Tác động của mạng xã hội đến phương thức tuyên truyền chính trị cho thanh niên

ThS. Trần Quang Thái
Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam
(Quanlynhanuoc.vn) – Hiện nay, mạng xã hội trở thành một công cụ truyền thông mạnh mẽ của các tổ chức cũng như cá nhân trong xã hội. Mạng xã hội đã đem lại những tiện ích góp phần thay đổi cuộc sống, mang lại nhiều cơ hội cho thanh niên trong học tập, giao tiếp và tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực, mạng xã hội cũng gây những ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ đối với đạo đức, lối sống của một bộ phận thanh thiếu niên ở nước ta. Việc sử dụng mạng xã hội thiếu định hướng, thiếu kiểm soát đã gây ra những hệ lụy không nhỏ tới đạo đức, lối sống, ứng xử của bộ phận thanh niên. Đây cũng là yêu cầu mới của trong hoạt động tuyên truyền chính trị cho thanh niên Việt Nam hiện nay.
Ảnh minh hoạ: dangcongsan.vn.
Đặt vấn đề

Theo Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng quy định: “Mạng xã hội (social network) là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn (forum), trò chuyện (chat) trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác”.

Như vậy, tác động của mạng xã hội đến phương thức tuyên truyền chính trị cho thanh niên là sự tác động theo các chiều hướng khác nhau khi chủ thể tuyên truyền sử dụng hệ thống các hình thức, phương pháp để truyền bá, phổ biến thông tin chính trị và các cách tiếp nhận, lĩnh hội thông tin tuyên truyền chính trị của thanh niên.

Sự tác động của mạng xã hội đến phương pháp tuyên truyền chính trị

Một là, tác động tích cực của mạng xã hội đến phương pháp tuyên truyền chính trị cho thanh niên.

Thông qua mạng xã hội chủ thể có thể sử dụng đa dạng các phương pháp tuyên truyền chính trị cho thanh niên. Với các tiện ích của mạng xã hội, chủ thể sử dụng nhiều phương pháp để tuyên truyền chính trị cho thanh niên, như mạng xã hội Facebook cho phép người dùng có thể gọi điện, gọi video từ mọi vị trí, các cá nhân có thể chia sẻ ảnh, clip hay chia sẻ những suy nghĩ, quan điểm sống của mình…; mạng xã hội Youtube cho phép người dùng có thể chia sẻ video hoàn toàn miễn phí và cũng là kho video khổng lồ với nhiều chủ đề khác nhau; mạng xã hội Instagram cho người dùng có thể chia sẻ những bức ảnh tuyệt vời với nhiều phong cách khác nhau; mạng xã hội TikTok cho phép người dùng xem các clip nhạc, quay các clip ngắn và chỉnh sửa chúng, đồng thời thêm các hiệu ứng đặc biệt vào các clip; mạng xã hội Zalo với ứng dụng chính là nhắn tin và gọi điện… Do đó, chủ thể tuyên truyền cần nhận biết được sự khác biệt và học cách diễn đạt theo ngôn ngữ của từng nền tảng mạng xã hội cho phù hợp và đạt hiệu quả cao nhất.

Với mỗi thế mạnh ở các nền tảng mạng xã hội khác nhau chủ thể tuyên truyền chính trị có thể sử dụng đa dạng các phương pháp tuyên truyền chính trị cho thanh niên. Hiện nay, các chủ thể tuyên truyền chính trị có thể đăng tải nội dung liên nền tảng (Cross-posting) là việc đăng tài nội dung giống nhau giữa nhiều nền tảng mạng xã hội. Đây là một thủ thuật giúp tiết kiệm thời gian, công sức, đồng thời, giúp xoay vòng nội dung, có tác dụng nâng cao tỷ lệ tiếp cận nội dung của đối tượng, vừa giúp kênh, trang luôn có tính cập nhật.

Thực tế cho thấy, đã có nhiều tài khoản ở các nền tảng mạng xã hội khác nhau nhưng những tài khoản chính gốc thường có dấu tích xanh phía dưới tên tài khoản như đối với Facebook, Instagram, Twitter, trong khi đó, đối với Zalo là dấu tích màu vàng. Do vậy, việc chú ý vào việc chứng thực tài khoản chính gốc là một vấn đề cần đáng lưu tâm. Đối với các chủ thể tuyên truyền chính trị, việc có dấu chứng thực tạo thêm sự an tâm, tin tưởng và góp phần giúp vào sự phát triển của kênh, trang trên mạng xã hội, đồng thời cũng khiến cho chủ thể tuyên truyền thêm tự tin hơn. Ngoài ra, tài khoản chứng thực cũng có nhiều tính năng hơn tài khoản thông thường, chẳng hạn như đứng đầu trong danh sách tìm kiếm, có các tính năng độc quyền như tính năng “Swipe Up” (vuốt lên) trên Story của Instagram đế truy cập đến liên kết ngoài, do đó có khả năng đăng ký theo dõi và nhận được sự tương tác cũng sẽ cao hơn đối với loại tài khoản này.

Thông qua mạng xã hội những thông tin về tri thức, kỹ năng, kinh nghiệm cùng những giá trị tinh thần khác từ cùng một nguồn phát đến với đông đảo thanh niên trong một thời điểm nhất định. tuyên truyền chính trị cho thanh niên qua mạng xã hội bao gồm các yếu tố: nguồn phát (chủ thể), thanh niên – đối tượng của mạng xã hội, nội dung thông tin được truyền tải qua mạng xã hội. Chủ thể của mạng xã hội là Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội,… Đối tượng là các tầng lớp thanh niên trong xã hội. Nội dung là những thông tin chính trị. Để truyền tải những nội dung thông chính trị này, bên cạnh những phương pháp thường dùng, thông qua mạng xã hội các chủ thể tuyên truyền chính trị có thể sáng tạo các phương pháp tuyên truyền chính trị mới cho thanh niên bằng việc kết hợp các phương pháp truyền thống như độc thoại – đối thoại, trực quan, thực tiễn, nêu gương, phương pháp giáo dục cá nhân, nhóm, đại chúng… trên cơ sở là tiện ích của các nền tảng mạng xã hội.

Mạng xã hội giúp cho thanh niên có tiếp cận thông tin chính trị tiện lợi. Cách thức tiếp nhận thông tin ở thanh niên có thể chia ra làm hai nhóm: chủ động tiếp nhậnthụ động tiếp nhận. Phương pháp tiếp nhận thông tin chính trị của thanh niên như: tự tìm và nghiên cứu các bài viết, tin tức, tài liệu về thông tin thời sự, chính trị; chủ động nghe các thông tin thời sự, chính trị trên các trang mạng xã hội; xem tranh ảnh, video… về các thông tin chính trị; chủ động tham gia các sự kiện chính trị được đăng tải, livetream trực tiếp… trên mạng xã hội; nghe thầy cô, bạn bè, người xung quanh nói về những thông tin chính trị; nghe thông tin chính trị qua việc học online trên các nền tảng mạng xã hội; các tin bài về thông tin chính trị tự xuất hiện trên trang mạng xã hội cá nhân…

Nhờ mạng xã hội mà thanh niên có thêm nhiều cách thức để tiếp nhận thông tin chính trị. Mạng xã hội đã trở thành là diễn đàn quan trọng của thanh niên để bày tỏ quan điểm của mình về đường lối chính trị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Qua các chức năng như phần bình luận (comment), bày tỏ trạng thái, chia sẻ tin bài, video, hình ảnh… thanh niên đã thể hiện mong muốn, nhu cầu, nguyện vọng của mình và một phần họ đã thực hiện chức năng phản biện xã hội. Với khả năng tương tác cao, mạng xã hội trở thành công cụ để thanh niên thực hiện quá trình giáo dục và tự giáo dục.

Hai là, tác động tiêu cực của mạng xã hội đến phương pháp tuyên truyền chính trị cho thanh niên.

Tuyên truyền chính trị cho thanh niên qua mạng xã hội phụ thuộc rất lớn vào năng lực triển khai các phương pháp tuyên truyền của chủ thể. Xuất phát từ đặc điểm tâm lý của thanh niên là thích cái mới, mọi phương pháp tuyên truyền chính trị theo lối mòn, ít đổi mới đều không thu hút được họ. Mạng xã hội có thể làm cho cách tiếp nhận thông tin chính trị ở đối tượng trở nên khó khăn.

Mặc dù hiện nay, nhờ công nghệ AI, người dùng các trang mạng xã hội, trong đó có thanh niên có thể dễ dàng tìm kiếm được những thông tin mà mình mong muốn. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều thanh niên phụ thuộc hoàn toàn vào thông tin trên các nền tảng mạng xã hội, việc quá lạm dụng mạng xã hội đã dẫn đến tình trạng hạn chế tư duy lý luận và thúc đẩy hành động theo cảm xúc ở một bộ phận thanh niên hiện nay.

Nhiều thông tin trên các mạng xã hội vô cùng phong phú, đặc biệt là những thông tin phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của thanh niên, điều này làm sự hứng thú của thanh niên với những thông tin chính trị vốn mang tính khô khan càng trở nên không hấp dẫn. Thêm nữa, việc dễ dàng tạo các tài khoản trên mạng xã hội, dẫn đến sự tồn tại của nhiều tài khoản giả mạo những người nổi tiếng, các cơ quan, tổ chức trong chính quyền với tin tức giả mà không có sự kiểm tra các nguồn gổc thông tin từ các tài khoản này.

Nội dung, mục đích không đáp ứng được nhu cầu của thanh niên. Các chủ thể tuyên truyền chính trị có thể đăng tải nội dung liên nền tảng (Cross-posting) là việc đăng tài nội dung giống nhau giữa nhiều nền tảng mạng xã hội. Tuy nhiên, việc đăng thông tin chéo mà không có sự biên tập cho phù hợp với đặc điếm từng nền tảng mạng xã hội và đặc điểm của đối tượng thanh niên sẽ khiến cho thanh niên có cảm giác giống như đang bị “nhồi nhét nội dung”.

Tác động của mạng xã hội đến hình thức tuyên truyền chính trị

Thứ nhất, những tác động tích cực của mạng xã hội đến hình thức tuyên truyền chính trị cho thanh niên.

(1) Mạng xã hội tạo điều kiện thuận lợi cho việc sáng tạo các hình thức tuyên truyền chính trị mới bằng việc thay đổi cách bố trí, sắp xếp các yếu tố bảo đảm của hoạt động tuyên truyền chính trị cho thanh niên theo những trật tự khác nhau. Trong đó, “các yếu tố bảo đảm của công tác tư tưởng… bao gồm: người phục vụ, thời gian, địa điểm, chương trình, âm thanh, ánh sáng, hội trường, sân bãi…”1. Khi thực hiện các hình thức tuyên truyền chính trị truyền thống, các yếu tố bảo đảm này có tác động rất lớn tới hiệu quả của hoạt động tuyên truyền, thậm chí có nhiều hình thức tuyên truyền chính trị phụ thuộc rất lớn vào các yếu tố bảo đảm của nó và quyết định đến khả năng lan truyền thông tin của các hình thức này. Song nhờ có mạng xã hội những ranh giới này gần như được phá bỏ.

Thông qua mạng xã hội cũng có thể làm thay đổi cách bố trí, sắp xếp các yếu tố bảo đảm, từ đó tạo thuận lợi cho quá trình tổ chức tuyên truyền chính trị với thanh niên, cụ thể: mạng xã hội giúp rút ngắn trình tự tiến hành, quy trình thực hiện: từ nguồn phát, các điểm cầu có thể theo dõi trực tiếp nhờ sự hỗ trợ của các phương tiện hiện đại… không cần tốn quá nhiều chi phí như các hình thức tuyên truyền chính trị truyền thống; chủ thể và đối tượng có thể chủ động tham gia hoạt động tuyên truyền chính trị kể cả không cùng một không gian, thời gian, địa điểm; có thể kết hợp nhiều loại phương tiện tuyên truyền chính trị trên các nền tảng mạng xã hội: lời nói, máy chiếu đa năng, truyền hình, báo mạng điện tử, panô, khẩu hiệu, tranh cổ động… Với sự phát triển của công nghệ truyền truyền, hoạt động tuyên truyền chính trị cho thanh niên ngày càng xuất hiện nhiều hình thức mới, tác động rộng rãi, nhanh chóng và hiệu quả.

(2) Mạng xã hội giúp cho việc tổ chức các yếu tố cấu thành hoạt động tuyên truyền chính trị cho thanh niên thay đổi theo hướng tích cực hơn. Bởi “Hình thức cũng là cách sắp xếp các phương tiện công tác tư tưởng như là điều kiện bảo đảm cho hình thức công tác tư tưởng đạt hiệu quả cao”2.

Trong hoạt động tuyên truyền chính trị truyền thống các yếu tố cấu thành hoạt động này như: chủ thể, đối tượng, nội dung, hình thức, phương pháp, phương tiện được bố trí, sắp xếp theo một trật tự, khuôn phép nhất định và có mối quan hệ chặt chẽ với nhau không thể tách rời. Hoạt động tuyên truyền chính trị cho thanh niên qua mạng xã hội đã làm thay đổi một số trình tự, cách bố trí, săp xếp các yếu tố này theo hướng tích cực hơn: chủ thể tuyên truyền chính trị cho thanh niên qua mạng xã hội đòi hỏi phải có năng lực làm chủ khoa học – công nghệ tiên tiến, hiện đại, làm chủ công cụ tiếp cận thế giới ảo. Các hoạt động này đòi hỏi chủ thể phải nâng cao năng lực, trình độ, phẩm chất để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới khi sự tác động của mạng xã hội đến hoạt động tuyên truyền chính trị cho thanh niên đang diễn ra theo cả hai chiều hướng tích cực và tiêu cực cũng rất lớn. Đối tượng phải có đủ nhận thức chính trị, hiểu biết để phân biệt được những thông tin thật – giả, đúng – sai, đồng thời tích cực thực hiện vai trò là đối tượng tiếp nhận thông tin nhưng cũng vừa là chủ thể để truyền bá những thông tin chính trị chính thống của tổ chức Đảng, đoàn thể. Thông qua mạng xã hội hoạt động tuyên truyền chính trị cho thanh niên có thể thực hiện được nhiều mục đích gắn với nội dung và đối tượng tác động như nâng cao nhận thức, định hướng thái độ, niềm tin, cổ vũ hành động chính trị tích cực ở thanh niên.

Hai là, tác động tiêu cực của mạng xã hội đến hình thức tuyên truyền chính trị cho thanh niên.

(1) Tuyên truyền chính trị cho thanh niên qua mạng xã hội có thể làm cho cách thức tổ chức, phối hợp giữa chủ thể và đối tượng gặp nhiều khó khăn. Cách thức phối hợp giữa chủ thể và đối tượng có thể được thực hiện theo cách khác nhau. Một trong những khó khăn lớn nhất khi tuyên truyền chính trị cho thanh niên qua mạng xã hội đó là số lượng đối tượng quá lớn, chủ thể khó có thể nắm được thông tin, đặc điểm của đối tượng khi đối tượng như các hình thức tuyên truyền chính trị truyền thống. Điều này làm cho khả năng tác động đến đối tượng có thể giảm đi vì các thông tin chính trị có thể không trúng nhu cầu, mong muốn của các nhóm thanh niên khác nhau.

Cũng do đối tượng quá đông và hình thức tuyên truyền chính trị qua mạng xã hội hầu hết là các hình thức gián tiếp nên sự phản hồi của đối tượng có thể không được giải đáp ngay làm cho đối tượng phải tiếp nhận thông tin chính trị một chiều. Hoặc với những hình tuyên truyền chính trị qua mạng xã hội trực tuyến, livetream do số lượng tương tác quá lớn, chủ thể tuyên truyền chính trị cũng khó có thể giải đáp hết thắc mắc của các đối tượng thanh niên.

(2) Cách sắp xếp các yếu tố bảo đảm cho hoạt động tuyên truyền chính trị cho thanh niên có lúc không theo kịp sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội. Bởi tuyên truyền chính trị cho thanh niên qua mạng xã hội không thể áp dụng với tất cả các đối tượng thanh niên và các địa bàn khác nhau vì chi phí tốn kém nên có nhiều đối tượng không hoặc chưa có điều kiện tiếp cận một số mạng xã hội.

(3) Việc tuyên truyền chính trị cho thanh niên qua mạng xã hội đòi hỏi các yếu tố cấu thành hoạt động này phải có sự đầu tư lớn. Để tiếp cận được thông tin của mạng xã hội đòi hỏi công chúng phải đầu tư các trang thiết bị, đặc biệt là các phương tiện nghe nhìn, trong khi thực tế còn nhiều vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn chưa thể phủ sóng internet, 4G, nhiều đối tượng không biết chữ… Thực tế cho thấy, mỗi đối tượng đều có những nhu cầu và khả năng tiếp cận thông tin khác nhau, do đó để thu hút được các đối tượng phụ thuộc rất nhiều vào phương thức truyền tin.

Một số kiến nghị, đề xuất nhằm sử dụng mạng xã hội với mục đích tuyên truyền chính trị đạt hiệu quả

Về phương pháp tuyên truyền

Để làm được điều này, đòi hỏi các chủ thể tuyên truyền chính trị phải nắm chắc các thuật toán mạng xã hội. Thuật toán mạng xã hội là cách mà các nền tảng sắp xếp thứ tự hiển thị bài đăng trên dòng hiển thị (Feed) của thanh niên (theo tính toán của máy tính) dựa vào sự liên quan của nội dung,thay vì dựa vào thời điểm đăng tải. Điều này là cần thiết, vì có quá nhiều thông tin được đưa lên trên mạng xã hội cùng một lúc mỗi phút và thanh niên không thể xem được tất cả. Tùy vào thuật toán của từng nền tảng mạng xã hội mà thanh niên sẽ nhận được nội dung hiển thị dựa trên hành vi, thói quen của họ như ưu tiên hiển thị nội dung từ những người trong gia đình, những nội dung mà người dùng theo dõi, những nội dung đã xem, tương tác trong quá khứ; các nội dung được trả tiền để hiển thị (nội dung quảng cáo); các nội dung nguyên gốc. Ngoài ra, thẻ, hashtag và các từ khóa cũng là một yếu tố được tính đến đổi với mọi nền tảng. Vì vậy, việc nắm bắt kịp thời các thuật toán dựa trên hướng dẫn của các nền tảng sẽ giúp tối ưu được khả năng hiện thị nội dung thông tin chính trị. Đây cũng là một kỹ năng, đòi hỏi chủ thể tuyên truyền chính trị phải nắm được nếu muốn hoạt động tuyên truyền chính trị cho thanh niên qua mạng xã hội đạt hiệu quả.

Đối tượng thanh niên tiếp nhận thông tin chính trị qua mạng xã hội rất đa dạng, đòi hỏi chủ thể phải nắm bắt đặc điểm, xu hướng trong lối sống của thanh niên. Để hoạt động tuyên truyền chính trị có kết quả đòi hỏi chủ thể phải nắm chắc cơ sở lý luận cũng như thực tiễn của hoạt động giao tiếp. Đó là sự hiểu biết về các giai đoạn, các phương tiện, các hình thức; nguyên tắc, những rào cản, động lực cũng như các phương thức, kỹ năng, các phong cách trong giao tiếp. Ngoài yêu cầu trên đòi hỏi chủ thể tuyên truyền chính trị cho thanh niên phải nắm chắc đặc điểm tâm lý của thanh niên cũng như thói quen tiếp nhận thông tin của họ; nắm chắc ưu điểm và hạn chế của các phương pháp tuyên truyền chính trị để có thể phối hợp linh hoạt trong các tình huống cụ thể, dựa trên tiện ích của các nền tảng mạng xã hội khác nhau nhằm thu hút sự chú ý của thanh niên đối với thông tin tuyên truyền chính trị.

Việc sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền chính trị đòi hỏi đối tượng phải có điều kiện nhất định đó là những thiết bị có thể truy cập mạng xã hội. Còn đối với các cơ quan chủ quản, chủ thể tuyên truyền chính trị nếu điều kiện cơ sở vật chất không đồng bộ, hiện đại gây khó khăn trong việc triển khai phương pháp truyền đạt của chủ thể và phương pháp tiếp nhận ở đối tượng.

Về hình thức tuyên truyền

Sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội có thể kìm hãm sự phát triển của một số hình thức tuyên truyền chính trị truyền thống như báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử… Nếu không có đầy dủ phương tiện kỹ thuật hỗ trợ việc sử dụng các hình thức tuyên truyền chính trị cho thanh niên qua mạng xã hội sẽ không đạt hiệu quả.

Hiệu quả tuyên truyền chính trị cho thanh niên qua mạng xã hội phụ thuộc lớn vào sự phù hợp của nội dung thông tin với đặc điểm của các đối tượng thanh niên. Hiện nay, việc sử mạng xã hội để tuyên truyền chính trị hiện nay phải bảo đảm phát huy được vai trò vừa là tiếng nói của Đảng, của Nhà nước, của đoàn thể, vừa là diễn đàn tự do tư tưởng của thanh niên. Vì vậy, để hài hòa giữa những nội dung mang tính định hướng chính trị cao và nhu cầu thông tin của thanh niên đòi hỏi phải có sự đầu tư lớn về nội dung, hình thức tuyên truyền chính trị. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực, trình độ của chủ thể tuyên truyền chính trị.

Các phương tiện kỹ thuật đòi hỏi phải hiện đại, cơ sở vật chất bảo đảm và giá thành cao. Trình độ phát triển của mạng xã hội phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế – xã hội, trình độ phát triển của khoa học, công nghệ. Để sử dụng mạng xã hội hiệu quả phải đầu tư kinh phí lớn, phải liên tục hiện đại hóa để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị và xã hội nên kinh tế – xã hội phát triển thì mới có điểu kiện đầu tư hiện đại hóa.

Kết luận

Đổi mới phương pháp tuyên truyền chính trị cho thanh niên qua mạng xã hội là một yêu cầu tất yếu thời đại ngày nay. Thực tế, mạng xã hội có nhiều tính năng như chat, e-mail, phim ảnh, voice chat, chia sẻ file, diễn đàn và xã luận… Các dịch vụ này có nhiều phương cách để các thành viên tìm kiến bạn bè, đối tác: dựa theo group, dựa trên thông tin các nhân hoặc dựa trên sở thích có nhân, lĩnh vực quan tâm… Ở Việt Nam hiện nay có nhiều mạng xã hội thu hút đông đảo thành viên như: Facebook, Youtube, Zalo, Tiktok, Instagram, Twitter… Với những tiện ích của mình, mạng xã hội đang tác động mạnh mẽ tới phương thức tuyên truyền chính trị cho thanh niên trong bối cảnh mới. Theo đó, để tuyên truyền chính trị cho thanh niên có hiệu quả thì việc đánh giá đúng tác động hai chiều của mạng xã hội tới phương thức tuyên truyền chính trị cho thanh niên là vấn đề rất cấp thiết hiện nay.

Chú thích:
1. Phạm Huy Kỳ. Cơ sở lý luận công tác tưởng. Đề tài khoa học cấp cơ sở, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Hà Nội, 2016, tr. 121.
2. Lương Khắc Hiếu. Cơ sở lý luận công tác tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam. H. NXB Lý luận chính trị, 2017, tr. 166.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
2. Nghị định số 27/2018/NĐ-CP ngày 01/3/2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.