ThS. Nguyễn Hồng Hoàng
Học viện Hành chính Quốc gia
(Quanlynhanuoc.vn) – Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kế hoạch cải cách hành chính năm 2023 với nhiệm vụ trọng tâm “Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ. Đổi mới, sáng tạo trong thực hiện cải cách hành chính, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội”, trong quý III/2023, các sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh Đắk Lắk đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện hoàn thành nhiệm vụ đề ra.
Một số kết quả đạt được trong quý III năm 2023
Thứ nhất, về công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính.
Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong công tác cải cách hành chính; tổ chức thực hiện rà soát, phân tích kết quả thực hiện các nội dung cải cách hành chính, kết quả hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước; xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu, nguyên nhân và trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức trong triển khai nhiệm vụ. Đã có nhiều sáng kiến, giải pháp cải cách hành chính được triển khai, như: (1) Theo dõi, đôn đốc tình hình xử lý hồ sơ trên hệ thống iGate của các cơ quan, đơn vị; lập nhóm zalo để các đơn vị trao đổi các thông tin liên quan đến công tác điều hành, xử lý hồ sơ trực tuyến; (2) Bổ sung tính năng điểm tin dịch vụ công hằng tuần trên ứng dụng Đắk Lắk G thực hiện thống kê số lượng hồ sơ trễ hạn xử lý, hồ sơ nộp online quá 8h chưa tiếp nhận và gửi cảnh báo đến lãnh đạo các cơ quan, đơn vị; (3) Thực hiện “Tuyến phố thanh toán không tiền mặt Buôn Ma Thuột 2023” nhằm thúc đẩy, khuyến khích, nâng cao tiện ích cho người tiêu dùng và các cơ sở sản xuất – kinh doanh sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt khi mua sắm, giao dịch thanh toán…
Công tác thông tin, tuyên truyền cải cách hành chính được chú trọng: UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 115/KH-UBND ngày 07/7/2023 về việc tổ chức Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu cải cách hành chính tỉnh Đắk Lắk năm 2023. Tỉnh tiếp tục duy trì Chương trình “Dân hỏi, thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước trả lời”. Các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện tiếp tục tuyên truyền chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác cải cách hành chính trên cổng, trang thông tin điện tử của ngành, địa phương.
Thứ hai, về cải cách thể chế.
Trong quý III năm 2023, UBND tỉnh ban hành 11 văn bản quy phạm pháp luật, trình HĐND tỉnh 6 nghị quyết. Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật tuân thủ theo đúng quy trình quy định của pháp luật, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và khả thi; các văn bản ban hành đều được cập nhật kịp thời, đầy đủ cơ sở dữ liệu văn bản pháp luật của tỉnh trên cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản quy phạm pháp luật.
Đối với công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật: UBND tỉnh tự kiểm tra 11 văn bản quy phạm pháp luật do UBND tỉnh ban hành, kiểm tra theo thẩm quyền 15 văn bản quy phạm pháp luật. Qua kiểm tra, chưa có văn bản nào có dấu hiệu trái pháp luật.
Thứ ba, về cải cách thủ tục hành chính.
UBND tỉnh đã ban hành 22 quyết định công bố danh mục thủ tục hành chính. Để công khai thủ tục hành chính, ngoài việc cập nhật lên cơ sở dữ liệu quốc gia, các bộ thủ tục hành chính ngay sau khi công bố đều được các sở, ban, ngành có liên quan và UBND cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh niêm yết công khai tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hoặc tại nơi thực hiện thủ tục hành chính; đồng thời, công khai trên các trang, cổng thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Về thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông. Hiện nay, có 19 lĩnh vực thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của 19 sở, ban, ngành được tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; 100% các sở, ban, ngành, địa phương thuộc UBND tỉnh đã thực hiệncơ chế một cửa, một cửa liên thông, có bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Nhìn chung, việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của tỉnh được thực hiện tốt, giảm tỷ lệ trễ hẹn trong giải quyết hồ sơ; nghiêm túc thực hiện việc xin lỗi người dân, tổ chức khi để xảy ra trễ hẹn. Thường xuyên theo dõi, chấn chỉnh tác phong, lề lối và thái độ làm việc của công chức tại Bộ phậntiếp nhận và trả kết quả các cấp để xây dựng hình ảnh đội ngũ công chức chuyên nghiệp, trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương, thân thiện và tận tình phục vụ Nhân dân.
Thứ tư, cải cách tổ chức bộ máy.
UBND tỉnh tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan hành chính nhà nước các cấp, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan, tổ chức, khắc phục được tình trạng chồng chéo, trùng lắp hoặc bỏ sót chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống hành chính nhà nước; tăng cường đổi mới, cải tiến phương thức làm việc nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước; tăng cường công tác rà soát, sắp xếp lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, cơ cấu hợp lý và nâng cao hiệu quả hoạt động. Xác định đến năm 2025, giảm tối thiểu 10% số lượng đơn vị sự nghiệp công lập và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021.
Về biên chế công chức, viên chức: Các cơ quan, đơn vị đã chấp hành và tuân thủ đúng chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 19/4/2019 về đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy, tăng cường công tác quản lý, sử dụng và tinh giản biên chế trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, việc sử dụng biên chế viên chức và hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP của Chính phủ đã được phân định rõ ràng và theo đúng Đề án vị trí việc làm của các cơ quan, đơn vị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; các cơ quan, đơn vị đã tập trung xây dựng phương án và tổ chức tuyển dụng viên chức theo số biên chế được giao cơ bản kịp thời, đúng quy định. Ban hành Kế hoạch tinh giản biên chế giai đoạn 2022 – 2026 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Thứ năm, cải cách tài chính công.
Việc ban hành các văn bản quy định về quản lý, sử dụng tài sản công từ trung ương đến địa phương trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã tác động tích cực đến việc quản lý, sử dụng tài sản công. Công tác quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị ngày càng tốt hơn, đi vào nề nếp, hiệu quả. Trách nhiệm và quyền hạn của thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc quản lý, sử dụng tài sản công được nâng cao, quy định phân cấp rõ ràng, cụ thể, hạn chế việc sử dụng lãng phí, kém hiệu quả. Các đơn vị đã tự xây dựng quy chế quản lý, sử dụng tài sản công theo các quy định hiện hành, phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị và thực hiện công khai tài sản theo quy định.
Thực hiện Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, UBND tỉnh ban hành Công văn số 9207/UBND-KT ngày 24/9/2021 về việc triển khai thực hiện Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ. Hiện nay, các đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh quản lý đang xây dựng phương án tự chủ giai đoạn 2023 – 2025 để trình UBND tỉnh phê duyệt phương án tự chủ theo quy định.
Thứ sáu, xây dựng và phát triển chính phủ điện tử.
Công tác xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số được quan tâm bằng việc ban hành nhiều quyết định, kế hoạch, công văn chỉ đạo thúc đẩy chuyển đổi số; trong đó giao nhiệm vụ cho các cấp, các ngành triển khai các nhiệm vụ cụ thể về chuyển đổi số theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành trung ương, phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tiễn của địa phương.
Đến nay, 19/19 sở, ban, ngành và 15/15 UBND cấp huyện có cổng/Trang thông tin điện tử. Hệ thống cổng/trang thông tin điện tử cơ quan nhà nước tỉnh đã từng bước được cải thiện về giao diện, hoạt động cung cấp và tiến tới minh bạch thông tin của cơ quan nhà nước; đặc biệt là thông tin về công tác chỉ đạo điều hành, thông tin kinh tế – xã hội của tỉnh đã đăng tải kịp thời trên môi trường mạng phục vụ rộng rãi cho cộng đồng, xã hội.
Kết quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, dịch vụ công trực tuyến một phần. Đến nay, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Đắk Lắk, tại địa chỉ: https://dichvucong.daklak.gov.vn cung cấp: 1.597 thủ tục hành chính. Trong đó dịch vụ công trực tuyến toàn trình: 665, dịch vụ công trực tuyến một phần: 932, tỷ lệ triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình của tỉnh đạt 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện cung cấp toàn trình.
Nhìn chung, trong quý III năm 2023, lãnh đạo tỉnh đã có chỉ đạo quyết liệt, quan tâm triển khai cải cách hành chính, đưa ra các giải pháp tích cực trong giải quyết khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, việc triển khai cải cách hành chính trong thời gian qua vẫn còn tồn tại, hạn chế:
– Một số cơ quan, đơn vị chưa kịp thời rà soát thường xuyên văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND cùng cấp khi có văn bản pháp luật mới hoặc khi tình hình kinh tế – xã hội không còn phù hợp; chưa kịp thời, sâu sát trong việc tổng kết, đánh giá tình hình thực thi lĩnh vực quản lý nhà nước được giao để làm cơ sở cho việc xây dựng văn bản, dẫn đến việc tham mưu xây dựng văn bản còn chậm trễ, chất lượng dự thảo chưa cao. Hiệu quả hoạt động lấy ý kiến, phản biện xã hội trong xây dựng pháp luật chưa thực sự đáp ứng yêu cầu.
– Để đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật lại cần căn cứ vào các tiêu chí cụ thể, rõ ràng, nhưng đến nay chưa ban hành được bộ tiêu chí này, nên trong thực tiễn còn lúng túng trong việc tổ chức đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật đối với từng văn bản, từng quy định cũng như thống kê cụ thể các quy định chưa được tuân thủ trên thực tế.
– Nhân lực công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước của tỉnh thực hiện nhiệm vụ theo chế độ kiêm nhiệm, cán bộ công nghệ thông tin phải làm nhiều việc nên công tác tham mưu về chuyển đổi số còn hạn chế. Tại UBND các xã, phường, thị trấn chưa có cán bộ phụ trách công nghệ thông tin nên việc triển khai các ứng dụng, dịch vụ công nghệ thông tin còn gặp nhiều khó khăn.
– Tỷ lệ người dân, tổ chức sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong thực hiện TTHC còn thấp do chưa có thiết bị công nghệ hiện đại để scan các loại giấy tờ có liên quan khi nộp hồ sơ trực tuyến. Đồng thời, có điện thoại thông minh vẫn khó thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến do các chức năng còn rườm rà, phức tạp, khó thao tác nên cần phải điều chỉnh các trường thông tin khi nộp hồ sơ đơn giản hơn nữa.
Một số nhiệm vụ thực hiện cải cách hành chính quý IV năm 2023
Một là, tăng cường hoạt động của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh và công tác kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh kịp thời những hạn chế, tồn tại, phát huy những kết quả đạt được, nhân rộng các điển hình thực hiện tốt công tác cải cách hành chính.
Hai là, nâng cao chất lượng công tác góp ý, thẩm định đề nghị xây dựng văn bản, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND. Theo dõi, đôn đốc các đơn vị triển khai thực hiện công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chứa quy phạm pháp luật theo quy định.
Ba là, thực hiện rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ theo kế hoạch rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước giai đoạn 2022 – 2025 theo Quyết định số 2784/QĐ-UBND ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh để bảo đảm thời gian theo quy định.
Bốn là, tiếp tục theo dõi, đánh giá hiệu quả của các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện đã thực hiện việc sắp xếp, tổ chức lại tổ chức bên trong đã phù hợp thực tiễn, chất lượng công việc, chức năng nhiệm vụ để tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai việc sắp xếp, tổ chức lại cơ cấu tổ chức bảo đảm hiệu quả, tinh gọn, tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ.
Năm là, tiếp tục triển khai các nhiệm vụ theo Kế hoạch số 243/KH-UBND ngày 26/12/2022 của UBND tỉnh Kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk năm 2023 theo lộ trình đã đề ra. Ban hành Quy chế quản lý, cung cấp và sử dụng Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Đắk Lắk.
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo số 295/BC-UBND ngày 20/9/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk về kết quả thực hiện cải cách hành chính quý III năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ quý IV năm 2023 của tỉnh Đắk Lắk.