(Quanlynhanuoc.vn) – Sáng ngày 24/10/2023, tại Hà Nội, Học viện Hành chính Quốc gia đã tổ chức Hội thảo khoa học thảo luận về chủ đề: Quản lý vốn của Nhà nước tại các doanh nghiệp. TS. Lê Toàn Thắng, Trưởng khoa Quản lý kinh tế chủ trì Hội thảo.
Dự Hội thảo, về phía khách mời, có: ông Hà Khắc Minh, Tổng Biên tập Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp, Bộ Tài chính; ông Nguyễn Duy Long, Trưởng phòng Tổng hợp Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính; ông Đặng Quốc Việt, Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính; PGS.TS. Lương Ngọc Trịnh, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Về phía Học viện, có: TS. Đặng Xuân Hoan, nguyên Giám đốc Học viện; PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thao, nguyên Trưởng Khoa Quản lý nhà nước về kinh tế; đại diện lãnh đạo một số khoa, ban, đơn vị thuộc Học viện; các chuyên gia, nhà khoa học, nghiên cứu sinh, sinh viên cùng toàn thể giảng viên, viên chức, người lao động Khoa Quản lý kinh tế tham dự.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, TS. Lê Toàn Thắng, Trưởng khoa Quản lý kinh tế cho biết: Việt Nam đã và đang xây dựng một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với quan điểm coi thành phần kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế nhà nước; trong đó, doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước được xem là lực lượng nòng cốt. Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp nhà nước sở hữu nguồn vốn lớn nhưng hiệu quả chưa tương xứng với tiềm năng, nhất là nguồn lực đang nắm giữ và thị trường đang chi phối, các doanh nghiệp nhà nước chưa có vai trò dẫn dắt, tạo động lực đối với nền kinh tế. Bên cạnh đó, năng lực cạnh tranh, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước. Việc đổi mới quản trị doanh nghiệp chưa thực sự tiệm cận theo các nguyên tắc và thông lệ quốc tế, chưa phù hợp với nền kinh tế thị trường hiện đại…
Xuất phát từ những bất cập trên, Hội thảo mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học giàu kinh nghiệm đóng góp các ý kiến để tháo gỡ các khó khăn, bất cập trong công tác quản lý, giám sát đầu tư, sử dụng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp; kiến nghị việc sửa đổi, ban hành các chính sách phù hợp, nhằm tái cấu trúc các doanh nghiệp có vốn nhà nước, thực hiện quản lý vốn của Nhà nước có hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí vốn đầu tư của Nhà nước.
Tại Hội thảo, với tham luận về: “Tổng quan về doanh nghiệp nhà nước – Lựa chọn mô hình quản lý và giám sát” ông Hà Khắc Minh cho biết, các doanh nghiệp nhà nước góp phần bảo đảm một số cân đối lớn của nền kinh tế, xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; là công cụ quan trọng thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, đối phó với những biến động thị trường. Trong thời đại công nghiệp 4.0, phần lớn các doanh nghiệp nhà nước đã tăng cường công tác quản lý, quản trị doanh nghiệp, áp dụng công nghệ, mô hình quản trị hiện đại.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp nhà nước chưa thể hiện rõ vai trò nổi bật trong việc dẫn dắt, tạo động lực, thúc đẩy các thành phần khác phát triển, thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị gia tăng; còn yếu ở những ngành có ảnh hưởng, quyết định đến việc hỗ trợ nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và của khu vực doanh nghiệp Việt Nam. Hiệu quả hoạt động chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ; hiệu quả chưa được như kỳ vọng, một số dự án có lỗ lũy kế lớn, lỗ liên tiếp trong nhiều năm, phương thức tái cấu trúc chưa hiệu quả; chưa thực hiện đầy đủ quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm để hoạt động theo cơ chế thị trường; điều hành sản xuất, kinh doanh còn chậm, chưa thực sự hướng theo các nguyên tắc và thông lệ quốc tế tốt, phù hợp với kinh tế thị trường hiện đại; việc thực hiện pháp luật công bố thông tin còn mang tính hình thức, chưa được doanh nghiệp thực hiện đầy đủ và nghiêm túc….
Từ những hạn chế, bất cập trên, ông Minh đưa ra một số giải pháp về tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ…; hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách; nâng cao hiệu quả hoạt động, sắp xếp của doanh nghiệp nhà nước; tăng cường công khai, minh bạch hoạt động, kiểm tra, giảm sát; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu; thúc đẩy vai trò giám sát của tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Duy Long trình bày tham luận: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý vốn đầu tư của Nhà nước tại các doanh nghiệp”. Ông Long đưa ra 5 tồn tại, hạn chế của Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014 sau gần 9 năm thực hiện và các văn bản hướng dẫn cho thấy đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, như: tên, phạm vi điều chỉnh của Luật; đối tượng áp dụng; xác định nội hàm quản lý; công tác quản lý vốn nhà nước chưa được tách bạch, rõ ràng theo Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII); phân cấp thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước.
Ông Long cũng đưa ra đề xuất nhằm hoàn chỉnh pháp luật về quản lý vồn đầu tư tại doanh nghiệp: điều chỉnh tên Luật “Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp”. Phạm vi điều chỉnh: “Luật này quy định việc quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; sắp xếp và cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; kiểm tra, giám sát việc quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp”. Xác định đối tượng áp dụng, như: doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp; doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước thuộc các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp; cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, người đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp… Quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp xác định rõ nguyên tắc “lợi ích thì hài hòa, rủi ro thì chia sẻ”, bảo toàn, hiệu quả, công bằng, thị trường, linh hoạt và công khai, minh bạch…
PGS.TS. Lưu Ngọc Trịnh với “Một vài suy nghĩ những yếu tố cơ bản tác động đến quản lý vốn của Nhà nước tại các doanh nghiệp”. Ông Trịnh dẫn lời Thủ tướng Phạm Minh Chính về “kết quả hoạt động và đóng góp của khối doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của mình” nhất là nguồn lực đang nắm giữ và thị trường đang chi phối. Điều này cho thấy, những yếu kém trong quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp Việt Nam, như:
(1) Các doanh nghiệp nhà nước (nhất là các tập đoàn, tổng công ty lớn) về cơ bản chưa thực hiện được vai trò dẫn dắt, tạo động lực, mở đường, thúc đẩy các thành phần kinh tế khác; các doanh nghiệp nhà nước chưa liên kết chặt chẽ với nhau, chưa tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp tư nhân, trong đó có các doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị.
(2) Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ; khu vực doanh nghiệp nhà nước có xu hướng giảm dần quy mô và tỷ lệ đóng góp ở tất cả các chỉ tiêu về hiệu quả trong giai đoạn 2016 – 2021.
(3) Năng lực cạnh tranh, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (kể cả của các doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn) vẫn còn hạn chế, đặc biệt trong các ngành có khả năng dẫn dắt chuyển đổi cơ cấu kinh tế.
(4) Hoạt động của doanh nghiệp nhà nước còn thiên về “hướng nội”; các chỉ tiêu, kế hoạch còn thiên về lượng, chưa chú trọng đến chất; công tác đổi mới quản trị doanh nghiệp chưa thực sự tiệm cận theo các nguyên tắc và thông lệ quốc tế tốt, phù hợp với kinh tế thị trường hiện đại.
(5) Công tác xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước chưa được quan tâm nghiêm túc; còn chịu tác động của các nhóm lợi ích, dẫn tới tiến độ triển khai cổ phần hóa, thoái vốn chậm.
(6) Công tác đổi mới quản trị doanh nghiệp chưa xứng tầm, chưa theo kịp yêu cầu của thị trường…
Chia sẻ tại Hội thảo, TS. Đặng Xuân Hoan khẳng định những nội dung các chuyên gia trao đổi tại Hội thảo mang tính thời sự của những vấn đề quản lý nguồn vốn; đánh giá, phân tích những hạn chế dưới nhiều góc độ, như: văn hóa, tâm lý, điều kiện, yêu cầu đặt ra trong bối cảnh đổi mới quản lý và đề xuất những giải pháp mang tính thực tiễn là nguồn tài liệu quý phục vụ cho giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học tại Học viện. TS. Đặng Xuân Hoan cũng đưa ra những nguyên nhân sâu xa của chế độ sở hữu; những ưu đãi độc quyền đã thủ tiêu động lực tiếp cận kỹ thuật, ứng dụng khoa học – công nghệ cũng như tính chủ động; những vấn đề liên quan đến cổ phần hóa…
Hội thảo còn nhận được nhiều ý kiến, câu hỏi cũng như hơn 20 tham luận của các giảng viên, nghiên cứu viên, nhà khoa học trong và ngoài học viện, như: bàn về mô hình tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) – đại diện phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp ở Việt Nam; kinh nghiệm giám sát tối cao các tập đoàn kinh tế của thế giới và hàm ý cho Việt Nam; mô hình quản lý và giám sát tài sản nhà nước ở Trung Quốc và một số gợi ý cho Việt Nam trong việc đổi mới hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước: khó khăn và giải pháp; quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay: thực trạng và giải pháp; một số giải pháp nâng cao hiệu quả trong quản lý tài chính tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước; mô hình chủ sở hữu tại doanh nghiệp có vốn nhà nước ở Việt Nam; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước – những khó khăn và vướng mắc; các nhân tố tác động đến hiệu quả quản lý vốn nhà nước trong doanh nghiệp…
Tổng kết Hội thảo, TS. Lê Toàn Thắng trân trọng cảm ơn các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, giá trị xuất phát từ lý luận và thực tiễn của các nhà khoa học. Sự tham dự và đóng góp ý kiến tích cực của các đại biểu, những nhà khoa học, nhà quản lý đã tiếp tục khẳng định sự cần thiết phải tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý vốn của Nhà nước tại các doanh nghiệp.
Hoàng Thị Hậu, Trần Xuân Phú