TS. Trần Thuý Vân
Học viện Hành chính Quốc gia
(Quanlynhanuoc.vn) – Tự động hóa và robot hóa nhiều khi được hiểu đồng nhất. Tuy nhiên, hai khái niệm này có sự khác nhau. Robot hóa là một trong những lĩnh vực tự động hóa. Robot hóa là quá trình đưa robot vào doanh nghiệp để thực hiện các chức năng nhất định. “Robot truyền thống được trang bị các cảm biến cho phép chúng thực hiện các công việc thể chất phức tạp mà không cần sự trợ giúp của con người”1. Bài viết về tự động hóa, tác động của tự động hóa ở Hàn Quốc, Nhật Bản và nêu một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật để triển khai tự động hoá một cách phủ hợp.
Đặt vấn đề
Hiểu theo cách chung nhất, tự động hóa là thực hiện những hành động và quy trình không có sự tham gia của con người. Tự động hóa là quá trình đưa công nghệ vào doanh nghiệp giúp giải phóng con người khỏi việc thực hiện trực tiếp các nhiệm vụ sản xuất. Các nhiệm vụ sản xuất được tự động hóa thường là các nhiệm vụ đơn giản, nặng nề, lặp đi, lặp lại, nhàm chán.
Tự động hóa sản xuất có thể đem lại hiệu quả kinh tế rất lớn cho doanh nghiệp. Có rất nhiều lợi ích của việc tự động hóa, robot hóa: chất lượng sản phẩm được cải thiện, khối lượng sản xuất tăng lên, chi phí sản xuất giảm và tiết kiệm không gian sản xuất. Ngoài ra, dây chuyền tự động, robot có thể được sử dụng trong những điều kiện nguy hiểm và không tốt cho sức khỏe, đây chắc chắn là một khía cạnh quan trọng. Việc thay thế con người bằng dây chuyền tự động, robot có thể có ý nghĩa không chỉ cho sự tăng hiệu quả sản xuất mà còn để bảo tồn sức khỏe con người.
Tác động của tự động hóa đối với nền kinh tế
Nhiều nhà nghiên cứu, gồm cả ở Hoa Kỳ và Vương quốc Anh đưa ra kết luận rằng các công nghệ mới có thể dẫn đến sự sụt giảm kéo dài tổng số lao động có việc làm. Họ dự đoán sự tuyệt chủng của nhiều ngành nghề, tự động hóa hàng loạt sẽ bắt đầu thay thế con người khỏi sản xuất, trí tuệ nhân tạo sẽ thay thế hàng triệu việc làm, thế giới đang bước vào kỷ nguyên thất nghiệp công nghệ cao chưa từng có và khoảng một nửa số công việc hiện có sẽ mất đi trong 10-15 năm tới.
Nhìn chung, tự động hóa chỉ làm gián đoạn mô hình việc làm thông thường một cách dần dần trong bất kỳ lĩnh vực nào của nền kinh tế. Mọi người có thể chuyển đổi công việc trong các ngành công nghiệp mới. Kinh nghiệm của các nước dẫn đầu về tự động hóa cho thấy, hiện nay tự động hóa diễn ra trong toàn bộ nền kinh tế với tốc độ ngày càng nhanh. Và như vậy, thất nghiệp do tự động hóa cũng diễn ra trong mọi ngành nghề và ồ ạt, có thể là mối đe dọa lớn đối với sự ổn định xã hội của người dân. Trong tương lai, các quốc gia có thể phải kiểm soát việc phân phối lại lợi ích dưới hình thức “bảo đảm thu nhập cơ bản” hoặc thiết lập hệ thống khác tương tự để tránh biến động xã hội.
Dựa trên kết quả quan sát quá trình tự động hoá tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức… một số nhà nghiên cứu khẳng định: nhiều ngành nghề sẽ biến mất, nhưng đổi lại, những nghề mới, có nhu cầu cao hơn sẽ xuất hiện, chẳng hạn như: nhà thiết kế thực tế ảo, hướng dẫn viên không gian, chuyên gia phục hồi hệ sinh thái, nhà phát triển đạo đức robot, hướng dẫn viên du lịch ảo, nhà bình luận kỹ thuật số, hacker sinh học, nhà phân tích Internet vạn vật và nhiều nghề khác. Thế giới đang hướng tới những thay đổi lớn và chúng ta sẽ phải thích ứng với chúng.
Tự động hoá, robot hóa ngày càng trở nên cấp thiết. Các doanh nghiệp đang tích cực đầu tư vào tự động hóa, robot hóa vì nó mang lại lợi ích về mặt tăng sản lượng, đồng thời giảm chi phí. Các vị trí dẫn đầu về tự động hóa sản xuất hiện nay thuộc về: Hàn Quốc, Nhật Bản và Đức.
Tự động hóa ở Hàn Quốc
Тháng 01/2022, Luật Xử phạt tai nạn nghiêm trọng của Hàn Quốc có hiệu lực. Luật này quy định phạt tiền, thậm chí là phạt tù đối với giám đốc điều hành và các nhân viên trong ban lãnh đạo doanh nghiệp bỏ qua các yêu cầu an toàn tại nơi làm việc dẫn đến người lao động chết hoặc bị thương tích. Để xử phạt họ, phải chứng minh rằng, họ đã bỏ qua các tiêu chuẩn an toàn lao động. Việc ban hành Luật này được cho là biện pháp nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động. Tuy nhiên, nó đã trở thành một động lực quan trọng thúc đẩy tự động hóa. Bên cạnh đó, một lý do quan trọng khác thúc đẩy các chủ doanh nghiệp tích cực thay thế con người bằng robot là việc lương cơ bản tại Hàn Quốc tăng 5% trong năm 20222.
Các chuyên gia và truyền thông địa phương cho rằng, Luật Xử phạt tai nạn nghiêm trọng làm rung chuyển ngành Công nghiệp nặng và ngành Xây dựng. Số lượng robot được sử dụng trong các ngành này tăng nhanh. Doanh nghiệp tuyển dụng ít lao động hơn và lý tưởng nhất là không tuyển dụng. Các nhà máy đang thay thế con người bằng robot một cách ồ ạt.
Robot bồi bàn đang phổ biến ở Hàn Quốc, nơi đang thiếu hụt lao động do tỷ lệ sinh thấp. Ngoài ra, nhiều du khách thích dịch vụ không tiếp xúc với con người hơn sau đại dịch coronavirus. Đến giữa năm 2023, có khoảng 5.000 robot bồi bàn ở nước này và con số này có thể tăng gấp đôi trong tương lai3. Theo ước tính sơ bộ, các nhà sản xuất Trung Quốc cung cấp hơn 70% thị trường robot bồi bàn ở Hàn Quốc. Trung Quốc cung cấp robot rẻ hơn trung bình 20% so với robot của Hàn Quốc nhưng không thua kém về chất lượng4. Các nhà sản xuất robot Hàn Quốc khó cạnh tranh được với các nhà sản xuất robot Trung Quốc.
Theo các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp robot Hàn Quốc, các chương trình của Chính phủ về khuyến khích sử dụng robot không mang lại bất kỳ lợi thế hay ưu tiên nào cho các nhà sản xuất robot địa phương. Điều này dẫn đến việc Trung Quốc thống trị thị trường robot ở Hàn Quốc do việc nhập khẩu robot không bị áp bất cứ loại thuế nào. Chính vì vậy, tự động hóa công việc là không thể tránh khỏi, nhưng quá trình này gây ra mối đe dọa không chỉ đối với những người lao động bình thường mà còn đối với các nhà sản xuất robot địa phương. Nhà nước cần có chính sách kích thích sự phát triển của ngành Công nghiệp robot quốc gia trong thời gian tới.
Yêu cầu đối với Chính phủ Hàn Quốc là phải cân bằng được giữa việc tiếp thu các công nghệ tiên tiến song song với sự đổi mới, hỗ trợ các nhà sản xuất trong nước để Hàn Quốc không mất đi vị trí dẫn đầu trong các lĩnh vực quan trọng.
Việc nhập khẩu robot từ Trung Quốc chính là “chiến lược tiết kiệm” nhưng thiếu tầm nhìn và không phát triển bền vững do phụ thuộc vào quốc gia khác và không tận dụng được lợi thế số 1 về công nghệ tự động hoá của Hàn Quốc vào quy trình sản xuất.
Tự động hóa ở Nhật Bản
Nhật Bản là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về tự động hóa sản xuất, đồng thời không sợ máy móc lấy đi việc làm của con người. Ở Nhật Bản tỷ lệ sinh đã giảm trong nhiều thập kỷ, gây ra nỗi sợ ngược lại – tình trạng thiếu lao động. Các công ty lớn của Nhật Bản có xu hướng không sa thải nhân viên ngay cả khi kiến thức và kỹ năng của họ đã lỗi thời, họ sẽ được công ty đào tạo lại và giao cho các nhiệm vụ khác. Ở Nhật Bản không tiến hành thay thế con người bằng robot một cách rầm rộ. Người Nhật cố gắng duy trì sự hài hòa giữa con người và máy móc5.
Nhật Bản đã có hơn 40 năm sử dụng robot vào các quy trình sản xuất, cung ứng dịch vụ. Đất nước Mặt trời mọc thể hiện rõ ràng là quốc gia tiên phong thực sự về tự động hóa so với các quốc gia khác. Tính đến giữa những năm 1990, Nhật Bản có nhiều robot công nghiệp hơn phần còn lại của thế giới. Và hầu hết các sản phẩm này đều được sản xuất trong nước. Ngay từ đầu, các công ty sản xuất robot đã buộc phải cạnh tranh với nhau và ngày càng tạo ra nhiều giải pháp tiên tiến hơn.
Máy móc giải phóng con người khỏi những công việc nặng nhọc, nhàm chán. Mỗi người được giải phóng đều tìm thấy một vị trí cho mình trong một lĩnh vực an toàn hơn nhưng cũng phức tạp hơn. Điều này đặc biệt đáng chú ý trong ngành công nghiệp ô tô.
Và một vấn đề không thể bỏ qua, đó là nền kinh tế Nhật Bản có định hướng xuất khẩu, đặc biệt là trong những ngành công nghiệp sử dụng robot rộng rãi. Do hàng hóa chất lượng cao, tiêu thụ rộng rãi trên các thị trường của thế giới, Nhật Bản tích cực sản xuất ngay cả sau khi thị trường trong nước đã bão hòa. Việc xuất khẩu với quy mô lớn hàng hóa Nhật Bản sang các nước khác đã đóng một trong những vai trò quan trọng trong quá trình tự động hóa công nghiệp thành công.
Tuy nhiên, ở các quốc gia khác nhau, hiệu ứng của tự động hóa, robot hóa có thể hoàn toàn không giống như ở Nhật Bản do chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố khác nhau.
Một số kinh nghiệm cho Việt Nam
Tự động hoá là quá trình không thể tránh và hơn thế nữa, tự động hóa đem lại nhiều lợi ích cho con người, cho xã hội. Cần tập trung xác định và giải quyết những vấn đề quan trọng phát sinh do quá trình tự động hóa để tận dụng cơ hội, lợi ích mà tự động hoá đem lại.
Thứ nhất, nhận thức rõ tự động hóa là cơ hội giải phóng, phát triển con người. Máy móc, robot sẽ thay con người thực hiện những công việc nặng nhọc, nhàm chán, độc hại, ô nhiễm với hiệu quả công việc cao hơn, chất lượng sản phẩm cao hơn.
Thứ hai, chuẩn bị cho việc chuyển đổi hệ thống giáo dục, đào tạo. Tự động hóa làm nhiều nghề biến mất nhưng có thể làm xuất hiện nhiều nghề mới. Tốc độ xuất hiện các nghề mới sẽ chậm hơn tốc độ biến mất của các nghề truyền thống. Đây cũng là điều cần nghiên cứu, có giải pháp khắc phục để ngăn chặn sự xáo trộn, thậm chí biến động xã hội do thất nghiệp bởi công nghệ. Nhà nước có cơ chế, chính sách cùng với xã hội phát triển những ngành, nghề mới. Việc đào tạo con người sẽ tập trung vào những việc mà máy móc không thể thay thế được.
Thứ ba, thúc đẩy nghiên cứu, tự sản xuất máy móc, dây chuyền tự động, robot trong nước. Nhà nước xây dựng chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tự thiết kế máy móc, dây chuyền sản xuất tự động, robot phục vụ cho việc tự động hóa các ngành, nghề khác nhau. Việc giới thiệu các công nghệ tiên tiến của các nước cần đi đôi với sự hỗ trợ các nhà sản xuất trong nước. Không nên vì tiết kiệm ngân sách mà đánh mất sự phát triển bền vững và thương hiệu quốc gia.
Thứ tư, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá, dịch vụ khi áp dụng tự động hóa để bảo đảm không khủng hoảng thừa về hàng hóa và về lao động. Để hàng hoá, dịch vụ bán được trên thị trường quốc tế thì chất lượng, mẫu mã phải hoàn hảo. Nhà nước nên có chiến lược đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá, dịch vụ; ban hành các quy chuẩn nhằm nâng cao chất lượng hàng hoá, dịch vụ; tập trung xuất khẩu những sản phẩm mà nước ta có ưu thế do các điều kiện tự nhiên như khí hậu, thổ nhưỡng, đa dạng sinh học…
Thứ năm, phân phối lợi nhuận một cách hợp lý sẽ là vấn đề cần được Nhà nước chú ý nhằm bảo đảm ổn định xã hội do thất nghiệp bởi công nghệ. “Bảo đảm thu nhập cơ bản” là một biện pháp phân phối lợi nhuận đáng quan tâm.