TS. Nguyễn Thị Hà
Học viện Hành chính Quốc gia
(Quanlynhanuoc.vn) – Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (viết tắt là Đề án 06/CP) đã và đang được Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế thực hiện nhằm hướng tới mục tiêu chung là đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, xã hội số, công dân số, đô thị thông minh phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, sớm đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị.
Tình hình triển khai thực hiện Đề án 06/CP tại tỉnh Thừa Thiên Huế
Nhận thức được vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng, cấp thiết của Đề án 06/CP, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ trong 6 tháng đầu năm 2023 đã tham mưu Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 37-CT/TU ngày 04/4/2023 về đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án 06/CP trên địa bàn tỉnh và ban hành các văn bản chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ Đề án 06/CP. Đặc biệt, để tạo đột phá và đưa các tiện ích của Đề án 06/CP đi vào thực tiễn cuộc sống, góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số trên địa bàn, UBND tỉnh đã ký kết Kế hoạch phối hợp số 171/KHPH-BCA-UBND ngày 28/4/2023 với Bộ Công an về triển khai thực hiện các nhiệm vụ. Đến nay, tỉnh đã từng bước nhân rộng 22/26 mô hình Đề án 06.
Kết quả triển khai thực hiện các mô hình tại Kế hoạch phối hợp số 171/KHPH-BCA-UBND như sau:
(1) Mô hình 1, về bảo đảm điều kiện công dân số. Toàn tỉnh đã thu nhận 1.094.255 hồ sơ cấp căn cước công dân gắn chip; thu nhận 789.741 hồ sơ định danh điện tử; thu thập được 91.976 địa chỉ số; đã tạo lập 51.670 ví điện tử Hue-S và hơn 694 điểm chấp nhận thanh toán điện tử trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, đã có 1.217 hành khách sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 thay thế căn cước công dân làm thủ tục bay tại Cảng hàng không quốc tế Phú Bài từ ngày 01/6/2023.
Ngày 29/7/2023, Sở Thông tin và Truyền thông Thừa Thiên Huế đã tổ chức Lễ phát động chiến dịch cấp chữ ký số công cộng cho người dân và công bố kích hoạt ứng dụng dịch vụ công trực tuyến trên nền tảng Hue-S. Tính đến nay, đã cấp phát và tiếp nhận đăng ký gần 4.000 chữ ký số công cộng cho người dân, đồng thời, tỉnh cũng phối hợp với Cục C06, Bộ Công an khảo sát các điều kiện để triển khai mô hình tại Bệnh viện Trung ương Huế.
(2) Mô hình 2, về chuẩn hóa xác thực tập trung (SSO) nền tảng trao đổi dữ liệu quốc gia (VDXP): Tỉnh đã thử nghiệm thành công kết nối hệ thống xác thực tài khoản, đăng nhập ứng dụng Hue-S bằng cách xác thực tài khoản trên ứng dụng VNeID. Hiện nay đã hoàn thành khắc phục 4/4 tiêu chí chưa đạt do Đoàn kiểm tra an ninh an toàn Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông kiến nghị và đang tiến hành đánh giá lại an toàn thông tin.
(3) Mô hình 3, về triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu: UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 287/KH-UBND ngày 25/8/2023 về đẩy mạnh triển khai 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông: đăng ký khai sinh – đăng ký thường trú – cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử – xóa đăng ký thường trú – trợ cấp mai táng. Tính đến ngày 25/8/2023, số lượng hồ sơ phát sinh nhóm 2 thủ tục hành chính liên thông: liên thông đăng ký khai sinh – đăng ký thường trú – cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi là 903 hồ sơ; liên thông đăng ký khai tử – xóa đăng ký thường trú – trợ cấp mai táng phí là 92 hồ sơ.
(4) Mô hình 4, về tự động hóa trung tâm hành chính công thông qua tương tác Kiosk: tỉnh đã phối hợp với Cục C06, Bộ Công an làm rõ giải pháp và đang tiến hành thiết lập hệ thống và thử nghiệm. Sau khi thử nghiệm hoàn thành sẽ triển khai chính thức.
(5) Mô hình 5, về danh mục dịch vụ công trực tuyến: Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh đã ban hành Quyết định số 1722/QĐ-UBND ngày 18/7/2023 về việc ban hành danh mục dịch vụ công trực tuyến toàn trình và dịch vụ công trực tuyến một phần trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế với 1.953 thủ tục hành chính, trong đó có 95% dịch vụ công trực tuyến: 787 dịch vụ công trực tuyến toàn trình (chiếm tỷ lệ 40%), 1.072 dịch vụ công trực tuyến một phần (chiếm tỷ lệ 55%).
(6) Mô hình 6, về quản lý chương trình an sinh xã hội thông qua VneID: triển khai việc chi trả không dùng tiền mặt trong thực hiện chính sách an sinh xã hội cho các đối tượng thụ hưởng bằng nguồn ngân sách nhà nước tại 137/141 xã, phường, thị trấn (đạt tỷ lệ 97,16%); đối với người được ủy quyền, người giám hộ được chi trả chính sách trợ giúp xã hội qua tài khoản trên địa bàn tỉnh là 47.090/59.991 trường hợp (đạt tỷ lệ 78,49%).
(7) Mô hình 7, về khám, chữa bệnh sử dụng thẻ căn cước công dân và VneID: số lượng căn cước công dân được đồng bộ với thẻ bảo hiểm y tế giấy còn hạn sử dụng là 1.033.584 trường hợp; có 187/188 cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện tra cứu thông tin thẻ bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân với 170.883 lượt tra cứu.
(8) Mô hình 8, về triển khai tại các điểm công chứng, chứng thực: tỉnh đã triển khai việc sử dụng thiết bị đọc chip tại 3 tổ chức hành nghề công chứng, chứng thực là Văn phòng công chứng Hồ Phi Hùng, Văn phòng công chứng Phan Đình Việt, Văn phòng công chứng An Phú Gia. Tính đến hiện tại, đã xác thực thông tin trên thẻ căn cước công dân đối với 457 trường hợp khách đến giao dịch.
(9) Mô hình 9 và 11, triển khai nền tảng quản lý lưu trú tại nhà trọ, nhà nghỉ, khách sạn 2 – 5 sao; nhà khách; nhà công vụ và cơ sở khám, chữa bệnh: đã thực hiện thông báo lưu trú qua phần mềm ASM tại 48 cơ sở kinh doanh lưu trú và 9 cơ sở khám, chữa bệnh. Các cơ sở đã cập nhật thông tin khách checkin khi đến lưu trú là 31.166 trường hợp và thông báo lưu trú qua phần mềm ASM đối với 167 cơ sở kinh doanh lưu trú thuộc thẩm quyền quản lý.
(10) Mô hình 10, triển khai nền tảng quản lý lưu trú tại: nhà cho thuê; nhà ở trong khu công nghiệp, khu chế xuất. Kết quả là đã thực hiện thông báo lưu trú qua phần mềm ASM cho 23 trường hợp.
(11) Mô hình 12, 13 và 14, về triển khai camera AI kiểm soát ra/vào tại khu du lịch, khu công nghiệp, nhà ga, bến tàu: Sở Thông tin và Truyền thông đã tiến hành khảo sát, lắp đặt 1 camera điểm kiểm soát vé ra/vào Ngọ Môn. Cục C06 đã hỗ trợ 1 camera AI nhận diện khuôn mặt.
(12) Mô hình 15, về triển khai tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an toàn giao thông: đã thí điểm mô hình sử dụng thiết bị xác minh di động, xác thực danh tính khách hàng tại một cơ sở kinh doanh với 115 trường hợp.
13) Mô hình 16, về triển khai thiết bị giám sát thi cử, sát hạch lái xe: tỉnh đã phối hợp với Cục C06 khảo sát các điều kiện để triển khai mô hình tại Trung tâm sát hạch, lái xe cơ giới đường bộ – Trường Cao đẳng giao thông vận tải Thừa Thiên Huế.
(14) Mô hình 18, về phân tích tình hình dân cư: đã triển khai báo cáo số về phân tích tình hình cơ bản dân cư trên địa bàn tỉnh (các thông tin cơ bản được lấy từ API thống kê do Cục C06 cung cấp).
(15) Mô hình 22, về truyền thông nội bộ cho cán bộ, công chức, viên chức cơ quan nhà nước: các sở, ngành địa phương đã tổ chức tuyên truyền đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh nắm rõ ý nghĩa, giá trị, lợi ích, tầm quan trọng của Đề án 06/CP, các tiện ích của thẻ căn cước công dân gắn chip, tài khoản định danh điện tử, ứng dụng VNeID và 7 phương thức khai thác, sử dụng thông tin công dân trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công. Sở Tư pháp biên tập 130 tình huống giải pháp pháp luật về thủ tục hành chính liên quan đến các lĩnh vực, như: hộ tịch, du lịch, thể dục – thể thao, di sản văn hóa, văn hóa công sở đăng tải trên trang thông tin điện tử…
(16) Mô hình 23, về truyền thông chính sách qua hệ thống LED, pano, áp phích, truyền thanh cơ sở, truyền hình địa phương, hệ thống phát thanh thông minh, nền tảng số: đăng tải nội dung truyền thông lên trang thông tin điện tử Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh; trên ứng dụng Hue-S; Zalo OA Trung tâm IOC, trên Fanpage HueIOC. Sở Văn hóa và Thể thao đã báo cáo UBND tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện Đề án 06/CP theo phương thức xã hội hóa.
(17) Mô hình 24, về Trung tâm giám sát an ninh mạng SOC tỉnh Thừa Thiên Huế: Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Cục C06 cài đặt phần mềm tường lửa dữ liệu cho các hệ thống thông tin của tỉnh (bao gồm hệ thống Hue-S, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, hệ thống phần mềm dùng chung của tỉnh và các hệ thống khác liên quan).
(18) Mô hình 25, về triển khai cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VneID: UBND tỉnh đã chỉ đạo, giao trách nhiệm các sở, ban, ngành có liên quan; đồng thời chủ động trao đổi, đề nghị Bộ Tư pháp, Bộ Công an (Cục C06) phối hợp, hướng dẫn rà soát quy trình, sớm triển khai thực hiện thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID tại Thừa Thiên Huế.
(19) Mô hình 26, về quảng bá du lịch Thừa Thiên Huế trên nền tảng VneID: Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Du lịch rà soát các điều kiện để triển khai mô hình. Bên cạnh đó, 4 mô hình còn lại gồm: mô hình 17 (triển khai giải pháp xử phạt giao thông và trật tự an toàn xã hội); mô hình 19 (phân tích tình hình lao động); mô hình 20 (phân tích tình hình du lịch thông qua lưu trú) và mô hình 21 (phân tích tình hình trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn) sẽ phối hợp Cục C06 triển khai trong thời gian sớm nhất.
Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Đề án 06/CP
Thứ nhất, việc triển khai nhân rộng các mô hình theo Kế hoạch phối hợp thực hiện Đề án 06/CP còn khó khăn về trang thiết bị để triển khai, như: mô hình kiểu mẫu thực hiện Đề án 06/CP tại các khu chung cư, khu đô thị mới; triển khai tại các điểm công chứng, chứng thực; thực hiện thông báo lưu trú qua phần mềm ASM; triển khai tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự. Việc đầu tư các trang thiết bị phục vụ triển khai mô hình Đề án 06 tại các điểm tập trung đông người, các nhà văn hóa thuộc các thôn, tổ dân phố tạm thời vẫn chưa được triển khai.
Thứ hai, kinh phí phục vụ triển khai các mô hình Đề án 06/CP còn nhiều hạn chế. Các trang thiết bị do Trung tâm RAR cung cấp (thiết bị đọc mã QRcode, đọc thẻ chip trên căn cước công dân, thiết bị xác thực thông tin di động…) chưa đa dạng về chủng loại và giá thành nên chưa thật sự khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức tự mua và trang bị sử dụng, nhất là các cơ sở có quy mô nhỏ nên việc nhân rộng các mô hình có sử dụng các thiết bị trên còn khó khăn.
Thứ ba, các giải pháp và thiết bị liên quan đến triển khai các mô hình Camera AI kiểm soát, giám sát, như: mô hình triển khai camera AI kiểm soát ra/vào tại khu công nghiệp, nhà ga, bến tàu, chưa được cung cấp nên chưa triển khai được trong thực tế.
Thứ tư, triển khai thực hiện 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông đăng ký khai sinh – đăng ký thường trú – cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử – xóa đăng ký thường trú – hỗ trợ chi phí mai táng, trợ cấp mai táng còn hạn chế.
Thứ năm, tình trạng cán bộ làm thay, làm hộ cho công dân, nhất là đối với công dân không thành thạo các thao tác trên môi trường điện tử vẫn còn diễn ra; tỷ lệ công dân kích hoạt, sử dụng tài khoản định danh điện tử chỉ đạt 19% chưa đáp ứng yêu cầu theo Kế hoạch số 68/KH-BCĐ ngày 28/4/2023 của Ban Chỉ đạo Đề án 06 tỉnh đã đề ra.
Một số đề xuất
Một là, Chính phủ chỉ đạo sớm xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia để đáp ứng yêu cầu thực hiện lộ trình Đề án 06/CP và thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, tạo bộ dữ liệu dùng chung để khai thác thống nhất.
Hai là, đề xuất các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ số hóa dữ liệu, hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính và kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đẩy nhanh tiến độ xây dựng bài toán tự động hóa tương tác dịch vụ công sau khi xác thực, tái sử dụng các thành phần hồ sơ, thay thế tối đa các hồ sơ giấy.
Ba là, để nâng cao hiệu quả mô hình công dân số, đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các nhà mạng đẩy nhanh tiến độ cấp phát chữ ký số miễn phí cho người dân để tăng tỷ lệ thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình, bảo đảm tính pháp lý, an toàn và bảo mật cho các giao dịch điện tử.
Bốn là, UBND tỉnh đề nghị Bộ Công an (Cục C06) tiếp tục hỗ trợ giúp tỉnh Thừa Thiên Huế giải pháp và quy trình thực hiện các mô hình liên quan đến camera AI, thiết bị xác thực danh tính, cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID.
Năm là, Bộ Công an nghiên cứu, đa dạng hóa các sản phẩm, thiết bị phục vụ triển khai các mô hình Đề án 06, như: máy quét Qrcode, thiết bị đọc thẻ căn cước công dân gắn chip, camera AI…, để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp lựa chọn, sử dụng phù hợp với từng điều kiện của đơn vị.
Tài liệu tham khảo:
1. Chỉ thị số 37-CT/TU ngày 04/4/2023 của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế về đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
2. Công văn số 4043/CV-TCTTKĐA ngày 13/6/2023 của Tổ Công tác triển khai Đề án 06 Chính phủ về việc triển khai các mô hình điểm nhằm đẩy mạnh việc triển khai Đề án 06.
3. Kế hoạch phối hợp số 171/KHPH-BCA-UBND ngày 28/4/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế với Bộ Công an về triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Ðề án 06.
4. Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.