(Quanlynhanuoc.vn) – Thực hiện chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh coi công việc huấn luyện cán bộ là “công việc gốc của Đảng”, quán triệt Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc luôn coi công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là một trong những khâu quan trọng của công tác cán bộ. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng kế hoạch mở các lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho cán bộ các cấp nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Chủ trương về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phúc
Hằng năm, Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phúc luôn bám sát kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của Ban Tổ chức Trung ương, yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của tỉnh; thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Tỉnh ủy tỉnh (khóa XVII) nhiệm kỳ 2020 – 2025 về nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên giai đoạn 2020 – 2025. Năm 2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng và ban hành Đề án đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cấp ủy viên cơ sở, sau hơn 2 năm thực hiện Đề án, chất lượng đội ngũ cấp ủy viên cơ sở bước đầu được nâng lên. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Tỉnh ủy tỉnh (khóa XVII) về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã có nhiều chương trình đào tạo, bồi dưỡng có trọng tâm, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế, với năng lực, trình độ người học được triển khai, tổ chức góp phần quan trọng vào thành công của công tác đào tạo, bồi dưỡng của tỉnh giai đoạn 2020 – 2025.
Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phúc luôn được coi trọng, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ mạnh về trí tuệ, vững về chuyên môn, trong sáng về đạo đức, lối sống được thể hiện qua những nghị quyết và kế hoạch kịp thời. Cụ thể: ngày 03/8/2021, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 06/2021/NQ-HĐND về một số chính sách đặc thù xây dựng đội ngũ trí thức và thu hút, trọng dụng người có tài năng tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021 – 2025; Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 22/9/2021 của Ban Chấp hành Tỉnh ủy tỉnh (khóa XVII) tỉnh Vĩnh Phúc về nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên giai đoạn 2021 – 2025; Kế hoạch số 120-KH/TU ngày 19/12/2022 của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức năm 2023…
Quá trình chỉ đạo thực hiện và kết quả đạt được
Thứ nhất, các loại hình đào tạo, bồi dưỡng.
(1) Đào tạo về chuyên môn: các lớp đào tạo trình độ thạc sỹ, đại học được tiến hành theo hình thức liên kết đào tạo với đội ngũ giảng dạy là giảng viên của các trường đại học có uy tín. Nội dung, chương trình dạy và học được thực hiện theo giáo trình của các trường đại học được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép. Các cơ sở đào tạo của địa phương tạo điều kiện về cơ sở vật chất và cùng tham gia quản lý học viên.
(2) Đào tạo về lý luận chính trị: thực hiện theo nội dung giáo trình của Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh quy định. Nội dung nghiên cứu thực tế (chuyên đề địa phương) tùy thuộc vào tình hình của địa phương, do các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh, lãnh đạo một số sở, ngành có học vị cao, nhiều kinh nghiệm trực tiếp giảng dạy.
(3) Chương trình bồi dưỡng trong nước: ngoài các chương trình bồi dưỡng các lớp cán bộ nguồn, cán bộ lãnh đạo quản lý, tỉnh cũng đã thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã. Chương trình bồi dưỡng được xây dựng bảo đảm khoa học, phù hợp với trình độ của từng loại đối tượng bồi dưỡng.
(4) Chương trình bồi dưỡng, học tập kinh nghiệm nước ngoài: đã được tỉnh tiến hành khảo sát lựa chọn các chương trình phù hợp với tình hình thực tế của địa phương do các trường đại học, các cơ sở đào tạo có uy tín của nước ngoài xây dựng, có sự tham gia ý kiến của các cơ quan chuyên môn trong tỉnh. Ngoài ra, tỉnh cũng cử cán bộ tham gia các lớp bồi dưỡng về quản lý du lịch; xây dựng và phát triển nông thôn, đô thị…
Thứ hai, công tác tổ chức, quản lý đào tạo, bồi dưỡng.
Căn cứ tình hình thực tiễn, yêu cầu nhiệm vụ chính trị và nhu cầu học tập của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Ban Tổ chức Tỉnh ủy và các ban tổ chức cấp ủy phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hằng năm.
Sở Nội vụ, Trường Chính trị tỉnh Vĩnh Phúc căn cứ vào kế hoạch được duyệt, phối hợp với cơ quan quản lý cán bộ tiến hành chiêu sinh, thẩm định, ra quyết định mở lớp, quyết định thành lập ban chỉ đạo lớp đối với các lớp bồi dưỡng; báo cáo Ban Tổ chức Tỉnh ủy thẩm định, trình Thường trực Tỉnh ủy quyết định mở lớp đối với các lớp trung cấp lý luận chính trị; với các lớp cao cấp lý luận chính trị, Thường trực Tỉnh ủy quyết định thành phần, số lượng thành viên ban chỉ đạo lớp học.
Thứ ba, phối hợp tổ chức thực hiện đào tạo, bồi dưỡng với cơ sở đào tạo.
Hằng năm, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Trường Chính trị tỉnh, Ban Tổ chức cấp ủy cấp huyện với Trung tâm bồi dưỡng Chính trị cấp huyện phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Cử cán bộ là các đồng chí của Ban Tổ chức cấp ủy, Trường Chính trị, Trung tâm bồi dưỡng Chính trị do lãnh đạo cấp ủy làm Trưởng Ban Chỉ đạo các lớp cao cấp, trung cấp lý luận chính trị. Đồng thời, Ban Tổ chức Tỉnh ủy phối hợp với Trường Chính trị tỉnh, Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư tiến hành họp, thẩm định các nội dung đào tạo, bồi dưỡng; tiến hành tham mưu xây dựng kế hoạch đào tạo, chỉ tiêu đào tạo sau đó dự thảo Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng năm sau trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định.
Thứ tư, kiểm tra, đánh giá kết quả đào tạo.
Công tác kiểm tra, đánh giá kết quả đào tạo thường xuyên được quan tâm, từng bước đi vào nền nếp. Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã ban hành kế hoạch kiểm tra công tác đào tạo, bồi dưỡng tại Trường Chính trị tỉnh và Trung tâm bồi dưỡng Chính trị cấp huyện. Theo đó, các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện sẽ tiến hành tự kiểm tra công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng của đơn vị mình; Ban Tổ chức Tỉnh ủy thành lập đoàn trực tiếp kiểm tra công tác đào tạo, bồi dưỡng tại Trường Chính trị tỉnh và một số trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện. Nội dung kiểm tra chủ yếu tập trung vào các khâu quan trọng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, như: tham mưu xây dựng kế hoạch đến việc thực đào tạo, bồi dưỡng; chấp hành các quy định, nguyên tắc, thủ tục mở lớp đến việc thực hiện nội dung đào tạo, bồi dưỡng… Trên cơ sở đó, các cơ sở đào tạo tiến hành rút kinh nghiệm và xây dựng kế hoạch từng bước khắc phục những hạn chế, yếu kém.
Kết quả đạt được từ đào tạo, bồi dưỡng của tỉnh Vĩnh Phúc
Công tác đào tạo, bồi dưỡng của tỉnh vừa qua đã đạt được những kết quả khả quan: trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị, kỹ năng nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; những lĩnh vực còn thiếu, còn yếu đã cơ bản được bổ sung một cách kịp thời. Kết quả đào tạo, bồi dưỡng đã phục vụ tích cực cho các khâu trong công tác cán bộ, như: đánh giá cán bộ – kết quả sau đào tạo, bồi dưỡng được xem là một căn cứ quan trọng để đánh giá cán bộ; bố trí, sử dụng – đề bạt, bổ nhiệm; quy hoạch, điều động, luân chuyển để tạo nguồn cán bộ.
Ngày 21/01/2020, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định số 153/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Vĩnh Phúc năm 2020. Theo Kế hoạch, năm 2020, sẽ tổ chức 39 lớp, với 4.301 học viên, gồm 17 nội dung bồi dưỡng: bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước ngạch chuyên viên, chuyên viên chính; bồi dưỡng kiến thức về văn hóa công sở, đạo đức công vụ; bồi dưỡng nghiệp vụ Thanh tra, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; bồi dưỡng kiến thức pháp luật về tôn giáo; bồi dưỡng nghiệp vụ về hội nhập kinh tế quốc tế;…
Một trong những thành tích điển hình, mang tính đột phá trong công tác đào tạo, bồi dưỡng của tỉnh trong thời gian qua là chương trình hợp tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ tiếng Anh. Qua đó, Vĩnh Phúc trở thành tỉnh đi đầu trên cả nước phối hợp với nước ngoài trong việc bồi dưỡng cho giáo viên tiếng Anh các cấp học nhằm chuẩn hóa giáo viên dạy ngoại ngữ theo Đề án: “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 – 2020” của Chính phủ và trở thành mô hình tiêu biểu cho các địa phương khác trên cả nước học tập. Theo đánh giá của Trường Đại học Hà Nội, tính đến tháng 9/2022, có khoảng 80% giáo viên tiếng Anh của tỉnh tham gia chương trình đào tạo, bồi dưỡng tại Phi-líp-pin đạt chuẩn B2 trở lên (tỷ lệ cao hơn 2 lần so với số giáo viên không tham dự chương trình)1.
Một số hạn chế, tồn tại của công tác đào tạo, bồi dưỡng
Công tác chọn, cử cán bộ tham gia đào tạo, bồi dưỡng có lúc, có nơi còn chưa đúng đối tượng, chưa đủ tiêu chuẩn. Đặc biệt là các lớp đào tạo trung cấp lý luận chính trị, một số đơn vị lập danh sách cán bộ đi học chưa đủ điều kiện, như: cán bộ hợp đồng, chưa là đảng viên, người hoạt động bán chuyên trách,… Công tác quản lý học viên có lúc, có nơi chưa chặt chẽ; việc chấp hành nội quy lớp học, quy định của nhà trường chưa thực sự nghiêm túc. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa nhận thức đúng đắn về mục đích, ý nghĩa cũng như tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng; có tư tưởng tham gia học tập chỉ để giải quyết chế độ, chính sách nên chưa tích cực trong học tập, nghiên cứu. Bên cạnh đó là tư tưởng an phận, chưa tích cực phấn đấu vươn lên, chưa vận dụng kiến thức được đào tạo vào thực tiễn công tác nên chất lượng, hiệu quả công việc chưa được nâng lên.
Nguyên nhân hạn chế, yếu kém là do chỉ tiêu học cao cấp lý luận chính trị hệ tập trung, nhất là chỉ tiêu đào tạo tại Học viện Chính trị khu vực I còn thấp. Trong khi đó, tiêu chuẩn tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh lại cao. Hơn nữa, Vĩnh Phúc đang triển khai Đề án của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ giai đoạn 2016 – 2021, định hướng đến năm 2025 nên nhu cầu đào tạo cao cấp lý luận chính trị đối với đội ngũ này tăng lên đáng kể. Do đó, việc chọn cử cán bộ đi đào tạo cao cấp lý luận chính trị hệ tập trung còn có những hạn chế nhất định. Công tác quản lý học viên chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong quản lý học viên có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, chưa thường xuyên; việc xử lý các vi phạm có lúc, có nơi chưa thực hiện nghiêm, chưa mang tính răn đe; vẫn còn tình trạng nể nang trong việc chọn cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng.
Một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý của Vĩnh Phúc
Một là, phải công tâm, khách quan trong việc chọn cử cán bộ đi học. Việc chọn cử phải đúng người, đúng đối tượng, bảo đảm tiêu chuẩn. Việc chọn cử cán bộ đi học phải căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị và năng lực của cán bộ.
Hai là, chú trọng công tác đánh giá cán bộ trước và sau đào tạo. Đánh giá đúng để chọn, cử đúng người đi đào tạo, đánh giá đúng để bố trí, sử dụng cán bộ sau đào tạo nhằm phát huy hết khả năng của cán bộ. Công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng phải được thực hiện nghiêm, nhất là công tác quản lý học viên. Cần xác định rõ các lĩnh vực còn thiếu, còn yếu, những lĩnh vực đáp ứng thực tế yêu cầu nhiệm vụ của địa phương, đơn vị để làm căn cứ cho việc mở lớp cũng như việc cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng.
Ba là, chỉ đạo Sở Nội vụ, Trường Chính trị tỉnh bám sát yêu cầu nhiệm vụ chính trị của tỉnh để xây dựng kế hoạch mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng hằng năm. Việc xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phải căn cứ yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, xuất phát từ nhu cầu thực tế của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng phải thiết thực, hiệu quả, tránh lãng phí nguồn ngân sách của Nhà nước. Thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, đơn vị rà soát, bổ sung quy hoạch các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý làm căn cứ để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng.
Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra đào tạo, bồi dưỡng tại Trường Chính trị tỉnh, nhất là đào tạo chuyên môn và lý luận chính trị. Phối hợp với ban thường vụ các huyện ủy, thành ủy, thị ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy tăng cường công tác kiểm tra các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng tại các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện. Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, báo cáo viên, nhất là đội ngũ giảng viên của Trường Chính trị tỉnh và Trung tâm bồi dưỡng Chính trị cấp huyện. Đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tăng thực hành, giảm lý thuyết.