Phát huy nội lực của con người trong lịch sử dân tộc Việt Nam thế kỷ XVII-XVIII với công cuộc đổi mới ở Việt Nam hiện nay

ThS. Trần Nguyễn Sĩ Nguyên
Trường Đại học Cảnh sát nhân dân
(Quanlynhanuoc.vn) – Phát huy nội lực của con người là một trong những vấn đề quan trọng được đặt ra xuyên suốt trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Từ phân tích giá trị tư tưởng phát huy nội lực của con người trong lịch sử dân tộc Việt Nam thế kỷ XVII-XVIII liên hệ với công cuộc đổi mới ở Việt Nam hiện nay. Bài viết dựa trên cách tiếp cận triết học, trên cơ sở phương pháp luận biện chứng duy vật, cùng với việc vận dụng các phương pháp cụ thể khác (như: phương pháp giá trị để gạn lọc những tinh hoa tư tưởng của thời đại; phương pháp lịch sử và phương pháp logic; phương pháp so sánh…) để làm rõ đối tượng nghiên cứu.
Ảnh minh hoạ.
Đặt vấn đề

Lịch sử dân tộc phương Đông nói chung, Việt Nam nói riêng chứa đựng tinh hoa tư tưởng, chiến lược thực tiễn trong việc khơi dậy và phát huy nội lực của con người. Đặc biệt, trong những thời điểm Việt Nam đối đầu với các thế lực ngoại xâm, sự tương quan lực lượng không thể xem xét ở khía cạnh vật chất (ở số lượng binh lực và vũ khí) mà phải xem xét ở khía cạnh tinh thần (được vật chất hóa) – việc phát huy nội lực của con người càng được chú trọng và trên thực tế đã mang lại thành quả to lớn cho nền độc lập cho dân tộc, hạnh phúc cho Nhân dân Việt Nam hiện nay.

Các nhà tư tưởng của thế kỷ XVII-XVIII cũng nhìn nhận con người là lực lượng vật chất đặc biệt, có nguồn nội lực to lớn thậm chí xuất phát từ bản tính mà trời đất ban cho, có khả năng hấp thu tinh hoa của trời đất mà trở nên hoàn thiện. Mặc dù bối cảnh xã hội Việt Nam giai đoạn XVII-XVIII có nhiều thăng trầm, việc phát huy nội lực của con người chưa thực sự được triển khai hoàn toàn trên thực tiễn, nhưng các tư tưởng của giai đoạn này đã có những tư tưởng, kiến giải sâu sắc, có ý nghĩa vận dụng trong giai đoạn hiện nay.

Tình hình kinh tế – xã hội Việt Nam trong thế kỷ XVII-XVIII và vấn đề đặt ra với phát huy nội lực của con người

Hoàn cảnh lịch sử Việt Nam vào thế kỷ XVII-XVIII đặc trưng bởi sự tồn tại của thời kỳ Trịnh – Nguyễn phân tranh và sự ra đời, phát triển, sụp đổ của triều Tây Sơn. Vấn đề phát huy nội lực của con người trong lịch sử dân tộc Việt Nam thế kỷ XVII-XVIII cần được đặt trong bối cảnh lịch sử đương thời để nắm được các yêu cầu đặt ra và những chiến lược, tư tưởng nhằm giải quyết các yêu cầu đó như Lê Quý Đôn từng đề cập: “khi thả tâm tư vào thời đại ấy, đặt mình vào hoàn cảnh ấy, thường thấy cảm khái [trước việc của] đời xưa”1. Xã hội Việt Nam thế kỷ XVII-XVIII luôn trong trạng thái bị xáo trộn và biến chuyển về mặt chính trị liên tục với những cuộc chiến tranh, bạo loạn, chính biến không ngừng nghỉ. Đó là giai đoạn tiếp nối từ thời kỳ Nam – Bắc triều chuyển giao sang tình trạng phân chia Đàng trong – Đàng ngoài khởi đầu với cuộc chiến tranh gần nửa thế kỷ (1627-1672); khởi nghĩa Tây Sơn bùng lên từ năm 1771 đã dần trở thành một phong trào dân tộc vĩ đại, khơi dậy nguồn nội lực trong nhân dân, nhất là tinh thần yêu nước.

Về mặt kinh tế, nền kinh tế hàng hóa và tiền tệ dần trở thành chủ đạo; hệ thống giao thông phát triển tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại; các giao dịch nội địa hình thành như một mạng lưới dày đặc, rộng lớn; thủ công nghiệp tăng tưởng về số ngành nghề, tách khỏi hoạt động nông nghiệp, trở thành một lĩnh vực độc lập; đô thị được canh tân tại các thành phố, các vùng ngoại ô hình thành một tầng lớp thị dân mới. Tuy vậy, do tình trạng phân chia, cát cứ về chính trị diễn ra kéo dài nên có những lúc người dân rơi vào cảnh lầm than, tình trạng mất mùa, đói kém, phiêu tá, ruộng đất hoang hóa khắp nơi…

Văn hóa-xã hội thời kỳ này đặc trưng bởi sự suy thoái của Nho giáo, sự mở rộng của Phật giáo, Đạo giáo và sự xuất hiện một tôn giáo mới là Thiên Chúa giáo… Từ trong lòng của Việt Nam giai đoạn thế kỷ XVII-XVIII, vấn đề phát huy nội lực của con người được đặt ra: một là, vấn đề xác định mục đích phát huy nội lực của con người nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình kinh tế – chính trị – xã hội; hai là, tìm kiếm, đề xuất những tư tưởng phù hợp trong phát huy nội lực của con người; ba là, suy nghĩ, lựa chọn và kiểm nghiệm những cách tổ chức đời sống chính trị – xã hội để phát huy nội lực của con người, nhất là trên lĩnh vực chính trị, quân sự.

Tư tưởng phát huy nội lực của con người trong lịch sử dân tộc Việt Nam thế kỷ XVII-XVIII

Từ yêu cầu của thời đại, nhiều nhà tư tưởng Việt Nam nổi bật của thế kỷ XVII-XVIII, như: Hương Hải thiền sư (1628-1715); Chân Nguyên thiền sư (1646-1726); Lê Quý Đôn (1726-1784); Lê Hữu Trác (1720-1791); Ngô Thì Nhậm (1746-1803)… đã có những cống hiến cho các triều đại, góp phần giải quyết yêu cầu phát huy nội lực của con người vì mục đích tích cực, đóng góp cho sự phát triển của dân tộc, nhân dân và nhân loại.

Thứ nhất, phát huy nội lực của con người xuất phát từ mục đích ổn định xã hội, tạo điều kiện giải phóng con người ở mức độ nhất định.

Các nhà tư tưởng trong giai đoạn thế kỷ XVII-XVIII hầu hết đều đề cao vai trò của con người về cả cấp độ cá nhân và cấp độ quốc gia – dân tộc, cộng đồng xã hội; quan tâm đến việc phát huy nội lực của con người và chứa đựng những quan điểm có giá trị khẳng định quyền con người, giải phóng con người.

Ở cấp độ cá nhân, các nhà tư tưởng có quan điểm cho rằng, con người sinh ra là bình đẳng như nhau, được trời phú cho thiên tính, ẩn chứa nguồn nội lực dồi dào. Theo Chân Nguyên thiền sư: “Chúng sinh mỗi người mỗi có hoa sen. Hoa là bản tính tự nhiên. Bao hàm thiên địa phương viên cùng bằng”2. Ngô Thì Nhậm tiếp cận không phải con người chung chung, con người trừu tượng mà là những con người cụ thể với bản tính hướng thiện. Theo ông, “thiên tính” chính là bản chất cơ bản và cốt lõi của mỗi người; “Trời giáng xuống cho con người một tấm lòng trung, có hằng tính”3. Các nhà tư tưởng thế kỷ XVII-XVIII cũng cho rằng, bản tính hướng thiện của con người chịu ảnh hưởng bởi hoàn cảnh xã hội (sự tác động từ hoàn cảnh sống, ham muốn danh lợi, tranh giành quyền lực…) làm cho con người bị lầm đường lạc lối, tự sa vào bể khổ, làm cho nội lực con người bị chôn vùi không thể trỗi dậy để đóng góp cho sự phát triển cá nhân, dân tộc và nhân loại một cách chính đáng. Tuy nhiên, các nhà tư tưởng hầu hết đều có cái nhìn lạc quan về sự biến chuyển tích cực, xuất phát từ sự giác ngộ ở chính bản thân mỗi con người. Theo Lê Quý Đôn: “Vận mệnh do con người tạo ra, chứ không phải vận mệnh tạo ra người”4.

Ở cấp độ quốc gia – dân tộc hay cộng đồng xã hội, nội lực của con người được chú ý nhiều nhất là nội lực được khởi phát trong lòng Nhân dân. “Ý dân là ý trời” là phương châm được quán triệt gần như xuyên suốt các triều đại phong kiến trên lãnh thổ Việt Nam. Lê Quý Đôn nhấn mạnh: “Gốc của nước là dân, mệnh của vua cũng là dân. Bọn cường thần gây loạn bên trong, nước thù địch quấy rối bên ngoài đều chưa đáng lo lắm. Chỉ khi lòng dân dao động mới điều rất đáng sợ”; “Muốn xây dựng đất nước, kiến tạo uy danh, mở rộng đất đai, chế phục nơi xa, trước hết phải được lòng dân”5. Ngô Thì Nhậm khẳng định: “Thiên lý tại nhân tâm” (Lẽ trời ở lòng người)6; “Thiên tử (trời) vì dân mà nghe ngóng, trông coi, một khi lòng dân khởi phát thì ý của Thiên tử có thể đạt được”7

Có thể thấy, Nhân dân có tầm quan trọng đặc biệt, được các nhà tư tưởng Việt Nam thế kỷ XVII-XVIII xem ý dân là ý trời, lòng dân là cơ sở cho sự tồn tại và phát triển thái bình thịnh trị; việc phát huy nội lực của con người càng cần phải được đề cao để tạo nên cơ sở vững chắc cho xã hội Việt Nam trước âm mưu xâm lược của các thế lực bên ngoài và đi đến sự thống nhất lãnh thổ, xây dựng trật tự xã hội ổn định ở Việt Nam.

Thứ hai, phát huy nội lực của con người qua việc kế thừa, tiếp thu tinh hoa nhân loại và tư tưởng truyền thống dân tộc Việt Nam.

Các nhà tư tưởng thế kỷ XVII-XVIII đã tiếp cận nghiên cứu tư tưởng truyền thống dân tộc Việt Nam và tinh hoa nhân loại (chủ yếu là tinh hoa tư tưởng phương Đông) để kế thừa, đưa ra những kiến giải mới và đề xuất chiến lược vận dụng tư tưởng về phát huy nội lực của con người với các triều đại phong kiến.

Trong giai đoạn này, một trong những nét đặc sắc là tư tưởng phát huy nội lực của con người trên cơ sở sự dung thông Tam giáo: Nho – Phật – Lão. Lê Quý Đôn nhận xét: “Tam giáo từ xưa cùng một gốc. Khi nào vận dụng lệch hay thiên”8. Sự đồng nhất giữa Nho – Phật – Lão thể hiện rất rõ nét trong tư tưởng của Ngô Thì Nhậm với hướng mục đích rất rõ ràng: tìm kiếm cách thức giải thoát con người khỏi nỗi khổ thế gian, “Cái mà ý trời muốn lưu giữ lại là cứu vớt chúng sinh”9. Ông chủ trương “Gạt bỏ ra ngoài những kỹ xảo văn chương của Nho và những điều giới hạnh tầm thường của Thiền, để đi tìm cái gọi là “đạo”, thì Nho và Thiền có thể xâu lại thành một chuỗi”10; “Nào Nho, nào Thích, tên gọi tuy khác nhau, nhưng chỗ tinh vi của chúng thì chưa từng không giống nhau bao giờ”11. Theo đó, việc phát huy nội lực của con người được tiếp cận ở góc độ “đúc chung” Nho – Phật – Lão thành một khối thống nhất là một nét đặc sắc của giai đoạn thế kỷ XVII-XVIII.

Thứ ba, phát huy nội lực con người bằng cách giải phóng con người khỏi những rào cản về nhận thức.

Điều các nhà tư tưởng thế kỷ XVII-XVIII lưu ý chính là cách tiếp cận phát huy nội lực con người thông qua sự giác ngộ về mặt nhận thức, rèn luyện cái tâm trong sáng. Trong mỗi con người ngay từ khi sinh ra đã chứa đựng nội lực phong phú, mầm mống của những điều tốt đẹp; nhưng chính hoàn cảnh sống, dục vọng và những yếu tố tiêu cực khác đã che đậy, khiến cho biết bao nội lực trong con người bị phí hoài.

Các nhà tư tưởng thế kỷ XVII-XVIII trình bày nhiều cách thức để con người tu dưỡng, giúp cho con người tách rời khỏi sự tác động tiêu cực từ bên ngoài, phát huy nội lực ở con người, làm nảy nở những điều tốt đẹp với những cách thức đa dạng như tu tập, thiền định hay tu dưỡng đạo đức. Hương Hải thiền sư cho rằng, cần làm cho tâm con người trở nên sáng trong: “chỉ cần trong tâm rộng rãi sáng trong, ung dung thoải mái, như trăng dưới nước, hoa trong gương, tuy hư không mà vẫn trông thấy, như đài gương không có ý gì soi khắp vạn tượng, dẫu có phản chiếu mà không lưu luyến cảnh nào”12. Cách thức quan trọng nhất để rèn luyện và phát huy nội lực của con người chính là thông qua giáo dục và tự giáo dục.

Các nhà tư tưởng thế kỷ XVII-XVIII khẳng định “nhân tính” phải được mài dũa bởi giáo dục. Bản thân của mỗi người phải tự biết chính mình, phải tự cố gắng để hoàn thiện mỗi ngày thì mới có thể trở thành một con người hoàn hảo được. Giáo dục giúp con người mở mang tri thức, đi sâu vào cái bản chất bên trong để thấu hiểu sự vật; nhận thức được cái lý, cái bản chất của sự vật chứ không chỉ dừng lại ở hình, cái hình thức bề ngoài; truyền bá những giá trị tốt đẹp vào trong lòng con người.

Giáo dục chính là việc lớn của thiên hạ, phải được triển khai trên phạm vi toàn dân tộc. Ngô Thì Nhậm cho rằng “Chăm học, nết na, là việc nên làm. Trên đường mây xanh muôn dặm nên gắng gỏi”13; “giáo hóa là việc gấp của quốc gia, phong tục là việc lớn của thiên hạ […] Giáo hóa tràn khắp, phong tục tốt đẹp”14. Phát huy nội lực con người thông qua giáo dục đòi hỏi phải đấu tranh loại bỏ những quan điểm giáo dục hình thức, phản giáo dục. Lê Quý Đôn phê phán lối học chỉ thỏa mãn “thói cầu cạnh” chứ không rèn nhân cách, do đó, khi được chức vị thì không thanh liêm, không khiêm nhường; lúc đụng việc thì rụt rè, cẩu thả, cầu thân. Ngô Thì Nhậm thì lên án lối không thực học, “vào trường theo thầy học, chương cú hiểu qua loa, phê điểm nghĩa lý câu văn, cho là việc học của mình đã là đủ rồi”15.

Các nhà tư tưởng thế kỷ XVII-XVIII đề xuất những quan điểm giáo dục hướng về thực học phù hợp với bối cảnh lịch sử thời bấy giờ. Trong đó, Ngô Thì Nhậm chủ trương “phải “khéo nuôi kẻ sĩ, thì dùng kẻ sĩ nuôi kẻ sĩ mà không cần đến nhà nước nuôi dưỡng, người giỏi dạy người thì dựa vào người để dạy người, không phải chỉ dựa vào mình để dạy người”16; thi hành đúng đắn đường lối dạy bảo, nuôi dưỡng, cất nhắc, sử dụng theo phương châm “Dạy có thuật, nuôi có chế độ, cất nhắc có phương pháp, sử dụng có trật tự”17; sử dụng biện pháp nêu gương “những người có đức hạnh tốt để làm mẫu mực và truất bỏ những kẻ kiêu bạc để răn đe”.18

Thứ tư, tổ chức đời sống chính trị – xã hội để phát huy nội lực con người.

Trong bối cảnh xã hội thế kỷ XVII-XVIII, việc phát huy nội lực con người được đặt ra song hành với việc xây dựng nền chính trị phù hợp. Trải qua nhiều biến chuyển của thời đại, giai đoạn XVII-XVIII đã để lại những bài học lịch sử sâu sắc về việc phát huy nội lực của con người thông qua việc tổ chức đời sống chính trị – xã hội: hoàn thiện mô hình tổ chức xã hội và phát huy đạo đức của nhà cầm quyền để làm gương mẫu cho dân noi theo; nuôi dưỡng con người, “khoan thư sức dân” để tạo thế trận lòng dân vững chắc và trọng dụng người tài để khuyến khích con người hoàn thiện bản thân.

Phát huy nội lực con người trong giai đoạn thế kỷ XVII-XVIII chủ yếu chú trọng đến lĩnh vực chính trị, đạo đức – chứa đựng mầm mống giải phóng con người trên lĩnh vực chính trị, đạo đức. Lê Quý Đôn chủ trương lấy đức mà dẫn đường cho dân, lấy lễ khiến cho dân nhất trí (“lấy đạo mà dẹp yên mối họa mới mong được yên trong nước”19) và chọn người làm vua, làm tướng “được dân ngưỡng mộ”20. Ngô Thì Nhậm thì cho rằng phải tổ chức đời sống chính trị sao cho thấm nhuần đạo đức cầm quyền, bởi lẽ “Đa quan thì nhiều dân, lưới thưa thì dân giầu”, nên cần “trước hết nên dẹp những chỗ phức tạp, tỉnh giảm những chỗ phiền nhiều”, “bớt ngay những quan lại tham nhũng ở biên giới, để đỡ sức dân. Giảm các viên chức thừa, để uốn thẳng luật làm quan, bỏ mọi kiện tụng để tỏ rõ chính sách khoan hồng”21; khơi thông nội lực con người nên tổ chức đời sống chính trị bằng cả pháp trị và đức trị, nhưng đức trị chính là gốc (“Làm cho dân dẫn đến điều nhân, cọ sát với điều nghĩa, khiến dân trở thành lương thiện […] không làm điều gì trái phép, đó là công lao của bậc thế giả”22). Ông cũng chủ trương làm sao cho dân dám mở miệng ra, dám phê bình chính quyền vì mục đích phát triển xã hội: “Con đường của lời nói được mở ra thì đời thịnh trị, con đường của lời nói bị đóng lại thì đời nhiễu nhương”23. Do đó, giải phóng con người trên lĩnh vực chính trị giai đoạn này đã bao hàm những giá trị quyền con người và hướng tới giải phóng con người.

Nuôi dưỡng con người, “khoan thư sức dân” chính là lực nén để đánh bật mọi thế lực thù địch, kẻ ngoại bang xâm lăng Việt Nam – đây chính là chủ trương tích tục, khơi dậy nguồn nội lực con người được đa số triều đại phong kiến ở Việt Nam đúc kết, vận dụng. Lê Quý Đôn đưa vấn đề nuôi dưỡng sức dân là một trong ba việc hệ trọng không thể không lưu ý đến: “Quân mỏi mệt, tiền của hao kiệt, dân khốn cùng mà nhà nước không có kế hay cho mai hậu thì chỉ có thể nhận lấy sự suy bại thôi”24. Ngô Thì Nhậm cũng nhất trí và nhấn mạnh thêm rằng nuôi dưỡng nhân dân đó chính là mấu chốt của chính trị: “cái tâm pháp làm chính trị của muôn đời” chính là “đem cái tình trạng thiếu thốn và cái sự thực thiếu thốn mà nghiên cứu chỉnh đốn lại”25.

Trọng dụng người tài, “trải thảm đỏ” mời gọi nhân tài giúp vua trị nước là kế sách nghìn năm của dân tộc Việt Nam. Các nhà tư tưởng thế kỷ XVII-XVIII nhận thức rõ tầm quan trọng của chiến lược này. Trọng dụng nhân tài theo đó đề cao vai trò của người tài “như ngôi sao sáng trên trời cao”26, “trời tạo cảnh tăm tối, thì đấng quân tử phải trổ tài”27; đề xuất các chiến lược để thu hút nhân tài như “cho phép được dâng sớ tâu bày sự việc”, “cất nhắc không kể thứ bậc”, “không vì lời nói sơ suất vu khoát mà bắt tội”…

Ý nghĩa nghiên cứu vấn đề phát huy nội lực của con người trong lịch sử dân tộc Việt Nam thế kỷ XVII-XVIII với công cuộc đổi mới của Việt Nam hiện nay

Một là, nghiên cứu vấn đề phát huy nội lực của con người trong lịch sử dân tộc Việt Nam thế kỷ XVII-XVIII góp phần củng cố nhận thức về tầm quan trọng của việc phát huy nội lực của con người.

Đảng Cộng sản Việt Nam trong những năm qua đã đặt vấn đề con người ở ví trị quan trọng, tìm cách phát huy tối đa nội lực của con người ở mọi cấp độ. Trong Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận – thực tiễn qua 20 đất nước đổi mới (1986 – 2006), Đảng Cộng sản Việt Nam nhấn mạnh: “Con người là vốn quý nhất, phát triển con người với tư cách vừa là động lực, vừa là mục tiêu của cách mạng, của sự nghiệp đổi mới đất nước”28.

Đại hội XI nhấn mạnh: “phát huy tối đa nhân tố con người; coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển”29. Đại hội XII chủ trương: “xây dựng con người đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế […] hình thành những giá trị mới về con người với các phẩm chất về trách nhiệm xã hội, ý thức công dân, dân chủ, chủ động, sáng tạo, khát vọng vươn lên”30. Gần đây, Đại hội XIII đã đưa ra những chủ trương mới: “Coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển; lấy giá trị văn hóa, con người làm nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”31; chủ trương khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc trong lòng dân.

Ngay trong bối cảnh chính trị – xã hội rối ren của giai đoạn thế kỷ XVII-XVIII, nhân tố nội lực của con người – ở mọi tầng lớp xã hội đã được nêu cao, được nhìn nhận ở tầm quan trọng đặc biệt cả ở khía cạnh cá nhân và khía cạnh tập thể. Các nhà tư tưởng của thế kỷ XVII-XVIII đã đưa ra nhiều kiến giải về tầm quan trọng này, như khẳng định sự tồn tại của “thiên tính” bên trong mỗi con người; khẳng định trước trời – đất con người ở mọi phương đều bình đẳng như nhau; con người có khả năng hấp thụ tinh hoa tốt đẹp của trời đất; ý dân chính là ý trời… Nghiên cứu vấn đề phát huy nội lực của con người trong lịch sử dân tộc Việt Nam thế kỷ XVII-XVIII góp phần củng cố và phát triển hơn nhận thức về những chủ trương, chính sách, chiến lược phát triển con người Việt Nam hiện nay.

Hai là, nghiên cứu vấn đề phát huy nội lực của con người trong lịch sử dân tộc Việt Nam thế kỷ XVII-XVIII nhằm gạn lọc những tư tưởng, chiến lược có giá trị sâu sắc đối với thời đại ngày nay; đồng thời, học hỏi cách thức tiếp thu tinh hoa tư tưởng nhân loại, dân tộc của các nhà tư tưởng thời kỳ này.

Ph. Ăngghen đã chỉ dẫn một dân tộc muốn đứng trên đỉnh cao của tư duy lý luận thì phải phát triển tư duy lý luận, muốn như vậy thì “không có một cách nào khác hơn là nghiên cứu toàn bộ triết học thời trước”32. Vấn đề phát huy nội lực của con người là một vấn đề đặt ra xuyên suốt mọi thời kỳ phát triển của dân tộc Việt Nam; nghiên cứu vấn đề phát huy nội lực của con người trong lịch sử dân tộc Việt Nam thế kỷ XVII-XVIII tiếp cận ở góc độ triết học cho phép khai thác tối đa những tinh hoa tư tưởng, những ý tưởng ở góc độ mầm mống (như quyền con người, giải phóng con người) tạo nên những nền tảng, cơ sở vững chắc cho những chủ trương, quan điểm, chiến lược phát triển con người Việt Nam hiện nay.

Phát huy nội lực của con người theo các nhà tư tưởng thế kỷ XVII-XVIII là phải kế thừa, vận dụng, phát triển các giá trị tinh hoa dân tộc và nhân loại, biết đưa ra những kiến giải mới cho phù hợp với thời đại. Mặc dù có những tư tưởng không thể vượt khỏi sự hạn hẹp do thời kỳ lịch sử bấy giờ, vấn đề phát huy nội lực con người đã được giải quyết ở một mức độ nhất định, có những giá trị cho thời kỳ đổi mới đất nước Việt Nam hiện nay như đã phân tích.

Nghiên cứu vấn đề phát huy nội lực của con người trong lịch sử dân tộc Việt Nam thế kỷ XVII-XVIII nhằm học hỏi những cách thức tổ chức đời sống thực tiễn và đúc kết những bài học kinh nghiệm lịch sử, góp phần hoàn thiện chủ trương, chiến lược phát huy nội lực của con người Việt Nam hiện nay.

Kết luận

Con đường đi từ hoàn thiện tư tưởng phát huy nội lực của con người đến hiện thực hóa trên thực tiễn của các nhà tư tưởng thế kỷ XVII-XVIII cung cấp những bài học kinh nghiệm sâu sắc đối với con người Việt Nam hiện nay, nhất là những cán bộ chủ chốt, những nhà hoạch định chủ trương, chính sách. Việc vận dụng, kế thừa, phát triển tinh hoa tư tưởng tiền nhân cần đặt trong bối cảnh lịch sử, tình hình kinh tế – xã hội.

Tư tưởng phát huy nội lực của con người của các nhà tư tưởng thế kỷ XVII-XVIII đã chú trọng đến đặc điểm của dân tộc, văn hóa, con người Việt Nam, mặc dù chỉ trong một thời kỳ lịch sử đã qua của dân tộc nhưng chứa đựng giá trị bài học lịch sử sâu sắc, có thể kế thừa hiện nay. Nghiên cứu vấn đề trên góp phần hiện thực hóa chủ trương của Đảng về: “Phát huy sức mạnh tổng hợp cả hệ thống chính trị và nền văn hóa, con người Việt Nam, phát huy tối đa nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người quan trọng nhất”33.

Chú thích:
1,19,20,24. Lê Quý Đôn. Quần thư khảo biện (Trần Văn Quyền dịch và chú giải). H. NXB. Khoa học xã hội, 1997, tr. 467, 90, 331, 203.
2. Lê Mạnh Thát. Chân Nguyên thiền sư toàn tập. Tập 1. H. NXB. Thành phố Hồ Chí Minh, 1980, tr. 267.
3,9,10,11,22. Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Ngô Thì Nhậm toàn tập. Tập V. H. NXB. Khoa học Xã hội, 2006, tr.170, 318, 130, 340, 301.
4. Lê Quý Đôn. Vân đài loại ngữ. Tập 1. H. NXB Văn hóa – Thông tin, 1995, tr. 52.
5,8,12. Lê Quý Đôn. Kiến văn tiểu lục. H. NXB. Văn hóa – Thông tin, 2007, tr. 346,480,487.
6,13,26,27. Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Ngô Thì Nhậm toàn tập. Tập II. H. NXB. Khoa học Xã hội, 2004, tr. 563, 368, 636, .
7,14,15,16,17,18,21,25. Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Ngô Thì Nhậm toàn tập, Tập I. H. NXB. Khoa học Xã hội, 2003, tr. 576, 459,557, 558, 559, 558, 581, 752.
28. Đảng Cộng sản Việt Nam. Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận – thực tiễn qua 20 năm đổi mới 1986 2006. H. NXB. Chính trị quốc gia, 2005, tr. 78.
29. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr.100.
30. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. H. NXB. Chính trị quốc gia, 2016, tr.123.
31,33. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB. Chính trị quốc gia, 2021, tr. 215, 34.
32. C. Mác và Ph. Ăng-ghen. Toàn tập. Tập 20. H. NXB Chính trị quốc gia, 1994, tr. 487.