Một số yêu cầu bảo đảm thực hiện quản trị quốc gia trong điều kiện hiện nay

ThS. Lê Ngọc Hưng
Học viện Hành chính Quốc gia

 (Quanlynhanuoc.vn) – Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đưa ra một chủ trương lớn là đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, cạnh tranh hiệu quả. Quan điểm mang tính đột phá chiến lược này của Đảng có thể được nhìn nhận từ nhiều khía cạnh, góc độ khác nhau. Nội dung bài viết đề cập quan niệm về quản trị quốc gia đang được hiểu và sử dụng tại Việt Nam; đồng thời, trao đổi và xác định một số yêu cầu bảo đảm thực hiện quản trị quốc gia trong điều kiện Việt Nam hiện nay.

 

Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả là một nhiệm vụ cấp thiết hiện nay (Trong ảnh: Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm và làm việc tại Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an). Ảnh: Tư liệu

Khái quát chung

 Khái niệm “quản trị ” đã hình thành từ thời cổ đại. Trong tiếng La-tinh, quản trị là “gubernare”1. Theo tiến trình phát triển của xã hội, quản trị xuất hiện trong nhiều thiết chế ở các cấp độ, quy mô khác nhau, như: quản trị doanh nghiệp, quản trị địa phương, quản trị quốc gia… Bên cạnh xu thế phát triển, sự xuất hiện của các mô hình quản trị còn do những yêu cầu cụ thể của từng tổ chức.

Thuật ngữ “quản trị quốc gia” (governance) xuất hiện lần đầu tiên năm 1989, trong báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB). Khái niệm này ra đời trên cơ sở kế thừa và phát triển của lý thuyết “quản lý công mới” (New Public Management – NPM)2. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự hình thành khái niệm “quản trị quốc gia”, có thể điểm ra một số nguyên nhân chính. Yêu cầu cần thiết phải điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở Anh, Mỹ,… giai đoạn những năm 70 của thế kỷ XX, gắn với xu thế phát triển của quản trị, với nhiều mô hình khác nhau, là một trong các nguyên nhân dẫn đến việc hình thành khái niệm “quản trị quốc gia”. Sự đòi hỏi từ phía xã hội – Nhân dân đối với Nhà nước trong việc cung cấp các dịch vụ công, minh bạch nhà nước… là những nguyên nhân khác đòi hỏi sự xuất hiện các lý thuyết về các mô hình nhà nước phù hợp với các yêu cầu thay đổi.

Quản trị quốc gia là phương thức vận hành, quản lý xã hội bằng thể chế, luật lệ, cơ chế, quy trình, trên cơ sở sự tương tác, phối hợp dân chủ giữa các chủ thể nhà nước, doanh nghiệp và tổ chức xã hội trong quá trình xây dựng, ban hành, thực thi pháp luật, chính sách phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quyền, lợi ích của các chủ thể và tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn lực quốc gia.3

Một số bảo đảm trong thực hiện quản trị quốc gia ở Việt Nam trong điều kiện hiện nay

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đưa ra một chủ trương lớn là đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, cạnh tranh hiệu quả. Quan điểm mang tính đột phá chiến lược này của Đảng để thực hiện quản trị nhà nước phù hợp với bối cảnh Việt Nam, phát huy tinh thần và giá trị mô hình này cần gắn với một số yêu cầu bảo đảm.

Thứ nhất, xây dựng và hoàn thiện nhận thức về quản trị quốc gia phù hợp với đặc điểm Việt Nam.

Vấn đề hình thành nhận thức về quản trị quốc gia gắn với các yêu cầu của Việt Nam hiện này chưa có nhiều nghiên cứu về vấn đề này. Trong thực tiễn, bên cạnh thuật ngữ quản trị nhà nước còn có nhiều thuật ngữ khác, như: quản trị công, quản trị tốt được sử dụng song song, thậm chí có trường hợp dùng thay thế cho thuật ngữ quản trị quốc gia, điều này là việc chưa đúng về quản trị quốc gia. Sự xuất hiện của “quản trị quốc gia” là một xu thế tất yếu, đáp ứng nhu cầu phát triển khách quan của xã hội và thời đại. Đây là một phương thức mới về quản lý, điều hành xã hội. Song, sự tất yếu, khách quan này cần được nhận thức và hành động dựa trên nền tảng khoa học, trong đó có tri thức xã hội học.

Gắn với đặc thù bối cảnh, mỗi quốc gia có thể hình thành và định hình những triết lý và mô hình khác nhau trong việc xây dựng nền “quản trị quốc gia”, trong đó người dân là trung tâm của nền quản trị quốc gia luôn là một trong những giá trị cốt lõi. Giá trị lớn của “quản trị quốc gia” là đáp ứng yêu cầu cho sự phát triển bền vững của quốc gia nhằm tạo lập, duy trì và củng cố những giá trị cần thiết cho sự phát triển bền vững. Vì vậy, việc xác lập các nguyên tắc, mục tiêu: Nhà nước của dân, do dân và vì dân; dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng; sự hài lòng, hạnh phúc của Nhân dân…, cũng như kết quả bước đầu của các tiến trình này chính là bằng chứng sinh động chứng minh những điều kiện, tiền đề thuận lợi để Việt Nam xây dựng nền “quản trị quốc gia” phù hợp với điều kiện và mục tiêu phát triển của đất nước trong bối cảnh hiện nay.

Một vấn đề khác, khi thay đổi quan niệm thực hiện từ quản lý sang quản trị là một vấn đề đặt nhiều thách thức từ tình trạng đang hiện hữu và chi phối mạnh mẽ ở nước ta, như: tư duy quản lý cũ, tình trạng quan liêu, cửa quyền, lợi ích nhóm. Từ đó, yêu cầu cần có một nhận thức mới, tư duy mới và hành động phù hợp về vị trí, vai trò chủ thể, mối quan hệ đối tác giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp và tổ chức xã hội trong nền “quản trị quốc gia”. Sự tham gia, phối hợp của “đa chủ thể”, bao gồm: Nhà nước, người dân, tổ chức xã hội, doanh nghiệp trong nền “quản trị quốc gia” là cơ sở để củng cố, nâng cao niềm tin, sự đồng thuận xã hội, thúc đẩy và bảo đảm sự ổn định, phát triển bền vững của quốc gia. Từ chức năng, hoạt động, cũng như những đóng góp của doanh nghiệp, người dân và tổ chức xã hội, cần có sự nhận thức mới, tư duy mới, cách làm mới nhằm thúc đẩy vai trò, sức mạnh của các chủ thể này đối với xã hội và trong nền “quản trị quốc gia” của Việt Nam.

Thứ hai, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng với nền quản trị quốc gia.

Vai trò lãnh đạo của Đảng đã được khẳng định tại Điều 4 Hiến pháp năm 2013. Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả là một nhiệm vụ cấp thiết hiện nay. Về mặt lý luận cũng như thực tiễn, Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng giữ vai trò quan trọng trong quá trình đổi mới. Quản trị quốc gia là một quy trình với 4 chức năng cơ bản: hoạch định, tổ chức, điều khiển và kiểm soát. Đối chiếu giữa sự lãnh đạo của Đảng với lý thuyết quản trị quốc gia có thể thấy, Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, có trọng trách đưa ra định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước, đồng thời cũng là chủ thể thực hiện chức năng hoạch định đường lối, chính sách trong quản trị quốc gia. Đây là hai chức năng, nhiệm vụ song trùng, được thực hiện bởi cùng một chủ thể. Trong gần một thế kỷ qua, sự lãnh đạo của Đảng luôn gắn liền với việc thực hiện chức năng quản trị này. Những vấn đề quan trọng, như: định hướng, mục tiêu phát triển đất nước, các vấn đề quốc kế dân sinh, chính sách đối ngoại,… đều được Đảng đưa ra bàn bạc, thảo luận, thông qua tại các kỳ đại hội và thể chế hóa thành pháp luật.

Đối với nước ta, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với quá trình quản trị quốc gia là một tất yếu, khách quan, là điều kiện để quản trị quốc gia đi đúng định hướng xã hội chủ nghĩa, hướng đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Sự định hướng của Đảng giải quyết toàn diện các vấn đề đặt ra trong quản trị quốc gia, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi, để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa4.

Ðại hội XIII của Đảng đã xác định mục tiêu phát triển đất nước, đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Ðảng: là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: trở thành nước phát triển, thu nhập cao5.

Thứ ba, xây dựng nhà nước pháp quyền.

Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quá trình xây dựng và hoàn thiện quản trị quốc gia. Nhà nước vẫn đóng vai trò trung tâm trong việc ban hành quyết định và kiểm soát quá trình thực thi chính sách phát triển xã hội. Nhà nước từ vị thế tuyệt đối, tập trung, chỉ huy, mệnh lệnh, kế hoạch từ trên xuống đã chuyển dần sang quản trị bằng thể chế, luật pháp, chính sách, chiến lược, quy hoạch… và các công cụ vĩ mô khác. Thách thức khi chuyển đổi từ “quản lý” sang “quản trị” còn tồn tại nhiều vấn đề, như: trình độ quản trị còn những hạn chế, bất cập nhất định; hệ thống pháp luật với tư cách là công cụ chủ yếu phục vụ cho hoạt động quản trị chưa đồng bộ; thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn nhiều vướng mắc, bất cập…

Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp xã hội chủ nghĩa có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện quản trị quốc gia ở Việt Nam, trong đó trung tâm là thể chế: ưu tiên xây dựng đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; huy động và quản lý sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phát triển.

Thứ tư, bảo đảm hiện đại – ứng dụng công nghệ vào quản trị quốc gia.

Văn kiện Đại hội XIII đã xác định phương tiện quản trị có sự phát triển vượt bậc, nhất là việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ – thông tin. Việt Nam là một trong những quốc gia có sự phát triển nhanh về hạ tầng công nghệ và ứng dụng các thành tựu khoa học – công nghệ vào hoạt động quản lý nhà nước ở khu vực Đông Nam Á. Lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử tiến tới thiết lập Chính phủ số đã được ban hành và tích cực triển khai. Các diễn đàn trực tuyến của Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ngành, đoàn thể và chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện được xây dựng rộng khắp, thuận tiện cho doanh nghiệp và người dân tham gia đóng góp ý kiến cho cơ quan, tổ chức, chính quyền các cấp.

Tuy nhiên, Đảng ta cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế, yếu kém: “Việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách về phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ còn hạn chế, thiếu thể chế về tài chính, chuyển giao, ứng dụng, phát triển khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ cao”6;… “thiếu giải pháp đồng bộ và sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và địa phương”7;… “Hệ thống thông tin, thống kê khoa học và công nghệ chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phục vụ việc xây dựng các chiến lược, chính sách”8.

Để tạo cơ sở cho nền quản trị quốc gia hiệu quả, hiện địa cần phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, trong đó chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số. Đẩy mạnh thực hiện chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số, tăng cường tính minh bạch, tạo thuận lợi hơn cho người dân trong giao dịch với cơ quan nhà nước và tiếp cận dịch vụ công.

Thứ năm, bảo đảm dân chủ trong thực hiện quản trị quốc gia.

Để xây dựng nền quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả, cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc hoàn thiện thể chế, phát huy dân chủ rộng rãi và thực chất để mọi giai tầng, cá nhân, tổ chức trong xã hội có thể trở thành những chủ thể đích thực tham gia quản trị quốc gia. Trong điều kiện xã hội Việt Nam hiện nay, doanh nghiệp và tổ chức xã hội là những đại diện của thị trường và xã hội. Nếu trước đây các chủ thể này là đối tượng quản lý của Nhà nước thì trong quản trị quốc gia, doanh nghiệp và tổ chức xã hội trở thành đối tác của Nhà nước.

Chủ thể quản trị cần có xác định bao quát, không chỉ có vai trò của Nhà nước. Trước đây, với tư duy quản lý thì vai trò của Nhà nước, chính quyền được đề cập đến như là chủ thể duy nhất trong việc giải quyết các vấn đề chung của cộng đồng, xã hội. Nhưng với tư duy quản trị, Nhà nước vẫn đóng vai trò trung tâm trong việc ban hành quyết định và kiểm soát quá trình thực thi chính sách phát triển xã hội. Nhà nước từ vị thế tuyệt đối, tập trung, chỉ huy, mệnh lệnh, kế hoạch từ trên xuống đã chuyển dần sang quản trị bằng thể chế, luật pháp, chính sách, chiến lược, quy hoạch… và các công cụ vĩ mô khác.

Các chủ thể xã hội khác, như: Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, doanh nhân và các tầng lớp nhân dân dần có tiếng nói, có thể tham gia nhiều hơn trong quá trình hoạch định và triển khai chính sách phát triển. Người dân không chỉ thể hiện như là khách thể mang tính bị động, mà đã trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia xây dựng pháp luật, góp ý kiến đối với các dự án luật, tham gia giám sát hoạt động của chính quyền các cấp một cách chặt chẽ, thường xuyên. Tiếng nói của chủ thể Nhân dân ngày càng được lắng nghe, tôn trọng, tiếp thu.

Như vậy, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, cạnh tranh hiệu quả là một trọng tâm đột phá. Trong một xã hội dân chủ, pháp quyền, đây là vấn đề có ý nghĩa vô cùng quan trọng, thể hiện mối quan hệ ràng buộc, gắn kết, tính tương hợp, thống nhất giữa Nhà nước và xã hội, thể hiện vai trò tích cực không chỉ của Nhà nước mà của tất cả các chủ thể trong xã hội cùng hướng đến các mục tiêu chung là phát triển đất nước một cách bền vững và bao trùm. Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, cạnh tranh hiệu quả là sự đổi mới tư duy mang tính cách mạng.

Chú thích:
1. Khi văn kiện Đại hội nêu khái niệm “quản trị quốc gia”. https://vietnamnet.vn, ngày 24/3/2021.
2, 3. Những vấn đề cơ bản về đổi mới quản trị quốc gia ở Việt Nam hiện nay. https://www.tapchicongsan.org.vn, ngày 15/12/2021.
4. Nhận diện về quản trị quốc gia: Kinh nghiệm quốc tế và một số hàm ý chính sách đối với Việt Nam. https://www.tapchicongsan.org.vn, ngày 04/6/2023.
5, 6 ,7, 8. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, năm 2021, tr. 112, 63, 83, 139.