Kinh nghiệm quản lý nhà nước về kiểm định chất lượng giáo dục của một số nước trên thế giới và giá trị tham khảo cho Việt Nam

(Quanlynhanuoc.vn) – Tại khoản 2 Điều 2 Thông tư số 61/2012/TT-BGDĐT ngày 28/12/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định điều kiện thành lập và giải thể, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức kiểm định giáo dục, theo đó, kiểm định chất lượng giáo dục là hoạt động đánh giá và công nhận mức độ thực hiện mục tiêu, chương trình, nội dung giáo dục đối với nhà trường và cơ sở giáo dục khác. Kết quả kiểm định chất lượng giáo dục tốt sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của cả nước nói chung và tại từng cơ sở giáo dục – đào tạo nói riêng.
Ảnh minh họa (internet).
Đặt vấn đề

Ở Việt Nam, kiểm định chất lượng giáo dục đại học được định nghĩa là hoạt động đánh giá và công nhận mức độ cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành1. Trên thế giới, kiểm định chất lượng (accreditation) là một trong các phương thức bảo đảm chất lượng giáo dục đại học, cùng với các phương thức khác là bảo đảm chất lượng (quality assurance), đánh giá chất lượng (assessment) và kiểm toán chất lượng (audit)2.

Kiểm định chất lượng giáo dục có nguồn gốc từ Hoa Kỳ và Bắc Mỹ từ hơn 100 năm nay và đang được nhiều nước sử dụng. Nguyên tắc của kiểm định chất lượng giáo dục là độc lập trong đánh giá và đưa ra quyết định, không bị chi phối bởi các cơ quan khác. Đối tượng kiểm định chất lượng giáo dục là các cơ sở giáo dục (nói chung, trong đó có đào tạo đại học), các chương trình giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp. Kiểm định chất lượng giáo dục nhằm góp phần bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo dục; xác nhận mức độ cơ sở giáo dục đáp ứng mục tiêu đề ra trong từng giai đoạn nhất định; làm căn cứ để cơ sở giáo dục giải trình với các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và xã hội về thực trạng chất lượng đào tạo; làm cơ sở cho người học lựa chọn cơ sở giáo dục và nhà tuyển dụng lao động tuyển chọn nhân lực.

Quy trình kiểm định chất lượng thường bao gồm ba bước: (1) Cơ sở giáo dục tự đánh giá; (2) Đánh giá ngoài của đoàn đánh giá do tổ chức hoặc cơ quan kiểm định lựa chọn; (3) thẩm định kết quả của hội đồng kiểm định3. Ở đa số các quốc gia trên thế giới, kiểm định chất lượng giáo dục được thực hiện bởi 3 chủ thể khác nhau là: Nhà nước (thường thông qua một tổ chức được Nhà nước trao quyền, ủy quyền); tổ chức tư nhân và tổ chức nước ngoài.

Quản lý nhà nước về kiểm định chất lượng giáo dục đại học ở Ốt-xtrây-li-a

Để được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục đại học, các cơ sở giáo dục ở Ốt-xtrây-li-a phải đăng ký và được thẩm duyệt bởi Cơ quan Tiêu chuẩn và Chất lượng giáo dục đại học (Tertiary Education Quality and Standards Agency: TEQSA). TEQSA được thành lập bởi Chính phủ Ốt-xtrây-li-a vào năm 2011 nhằm bảo đảm các trường đại học đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng tối thiểu, thúc đẩy các điển hình tốt và qua đó nâng cao chất lượng của giáo dục đại học nói chung4.

Năm 2012, chức năng kiểm định của TEQSA được thể chế hóa bằng Luật Quản lý tiêu chuẩn và Chất lượng giáo dục đại học (TEQSA Act) và Luật Dịch vụ giáo dục dành học sinh nước ngoài (The Education Services for Overseas Students Act: ESOS Act). Ngoài ra, TEQSA cũng kiểm soát các cơ sở giáo dục đại học trong việc tuân thủ Khung tiêu chuẩn giáo dục đại học (The Higher Education Standards Framework).

Năm 2013, trong báo cáo đánh giá quy định pháp luật về giáo dục đại học, nhiều cơ sở phản ánh có bất cập trong trình tự và phương pháp kiểm định của TEQSAQ. Để khắc phục vấn đề này, khung tiêu chuẩn giáo dục đại học đã được xem xét sửa đổi và thông qua vào năm 2015 (có hiệu lực kể từ tháng 01/2017). Luật Quản lý Tiêu chuẩn và Chất lượng giáo dục đại học cũng được xem xét, lấy ý kiến sửa đổi trong giai đoạn 2016 – 2017. Năm 2019, dự luật mới trên cơ sở tiếp thu các ý kiến này đã được đệ trình lên Quốc hội Ốt-trây-li-a. Tháng 6/2020, Chính phủ Ốt-xtrây-lia-a đã thành lập một cơ quan Liêm chính giáo dục đại học trực thuộc TEQSA. Cơ quan này chịu trách nhiệm phát hiện, phân loại và phân tích các rủi ro trong thời đại mới có thể làm suy giảm chất lượng và tính liêm chính trong hoạt động đào tạo đại học (ví dụ: bản quyền tác giả, an toàn thông tin và an ninh mạng…) và đưa ra cách thức giải quyết đối với các vấn đề này.

Hoạt động kiểm định chất lượng do TEQSA quản lý và tổ chức thực hiện dựa trên các nguyên tắc cơ bản sau5: (1) Căn cứ theo các tiêu chuẩn rõ ràng, minh bạch và xem xét các rủi ro; (2) Xây dựng và thúc đẩy văn hóa tự kiểm định cho các cơ sở giáo dục thông qua hỗ trợ và nâng cao hiệu quả tự kiểm định của các cơ sở; (3) Nhà nước chỉ can thiệp trong trường hợp cần thiết nhằm phục vụ cho mục tiêu quản lý chất lượng ngành giáo dục đại học nói chung.

Các cơ sở và chương trình đào tạo được TEQSA kiểm định sẽ được đăng ký trên Sổ đăng ký quốc gia về các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục đại học (National Register of Higher Education Providers), gọi tắt là Sổ đăng ký quốc gia. Sổ đăng ký quốc gia là nguồn dữ liệu quốc gia toàn diện và tổng hợp về các trường đại học cũng như các chương trình đào tạo tại các trường đã được kiểm định bởi TEQSA và đang có hiệu lực thực hiện. Sổ đăng ký quốc gia được cập nhật thường xuyên, cho phép các đối tượng quan tâm có thể theo dõi, đánh giá, so sánh giữa các cơ sở giáo dục đại học và các chương trình đào tạo. Những thông tin đăng tải trên Sổ đăng ký quốc gia là nguồn tham khảo của người học trước khi xem xét đăng ký vào một ngành học, trường đại học tại Ốt-xtrây-li-a6.

Ngoài việc được kiểm định bởi TEQSA, các cơ sở giáo dục có thể nộp đơn đăng ký để được trao quyền tự kiểm định chương trình đào tạo của mình. Quyền tự kiểm định có thể được cấp cho một hoặc tất cả chương trình đào tạo, cho các chương trình đang triển khai thực hiện và thậm chí là chương trình mà trường dự kiến sẽ mở trong tương lai. Khi đã được cấp quyền tự kiểm định, cơ sở giáo dục sẽ chịu trách nhiệm tuân thủ các khung khổ pháp lý có liên quan, bảo đảm để các chương trình đào tạo của mình phù hợp với khung tiêu chuẩn giáo dục đại học của Ốt-xtrây-li-a cho đến khi quyết định dừng chương trình.

Quản lý nhà nước về kiểm định chất lượng giáo dục đại học ở Hoa Kỳ

Khác với Ốt-xtrây-li-a, công tác kiểm định chất lượng giáo dục ở Hoa Kỳ không do Chính phủ trực tiếp thực hiện mà được trao cho các tổ chức tư nhân (private agencies). Các tổ chức kiểm định tư nhân tập hợp lại thành hiệp hội các tổ chức thành viên và có thiết chế quản lý riêng biệt. Vai trò quản lý của Chính phủ được thể hiện thông qua việc cấp chứng nhận hợp pháp cho các tổ chức này.

Chính phủ Hoa Kỳ bắt đầu quan tâm tới công tác kiểm định chất lượng giáo dục vào năm 1952, thời điểm Chính phủ ban hành một Đạo luật7 hỗ trợ các quân nhân theo học đại học sau khi trở về nước sau Chiến tranh thế giới thứ 2 và Chiến tranh bán đảo Triều Tiên. Tính đến năm 1958, 7,8 triệu cựu chiến binh đã được học đại học và các trường cao đẳng chuyên nghiệp nhờ thụ hưởng chính sách từ đạo luật này8. Sự gia tăng nhu cầu học đại học trong bối cảnh đó dẫn đến việc Nhà nước chủ trương khuyến khích thành lập thêm các trường đại học và trung cấp chuyên nghiệp mới. Nhiều cơ sở giáo dục được thành lập và đặt ra quan ngại về chất lượng đào tạo. Do vậy, Luật Hỗ trợ quân nhân thời điểm đó quy định chỉ áp dụng chính sách hỗ trợ cho các cựu chiến binh đăng ký học tại các cơ sở giáo dục được Nhà nước Liên bang công nhận9.

Hiện nay, ở Hoa Kỳ có 2 chủ thể có thẩm quyền công nhận các tổ chức kiểm định có hiệu lực trên toàn lãnh thổ, trong đó một chủ thể thuộc Chính phủ Liên Bang là Bộ Giáo dục Hoa Kỳ (U.S Deparment Of Education: USDE). Chủ thể còn lại là Hội đồng Kiểm định giáo dục đại học (The Council for Higher Education Accreditation: CHEA). Một số cơ sở giáo dục đã đăng ký và được chứng nhận đủ thẩm quyền kiểm định chất lượng giáo dục bởi cả USDE và CHEA.

CHEA là một tổ chức phi lợi nhuận cấp quốc gia được thành lập vào năm 1996. Rất nhiều cơ sở giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp đang cấp bằng và chứng chỉ đào tạo ở Hoa Kỳ hiện nay là thành viên của CHEA. Mục đích hoạt động của CHEA là đầu mối liên kết và xây dựng hệ thống kiểm định các cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo Hoa Kỳ. Ba chức năng chính của CHEA là: (1) Đại diện cho quyền và lợi ích của các cơ sở giáo dục đã được kiểm định chất lượng; (2) Kiểm tra và cấp chứng nhận năng lực của các tổ chức kiểm định căn cứ theo các tiêu chuẩn đã được xác lập; (3) Diễn đàn trao đổi, cung cấp thông tin và tập huấn cho các tổ chức kiểm định thành viên về các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục.

Để được cấp chứng nhận năng lực kiểm định, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục phải cung cấp các tài liệu chứng minh các tiêu chuẩn của CHEA được tuân thủ chặt chẽ. Danh mục hồ sơ không cố định theo yêu cầu mà có thể có sự khác nhau giữa các loại cơ sở giáo dục hoặc chương trình đào tạo đã được kiểm định bởi tổ chức kiểm định đó. Chứng nhận của CHEA có thời hạn tối đa là 7 năm. Bốn tiêu chuẩn của CHEA, bao gồm: (1) Nâng cao chất lượng học thuật và có khả năng dẫn dắt người học đến thành công sau khi tốt nghiệp; (2) Thể hiện tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trước công chúng về hiệu quả hoạt động; (3) Duy trì cơ cấu tổ chức và đội ngũ nhân sự (kiểm định viên) có chất lượng; (4) Phù hợp với các tiêu chuẩn kiểm định quốc tế.

Trong 4 trụ cột này, CHEA nhấn mạnh đáng kể vào tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. Chính sách này được thể hiện qua việc CHEA yêu cầu các tổ chức kiểm định: (1) Phải công bố công khai thông tin cho người dân về kết quả đào tạo và thành tích của người học; (2) Công khai thông tin cho người dân về quyết định kiểm định đã được cấp và căn cứ để được kiểm định. Cả hai yêu cầu này đều nhằm mục đích nâng cao niềm tin của công chúng vào giá trị của kiểm định, khẳng định vai trò của kiểm định chất lượng giáo dục trong việc bảo đảm chất lượng học thuật trên cơ sở minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Nếu như hoạt động kiểm soát thông qua cấp chứng nhận cho các tổ chức kiểm định của CHEA hướng tới mục tiêu chuyên môn, đó là góp phần duy trì và nâng cao chất lượng học thuật, thì quản lý của Chính phủ Liên bang thông qua Bộ Giáo dục Hoa Kỳ (USDE) nhằm mục tiêu bảo đảm cho các cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo, thuộc đối tượng được thụ hưởng các chính sách tài trợ của Liên bang, hoạt động theo đúng định hướng mà các chính sách đó đã đề ra. Có thể nói, quản lý nhà nước về kiểm định chất lượng giáo dục không tập trung vào chất lượng đào tạo mà ở tính liêm chính trong việc sử dụng các khoản viện trợ, tài trợ từ ngân sách nhà nước.

Theo định hướng đó, một cơ sở giáo dục hoặc chương trình đào tạo muốn trở thành đối tượng được Chính phủ Hoa Kỳ tài trợ phải được kiểm định bởi một tổ chức kiểm định được USDE công nhận, phải thỏa mãn các tiêu chí liên quan tới cả thực trạng hoạt động cũng như kết quả đầu ra của hoạt động kiểm định, bảo đảm chất lượng và hiệu quả đào tạo của các cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo, cụ thể: cơ sở vật chất, vật tư, trang thiết bị; năng lực tự chủ tài chính phù hợp với quy mô hoạt động; hệ thống dịch vụ hỗ trợ người học; thực tiễn tuyển sinh, lịch học, thời khóa biểu, bảng điểm, danh mục tài liệu, học liệu phục vụ đào tạo; thiết kế chương trình học, cơ cấu các học phần, số tín chỉ, số tiết học của các học phần và của chương trình đào tạo nói chung; mục tiêu đầu ra của bằng cấp hoặc chứng chỉ cấp cho người học; quá trình tiếp nhận, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của người học hoặc của các câu lạc bộ, hội thuộc trường; kết quả kiểm toán và mức độ tuân thủ các nghĩa vụ pháp lý khác; mức độ phù hợp giữa thành tích, kết quả của sinh viên sau khi tốt nghiệp với sứ mệnh và các giá trị cốt lõi mà trường đã đặt ra; tỷ lệ hoàn thành chương trình đào tạo đúng thời hạn; tỷ lệ thành công ở các kỳ thi cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề; tỷ lệ tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp.

Các tiêu chí trên được áp dụng linh hoạt đối với các tổ chức kiểm định khác nhau. Là quốc gia có truyền thống kiểm định chất lượng giáo dục lâu đời, số lượng các tổ chức kiểm định hiện nay ở Hoa Kỳ rất lớn, ngoài ra còn có sự phân loại theo ngành/lĩnh vực10 và phân loại theo đối tượng kiểm định (tổ chức kiểm định cơ sở giáo dục – Institutional Accreditation và tổ chức kiểm định chương trình đào tạo – Programmatic Accreditation).

Giá trị tham khảo đối với quản lý nhà nước về kiểm định chất lượng giáo dục Việt Nam

Ở nước ta, bảo đảm chất lượng nói chung và kiểm định chất lượng giáo dục nói riêng còn tương đối mới mẻ so với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Ở cấp quốc gia, công tác này thực sự được quan tâm từ đầu năm 2002 bằng việc hình thành một đơn vị chuyên trách về vấn đề này trong Vụ Đại học, sau đó là Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Từ đó đến nay, hệ thống bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục liên tục được củng cố và phát triển theo xu thế chung của quốc tế.

Thứ nhất, kiểm định chất lượng giáo dục đại học Việt Nam hiện nay được thiết kế chủ yếu theo mô hình tập trung hóa11 tương tự Ốt-xtrây-li-a. Quản lý nhà nước với chủ thể chính là Bộ Giáo dục và Đào tạo, nắm giữ vai trò lớn từ việc xây dựng thể chế, thành lập trung tâm kiểm định quốc gia, xây dựng khung tiêu chuẩn và các quy định hướng dẫn tổ chức thực hiện kiểm định.

Về hệ thống tổ chức, Việt Nam hiện có 5 trung tâm kiểm định thuộc các cơ quan nhà nước là: Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội; Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh; Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, Đại học Đà Nẵng; Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, Đại học Vinh; Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục trực thuộc Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.

Ngoài ra, có 2 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục tư nhân gồm: Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục Sài Gòn (Công ty Cổ phần đầu tư giáo dục TP. Hồ Chí Minh); Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục Thăng Long (Công ty Cổ phần đầu tư giáo dục Hà Nội). Từ tháng 6/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết định cho phép thêm 3 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài hoạt động tại Việt Nam là: FIBAA, AQAS và ASIIN12. Nhìn chung, kiểm định chất lượng giáo dục do Nhà nước thực hiện vẫn chiếm vị thế lớn hơn so với kiểm định chất lượng giáo dục tư nhân và nước ngoài. Các trung tâm kiểm định thuộc Nhà nước hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào Bộ Giáo dục và Đào tạo về cơ cấu tổ chức, ngân sách để duy trì hoạt động và cả nguồn nhân lực. Sự phụ thuộc này có thể dẫn đến việc thiếu khách quan trong kết quả đánh giá và kiểm định. Thực trạng này trái ngược với thông lệ chung về bảo đảm chất lượng quốc tế, bởi tính độc lập trong công tác kiểm định luôn được xem là nguyên tắc cốt lõi.

TEQSA được Chính phủ Ốt-xtrây-li-a thành lập nhưng về cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động có sự độc lập tương đối với Bộ Giáo dục (Department of Education) của nước này. Việt Nam có thể học học từ trường hợp này cũng như nhiều quốc gia khác, nhằm nâng cao tính tự chủ và độc lập trong hoạt động của các trung tâm kiểm định thuộc Nhà nước. Tuy nhiên, thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào ngân sách nhà nước, giải pháp của Hoa Kỳ có 4 nguồn tài chính13 mà tổ chức kiểm định có thể tiếp cận để giải quyết  nhu cầu tự chủ tài chính và bảo đảm tính độc lập của các tổ chức kiểm định nhằm giảm sự phụ thuộc vào ngân sách nhà nước – điều kiện quan trọng để hướng tới việc độc lập trong hoạt động.

Thứ hai, Việt Nam có thể học hỏi là nâng cao tính chuyên môn trong công tác kiểm định. Các trung tâm kiểm định thuộc Nhà nước hiện nay thực hiện kiểm định cho cả cơ sở giáo dục, chương trình đào tạo và đều sử dụng một bộ tiêu chuẩn đánh giá. Điều này đồng nghĩa kiểm định chương trình đào tạo thực chất không phải là kiểm định chất lượng mang tính chuyên môn, bởi không phản ánh được nội dung của một chương trình hay chuyên ngành cụ thể. Trong khi đó, theo thông lệ chung quốc tế, mục đích quan trọng nhất của kiểm định chất lượng chương trình đào tạo là để đánh giá chương trình đó tốt nhất và phù hợp nhất cho sinh viên bước vào nghề nghiệp tương ứng hay không.

Việt Nam cần tham khảo kinh nghiệm của các nước phát triển như Hoa Kỳ khi xây dựng hệ thống các tổ chức kiểm định theo từng chuyên ngành cụ thể: kỹ thuật, sức khỏe, tài chính… Theo đó, Nhà nước có thể xem xét việc mở rộng thêm nhiều bộ, ngành cùng tham gia vào công tác kiểm định chất lượng giáo dục, thay vì chỉ tập trung hoàn toàn vào Bộ Giáo dục và Đào tạo – chủ thể mà công tác quản lý kiểm định chất lượng giáo dục không mang nhiều yếu tố chuyên môn.

Thứ ba, theo kinh nghiệm của Ốt-xtrây-li-a, Nhà nước chủ trương xây dựng và thúc đẩy văn hóa tự kiểm định cho các cơ sở giáo dục thông qua hỗ trợ và nâng cao hiệu quả tự kiểm định của các cơ sở. Nhìn chung, việc đẩy mạnh cơ chế tự kiểm tra, tự đánh giá nội bộ tổ chức, đơn vị đã trở thành xu thế chung trên thế giới trong tất cả lĩnh vực, ngành nghề. Hoạt động thanh tra, kiểm tra từ phía cơ quan nhà nước chỉ đóng vai trò giám sát hoặc đánh giá lại quá trình tự tuân thủ của các đối tượng quản lý. Hoạt động tự đánh giá ở các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp được triển khai khá mạnh ở Việt Nam trong những năm qua và cần tiếp tục được duy trì trong thời gian tới.

Thứ tư, đối với công tác quản lý các tổ chức kiểm định ngoài nhà nước, Nhà nước cần hướng đến mô hình kiểm soát mang tính chất toàn diện, bao quát các vấn đề từ cơ cấu tổ chức, chất lượng đội ngũ kiểm định viên đến các yếu tố đầu ra của hoạt động kiểm định. Ở các quốc gia như Hoa Kỳ, sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống kiểm định tư nhân được Nhà nước giám sát theo phương thức “hậu kiểm” tức là thông qua việc xem xét, đánh giá lại kết quả hoạt động của các cơ sở giáo dục và hiệu quả của các chương trình đào tạo đã được kiểm định. Việt Nam có thể xem xét vấn đề này bởi thị trường các tổ chức hoặc công ty kiểm định chất lượng giáo dục có thể sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

Kết luận

Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kiểm định chất lượng giáo dục. Hợp tác quốc tế trong bảo đảm chất lượng giáo dục nói chung và kiểm định chất lượng giáo dục có ý nghĩa quan trọng đối với những nước mới triển khai xây dựng hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục quốc gia như Việt Nam. Quá trình hợp tác có thể thực hiện ở mức tư vấn, trao đổi kinh nghiệm; hoặc cao hơn, có thể ở mức tập huấn, đào tạo chuyên gia, cao hơn nữa có thể tham gia đánh giá ngoài, mức cao nhất có thể tham gia đưa ra các quyết định công nhận các cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn chất lượng nhằm đạt được sự công nhận quốc tế.

Chú thích:
1. Khoản 3 Điều 2 Thông tư số 12/2017/TT-BGDĐT ngày 19/5/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học.
2. Nguyễn Hữu Cương. Phân biệt 3 mô hình đảm bảo chất lượng giáo dục đại học: Kiểm định chất lượng, đánh giá chất lượng và kiểm toán chất lượng. Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội: Nghiên cứu giáo dục. Tập 33, số 01 (2017) 91 – 96.
3. Vlăsceanu, L., Grünberg, L., & Pârlea, D. Quality assurance and accreditation: a glossary of basic terms and definitions, UNESCO-CEPES, Bucharest, 2007.
4, 6. https://www.teqsa.gov.au/national-register, truy cập ngày 05/10/2023.
5. Our approach quality assureance and regulation. https://teqsa.gov.au, last updated 10 Jan 2023.
7. Tên gốc của đạo luật là Servicemen’s Readjustment Act .
8. Bound, J., & Turner, S. E. (2002). Going to War and Going to College: Did the World War II and the G.I. Bill Increase Educational Attainment for Returning Veterans? Journal of Labor Economics, 20, 784 – 815.
9. Jane V. Wellman. Recognition of Accreditation Organizations: A Comparison of Policy & Practice of Volungtary Accreditation and The United States Department of Education, An Advisory White Paper prepared for the Council for Higher Education Accreditation (1998).
10. Ví dụ đối với ngành dinh dưỡng học có Hội đồng Kiểm định Giáo dục về Dinh dưỡng và Ăn kiêng thuộc Học viện Dinh dưỡng và Chế độ ăn kiêng; trong lĩnh vực điều dưỡng có Ủy ban Kiểm định điều dưỡng (National League for Nursing Accrediting Commission) thuộc Liên đoàn quốc gia về điều dưỡng (The National League for Nursing).
11. Nguyen Huu Cuong, Stephen J. Marshall, Collin W. Evers, Higher Education Quality Assurance and Accreditation Implementation in Several Countries across the World and Lessons Learned for Vietnam, Vietnam Journal of Education. 2021, Volume 5, issue, 11 – 17.
12. Cho phép 3 tổ chức kiểm định giáo dục nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. https://baochinhphu.vn, ngày 17/6/2021.
13. Bốn nguồn tài chính này là: (1) Phí đóng góp hàng năm từ các cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo được kiểm định; (2) Phí dịch vụ kiểm định thu được từ việc kiểm định trực tiếp; (3) Tài trợ thường xuyên từ các tổ chức khác; (4) Các sáng kiến có giá trị ứng dụng cao được tài trợ đặc biệt bởi Chính phủ hoặc các doanh nghiệp. Eaton, J. (2015). An overview of U.S. accreditation. Washington D.C.: Council for Higher Education Accreditation.
ThS. Lê Thị Thanh Trang
Học viện Hành chính Quốc gia