TS. Lê Thị Tươi
Học viện Hành chính Quốc gia
(Quanlynhanuoc.vn) – Trước những luận điệu xuyên tạc về đường lối đối ngoại Việt Nam của các thế lực thù địch, quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong quan hệ quốc tế, đó là đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa. Hơn 36 năm đất nước tiến hành đổi mới, Việt Nam luôn kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ để tạo môi trường hòa bình, ổn định, là bạn, là đối tác tin cậy của các quốc gia nhằm có những điều kiện thuận lợi và sự ủng hộ của các nước trên thế giới để phát triển văn hóa, kinh tế – xã hội và tăng cường an ninh – quốc phòng vững mạnh, nâng cao vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế.
Âm mưu và thủ đoạn của các thế lực thù địch nhằm chống phá đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ của Đảng và Nhà nước ta
Thứ nhất, âm mưu và thủ đoạn.
Trước bối cảnh thế giới biến động lớn, tất cả các quốc gia đều chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid 19 trên nhiều phương diện, trong đó có thời gian dài giãn cách xã hội, đóng cửa biên giới, không có hoạt động ngoại giao trực tiếp với nước khác, một số trường phái tư tưởng cực đoan trỗi dậy càng mạnh mẽ ở các quốc gia như chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ… Sự thách thức đối với an ninh truyền thống và phi truyền thống cũng gay gắt hơn dưới sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong xã hội diễn ra quá trình tập hợp lực lượng đa dạng nhằm định hình lại cấu trúc chính trị, kinh tế thế giới. Lợi dụng tình hình đó, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị tung ra những luận điệu chống phá cách mạng Việt Nam trên nhiều phương diện, trong đó có những luận điệu ảnh hưởng nghiêm trọng tới mối quan hệ của nước ta với các quốc gia trên thế giới về đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ.
Những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động chống phá vô cùng đa dạng, với tính chất ngày càng tinh vi, nguy hiểm, vừa công khai, vừa bí mật diễn ra cả trong nước và nước ngoài, trên tất cả các lĩnh vực; chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; phá hoại mối quan hệ tốt đẹp của Việt Nam với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Thứ hai, nguyên cớ và chiêu bài.
Các thế lực thù địch luôn tìm cách chia rẽ sự đoàn kết, độc lập, tự chủ, tự cường dân tộc và tinh thần yêu nước của đồng bào dân tộc ta. Trên một số trang mạng, các blog tung lên những luận điệu mập mờ theo lối “rộng đường dư luận”, sử dụng những thông tin bịa đặt để đánh lừa dư luận và gây hoang mang về chính sách đối ngoại quốc phòng Việt Nam. Với mục đích kích thích trí tò mò công chúng, làm cho người đọc lẫn lộn thông tin, không phân biệt đâu là đúng đâu là sai, các thế lực thù địch đưa ra những thông tin “nửa vời”, “cắt xén”, đảo lộn “trắng – đen” phản ánh sai lầm quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách ngoại giao của Đảng và Nhà nước Việt Nam để Nhân dân nảy sinh nghi ngờ, mất lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng.
Với luận điệu xuyên tạc, suy diễn sai lệch, sử dụng những chiêu bài để bịa đặt trên mạng xã hội như vụ việc Việt Nam đang muốn cho nước ngoài thuê cảng Cam Ranh để làm căn cứ quân sự và chuẩn bị liên minh quân sự với nước khác. Thêm nữa, chúng “mượn gió, bẻ măng” trước những sự kiện trọng đại quốc gia hay những vấn đề “nóng” đang được người dân quan tâm để phát tán những tài liệu, video clip, hình ảnh có nội dung xuyên tạc nhằm gây tâm lý bất an, hoài nghi và kích động một bộ phận người dân do thiếu thông tin, do ngộ nhận để chống phá Đảng và Nhà nước.
Các đối tượng cơ hội chính trị sử dụng những việc làm thâm độc hòng phá hoại uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, phủ nhận thành tựu ngoại giao của Đảng, Nhà nước. Đồng thời, không ngừng gieo rắc, phát tán những “virus độc hại” vào tư tưởng, niềm tin của người tiếp cận thông tin đối với đường lối ngoại giao của nước ta. Một số phần tử cơ hội xuyên tạc trắng trợn, không có căn cứ mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước, nhất là các nước lớn.
Thứ ba, tổ chức và lực lượng.
Các thế lực thù địch, phản động ráo riết xây dựng lực lượng chống phá đường lối đối ngoại của nước ta. Các tổ chức này liên kết chặt chẽ, tiến hành kích động tư tưởng chống phá trong một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số, khoét sâu mâu thuẫn nội bộ. Bên cạnh đó, chúng lấy danh nghĩa tự xưng “học giả”, “nhà dân chủ” đưa ra những “lời khuyên”, “chỉ đường” phản động, đi ngược với lợi ích quốc gia – dân tộc Việt Nam, rằng chính sách quốc phòng Việt Nam nên bỏ chính sách “bốn không” để nghiêng về phương Tây, xây dựng nền dân chủ đích thực,… từ đó làm tăng khả năng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở nội bộ nước ta.
Như vậy, bằng những chiêu trò và những luận điệu hết sức tinh vi của các thế lực thù địch trên các nền tảng số, trên các trang thông tin không chính thống để khởi phát các thông tin thật – giả, tốt – xấu, đúng – sai,… lẫn lộn, đa chiều và phức tạp, từ đó tung ra thông tin xuyên tạc về chủ trương, đường lối ngoại giao của Đảng và Nhà nước Việt Nam với láng giềng và các nước trên thế giới. Với luận điệu xảo quyệt nêu trên của những kẻ chống phá nhằm gây tâm lý hoang mang, dao động của quần chúng nhân dân, đánh vào nhận thức, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng để chia rẽ tinh thần dân tộc từ bên trong nội bộ và ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ ngoại giao với các nước trên thế giới, các nước đối tác, khiến các nước hiểu không đúng về quan điểm và chiến lược của Việt Nam.
Kiên định với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa và đa phương hóa trong quan hệ quốc tế của Đảng và Nhà nước Việt Nam
Quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta kể từ Đổi mới đất nước đến nay được xây dựng và hoàn thiện nội hàm khái niệm “độc lập, tự chủ”, trong bối cảnh mới thực hiện “đa dạng hóa và đa phương hóa” trong quan hệ quốc tế. Đại hội XII của Đảng đã khẳng định: “Bảo đảm lợi ích tối cao quốc gia – dân tộc, dựa trên các nguyên tắc cơ bản về luật pháp quốc tế, bình đẳng, cùng có lợi và thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác, phát triển và đa dạng hóa, đa phương hóa; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; sẵn sàng là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”1. Tiếp tục khẳng định đường lối này trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng: “Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và có hiệu quả; giữ vững được môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam”2.
Thứ nhất, kiên định thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ.
Tinh thần độc lập, tự chủ là mục tiêu cao nhất của cách mạng Việt Nam, đây chính là căn cứ quan trọng để Nhà nước hoạch định và thực thi chính sách đối ngoại của nước ta. Từ năm 1945 – khi thành lập Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (tiền thân của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay) và Bộ Ngoại giao cho đến nay, đường lối ngoại giao của Việt Nam luôn kiên định lập trường độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế… Đặc biệt, trong quan hệ quốc tế đương đại, các nước vừa hợp tác, vừa đấu tranh với nhau, vừa là đối thủ, vừa là đối tác của nhau. Trên con đường ngoại giao với các nước, Việt Nam hiểu rõ: không có bất cứ quốc gia nào vì quyền lợi nước khác mà lại hy sinh quyền lợi của nước mình. Do đó, trên con đường hợp tác, chúng ta không trông chờ hay ảo tưởng vào sự trợ giúp của các quốc gia khác mà phải tự lực, tự cường dựa vào chính mình để tránh lệ thuộc và trở thành quân cờ trong bàn cờ chiến lược của nước khác làm mất tính độc lập, tự chủ, làm xói mòn sức mạnh, vị thế của đất nước.
Thứ hai, nhất quán việc thực hiện chính sách quốc phòng trong quan hệ ngoại giao quốc tế giữ vững độc lập, tự chủ.
Việt Nam không quên sự hợp tác, giúp đỡ chí nghĩa, chí tình của cộng đồng quốc tế đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nhất quán tinh thần độc lập, tự chủ, lấy sức ta mà giải phóng cho ta. Việc nhất quán thực hiện và giữ vững nguyên tắc “4 không” chính sách đối ngoại quốc phòng Việt Nam: (1) Không tham gia liên minh quân sự; (2) Không liên kết với nước này để chống nước kia; (3) Không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; (4) Không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Bảo đảm sự mềm dẻo và giữ được mối quan hệ tốt đẹp với láng giềng, chủ trương, đường lối ngoại giao giữa Việt Nam với Trung quốc trong sự kiện bất đồng trên Biển Đông giữ vững trên nguyên tắc chủ quyền quốc gia hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với xu thế của thời đại. Trong bối cảnh Trung Quốc vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, quan điểm nước ta nhất quán, đó là: giải quyết mâu thuẫn thông qua thương lượng hòa bình trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước về Luật Biển năm 1982 của Liên hiệp quốc, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) nhằm tìm kiếm một giải pháp cơ bản và lâu dài, đáp ứng lợi ích chính đáng của các bên, tiến tới xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, hợp tác và phát triển.
Thứ ba, nhất quán đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa.
Đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định làm bạn với tất cả các nước, coi trọng tình hữu nghị và hợp tác với các nước láng giềng; mở rộng ngoại giao với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Trong triển khai chính sách đối ngoại đa phương, đối với các nước lớn, Việt Nam thực hiện “không chọn bên” luôn đặt mục tiêu lợi ích quốc gia – dân tộc trên cơ sở độc lập tự chủ làm yếu tố cốt lõi, nhiệm vụ hàng đầu trong ứng xử với các nước này. Thực hiện đa dạng hóa, đa phương hóa và mở rộng quan hệ đối ngoại với nhiều đối tác nhằm thúc đẩy, huy động nhiều nguồn lực và sự ủng hộ của các nước trên thế giới vào phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Việt Nam luôn nhất quán và kiên trì thực hiện đường lối đối ngoại không những tuân thủ theo luật pháp quốc tế mà còn khéo léo, linh hoạt bảo vệ độc lâp, tự chủ, tự cường dân tộc. Do đó, vị thế và uy tín của nước ta ngày càng được khẳng định trên trường quốc tế. Quan hệ đối ngoại của Việt Nam được mở rộng, đi vào chiều sâu và ổn định; chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; đời sống nhân dân được nâng cao. Hiện nay, Việt Nam thiết lập được quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia; là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Trên hợp tác đa phương, Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm với hơn 70 tổ chức, tham gia nhiều diễn đàn quan trọng như: Liên hiệp quốc, WTO, ASEAN, APEC, ASEM,…
Giải pháp ngoại giao trong quan hệ quốc tế của Việt Nam
Để bảo vệ đường lối nhất quán của dân tộc Việt Nam đối ngoại độc lập, tự chủ trước những âm mưu, thủ đoạn xảo quyệt của các thế lực thù địch, cần kế thừa, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối của Đảng trên lĩnh vực ngoại giao. Với tình hình đất nước hiện nay, các lực lượng chống phá sử dụng nhiều chiêu trò tinh vi và xảo quyệt, chúng ta cần cảnh giác trước những mọi mọi âm mưu và quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng khóa XIII, cụ thể là: “Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc, trên cơ sở nguyên tắc cơ bản của Liên hiệp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác cùng có lợi”3. Để làm tốt được điều này cần thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện việc giải quyết hài hòa các mối quan hệ lợi ích quốc gia – dân tộc Việt Nam với lợi ích các nước lớn và các nước khác trên thế giới.
Thực hiện chính sách nhất quán trong đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam là đặt lợi ích quốc gia – dân tộc là nhiệm vụ tối thượng của đất nước. Trong quan hệ với các nước lớn và các nước khác trên thế giới, Việt Nam luôn giữ thế cân bằng và một tinh thần tự chủ, giữ vững chính sách quốc phòng “bốn không” để bảo vệ mục đích tối thượng độc lập dân tộc Việt Nam.
Nhiệm vụ xuyên suốt trong hoạt động đối ngoại Việt Nam đó là luôn đặt đất nước vào vị trí có lợi nhất để ứng phó được với mọi diễn biến biến động phức tạp của tình hình khu vực và thế giới. Đồng thời, kiên định khẳng định độc lập, tự chủ là không phụ thuộc vào ai, giữ vững ổn định, bảo vệ vững chắcvchủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ và nâng cao vị thế, vai trò của đất nước trên trường quốc tế.
Thứ hai, kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi hoạt động chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch làm tổn hại đến đường lối đối ngoại của nước ta.
Nguyên tắc đối ngoại được Đảng và Nhà nước ta xác định từ khâu xây dựng và triển khai chính sách đều nhằm mục đích tối thượng là bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ: (1) Lợi ích quốc gia – dân tộc là mục tiêu tối thượng, cao nhất của đối ngoại; (2) Các hoạt động đối ngoại phải tuân thủ các nguyên tắc luật pháp quốc tế.
Thứ ba, nghiên cứu tiếp tục đổi mới tư duy đối ngoại, cụ thể hóa tư duy mới của Đảng về đối tác, đối tượng trong tình hình mới.
Trong quan hệ hợp tác đa phương, Việt Nam nhận thức rõ trong đối tác có đối tượng và ngược lại, để từ đó chỉ ra mặt tiêu cực của đối tác và đẩy mạnh yếu tố tích cực của đối tượng với quan điểm: “Trong đối tác có thể có mâu thuẫn với lợi ích của ta thì đấu tranh; còn trong đối tượng có mặt đồng thuận thì tranh thủ hợp tác”4.
Nhằm bảo hộ công dân và người Việt Nam ở nước ngoài trên phương diện ngoại giao, bên cạnh đổi mới tư duy về đối tác, Đảng và Nhà nước ta cần đổi mới nội dung, phương pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền đối ngoại phù hợp với nhiều đối tượng trong tình hình mới, cần nâng cao năng lực dự báo chiến lược và tham mưu về đối ngoại. Đồng thời, cần quan tâm chăm lo cho đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại nâng cao trình độ và năng lực chống lại các thế lực thù địch chống phá. Ngoài ra, trong quá trình hoạt động thực tiễn đánh giá, nhìn nhận và phê phán những biểu hiện lấy lợi ích trước mắt mà không quan tâm đến lợi ích lâu dài; coi trọng kinh tế mà xem nhẹ chính trị, quốc phòng, an ninh trong quan hệ đối ngoại hội nhập quốc tế.
Kết luận
Sau kết quả của quá trình thực hiện đường lối đổi mới và hội nhập, phát triển, Việt Nam đạt được nhiều thắng lợi to lớn mang tầm ý nghĩa lịch sử đối với quốc gia. Một trong những thành tựu đó chính là việc Đảng và Nhà nước kế thừa và phát huy truyền thống ngoại giao độc lập, tự chủ của dân tộc, kiên định với nền tảng tư tưởng chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong quan hệ song phương và đa phương hiện nay, cần tiếp tục phát huy sức mạnh trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trên mặt trận, đặc biệt trên lĩnh vực đối ngoại, làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình”, sự “xuyên tạc” của các thế lực thù địch trong và ngoài nước, để giữ vững đất nước ổn định, hòa bình và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.