Quản trị vĩ mô trong xu thế tài chính quốc tế hiện nay

(Quanlynhanuoc.vn) – Nguy cơ về khủng hoảng kinh tế đã và đang thường trực tác động tiêu cực đến sự phát triển của toàn nhân loại. Kinh tế càng lớn mạnh, quy mô và sự tập trung càng cao lại càng tạo đà cho các cuộc khủng hoảng nảy sinh phức tạp hơn. Do đó, rất cần có sự thay đổi tư duy, nhận thức và hành động ở tầm vĩ mô trên thị trường tài chính quy mô toàn cầu.

Học thuyết tài chính mới, cuộc cách mạng trong nhận thức

Triết lý kinh tế là gốc của lý thuyết tài chính được thừa nhận mặc định cho đến nay. Điểm cần luận bàn nằm ở chỗ, luôn luôn có sự thiếu hụt nguồn lực tài chính và gia tăng cạnh tranh của các nền kinh tế. Sự lo sợ “thiếu” trong xu thế phát triển tự nhiên đã đẩy giá cả của các loại hàng hóa tăng cao. Trong khi, than đá chưa bao giờ cạn kiệt, trước khi nó mất vai trò là một loại nhiên liệu thống trị thay cho dầu lửa. Cũng như vậy, năng lượng tái tạo cũng đang dần thay thế dầu lửa khi con người bắt đầu khai thác được với khối lượng lớn từ đá phiến. Điều này chứng minh, năng lực sáng tạo của con người là vô hạn và luôn tạo ra được các sản phẩm thay thế tiên phong. Thế nhưng, năng lực đặc hữu này từ con người chưa bao giờ được đưa vào xem xét như một đại lượng cốt yếu trong tính toán của các mô thức kinh tế cơ bản.

Vào năm 1890, quy luật cung cầu mà Alfred Marsell khởi thảo xác định giá cả dựa trên nhu cầu và khả năng cung ứng. Trong khi nhu cầu xuất phát từ con người ngày càng được lượng hóa cụ thể bằng các phương pháp khoa học thì nhu cầu xuất phát từ tư duy “xu hướng phát triển” lại rất phức tạp và biến đổi không ngừng. Điều này có thể được thấy rất rõ trong sự phát triển của các nền kinh tế hiện nay.

Quan sát trên thị trường tài chính, quy luật cung cầu không phát huy chính xác, thậm chí trong nhiều trường hợp còn cho ra kết quả đảo ngược. Các công cụ marketing hiện đại cùng với các biện pháp thao túng tác động và điều khiển hành vi tiêu dùng đi chệnh hướng những quan niệm về nhu cầu thông thường. Nhìn vào lịch sự phát triển kinh tế thị trường, buộc phải thừa nhận rằng, tư tưởng thị trường tự cân bằng đã không thể là một nguyên lý toàn diện trên thực tế. Yếu tố cảm xúc của người tiêu dùng đã đến lúc cần được xem xét như một thành tố tất yếu, là tiền đề cho sự can thiệp của Chính phủ vào nền kinh tế.

Lý thuyết thị trường cạnh tranh hoàn hảo nhằm loại bỏ sự thao túng cần phải phát triển toàn diện hơn với những điều kiện mới và thừa nhận sự thao túng là một thành tố không tách rời của thị trường cạnh tranh để có giải pháp đối phó và điều này đòi hỏi sự tập trung nhiều công sức của các nhà khoa học. Tuy vậy, xu hướng nghiên cứu này là tất yếu kỳ vọng vào thành quả trong tương lai.

Giao dịch trong thời đại số

Bàn về khối lượng giao dịch, lý thuyết kinh tế không đề cập như một đại lượng tương tác trực tiếp, nhưng bằng các phân tích nhu cầu toàn diện hơn, cùng với sự quan sát thị trường thực tế, cho thấy những tác động của khối lượng giao dịch quyết định thị trường tài chính.

Sự hỗ trợ ngày càng đắc lực của công nghệ đã đẩy khối lượng giao dịch tăng với cấp số nhân và không phải lo lắng về công suất của hệ thống. Vấn đề còn lại là khối lượng giao dịch sẽ tăng lên đến bao nhiêu, ngay cả khi dân số thế giới ngừng tăng, tức là nhu cầu tiêu dùng sinh học sẽ tăng rất chậm chạp nhưng thói quen tiêu dùng lại không giảm. Như vậy sẽ rất khó hình dung về khối lượng giao dịch khi đạt đến gần điểm vô hạn nhưng vẫn có thể bứt phá tới một con số khó tin. Điều này cho thấy những quy luật kinh tế dựa trên nhu cầu sinh học cơ bản của con người sẽ khó thống kê và không thể đoán định trong môi trường giao dịch số.

Công cụ hỗ trợ đắc lực đẩy nhanh khối lượng giao dịch trong thời đại số là internet vệ tinh và công nghệ tiền ảo mà Bitcoin là đại diện. Internet ngày nay đã đi đến mọi ngóc ngách của cuộc sống với dung lượng và tốc độ mang tính cách mạng. Và đồng tiền số cũng đã bắt đầu đi vào cuộc sống dù vấn đề chấp nhận, thừa nhậnBitcoin đang khác nhau giữa các quốc gia. Nhưng có một đặc tính không thể chối bỏ là Bitcoin vừa phù hợp với giao dịch siêu quy mô lại vừa tháo bỏ giới hạn phát hành tiền tệ mang tính lịch sử bằng việc loại bỏ cơ quan phát hành tập trung. Chính vì vậy, quy mô thị trường giờ đây đã nằm ngoài sức tưởng tượng của các nhà kinh tế họcvà đang rất cần những nghiên cứu kinh tế cơ bản phù hợp hơn trong môi trường số, ngân hàng số, giao dịch số để có thể đoán định được xu hướng của các giao dịch thương mại điện tử là với mật độ lớn hay là cực lớn, do nhu cầu tiêu dùng hay do thói quen tiêu dùng trong điều kiện công nghệ hỗ trợ không giới hạn.

Kháng thể từ công cụ tài chính

Trong thời đại số, xu thế giao dịch thương mại siêu quy mô đã và sẽ tiếp tục tạo ra những thách thức không nhỏ, rất cần có phương thức phòng vệ mạnh mẽ mang tính cách mạng trong tình hình mới.

Quá trình vận hành thị trường tài chính luôn có nguy cơ khó kiểm soát, đòi hỏi cần thiết lập hệ thống đánh chặn, triệt tiêu các triệu chứng khủng hoảng. Thậm chí, trong điều kiện khó đoán định không biết lúc nào khủng hoảng sẽ xảy ra thì nhiều quốc gia đã tung ra các công cụ chủ động tạo khủng hoảng tài chính ở quy mô vừa đủ nhằm tạo kháng nguyên cho thị trường. Các phương thức luôn mang tính tổng thể được tổng hợp để tạo ra “vắc-xin tài chính”.

Trong thời đại số hiện nay, cùng với đó là trình độ phát triển của xã hội vượt bậc thì học thuyết kinh tế hiện hữu, nền tảng triển khai lý thuyết tài chính đã bộc lộ những khiếm khuyết cần thay đổi, phát triển. Các thực nghiệm cần được tiến hành trong hoàn cảnh và nhận thức mới, cần được tổng kết để tìm ra quy luật phổ quát củathị trường số trong một tương lai gần.

Kết luận

Việt Nam đã và đang chủ động tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, hội nhập vào sân chơi thế giới trên mọi phương diện cũng là con đường nhất quán Việt Nam đã lựa chọn. Trước bối cảnh tình hình mới với những tác động sâu rộng của thời đại số đến cả lý thuyết và thực tiễn vận hành nền tài chính như hiện nay, Việt Nam cần: (1) Định hình và từng bước xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin tương thích với mật độ giao dịch tài chính có quy mô lớn, rất lớn. (2) Đầu tư nghiên cứu, cập nhật và phổ cập kiến thức sâu sắc về đồng tiền số cùng với các nền tảng vận hành nó ở cấp độ toàn cầu. (3) Chủ động cập nhật tri thức mới về kinh tế quốc tế có thể làm thay đổi các nền tảng hiện hữu trong tương lai gần, dẫn đến thay đổi hệ thống các quy tắc trong tài chính.

Thời đại số đang từng bước phá bỏ các giới hạn trong giao dịch tài chính. Điều quan trọng có thể nhận ra là sự gia tăng quy mô giao dịch với cấp số nhân, mật độ giao dịch ở hàm siêu quy mô sẽ làm thay đổi các quy luật tài chính đang được thừa nhận và từ đó tác động điều chỉnh lý thuyết phổ quát. Bên cạnh đó, tổn thất tài chính do quy mô giao dịch mật độ cao là vô cùng lớn. Chính điều này đang thúc ép hình thành từ tư duy đến phương thức vận hành mang tính cách mạng trong việc giải quyết khủng hoảng tài chính, chuyển từ thụ động xử lý sang chủ động đánh chặn hay còn gọi là “vắc-xin tài chính” là đặc biệt quan trọng.

Tài liệu tham khảo:
1. George Sorsos. The Alchemy of Finance. John Willey & Sons, Inc. publishing, 2003 (USA).
2. Alan Greenspan. The Age of Turbulence. The Penguin Press publishing, 2007 (USA).
ThS. Lê Quang Sự
Học viện Hành chính Quốc gia