Chính sách chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở Xinh-ga-po – kinh nghiệm cho Việt Nam

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong nhiều thập kỷ qua, Chính phủ Xinh-ga-po đã nỗ lực cho các chính sách chăm sóc sức khỏe toàn dân và đặc biệt là các chính sách chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Bài viết phân tích chính sách thích ứng với già hóa dân số và chính sách chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ cho người cao tuổi ở Xinh-  ga-po; đồng thời đưa ra kinh nghiệm cho Việt Nam trong chính sách chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi từ thực tiễn của Xinh-ga-po hiện nay.
Ảnh minh họa (internet).
Chính sách thích ứng với già hóa dân số ở Xinh-ga-po

Liên hiệp quốc định nghĩa một quốc gia là “già hóa” nếu tỷ lệ dân số từ 65 tuổi trở lên vượt quá 7%; được coi là “già” nếu tỷ lệ vượt quá 14% và một khi thị phần đạt 21% thì đó là “siêu tuổi”1.

Ở Xinh-ga-po, tỷ lệ người cao tuổi tăng trưởng đều đặn trong nhiều thập kỷ. Năm 2018, tỷ lệ dân số trên 65 tuổi ở Xinh-ga-po (chiếm 13,7%). Dự báo dân số ước tính đến năm 2030, người cao tuổi sẽ đạt 18,7% và đến năm 2100, dự báo dân số Xinh-ga-po có độ tuổi trung vị (median age) là 56,4 tuổi – là quốc gia có độ tuổi cao nhất trong dân số thế giới. Theo Cục Dân Số và Tài Năng Quốc Gia, số lượng người cao tuổi ở Xinh-ga-po (từ 65 tuổi trở lên) sẽ tăng lên khoảng 900 ngàn người vào năm 2030. Căn cứ vào tỷ lệ sinh hiện tại và không tính đến việc mở rộng lực lượng lao đông cho người nước ngoài, số người ở độ tuổi trung niên sẽ tăng từ 39 tuổi năm 2011 đến 47 tuổi vào năm 20302.

Tỷ lệ người cao tuổi tăng nhưng tỷ lệ sinh thấp kéo theo những gánh nặng với xã hội và nền kinh tế của Xinh-ga-po. Già hóa dân số ảnh hưởng sự bền vững của hệ thống phúc lợi xã hội, tạo áp lực lên hệ thống y tế, dẫn đến thiếu hụt lao động. Nhằm thích ứng tình trạng già hóa dân số, Chính phủ Xinh-ga-po đã sớm hoạch định các chính sách về cải cách hệ thống chăm sóc sức khỏe, tăng dần tuổi nghỉ hưu, quy hoạch đô thị, phát triển kinh tế. Năm 2022, Xinh-ga-po nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động từ 62 lên 63 tuổi và tuổi đi làm lại (tiếp tục tham gia thị trường lao động) từ 67 lên 68 tuổi. Chính phủ Xinh-ga-po đặt mục tiêu nâng tuổi nghỉ hưu lên 65 tuổi và tuổi đi làm lại lên 70 tuổi vào năm 2030. Đảo quốc này đã bắt đầu lập kế hoạch cho dân số già từ những năm 80 thế kỷ XX.

Vào năm 2015, khi cứ 8 người thì có 1 người từ 65 tuổi trở lên, Chính phủ đã công bố một Kế hoạch hành động trị giá 3 tỷ SGD dành giải quyết vấn đề già hóa dân số. Kế hoạch đó tập trung vào việc tạo cơ hội cho người cao tuổi học tập, tình nguyện và sống tự lập. Trong năm 2023, Kế hoạch hành động sửa đổi tập trung vào các sáng kiến cộng đồng để cải thiện đời sống cho người cao tuổi. Thực tế là, đối tượng người cao tuổi ở quốc gia này sẽ ngày càng có trình độ học vấn cao hơn; tiếp xúc, va chạm với xã hội nhiều hơn; hiểu biết về công nghệ, các nền tảng kỹ thuật số và có nhiều hoạt động, sở thích đa dạng hơn.

Một yếu tố nổi bật và có mục tiêu của chính sách hiện hành ở Xinh-ga-po là “già hóa tại chỗ”. Trong đó, gia đình được xác định là hệ thống hỗ trợ chính cho người cao tuổi; chính sách nhà ở và y tế của chính phủ cũng hướng tới các đối tượng này. Bằng cách mở rộng, chính sách của chính phủ quy định rằng người cao tuổi phải phụ thuộc vào gia đình của mình trong thời gian sức khỏe yếu. Do đó, các chính sách y tế được thiết kế sao cho chi phí tài chính của người cao tuổi sẽ do các thành viên trong gia đình gánh chịu. Trong trường hợp, gia đình không thể chăm sóc người cao tuổi thì cộng đồng sẽ can thiệp nếu cần thiết và chính phủ sẽ trở thành phương sách cuối cùng.

Một chương trình quốc gia của Xinh-ga-po ra đời với tên gọi “Age Well SG” nhằm hỗ trợ người cao tuổi già đi khỏe mạnh tại nhà và cộng đồng của họ. Chương trình nhằm mục đích giải quyết sự cô lập xã hội, một yếu tố quyết định chính của tình trạng suy nhược và trao quyền cho người cao tuổi già đi một cách tích cực và độc lập. Bên cạnh đó, chương trình còn hỗ trợ người cao tuổi có việc làm, cũng như duy trì sự kết nối, tương tác với xã hội. Age Well SG cung cấp sự chuyển đổi toàn diện trên toàn quốc trong các lĩnh vực vận tải, nhà ở, dịch vụ chăm sóc và lão hóa tích cực để neo giữ lão hóa trong cộng đồng. Chương trình Age Well tập trung vào 3 mũi nhọn là Chăm sóc – Hỗ trợ – Kết nối, giúp người cao tuổi Xinh-ga-po để có một cuộc sống bảo đảm nhất.

Trong đó: (1) Chăm sóc là trao quyền cho người cao tuổi chịu trách nhiệm về sức khỏe của họ thông qua các nỗ lực về phòng, chống bệnh tật, các chương trình lão hóa tích cực và dịch vụ chăm sóc y tế; (2) Hỗ trợ là tạo cơ hội cho người cao tuổi tiếp tục đóng góp kiến thức và chuyên môn của họ cho xã hội bằng cách Chính phủ vận động, dành kinh phí để người sử dụng lao động mạnh dạn trao việc làm người cao tuổi; tạo thêm nhiều khóa học về tất cả các lĩnh vực; bước đầu chuyển đổi hình thức các khóa học dành cho người cao tuổi sang hình thức học tập trực tuyến; (3) Kết nối là giúp người cao tuổi giữ mối quan hệ với gia đình, cộng đồng và đặc biệt là những người cao tuổi khác.

Cùng với Age Well SG, tháng 7/2023, Xinh-ga-po đã triển khai chiến lược mang tên “Healthier SG” hướng đến chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật cho người dân, trong đó ưu tiên người từ 40 tuổi trở lên. Live Well; Age Well; Healthier SG là các chính sách nổi bật được triển khai nhằm chủ động thích ứng với già hóa dân số ở Xinh-ga-po trong thời điểm hiện nay.

Chính sách chăm sóc và hỗ trợ người cao tuổi ở Xinh-ga-po

Theo khảo sát của Bloomberg, nước Cộng hòa Xinh-ga-po đã vượt qua Hồng Kông (Trung Quốc) để đứng đầu bảng xếp hạng về hệ thống chăm sóc sức khỏe hiệu quả nhất cũng như tăng chi tiêu Chính phủ cho dịch vụ y tế hỗ trợ người dân. Xinh-ga-po đứng thứ 1 trong số 51 quốc gia trong bảng xếp hạng hàng năm của Bloomberg3. Tiêu chí của cuộc khảo sát dựa vào các yếu tố bao gồm: tuổi thọ, chi phí chăm sóc sức khỏe theo tỷ lệ phần trăm của tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và tổng chi phí y tế tính trên mỗi người dân.

Những năm gần đây, Chính phủ Xinh-ga-po đã tăng ngân sách chi tiêu trong lĩnh vực y tế công do độ tuổi của lực lượng lao động đang già hóa và chính phủ phải đối mặt với áp lực chính trị trong việc giảm bớt gánh nặng cho những người dân có thu nhập thấp. Nhà nước sẽ trợ cấp cho một số chi phí y tế cơ bản, nếu người dân có nhu cầu sử dụng dịch vụ y tế cao cấp thì họ sẽ tự thanh toán chi phí cho dịch vụ cao cấp này.

Để tôn vinh những đóng góp của người cao tuổi trong việc xây dựng quốc gia, Chính phủ Xinh-ga-po đã bổ sung 14,1 tỷ đô-la Xinh-ga-po dành riêng cho người cao tuổi giúp họ yên tâm hơn về nhu cầu chăm sóc sức khỏe của mình. Người cao tuổi được hưởng thêm nhiều khoản nạp MediSave (quỹ tiết kiệm quốc gia mà tất cả các cá nhân có việc làm đều đóng góp trong suốt thời gian làm việc của họ), trợ cấp MediShield Life Premium (một chương trình bảo hiểm y tế thảm họa chi phí thấp) bổ sung và trợ cấp bổ sung cho dịch vụ chăm sóc ngoại trú tại phòng khám đa khoa, Phòng khám chuyên khoa ngoại trú công cộng và Phòng khám chương trình Hỗ trợ Y tế Cộng đồng (CHAS). Chính phủ cũng đã bổ sung 3.600 địa điểm chăm sóc ban ngày, 2.600 địa điểm chăm sóc tại nhà và 3.700 giường viện dưỡng lão kể từ năm 2015 để phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi4.

Song song với Healthier SG, tổ chức chăm sóc phòng ngừa cho tất cả người dân Xinh-ga-po, Chính phủ hiện nay đã đưa ra cách tiếp cận phù hợp nhằm hỗ trợ người cao tuổi già đi một cách tích cực và khỏe mạnh. Việc tăng cường các Trung tâm Lão hóa Hoạt động (AAC) là một trong những chiến lược quan trọng của Chính phủ. Trên website của AAC đã chia sẻ rằng: “Chúng tôi sẽ tăng cường các chương trình do AAC cung cấp thông qua các sáng kiến dựa trên bằng chứng được tiêu chuẩn hóa trong các lĩnh vực chính (ví dụ: xã hội, thể chất, nhận thức) để cải thiện khả năng tự quản lý sức khỏe của người cao tuổi. AAC sẽ khuyến khích người cao tuổi tham gia vào các hoạt động, chẳng hạn như bữa ăn chung, như một điểm khởi đầu để thúc đẩy các tương tác xã hội và giảm bớt sự cô lập với xã hội”.

Theo Thủ tướng Lý Hiển Long, Chính phủ Xinh-ga-po sẽ mở rộng mạng lưới các trung tâm dưỡng lão. Dịch vụ được cung cấp tại các trung tâm và phạm vi tiếp cận của trung tâm cũng sẽ được tăng cường. Tại đây, ngoài các buổi sinh hoạt chung về thể dục dưỡng sinh, khí công, còn có khóa học diễn xuất, ca hát, quay phim và các lớp trị liệu âm nhạc. Nghe lại những bài hát quen thuộc, tham gia các lớp học nghệ thuật giúp người cao tuổi cải thiện sức khỏe, đặc biệt là trí nhớ và có cơ hội theo đuổi niềm đam mê thời trẻ của mình.

Ngoài kế hoạch cải thiện dịch vụ tại các trung tâm dưỡng lão, Chính phủ Xinh-ga-po còn thúc đẩy chương trình chuyển đổi số cho người cao tuổi có tên gọi “Seniors Go Digital” (Người cao tuổi dùng kỹ thuật số). Theo đó, người cao tuổi có thể tham gia các lớp học kỹ năng cơ bản cần thiết ban đầu, bao gồm làm quen với giao diện điện thoại thông minh hoặc hiểu cách hoạt động của các ứng dụng. Tại các trung tâm cộng đồng kỹ thuật số Xinh-ga-po được thành lập ở từng khu dân cư, và trung tâm sinh hoạt cộng đồng người cao tuổi, các nhân viên xã hội có mặt để hướng dẫn trực tiếp 1-1 đối với từng người.

Chính phủ Xinh-ga-po đặc biệt quan tâm đến các chính sách và giải pháp để trợ giúp cho người cao tuổi. Năm 2018, AIC được chỉ định là cơ quan duy nhất điều phối việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc người già và để tăng cường phát triển dịch vụ và xây dựng năng lực trên cả lĩnh vực y tế và xã hội. Hiện nay, AIC tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được giao và tìm cách tạo ra một cộng đồng chăm sóc sôi động cho phép người dân của Xinh-ga-po sống tốt và già đi một cách duyên dáng. AIC hợp tác chặt chẽ với các đối tác của Community Care trong việc hỗ trợ họ phát triển dịch vụ và xây dựng năng lực nhân lực để nâng cao chất lượng chăm sóc và đưa hỗ trợ chăm sóc đến gần hơn với những người cần. Văn phòng Thế hệ Tiên phong được đổi tên thành Văn phòng Thế hệ Bạc và gia nhập AIC cùng năm 2018.

Văn phòng Thế hệ Bạc (SGO) là cơ quan tiếp cận cộng đồng của Cơ quan Chăm sóc Tích hợp (AIC). Thông qua các tình nguyện viên được gọi là Đại sứ Thế hệ Bạc (SGA), SGO xây dựng mối quan hệ và sự tin tưởng với người cao niên thông qua các chuyến thăm trực tiếp và gọi điện thoại được cá nhân hóa. SGO hỗ trợ người cao tuổi bằng cách hiểu nguyện vọng và nhu cầu chăm sóc sức khỏe của họ, chia sẻ với họ những lời khuyên về sức khỏe phòng ngừa và kết nối họ với các dịch vụ chăm sóc và hỗ trợ có liên quan. Nhiệm vụ của SGO là giúp người cao tuổi tham gia vào chương trình lão hóa tích cực; kết bạn; xây dựng các chương trình chăm sóc và hỗ trợ; truyền đạt các chính sách và kế hoạch của Chính phủ…

Văn phòng Thế hệ Bạc (SGO) gồm có các tình nguyện viên tham gia chăm sóc người cao niên tại nhà hoặc tại các địa điểm cộng đồng để thực hiện các chính sách và đề án của Chính phủ cũng như các hoạt động cộng đồng và dịch vụ y tế dễ dàng tiếp cận hơn cho người già. Điều kiện để trở thành tình nguyện viên của SGO là người đăng ký phải từ 18 tuổi trở lên; có kiến ​​thức cơ bản về máy tính; là công dân Xinh-ga-po hoặc người thường trú ở Xinh-ga-po; có kỹ năng đàm thoại và viết tốt bằng tiếng Anh và một ngôn ngữ hoặc phương ngữ tiếng mẹ đẻ.

Đề xuất chính sách thích ứng với già hóa dân số ở Việt Nam

Việt Nam bắt đầu giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 với số người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) chiếm 7% tổng dân số. Năm 2021, số người cao tuổi Việt Nam chiếm 8,3% tổng dân số. Theo dự báo, số người cao tuổi của Việt Nam sẽ tăng lên 16,8 triệu người vào năm 2039 và đạt 25,2 triệu người vào năm 2069. Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già từ năm 2036, khi đó, tỷ trọng nhóm dân số trên 65 tuổi có tỷ lệ 14,2% tổng dân số. Sau 20 năm tiếp theo (2036-2055), Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số siêu già. Tỷ trọng nhóm dân số từ 65 tuổi trở lên năm 2056 và năm 2069 lần lượt chiếm 21,1% và 21,5% tổng dân số5.

Từ thực tiễn về chính sách thích ứng với già hóa dân số và chính sách chăm sóc hỗ trợ người cao tuổi ở Xinh-ga-po, Việt Nam có thể học hỏi được kinh nghiệm, mô hình, cách làm và sự sáng tạo trong xây dựng và hoạch định chính sách thích ứng với già hóa dân số. Chẳng hạn, như: việc xây dựng chính sách, chương trình cũng như hoạt động can thiệp tại địa phương; việc chăm sóc y tế đến chăm sóc xã hội và lồng ghép các vấn đề già hóa dân số vào các chương trình phát triển kinh tế – xã hội; việc chăm sóc lão khoa, việc phát huy vai trò và chăm sóc người cao tuổi tại gia đình và cộng đồng. Một số chính sách cụ thể có thể tham khảo:

Một là, tăng tuổi nghỉ hưu đối với một số ngành nghề đặc biệt; có chính sách hỗ trợ cho người cao tuổi tham gia lại thị trường lao động (hỗ trợ về bảo hiểm, chế độ cho người lao động và hỗ trợ cho doanh nghiệp, đơn vị tiếp nhận lao động là người cao tuổi).

Hai là, tăng cường chính sách bảo hiểm y tế toàn dân, đặc biệt bảo hiểm y tế dành cho người già neo đơn, gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, nhóm yếu thế… với mục tiêu người già có quyền và có cơ hội tiếp cận và hưởng các chính sách y tế của Nhà nước.

Ba là, phát triển về số lượng và chất lượng các nhà dưỡng lão; nhà sinh hoạt cộng đồng để người cao tuổi có cơ hội sinh hoạt, giao lưu, học tập tại nơi cư trú.

Bốn là, phát triển đội ngũ tình nguyện viên trong việc truyền thông, hướng dẫn và giúp đỡ người cao tuổi trong cộng đồng.

Chú thích:
1. Vấn đề già hóa dân số ở Việt Nam và bài học kinh nghiệm ứng phó với già hóa dân số tại một số quốc gia. https://sti.vista.gov.vn, truy cập ngày 20/9/2023.
2. Xinh-ga-po sẵn sàng bước vào giai đoạn dân số siêu già, https://nhandan.vn, ngày 01/6/2023.
3. Xinh-ga-po số 1, Việt Nam xếp 62 trong bảng xếp hạng sức khỏe. https://tuoitre.vn, ngày 03/11/2015.
4. Người Xinh-ga-po thọ trung bình lên tới 84,79 tuổi. https://vtc.vn, ngày 18/9/2019.
5. Việt Nam chuẩn bị bước vào thời kỳ dân số già. https://dantri.com.vn, ngày 29/8/2023.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I, II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.
2. Hiến pháp năm 2013.
3. Luật Người cao tuổi năm 2009.
4. Tài liệu chương trình tập huấn chính sách công do Quỹ Temasek – Trường Công vụ Xinh-ga-po và Học viện Hành chính Quốc gia phối hợp tổ chức, năm 2022.
ThS. Nguyễn Thị Thu Hà
Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh