vân Nam, Quảng Đông, Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân, Trùng Khánh, Hồ Nam, Hồ Bắc, Phúc Kiến, Giang Tô, Triết Giang, Quý Châu, Tứ Xuyên, Sơn Tây, Cát Lâm, Liêu Ninh, Hắc Long Giang, An Huy và Thiểm Tây6. Ở Việt Nam, số lượng lưu học sinh Trung Quốc tập trung chủ yếu tại các cơ sở đào tạo tại một số thành phố (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Thái Nguyên), như: Đại học Quốc gia Hà Nội; Trường Đại học Hà Nội, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội; Trường Đại học Huế; Trường Đại học Thái Nguyên; Trường Đại học Đà Nẵng.

Về kết quả hợp tác giáo dục giữa các trường đại học của hai nước.

(1) Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã ký kết 60 biên bản thỏa thuận với các trường đại học của Trung Quốc tại Vân Nam, Thượng Hải, Tứ Xuyên, Quảng Đông…. đến từ đại học Vân Nam, đại học Bách Khoa Côn Minh, đại học dân tộc Quảng Tây. Năm 2023, trường có gần 200 sinh viên Trung Quốc đang học tập tại trường, như: khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, Ngôn ngữ học, Văn học, Xã hội học, Khoa học Quản lý. Trong 5 năm (2018 – 2023), Trường đã hoàn thành đào tạo 5 tiến sỹ là nghiên cứu sinh Trung Quốc, gần 100 thạc sỹ đến từ Đại học Vân Nam, Đại học Bách Khoa Côn Minh, Đại học Dân tộc Quảng Tây7.

(2) Trường Đại học Hà Nội có nhiều sinh viên Trung Quốc học nhất cả nước. Trường có 490 sinh viên, trong đó có 260 học hệ chính quy bậc cử nhân, 230 học ngắn hạn, chủ yếu đến từ hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây8.

(3) Trường Đại học Sư phạm (trực thuộc Đại học Đà Nẵng) có hơn 20 năm hợp tác đào tạo nguồn nhân lực với các đối tác đến từ Trung Quốc và Đông Nam Á với các bậc chương trình dự bị tiếng Việt cho người nước ngoài, đại học và sau đại học”. Nhà trường thiết lập đào tạo nhân lực với các trường: Trường Đại học Dân tộc Quý Châu; Trường Đại học Nam Ninh; Trường Đại học Dân tộc Quảng Châu…; tiếp nhận đào tạo sinh viên ngành cử nhân tiếng Việt theo chương trình 3 +1; tiếp nhận cán bộ giảng viên và sinh viên của các đối tác đến học các chương trình: cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ. Đồng thời, cử giảng viên của nhà trường theo học thạc sỹ, tiến sỹ theo các chương trình học bổng giữa Chính phủ hai nước9.

(4) Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh) và Trường Đại học Ngoại ngữ Tứ Xuyên sẽ cùng phối hợp triển khai 6 lĩnh vực xúc tiến các chương trình trao đổi giảng viên, sinh viên sang giảng dạy, học tập, nghiên cứu ngắn hạn; phối hợp tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm quốc tế; cùng tham gia các hoạt động nghiên cứu chung được tổ chức; thường xuyên trao đổi các tạp chí và ấn phẩm khoa học; thúc đẩy các hợp tác khác vì lợi ích chung của cả hai đơn vị10.

Về kết quả hợp tác giáo dục của các địa phương với trường đại học giữa hai nước.

Hợp tác giáo dục của các địa phương với trường đại học giữa hai nước là xu thế tất yếu trong công tác đào tạo nhân lực, đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của thị trường, đồng thời, đáp ứng nhu cầu xã hội cũng như hợp tác quốc tế sâu rộng theo xu thế phát triển của thời đại.

(1) Năm 2018, tỉnh Vân Nam đã dành tặng thành phố Hải Phòng 1 suất học bổng toàn phần đào tạo thạc sỹ tại Trường Đại học tỉnh Vân Nam và 1 suất học bổng toàn phần đại học tại Học viện Nghề quốc tế Mê Công – Lan Thương, Đại học Dân tộc Vân Nam. Năm 2019, Trường Chính trị Tô Hiệu thành phố Hải Phòng và Học viện Hành chính tỉnh Vân Nam đã ký Bản ghi nhớ hữu nghị hợp tác với mục đích tăng cường giao lưu trao đổi về kinh nghiệm và phương pháp quản lý, giảng dạy tại hai trường. Năm 2020 đến hết năm 2025, tỉnh Vân Nam sẽ cấp từ 5 – 10 suất học bổng toàn phần hệ đại học và sau đại học cho thành phố Hải Phòng11.

(2) Hằng năm, tỉnh Quảng Tây cấp cho 4 tỉnh biên giới Việt Nam mỗi tỉnh từ 18 – 25 suất học bổng đào tạo trình độ đại học, sau đại học. Tỉnh Lạng Sơn, Hà Giang cấp từ 2 – 5 suất học bổng toàn phần cho học sinh của tỉnh Quảng Tây đào tạo trình độ đại học tại Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội). Từ năm 2016 đến nay, tỉnh Cao Bằng đã cử 56 học sinh tham gia đào tạo trình độ đại học; 32 cán bộ, công chức, viên chức tham gia đào tạo trình độ thạc sỹ theo Chương trình học bổng của chính quyền Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây12.

(3) Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Đà Nẵng hợp tác với các địa phương tại miền Trung triển khai nhiều hoạt động cụ thể, như: thí điểm thi và cấp chứng chỉ HSK (Hanyu Shuiping Kaoshi, là chứng chỉ Hán Ngữ quốc tế) ở Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng; cử giáo viên tình nguyện tiếng Trung ở Trung Quốc sang dạy tiếng Trung tại các trường đại học ở miền Trung để cải thiện, nâng cao khả năng ngôn ngữ ở các trường; hợp tác với các trường đại học ở miền Trung. Thành phố Đà Nẵng đang kết nối lại chương trình liên kết đào tạo và nghiên cứu, tạo điều kiện cho sinh viên có nhiều cơ hội được học tập tại các trường đại học ở Trung Quốc. Thông qua sự giúp đỡ kết nối thường xuyên giữa Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Đà Nẵng với các trường đại học ở miền trung, công tác đào tạo nguồn nhân lực tiếng Trung đã và đang đạt được nhiều thành tựu tích cực đáp ứng nhu cầu xã hội cũng như hợp tác quốc tế sâu rộng theo xu thế phát triển của thời đại13.

Có thể thấy, hoạt động hợp tác giáo dục giữa hai nước đã góp phần vào sự phát triển toàn diện, ổn định và lâu dài của quan hệ Việt Nam – Trung Quốc. Thông qua hợp tác giáo dục, người dân hai nước không chỉ hiểu hơn về ngôn ngữ và văn hóa của nhau mà còn hỗ trợ nhau trong quan hệ kinh tế và thương mại. Đặc biệt, các kết quả hợp tác giữa các trường đại học của hai nước trong đào tạo ngôn ngữ đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển của mỗi nước, tạo ra nhiều cơ hội việc làm, đặc biệt là đối với Việt Nam. `

Mặc dù hợp tác giáo dục giữa Trung Quốc và Việt Nam đạt nhiều kết quả tốt, song còn một số hạn chế nhất định, như: hiện nay các trường đại học Trung Quốc hợp tác với Việt Nam chủ yếu tập trung ở các tỉnh phía Nam Trung Quốc, như: Quảng Tây, Vân Nam, Quý Châu mà chưa tập trung nhiều ở các thành phố lớn như: Bắc Kinh, Thượng Hải…; số lượng sinh viên du học theo diện học bổng toàn phần của Chính phủ còn ít; hợp tác giáo dục đa ngành còn hạn chế, mới chỉ dừng lại ở một số ngành như văn hóa và ngôn ngữ.

Một số giải pháp

Một là, Chính phủ hai nước tiếp tục thúc đẩy hoạt động hợp tác giáo dục giữa hai nước, có những chính sách hỗ trợ, học bổng nhiều hơn đến học sinh cả hai nước.

Hai là, tích cực khai thác các hình thức trao đổi giáo dục giữa các trường đại học của hai nước. Các trường đại học có thể tổ chức cho sinh viên sang Việt Nam tham quan học tập ngắn ngày, ngược lại, sinh viên của Việt Nam cũng có thể lựa chọn sang Trung Quốc tham quan, học tập ngắn hạn. Bằng cách hợp tác này, sẽ thu hút và mở rộng nhiều chuyên ngành hơn để giao lưu với nhau, thay vì chỉ trao đổi các ngành học truyền thống như: ngôn ngữ và văn hóa.

Ba là, cần tích cực mở rộng hợp tác với nhiều trường đại học ở các thành phố lớn của cả hai nước. Phát huy vai trò của các ngành hàng đầu, các ngành lợi thế trong các trường đại học lớn giữa hai nước để thực hiện các đề án liên kết đào tạo, đồng thời, tăng cường hợp tác trao đổi giáo viên và sinh viên cùng nghiên cứu khoa học thông qua hình thức hợp tác liên trường. Hình thức này sẽ làm tăng sức ảnh hưởng của các trường đại học Trung Quốc tại Việt Nam, từ đó, thu hút nhiều sinh viên Việt Nam học tập tại Trung Quốc.

Chú thích:
1. Thông báo số 29/2022/TB-LPQT ngày 30/11/2022 của Bộ Ngoại giao về việc điều ước quốc tế có hiệu lực.
2, 5. Việt Nam – Trung Quốc: Những dấu mốc ấn tượng trong hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục. https://vietnamnet.vn, ngày 07/11/2022.
3. Du học Trung Quốc ngày càng thu hút học sinh, sinh viên Việt Nam. https://tuyensinh.tvu.edu.vn, ngày 10/8/2021.
4, 6. Lưu học sinh Việt Nam tại Trung Quốc: Cầu nối hữu nghị giữa nhân dân hai nước. https://baoquocte.vn, ngày 23/10/2021.
7. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thu hút hợp tác quốc tế từ 49 trường Đại học của Trung Quốc. https://ussh.vnu.edu.vn, ngày 22/4/2023.
8. Trường Đại học nhiều sinh viên Trung Quốc nhất nước không có người học đến từ Vũ Hán. https://thanhnien.vn, ngày 1/02/2020.
9. Trường Đại học sư phạm – Đại học Đà Nẵng tham dự “tuần lễ hợp tác giáo dục Trung Quốc- ASEAN” năm 2023 tại Trung Quốc. http://ued.udn.vn, ngày 29/8/2023.
10. Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Trường Đại học Ngoại ngữ Tứ Xuyên, Trung Quốc. https://hcmussh.edu.vn, ngày 14/6/2023.
11. Hướng tới hợp tác thực chất trong lĩnh vực giáo dục giữa Hải Phòng và Vân Nam. https://haiphongnews.gov.vn, truy cập ngày 14/9/2023.
12. Tăng cường hợp tác giáo dục giữa 4 tỉnh biên giới Việt Nam với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). https://baotintuc.vn, ngày 23/9/2022.
13. Nâng tầm hợp tác giáo dục giữa Đà Nẵng và các trường đại học Trung Quốc. http://vtv.vn/vtv8, ngày 16/5/2023.
ThS. Lưu Hoàng Linh
Công ty TNHH Tiến Phát