Muốn phát triển đô thị bền vững cần quản lý phát triển đô thị một cách khoa học

(Quanlynhanuoc.vn) – Sáng ngày 24/10, Khoa Quản lý Xã hội, Học viện Hành chính Quốc gia đã tổ chức Hội thảo “Quản lý phát triển đô thị bền vững – từ lý luận đến thực tiễn”. PGS.TS. Đặng Khắc Ánh, Trưởng khoa Quản lý Xã hội chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo, có: GS.TS.KTS. Nguyễn Tố Lăng, nguyên Vụ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quy hoạch và đầu tư xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội, Bộ Xây dựng; kiêm Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội; TS. Đào Thị Như, Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng. TS. Nguyễn Thị Hường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính, Học viện Hành chính Quốc gia. Hội thảo có sự tham gia của đông đảo cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viêntrong và ngoài Học viện và Khoa Quản lý xã hội. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

PGS.TS. Đặng Khắc Ánh, Trưởng khoa Quản lý Xã hội phát biểu đề dẫn Hội thảo.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Đặng Khắc Ánh nhấn mạnh, vai trò của các đô thị ngày càng trở nên quan trọng, là trung tâm thúc đẩy sự tăng trưởng quốc gia về mọi mặt. Thế kỷ XXI được xem như là thiên niên kỷ của đô thị khi tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chưa từng có. Ngân hàng Thế giới (World Bank) nhận định, đô thị đóng góp cho 80% sự tăng trưởng của thế giới trong tương lai. Tại Việt Nam, kinh tế đô thị đóng góp khoảng 70% GDP cả nước, riêng Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đóng góp khoảng 30% GDP.

PGS.TS. Đặng Khắc Ánh nêu lên thực trạng tốc độ đô thị hóa nhanh kéo theo sự bùng nổ dân số đã đặt gánh nặng lớn lên hệ thống cơ sở hạ tầng cho các đô thị, làm nảy sinh hàng loạt các vấn đề, như: tắc nghẽn giao thông, thiếu nhà ở, thiếu việc làm, thiếu dịch vụ y tế, giáo dục, ô nhiễm môi trường… Các “khủng hoảng đô thị” đặt ra vấn đề phải có một chính sách phát triển tiến bộ về kinh tế – xã hội, văn hóa, môi trường và cần phải xác định giá trị cốt lõi của phát triển đô thị là gì? Vì vậy, lý thuyết “phát triển bền vững” được đưa vào trong quá trình phát triển đô thị nhằm xác định hướng đi cho các đô thị hiện nay và trong tương lai để giúp giảm thiểu các rủi ro, tiêu cực cũng như nắm bắt được các cơ hội phát triển bền vững trong quá trình đô thị hóa.

Hội thảo: “Quản lý phát triển đô thị bền vững – từ lý luận đến thực tiễn” được tổ chức với mong muốn đánh giá những kết quả quản lý, những khó khăn, thách thức mà quản lý đô thị đang gặp phải để tìm ra cách giải quyết và đề xuất các giải pháp cho đô thị Việt Nam phát triển bền vững trong thời gian tới.

GS.TS.KTS. Nguyễn Tố Lăng nguyên Vụ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quy hoạch và đầu tư xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội, Bộ Xây dựng tham luận tại Hội thảo.

Tham luận tại Hội thảo, GS.TS.KTS. Nguyễn Tố Lăng đã nêu vài nét về phát triển đô thị bền vững và thực trạng quản lý quy hoạch đô thị theo yêu cầu phát triển bền vững. Theo ông, quy hoạch đô thị là một quá trình và chịu sự chi phối của công tác quản lý quy hoạch đô thị. Thời gian qua Việt Nam đã đạt được rất nhiều thành tựu đáng kể trong công tác quy hoạch đô thị. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành, nhiều đồ án quy hoạch đô thị được thiết lập, nhiều khu vực đô thị được xây dựng, chất lượng đô thị được nâng cao, kể cả nhà ở, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ xã hội. Tuy nhiên, trong Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã chỉ ra những bất cập cơ bản như: công tác quy hoạch đô thị chậm đổi mới, thiếu tầm nhìn, chất lượng thấp; việc triển khai thực hiện còn nhiều hạn chế, nhiều nơi việc điều chỉnh quy hoạch còn tùy tiện. Các hạn chế về quy hoạch đô thị có thể thấy rõ trong nhiều khía cạnh, từ phương pháp, quy trình đến nội dung quy hoạch, kể cả công tác đánh giá hiện trạng, áp dụng văn bản quy phạm pháp luật và dự báo phát triển.

Với những nghiên cứu và khảo sát của mình, GS.TS.KTS. Nguyễn Tố Lăng nhận định, công tác dự báo phát triển nhìn chung chưa được nghiên cứu thấu đáo và thiếu thông tin dẫn tới các kết quả thiếu chính xác, không bảo đảm tính khoa học cho quá trình lựa chọn phương án phát triển và các chỉ tiêu tính toán. Điều này dẫn tới hạn chế về chất lượng đề xuất các giải pháp quy hoạch, làm cho quy hoạch không phù hợp với phát triển kinh tế – xã hội, phải thường xuyên thay đổi, điều chỉnh. Công tác điều chỉnh quy hoạch đang thường xuyên diễn ra với các quy mô và mức độ khác nhau ở các loại đồ án quy hoạch đô thị. Quy hoạch chi tiết tại nhiều địa phương bị điều chỉnh tùy tiện, không đúng quy trình, thủ tục, thường có xu hướng xấu, làm quá tải lên hệ thống hạ tầng cơ sở trong các khu đô thị…

Từ những hạn chế nêu trên, GS.TS.KTS. Nguyễn Tố Lăng đã đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý quy hoạch đô thị phát triển bền vững, cụ thể: (1) Về phương pháp và nội dung quy hoạch, cần đổi mới theo định hướng quy hoạch chiến lược, thay vì cách làm theo quy hoạch tổng thể với những yêu cầu cơ bản. (2) Cần có sự liên kết giữa các đô thị tại các vùng, miền tạo thành một hệ thống đô thị đồng bộ. (3) Quy hoạch đô thị cần được lập theo hướng đa ngành và tích hợp. (4) Xác định được xu thế phát triển trên thực tế của các đô thị theo từng thời kỳ, từng giai đoạn phát triển. (5) Để bảo đảm phát triển bền vững, các phương án phát triển đô thị cần căn cứ vào việc sử dụng và quản lý tài nguyên hợp lý. (6) Quy hoạch đô thị phải tuân thủ các quy hoạch cấp trên, ưu tiên thực hiện các mục tiêu phát triển đô thị theo các chiến lược, định hướng phát triển kinh tế – xã hội. (7) Cần xây dựng hệ thống dữ liệu toàn quốc, ứng dụng rộng rãi hệ thống thông tin địa lý và công nghệ số, nền tảng số, cung cấp được theo nhu cầu của công tác quy hoạch đô thị. (8) Cần quy định các phương pháp dự báo nhằm thống nhất các lĩnh vực phát triển, đặc biệt là dân số và đất đai. (9) Huy động tối đa sự tham gia của các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp và cộng đồng dân cư cùng có hành động chung vì những mục đích cụ thể.

TS. Đào Thị Như, Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng tham luận tại Hội thảo.

“Quản lý phát triển đô thị thực trạng, thách thức và những định hướng” là nội dung tham luận của TS. Đào Thị Như. Theo tác giả, quản lý phát triển đô thị là một trong những yếu tố quan trọng bậc nhất đối với phát triển đô thị bởi đây là cơ sở, chỗ dựa thiết yếu để đạt được tất cả các mục tiêu phát triển. Đô thị Việt Nam đã thụ hưởng thành quả tích cực của quá trình đô thị hóa thời gian qua nhưng cũng đang đặt ra nhiều thách thức để phát triển hiệu quả hơn, bền vững hơn trong thời gian tới.

Tham luận tập trung phân tích những mục tiêu cơ bản của quản lý phát triển đô thị hướng đến, như: (1) Cung cấp cơ sở hạ tầng và dịch vụ. (2) Nhà ở có giá cả phải chăng. (3) Bảo vệ tài nguyên tự nhiên, phát triển bền vững về môi trường và thúc đẩy mô hình phát triển đô thị bền vững. (4) Bảo tồn và nhận dạng văn xóa. Ngoài những mục tiêu trên, các mục tiêu khác như: phát triển kinh tế và việc làm, nguồn lực đầu tư, quản trị và tham nhũng, hình thành quan hệ đối tác công tư, thu hút sự tham gia của cộng đồng trong phát triển đô thị, liên kết giữa đô thị – nông thôn để tạo nên hệ thống đô thị – nông thôn thống nhất, hiệu quả… là các mục tiêu các thành phố đô thị cần hướng đến tùy vào vai trò, vị thế, quy mô, bối cảnh, điều kiện kinh tế và yếu tố văn hóa của mỗi địa phương.

TS. Nguyễn Thị Hường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính.

TS. Nguyễn Thị Hường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính đóng góp ý kiến tại Hội thảo, cho rằng vấn đề quy hoạch bền vững và quản lý đô thị bền vững liên quan mật thiết với nhau; trong đó, cơ sở dữ liệu rất quan trọng để quản lý đô thì bền vững. Bên cạnh đó, theo TS. Nguyễn Thị Hường, môi trường, mức sống, an sinh xã hội là 3 yếu tố rất cốt lõi để phát triển đô thị bền vững.

TS. Nguyễn Viết Định, giảng viên Khoa Quản lý Xã hội trình bày tham luận.

TS. Nguyễn Viết Định tham luận tại Hội thảo nội dung: “Quản lý rủi ro thiên tai trong quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị”. Theo TS. Định, Việt Nam nằm trong những vùng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi rủi ro thên tai với vị trí địa lý đặc biệt. Việt Nam đang trong quá trình đô thị hóa rất mạnh mẽ, kéo theo đó là những bất cập về quy hoạch phát triển đô thị còn yếu, thiếu kiểm soát, làm gia tăng thêm sự thiệt hại cho đô thị trong trường hợp thiên tai xảy ra như: động đất, bão, lũ lụt… Từ những bất cập trên, tham luận đã đưa ra một số giải pháp nhằm phòng tránh thiên tai trong quy hoạch phát triển đô thị, cụ thể: (1) Xác định và đánh giá rủi ro để xây dựng kịch bản quy hoạch phát triển đô thị đặt được mục tiêu phát triển đo thị bền vững. (2) Cần xây dựng và phát triển các khung khổ thể chế đủ mạnh để kiểm soát phát triển đô thị trước những nguy cơ bị tác động của biến đổi khí hậu và hiện tượng cực đoan của thời tiết. (3) Quản lý hệ thống thông tin về địa lý (GIS); các công trình, cơ sở vật chất phải được tích hợp dữ liệu đầy đủ. (4) Dự báo khả năng phục hồi và tái thiết sau thiên tai nhằm khôi phục lại các điều kiện sinh sống cho người dân.

Quang cảnh Hội thảo.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng được nghe nhiều ý kiến thảo luận của các nhà khoa học. Các ý kiến đều tập trung vào việc tìm ra giải pháp hữu hiệu nhất trong quản lý phát triển đô thị hướng tới bền vững. PGS.TS. Đặng Khắc Ánh thay mặt cán bộ, giảng viên của Khoa gửi lời cảm ơn tới các đại biểu, các nhà khoa học đã có những trao đổi, chia sẻ thẳng thắn về nội dung Hội thảo. Hội thảo cũng cơ hội để các giảng viên của khoa có thêm kinh nghiệm cũng như kiến thức về quản lý phát triển đô thị để đưa vào bài giảng những lý luận cũng như thực tiễn về quản lý phát triển đô thị cho học viên và sinh viên trong thời gian tới.

Thu Hương