ThS. Vũ Quốc Thắng
Học viện Hành chính Quốc gia
(Quanlynhanuoc.vn) – Trong xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, kinh tế tri thức ảnh hưởng đến các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đại hội XIII của Đảng đã kế thừa, phát triển những quan điểm về vị trí, vai trò của kinh tế tri thức khẳng định tầm quan trọng của nền kinh tế tri thức trong giai đoạn hiện nay. Trong đó yêu cầu phát triển kinh tế phải gắn với khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, là động lực chính của tăng trưởng kinh tế.
Sự chuyển dịch từ tài sản tự nhiên sang tri thức
Thời kỳ cổ đại, các nền văn minh bắt nguồn từ các nguồn nước như sông Nile, sông Hằng. Nước, một tài nguyên nhiên nhiên, là yếu tố then chốt cho sự sống của con người, nhờ đó các nền văn minh xuất hiện. Khi nhân loại phát triển, tri thức đưa con người tiếp cận với các nguồn nước xa xôi. Khi đó, nước không còn đóng vai trò thiết yếu, mà chỉ là một nguồn tài nguyên giúp quốc gia giàu có hơn quốc gia khác nếu xét trong cùng một điều kiện. Tri thức dần thay thế tài nguyên thiên nhiên quyết định mức độ phát triển của một quốc gia.
Thế kỷ XV, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha trở thành các cường quốc nhờ tri thức hàng hải, thu thập qua các chuyến hải trình, nhờ đó thiết lập một dải thuộc địa rộng lớn trên khắp châu Mỹ. Thế kỷ XIX, nước Anh trở thành cường quốc nhờ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất sau sự cải tiến động cơ hơi nước của James Watt. Thế kỷ XX, nước Mỹ trở thành cường quốc một phần là nhờ tri thức của các nhà bác học Đức mà Mỹ thu hút trước và sau Thế chiến II, trong đó có Albert Einstein và Wernher von Braunn là người đưa Mỹ trở thành cường quốc không gian. Trong bất kỳ giai đoạn nào, tri thức luôn là yếu tố then chốt cho sự phát triển của nhân loại. Xã hội càng phát triển, tri thức càng thay thế tài nguyên thiên nhiên trở thành yếu tố quyết định.
Trong ba thế kỷ (từ thế kỷ XIX – XXI), tài sản ở các nền kinh tế thị trường đã chuyển từ tài sản tự nhiên (đất đai và lao động phổ thông) sang tài sản hữu hình (công trình, máy móc thiết bị và tài chính), tiếp theo đó là tài sản vô hình (kiến thức và thông tin) nằm ở con người, tổ chức và các tài sản vật chất khác. Ngày nay, giá trị các tài sản vô hình trong doanh nghiệp chiếm tỷ lệ ngày càng cao trong tổng giá trị của doanh nghiệp trên thị trường. Các tập đoàn lớn trên thế giới đầu tư ngày càng mạnh cho nghiên cứu và phát triển (R&D) cũng thể hiện sự dịch chuyển này, ví dụ: Samsung là một trong những tập đoàn đầu tư rất lớn cho hoạt động R&D, hiện có 34 trung tâm R&D trên toàn cầu với khoảng 1/5 tổng số nhân sự của hãng1.
Mặc dù nguồn nhân lực và vật lực dồi dào là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến độ giàu có của một quốc gia, nhưng điều đó không mang ý nghĩa quyết định trong thời đại tri thức ngày nay. Các quốc gia nằm trong top 20 quốc gia có GDP bình quân đầu người cao nhất thế giới có tỷ lệ đóng góp của ngành công nghiệp tri thức trong GDP rất cao: Mỹ: 55,3%, Nhật: 53%, Ca-na-đa:51% và Ốt-xtrây-li-a: 48%2.
Nền kinh tế tri thức đi đúng hướng là một nền kinh tế mở cửa với thế giới để tiếp thu tri thức nhân loại. Với việc mở cửa ra thế giới, một nước có khởi đầu muộn hơn vẫn có cơ hội đuổi kịp những nước phát triển. Ví dụ: Đài Loan (Trung Quốc) khi xét duyệt các dự án đầu tư, chính quyền sở tại yêu cầu các nhà đầu tư nước ngoài chuyển giao công nghệ, đồng thời xây dựng khu nghiên cứu và phát triển (R&D) để phát minh ra các công nghệ làm lợi cho các doanh nghiệp nhỏ trong nước. Điều này một mặt giúp Đài Loan tiếp thu các khoa học – công nghệ tiên tiến của thế giới. Mặt khác, chứng tỏ tầm nhìn của Đài Loan qua việc không chấp nhận chỉ làm một nơi gia công sản phẩm cho các thương hiệu nước ngoài. Chính điều này góp phần biến vùng lãnh thổ nhỏ bé này trở thành một trong 4 con rồng châu Á trong thế kỷ XX.
Ngoài ra, một nền kinh tế tri thức đòi hỏi tầm nhìn và định hướng từ lãnh đạo. Điển hình là nước Mỹ. Mỹ đã biến mình thành cường quốc nhờ Chính phủ có tầm nhìn về một nền kinh tế tri thức qua việc chiêu mộ các tài năng của các quốc gia khác, kể cả những nước mà Mỹ coi là thù địch, nhằm mục đích phát triển đất nước. Sau Thế chiến II, Mỹ đã đưa 1.600 nhà bác học Đức về Mỹ để tận dụng chất xám của họ, sáng tạo, phát minh ra máy móc, công nghệ vượt thời đại so với thời điểm đó để đưa Mỹ thành cường quốc trên thế giới4.
Sau đổi mới, Việt Nam mở cửa với thế giới. Điều này giúp phát huy và khai thác các nguồn lực, như: tài nguyên thiên nhiên và con người, đồng thời tận dụng nguồn vốn đầu tư nước ngoài, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những nước tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong hơn những năm qua.
Tuy nhiên, những nguồn tài nguyên kể trên đều là hữu hạn. Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ bẫy thu nhập trung bình, có nghĩa là không thể tiến xa hơn trên bảng xếp hạng thu nhập. Để phát triển hơn nữa, Việt Nam cần khai thác tri thức như một nguồn tài nguyên vô hạn, qua đó hình thành một nền kinh tế tri thức.
Một số rào cản đối với việc hình thành nền kinh tế tri thức ở Việt Nam
Một là, chảy máu chất xám.
Đây là một vấn đề lớn ở Việt Nam hiện nay. Chảy máu chất xám đang là một rào cản, âm thầm diễn ra bất chấp nỗ lực giải quyết của Nhà nước. Tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc đã và đang diễn ra và chưa có dấu hiệu dừng lại5. Một số ý kiến cho rằng, cho dù làm ở khu vực công hay khu vực tư, thì những người tài vẫn đóng góp cho đất nước, và không nên gọi đó là “chảy máu”. Tuy nhiên, khu vực công là nơi dẫn dắt, tạo động lực cho khu vực tư, được ví như một đầu tàu kéo các toa tàu. Với số lượng công chức, viên chức nghỉ việc nhiều như hiện nay là một thách thức lớn đối với sự phát triển mang tính ổn định của khu vực công nói riêng và phát triển kinh tế tri thức nói chung.
Hai là, nền kinh tế gia công.
Có hai hình thức, đó là: (1) Nền kinh tế mà tại đó doanh nghiệp nước ngoài cung cấp vốn và tri thức, nước sở tại cung cấp lao động, đất đai để gia công linh kiện và lắp ráp sản phẩm mang thương hiệu nước ngoài; (2) Doanh nghiệp trong nước nhập khẩu linh kiện nước ngoài về lắp ráp gia công sản phẩm, gắn thương hiệu Việt.
Đối với hình thức kinh tế gia công thứ nhất, điều đó có tác dụng nhất định tại một giai đoạn cụ thể đối với một nền kinh tế kém phát triển nhưng nhiều tài nguyên như Việt Nam sau chiến tranh. Minh chứng qua việc Việt Nam mở cửa với thế giới, các doanh nghiệp nước ngoài như: Honda, Toyota, Sony, Caltex…, đã đầu tư vào Việt Nam với số lượng lớn, nhờ đó giải phóng các nguồn lực chưa được sử dụng như: lao động và đất đai, giúp Việt Nam dần thoát nghèo và vươn lên trở thành một nước có thu nhập trung bình.
Tuy nhiên, để tiến thêm trên bảng xếp hạng thu nhập, mô hình kinh tế “gia công” không còn phù hợp.
Thứ nhất, sẽ đến một thời điểm mà tại đó nguồn nhân lực và đất đai đạt đến tới hạn và Việt Nam sẽ không thể phát triển thêm.
Thứ hai, tư duy “gia công” tạo ra một tâm lý ỷ lại vào nguồn tài nguyên thô, kiếm tiền trước mắt, thậm chí bất chấp hậu quả lâu dài. Điều này đã và đang xảy ra trong ngành Công nghiệp Việt Nam. Không chỉ làm gia công cho các thương hiệu ngoại, những thương hiệu nội địa có uy tín ngày nay thậm chí bán hẳn cho các tập đoàn nước ngoài, tự nguyện chấm dứt sự tồn tại của mình, trong đó có thể kể đến những cái tên nổi tiếng như kem đánh răng Dạ Lan bán cho Colgate, Tribeco bán cho Uni-President, Sabeco bán cho Vietnam Beverage, bia Huda bán cho Carlsberg, bột giặt Viso bán cho Unilever… Thương hiệu Việt Nam thua trên chính sân nhà, với việc sản phẩm vẫn là sản phẩm nội, nhưng mang thương hiệu nước ngoài. Không chỉ trong lĩnh vực công nghiệp, hiện tượng “gia công” còn được thấy cả trong lĩnh vực giáo dục, mà một trong những biểu hiện đó là các chương trình “liên kết đào tạo, cấp bằng nước ngoài”. Các cơ sở giáo dục nước ngoài liên kết với Việt Nam, cung cấp giáo viên, chương trình giáo trình và công nghệ.
Về phía Việt Nam, các cơ sở trong nước cung cấp nhân lực phục vụ, cơ sở vật chất để tạo ra sản phẩm đầu ra mang thương hiệu nước ngoài. Trước mắt, hình thức giáo dục – đào tạo này đáp ứng nhu cầu có bằng cấp nước ngoài của người Việt Nam. Nhưng nếu xét về lâu dài, tư duy “gia công” trong lĩnh vực giáo dục sẽ khiến Việt Nam không xây dựng được một thương hiệu để cạnh tranh với các thương hiệu nước ngoài. Điều này khiến việc xây dựng một nền kinh tế tri thức trở nên xa vời, vì ngay cả tri thức cũng là một sản phẩm “gia công”.
Đối với hình thức kinh tế gia công thứ hai, doanh nghiệp trong nước mua nguyên liệu và linh kiện nước ngoài về gia công lắp ráp và gắn thương hiệu Việt. Mức độ gia công có thể từ thấp cho đến cao. Có một số trường hợp “gia công” thương hiệu bằng 100% sản phẩm ngoại nhập như khóa Minh Khai mua khóa Trung Quốc về gắn mác khóa Minh Khai6; Khải Silk nhập khẩu lụa Trung Quốc về gắn mác Khải Silk, điều này không những hủy hoại thương hiệu trong nước mà còn làm cho nội lực sản xuất dần bị xói mòn, mất khả năng cạnh tranh. Trong lĩnh vực nông nghiệp, việc nhập nguyên liệu nước ngoài để sản xuất ngày càng tăng, khiến cho tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm của thương hiệu Việt giảm đi, sản xuất phụ thuộc phần lớn vào nước ngoài, không tự chủ được các khâu trong quá trình sản xuất.
Hiện nay, ngành công nghiệp ô tô ở Việt Nam đang làm theo hướng ngược lại, nhập khẩu những thành phần then chốt của sản phẩm như: động cơ và thiết kế, tự sản xuất những linh kiện đơn giản còn lại. Đây là một cách làm ngược nhằm tạo ra một thương hiệu “gia công” mà không cần đầu tư nhiều cho tri thức.
Một số giải pháp để sở hữu một nền kinh tế tri thức bền vững
Thứ nhất, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D).
Muốn có nền kinh tế tri thức, trước hết phải thoát khỏi tư duy “gia công”, có tầm nhìn lâu dài để đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D), từ đó làm chủ tri thức và công nghệ. Đây là khoản đầu tư khác với các khoản đầu tư khác như: đất đai, nhà xưởng, nếu đầu tư thất bại, việc thu hồi vốn là điều không khả thi. Do đó, cần chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu và phát triển (R&D) vì lợi ích lâu dài.
Thứ hai, đầu tư cho giáo dục một cách đồng bộ.
Muốn có một nền kinh tế tri thức thì đầu tư cho giáo dục là điều kiện tiên quyết. Đầu tư cho giáo dục phải được hiểu là khoản đầu tư lâu dài, không đem lại lợi nhuận trước mắt. Các khoản chi này phải được thực hiện một cách đồng bộ và hiệu quả. Theo Nghị quyết số 37/2004/NQ-QH11 ngày 03/12/2004 của Quốc hội về giáo dục, chi cho giáo dục chiếm tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, năm 2022, con số này mới chỉ là 15,45%. Mặc dù chi ngân sách nhà nước liên tục tăng nhưng thực hiện chưa đồng bộ, khi chi thường xuyên cho đội ngũ nhà giáo còn thấp so với chi đầu tư cơ sở vật chất, chương trình giảng dạy, dẫn tới làn sóng giáo viên nghỉ việc trong thời gian qua7. Đầu tư cho giáo dục trước hết cần đầu tư cho con người, đó chính là đội ngũ nhà giáo. Đồng thời, đầu tư vào cơ sở vật chất trường lớp cần đồng bộ với quy hoạch để tránh hiện tượng các đô thị lớn thiếu trường công lập còn ở vùng nông thôn thì thừa.
Thứ ba, thu hút nhân tài.
Các nước trên thế giới ngoài chính sách đãi ngộ nhân tài trong nước, đều có chính sách thu hút nhân tài đến từ các quốc gia khác. Hiện nay, Việt Nam đang có xu hướng ngược lại khi đang đào tạo nhân tài cho nước ngoài sử dụng. Một minh chứng là một số nhà vô địch chương trình Đường lên đỉnh Olympia đã chọn du học và sinh sống tại Ốt-xtrây-li-a8. Trong lĩnh vực thu hút nhân tài, Nhà nước cần phải có định hướng với các bước đi phù hợp để không những giữ chân người tài trong nước mà còn cạnh tranh với các quốc gia khác trong việc thu hút nhân tài trên thế giới đến sống và làm việc tại Việt Nam.