Thực hiện tốt công tác an sinh xã hội để phát triển nhanh và bền vững –  góc nhìn từ tỉnh Bắc Ninh

ThS. Lê Thị Vân Huyền
Học viện Hành chính Quốc gia
(Quanlynhanuoc.vn) – Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định an sinh xã hội là một trong những lĩnh vực quan trọng để đạt hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Những năm qua, cùng với các tỉnh, thành phố trên cả nước, Bắc Ninh đã chú trọng thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về an sinh xã hội, qua đó củng cố niềm tin của người dân, bảo đảm sự ổn định chính trị, kinh tế và nâng cao chất lượng các mặt của đời sống xã hội. Những kết quả về lao động, việc làm, giảm nghèo, thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hỗ trợ về nhà ở xã hội, trợ giúp người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, về y tế, giáo dục… đã đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển nhanh và bền vững về kinh tế – xã hội của tỉnh Bắc Ninh.
Việc triển khai các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh

Việc ban hành các chính sách an sinh xã hội.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: “Chú trọng nâng cao phúc lợi xã hội, an sinh xã hội, tiếp tục bảo đảm những nhu cầu cơ bản, thiết yếu của Nhân dân về nhà ở, đi lại, giáo dục, y tế, việc làm…”1. Để thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, những năm qua, tỉnh Bắc Ninh đã kịp thời ban hành nhiều chính sách phù hợp, như: Nghị quyết số 154/2018/NQ-HĐND ngày 06/12/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định mức hỗ trợ xây dựng nhà ở đối với người có công và hộ nghèo khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh; Văn bản số 454/SLĐTBXH-BTXH ngày 18/3/2019 của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Ninh về việc triển khai xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách an sinh xã hội; gửi các sở: Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Văn hóa thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bảo hiểm xã hội tỉnh đề nghị báo cáo nội dung đề xuất hoàn thiện hệ thống chính sách an sinh xã hội thuộc ngành quản lý. Căn cứ Kế hoạch số 83-KH/TU ngày 30/01/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030; Kế hoạch số 121/KH-UBND ngày 11/4/2023 của Ủy ban nhân dân về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2023 – 2025 định hướng đến năm 2030…

Việc triển khai thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Cùng với việc chỉ đạo đẩy mạnh công tác huy động các tổ chức và cá nhân tích cực tham gia công tác an sinh xã hội, giúp đỡ người có công, hộ nghèo, đối tượng yếu thế, tỉnh còn quan tâm, hỗ trợ người dân về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tạo những điểm tựa an sinh vững chắc cho người dân.

Hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ đối tượng chính sách, yếu thế trong xã hội… được quan tâm, thể hiện bằng những cơ chế, chính sách và hoạt động cụ thể. Nhiều chính sách hỗ trợ luôn ở mức cao hơn quy định chung của cả nước, như: trợ cấp xã hội hằng tháng, hỗ trợ kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho người cao tuổi; hỗ trợ người nghiện ma túy đi cai nghiện tập trung, cai nghiện ở cộng đồng; hỗ trợ trẻ em mổ tim bẩm sinh… nhờ đó, đã kịp thời động viên, khích lệ, chia sẻ những khó khăn, tạo điều kiện cho người dân vươn lên.

Đặc biệt, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” với nhiều hoạt động, như: hỗ trợ xây dựng cải thiện nhà ở, chăm sóc sức khỏe, ưu đãi tín dụng, thăm hỏi, tặng quà đối tượng và gia đình chính sách, chăm sóc phụng dưỡng Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng… được quan tâm đã thắp sáng truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân với những mất mát, hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc. Việc ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”, quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, quỹ “Chữ thập đỏ”, quỹ Khuyến học, khuyến tài… thu hút sự tham gia của hằng nghìn lượt tập thể, cá nhân mỗi năm. Các chương trình, phong trào thiện nguyện được tổ chức thường xuyên đã động viên, giúp đỡ để những người dân còn khó khăn, yếu thế thêm ấm lòng, quyết tâm vươn lên trong cuộc sống. Đây chính là những việc làm, những hành động nhân văn, giàu ý nghĩa được cấp ủy, chính quyền và Nhân dân Bắc Ninh phát huy và trở thành nét đẹp hằng ngày của người dân trong tỉnh.

Lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bắc Ninh và huyện Quế Võ trao hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết cho gia đình bà Nguyễn Thị Tuyết – xã Bằng An (Nguồn: http://baobacninh.com.vn).

Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, đối tượng bảo trợ xã hội đang thực hiện trợ cấp, trợ giúp cho nhóm người khuyết tật và người cao tuổi, nhóm đối tượng trẻ em không có nguồn nuôi dưỡng, nhóm người cao tuổi cô đơn thuộc hộ nghèo có xu hướng giảm nhẹ. Đến nay, bảo đảm có 100% đối tượng đủ điều kiện thuộc đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng được cấp thẻ bảo hiểm y tế để khám, chữa bệnh; hỗ trợ mai táng phí khi chết… Mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 – 2025 là 1,15%2.

Tỉnh cũng quyết liệt thực hiện các chính sách giải quyết việc làm cho người lao động thông qua chính sách tín dụng ưu đãi, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề, trang trại; hỗ trợ lao động bị mất việc làm, hỗ trợ học nghề miễn phí cho lao động đặc thù, hộ nghèo, lao động ở khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản,… Theo Kết luận số 239-KL/TU ngày 13/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, công tác đào tạo lao động, giải quyết việc làm được quan tâm và đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thị trường lao động. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị giảm từ 1,74% (năm 2020) xuống 1,72% (năm 2022). Số người lao động có việc làm tăng thêm là 89.162 người, trong đó số lao động đi làm việc ở nước ngoài là 1.262 người, số lao động được giải quyết việc làm thông qua quỹ cho vay giải quyết việc làm là 15.466 lao động3.

Đặc biệt, Bắc Ninh đã triển khai mạnh mẽ việc thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng và đạt nhiều kết quả quan trọng.

Tuy nhiên, chính sách người có công với cách mạng vẫn còn những hạn chế nhất định. Việc nghiên cứu xây dựng, ban hành và hướng dẫn thực hiện chính sách của các cấp chính quyền cơ sở trên địa bàn tỉnh chưa theo kịp với các yêu cầu của thực tiễn của địa phương, chưa chặt chẽ. Trong việc xác định đối tượng hỗ trợ còn thiếu khách quan, chưa thống nhất dẫn đến tình trạng khai khống hồ sơ, trục lợi chính sách vẫn còn xảy ra, gây bức xúc trong xã hội…

Một số vấn đề liên quan đến an sinh xã hội triển khai còn chậm và kéo dài, như: tạo việc làm và giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ hộ cận nghèo, tái nghèo còn cao; công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho người dân chưa đáp ứng được yêu cầu; chưa kiểm soát chặt chẽ về an toàn thực phẩm…

Tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp còn thấp. Thực tế đã xảy ra tình trạng nhiều hộ gia đình có điều kiện nhưng vẫn có tên trong danh sách được hỗ trợ của dự án giảm nghèo, còn các đối tượng yếu thế lại không có khả năng tiếp cận được chương trình an sinh và bảo hiểm xã hội.

Một số giải pháp nhằm bảo đảm bền vững, công bằng trong quá trình thực hiện an sinh xã hội

Thứ nhất, xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển bảo đảm an sinh xã hội cần phải dựa vào những điều kiện phù hợp của tỉnh cũng như sự đồng thuận của người dân, tổ chức và doanh nghiệp. Cần bảo đảm bền vững, công bằng trong quá trình thực hiện an sinh xã hội và cơ hội phát triển của người dân trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, các cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở cần chú trọng thực hiện tốt các mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội nhằm nâng cao mức thụ hưởng của người dân.

Thứ hai, đề cao trách nhiệm, nâng cao năng lực và tham gia thiết thực vào việc bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội của mọi chủ thể. Trong đó, khuyến khích phát triển các mô hình an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh và các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ công cộng theo cơ chế phi lợi nhuận, như: hưởng ứng vì người nghèo, phong trào tương thân tương ái, xây dựng nhà tình nghĩa…

Thứ ba, tiếp tục thực hiện tốt chủ trương hỗ trợ giải quyết cơ bản về nhà ở cho người nghèo, đặc biệt là người có công. Xây dựng và triển khai thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ phù hợp đối với người có công và thân nhân của họ về phát triển sản xuất, việc làm, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nhất là y tế, giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng; tạo điều kiện vay vốn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất – kinh doanh của thương bệnh binh và người có công với cách mạng.

Thứ tư, tăng cường các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” với nhiều hình thức phong phú, thiết thực. Cùng với đó, quan tâm giải quyết tình trạng lao động thất nghiệp ở nông thôn cần phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nhất là bảo đảm trợ giúp cho các nhóm đối tượng yếu thế.

Thứ năm, đẩy mạnh phát triển các dịch vụ xã hội để người dân có thể chữa bệnh, học tập, sinh hoạt… Các quỹ phúc lợi cần được công bố công khai, minh bạch mức thụ hưởng các phúc lợi xã hội và dịch vụ cơ bản tối thiểu của người dân; có chính sách hỗ trợ phù hợp cho các nhóm đặc biệt khó khăn, nhóm yếu thế (người cao tuổi, trẻ mồ côi, người khuyết tật…) trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông, cổng thông tin của tỉnh…

Thứ sáu, mở rộng thị trường lao động kết hợp với các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh. Trong đó, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với trách nhiệm của cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp tham gia đào tạo kỹ năng, tay nghề; đồng thời, hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp một cách thiết thực, hiệu quả.

Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam.Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 149.
2. Chất lượng, hiệu quả các chính sách về an sinh xã hội, việc làm trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh (kỳ 2). https://vienktxh.bacninh.gov.vn, ngày 09/01/2023.
3. Bắc Ninh thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội. http://baobacninh.com.vn, ngày 26/9/2023.
Tài liệu tham khảo:
1. Kế hoạch số 121/KH-UBND ngày 11/4/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2023 – 2025 định hướng đến năm 2030.
2. Luật Việc làm năm 2013.
3. Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
4. Luật Bảo hiểm y tế năm 2014.
5. Nghị Quyết số 15-NQ/TW, ngày 01/6/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020”.