Biện chứng giữa tri thức lý luận chính trị với công tác xây dựng, tổ chức lực lượng và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ Công an nhân dân trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Thượng tá, TS. Vũ Hoàng Toàn
Trường Đại học Cảnh sát nhân dân
(Quanlynhanuoc.vn) – Bài viết phân tích yêu cầu, nội dung và định hướng, giải pháp nhằm gắn kết giữa tri thức lý luận chính trị với tri thức và công tác nghiệp vụ của lực lượng Công an nhân dân trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình hiện nay.
Ảnh minh hoạ: hvcsnd.edu.vn.
Đặt vấn đề

Ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về “tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” (viết tắt là Nghị quyết 35), mở ra một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, góp phần thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Đảng ủy Công an Trung ương, các đảng bộ Công an địa phương và các tổ chức đảng trực thuộc cơ quan Bộ Công an đã lãnh đạo lực lượng Công an nhân dân chủ động, sáng tạo thực hiện Nghị quyết 35 bằng nhiều hình thức, cách làm hiệu quả.

Để góp phần thực hiện tốt Nghị quyết 35, qua đó tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng, chỉnh đốn nội bộ, góp phần nâng cao chất lượng của việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của các đơn vị trong lực lượng Công an nhân dân, các tổ chức cơ sở đảng, đặc biệt là cấp ủy, lãnh đạo các đơn vị cần quán triệt mối quan hệ biện chứng giữa tri thức lý luận chính trị với công tác xây dựng, tổ chức lực lượng và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ Công an nhân dân trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Những hạn chế trong kết hợp công tác tổ chức, xây dựng lực lượng với tri thức lý luận chính trị trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Qua quá trình tổ chức thực hiện công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của lực lượng Công an nhân dân cho thấy có lúc, có nơi, có biểu hiện thiếu gắn kết giữa lý luận chính trị với nghiệp vụ Công an nhân dân theo hai xu hướng:

Một là, tách rời tri thức lý luận chính trị khỏi phương thức, hình thức tổ chức lực lượng, biện pháp đấu tranh trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Hiện tượng này xuất hiện ở các cơ quan, đơn vị, cá nhân quá chú trọng về sử dụng tri thức lý luận chính trị, chưa gắn kết chặt chẽ giữa tri thức lý luận chính trị với việc vận dụng, sử dụng có hiệu quả tri thức, tổ chức lực lượng nghiệp vụ, nâng cao năng lực tư duy và kỹ năng mềm trong công tác. Đồng thời, còn biểu hiện ở tư duy kém hệ thống trong việc nối kết tri thức lý luận chính trị, mơ hồ về mục tiêu chính trị, tính chính trị chưa rõ ràng trong quá trình triển khai thực hiện công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Công tác lý luận chính trị là nhiệm vụ của toàn lực lượng công an nhân dân, không kể an ninh, cảnh sát, tình báo, xây dựng lực lượng hay hậu cần – kỹ thuật. Công tác lý luận chính trị là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cơ quan, đơn vị, được quy định rất rõ tại Thông tư số 51/2012/TT-BCA ngày 10/8/2012 của Bộ trưởng Bộ Công an. Đảng ủy Công an Trung ương đã ban hành Kế hoạch số 18-KH/ĐUCA ngày 19/02/2021 về công tác lý luận chính trị trong Công an nhân dân.

Hai là, biểu hiện tư duy giản đơn, cô lập lý luận khoa học an ninh trong phạm vi nghiên cứu phương thức, hình thức tổ chức lực lượng, biện pháp đấu tranh mà không chú trọng tri thức lý luận chính trị trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Hiện tượng này xảy ra ở các cơ quan, đơn vị, cá nhân chỉ chú trọng đến các vấn đề tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của lực lượng Công an, chỉ tập trung vào hoạt động tham mưu, tổ chức, xây dựng lực lượng, triển khai các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm phạm an ninh, trật tự; phương pháp, quy trình tổ chức lực lượng, hình thức triển khai các hoạt động nghiệp vụ mang nặng tính kỹ thuật trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Điều đó dẫn đến việc một số cán bộ, chiến sĩ dù nắm rất chắc quy định, quy trình đấu tranh, nhưng lại bỡ ngỡ, lúng túng, thiếu tự tin trong đấu tranh, giáo dục, thuyết phục các đối tượng chống đối, phản động. Đồng thời, khi cô lập phạm vi nghiên cứu của khoa học Công an, chưa chú trọng kết hợp sâu sắc, hiệu quả với tri thức lý luận chính trị, sẽ dẫn đến việc tách rời hình thức với nội dung, về lâu dài có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng trong nhận thức, khiến khoa học Công an bị “tầm thường hóa”.

Cả hai xu hướng trên đều phần nào phản ánh tư duy siêu hình trong nhận thức lý luận. Lý luận của khoa học Công an phải xuất phát từ thực tiễn, giải quyết và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; đồng thời, phải có tính vượt trước, dẫn dắt và soi đường cho thực tiễn. Khoa học Công an là tinh hoa trí tuệ của lực lượng Công an nhân dân.

Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền, là chủ thể chính trị duy nhất lãnh đạo sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Đảng trao cho Công an nhân dân vị trí tham mưu trọng yếu, nòng cốt trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự. Công an nhân dân vì vậy vừa là đối tượng lãnh đạo, vừa là bộ phận gắn bó máu thịt không thể tách rời với chủ thể lãnh đạo.

Công an nhân dân, cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân được coi là một bộ phận không thể tách rời của Đảng, trực tiếp phục vụ trong guồng máy, cơ cấu của hệ thống chính trị. Khoa học an ninh vì vậy phải có tính chính trị, tính Đảng sâu sắc.

Việc chỉ đề cập đến quan điểm chỉ đạo của Đảng trong phần “cơ sở chính trị” vẫn là thiếu sót trong tư duy về “lãnh đạo”. Bởi lãnh đạo không chỉ bằng hoạch định, ban hành chủ trương, đường lối mà còn bao hàm cả quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện hết sức phong phú, sinh động, sáng tạo của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp thông qua hệ thống các phương thức lãnh đạo của Đảng (bằng chính trị, tư tưởng, tổ chức và công tác cán bộ). Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với lực lượng Công an nhân dân và sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự.

Lý luận khoa học Công an là lý luận về đường lối và nghệ thuật lãnh đạo của Đảng, trong một lĩnh vực cụ thể. Khoa học Công an nếu không đề cập đến quá trình, đúc rút kinh nghiệm, đưa ra dự báo và giải pháp cho hoạt động lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp (trong thực thi nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự), sẽ thiếu tính toàn diện, phản ánh chưa chính xác các mối quan hệ lớn trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Gắn chặt lý luận chính trị với công tác chuyên môn, hoạt động phong trào, đoàn thể của các tổ chức cơ sở đảng, cơ quan, đơn vị trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch

Tham gia vào công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch tại các cơ quan, đơn vị là toàn bộ tập thể, cá nhân, các bộ phận cấu thành của cơ quan, đơn vị đó; trong đó, hạt nhân lãnh đạo ở cơ sở là các tổ chức cơ sở đảng. Cấp ủy các tổ chức cơ sở đảng phải tự quán triệt, nhận thức nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch như một nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, lâu dài của tổ chức đảng, đồng thời là một nhiệm vụ chính trị quan trọng của từng bộ phận của các cơ quan, đơn vị. Cần tránh tư tưởng cho rằng, việc thực hiện Nghị quyết 35 tương tự như một phong trào, cuộc vận động… có tính chất ngắn hạn. Cần khuyến khích các cách làm hay, sáng tạo và nhân rộng các điển hình tiêu biểu trong các cơ quan, đơn vị.

Để bảo đảm tính hệ thống và chiều sâu của khoa học nghiệp vụ, phải nhất quán quan điểm có tính cốt lõi là yêu cầu chính trị của nghiệp vụ Công an. Suy đến cùng, nghiệp vụ Công an là nghiệp vụ chính trị; lý luận về nghiệp vụ Công an là đúc kết các quy luật và giải pháp cho việc bảo vệ đường lối cách mạng của Đảng trong quá trình lãnh đạo Nhà nước và xã hội trên từng lĩnh vực cụ thể. Trong chính trị phải có nghiệp vụ và nghiệp vụ không thể tách rời chính trị.

Việc thực hiện Nghị quyết 35 tại các cơ quan, đơn vị không chỉ chú trọng vào bề nổi, mà phải đồng thời gắn chặt với việc thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 09/02/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới, Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 09/10/2014 của Bộ Chính trị về công tác lý luận và định hướng đến năm 2030.

Coi trọng công tác xây dựng Đảng làm nền tảng cho quá trình thực hiện mọi nhiệm vụ chính trị, cụ thể:

Đảng ta là một đảng cầm quyền, “những thành tựu và yếu kém trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc gắn liền với trách nhiệm lãnh đạo của Đảng và những ưu, khuyết điểm trong công tác xây dựng Đảng”1. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: Chiến lược phát triển tổng thể của đất nước ta là đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển nhanh và bền vững đất nước; bảo đảm gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó: “xây dựng Đảng là then chốt”2.

Đảng ủy các cơ quan, đơn vị cần đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng, khẩn trương, quyết liệt ban hành nhiều chỉ thị về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đặc biệt, công tác chính trị tư tưởng cần được chú trọng thực hiện bằng nhiều hình thức, cách làm phong phú, sáng tạo để tạo môi trường, điều kiện, động lực thuận lợi cho sự phát triển của các tổ chức cơ sở đảng.

Cấp ủy các tổ chức cơ sở đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, người đứng đầu tổ chức quần chúng phải đặc biệt nêu gương, đặt công tác xây dựng đảng bộ, chi bộ mình vào vị trí trung tâm trong chỉ tiêu thực hiện nhiệm vụ quản lý của cá nhân. Cần phát động, tổ chức quán triệt một cách phù hợp, chủ động, sáng tạo các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng vào cơ quan, đơn vị, tổ chức; phát huy tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên.

Tổ chức đảng phải tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thông qua các hình thức, phương thức, biện pháp phù hợp để huy động sức mạnh tổng hợp mọi nguồn lực, trí tuệ, cơ chế, chính sách phục vụ cuộc đấu tranh phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Tiếp tục nghiên cứu cụ thể hóa đầy đủ các quan điểm chỉ đạo của Đảng về đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng, coi trọng việc xây dựng đội ngũ cán bộ, mô hình, phương thức, biện pháp và cơ chế đấu tranh phù hợp với từng loại đối tượng, trên từng vấn đề, ở từng thời điểm.

Tìm cơ chế, biện pháp, hình thức tổ chức đấu tranh, tuyên truyền phù hợp, tập trung lực lượng mũi nhọn đấu tranh trong từng thời điểm, với từng loại đối tượng, từng vấn đề cụ thể, không để dàn trải, chồng chéo, thậm chí trái chiều nhau.

Kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch với công tác bảo vệ chính trị nội bộ, phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống trong nội bộ, hạn chế đến mức thấp những nhân tố bất ổn từ bên trong.

Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đảng toàn tập. Tập 60. H. NXB. Chính trị quốc gia, 2016 tr. 153.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I. H. NXB. Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 33-34.
Tài liệu tham khảo:
1. Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 09/02/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới.
2. Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 09/10/2014 của Bộ Chính trị về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030.
3. Thông tư số 51/2012/TT-BCA ngày 10/8/2012 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chế độ học tập lý luận chính trị trong Công an nhân dân.
4. Kế hoạch số 18-KH/ĐUCA ngày 19/02/2021 của Đảng ủy Công an Trung ương về công tác lý luận chính trị trong Công an nhân dân.