Tăng cường quản lý nhà nước về báo chí trên địa bàn tỉnh Hải Dương hiện nay

Nguyễn Thế Hưng
Báo điện tử Dân trí
(Quanlynhanuoc.vn) – Trong thời gian qua, báo chí tại Hải Dương đã hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, đối tượng theo quy định trong giấy phép được cấp. Đồng thời, các đơn vị đã bảo đảm thông tin trung thực, khách quan, phù hợp với lợi ích đất nước và Nhân dân. Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về báo chí trong bối cảnh mới gặp không ít vấn đề phức tạp, yêu cầu cách giải quyết phù hợp, hiệu quả trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
Ảnh minh họa (baohaiduong.vn).
Khái quát về báo chí tỉnh Hải Dương

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Hải Dương có 6 cơ quan báo chí, gồm: Báo Hải Dương (có báo in và báo điện tử), Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh (có Trang thông tin điện tử tổng hợp), Tạp chí Văn nghệ Hải Dương của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, Tạp chí Nghiên cứu khoa học – Đại học Sao Đỏ của Trường Đại học Sao Đỏ, Tạp chí Đại học Hải Dương của Trường Đại học Hải Dương, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Trường Đại học Thành Đông. Đồng thời, có 12 văn phòng đại diện và 53 phóng viên thường trú của 34 cơ quan báo chí trung ương, địa phương khác hoạt động. Tỉnh Hải Dương còn có 1 đặc san, 25 bản tin, 1 cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh với 52 trang thông tin điện tử thành phần của các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và UBND cấp huyện; 1 cổng thông tin điện tử của Tỉnh uỷ; 1 cổng thông tin đối ngoại tỉnh. Bên cạnh đó, các địa phương còn có 12 đài phát thanh cấp huyện, 235 đài truyền thanh cấp xã, 285 người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan, đơn vị từ cấp tỉnh đến cấp huyện và cấp xã1.

Các cơ quan báo chí của tỉnh luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp của các ngành, các địa phương. Báo chí tỉnh Hải Dương đã tích cực thông tin, tuyên truyền hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các hoạt động đối nội, đối ngoại của lãnh đạo tỉnh; tình hình kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh của địa phương đến cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân; phản ánh sự quyết tâm, nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương trong thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; kịp thời phản bác những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, góp phần quan trọng vào quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội, củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và chế độ, tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Các cơ quan báo chí của tỉnh Hải Dương đã phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đi kèm với đó là phẩm chất, năng lực của đội ngũ nhà báo và những người làm việc trong các cơ quan báo chí ngày càng được nâng cao. Nội dung, hình thức, công nghệ truyền tải thông tin được cải thiện, đáp ứng yêu cầu thông tin của người dân, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Báo chí tỉnh Hải Dương còn hoàn thành tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội. Nhiều vụ việc tiêu cực do báo chí phát hiện hoặc tham gia đấu tranh đã có tác động tích cực thúc đẩy các cơ quan chức năng xem xét, xử lý và được quần chúng đồng tình ủng hộ. Nhiều tác phẩm báo chí đã đạt Giải Báo chí quốc gia, Liên hoan Phát thanh và Liên hoan Truyền hình toàn quốc, Giải Báo chí Nguyễn Lương Bằng, Giải Báo chí Hải Dương vượt khó, tăng tốc năm 2021, Giải Báo chí Hội Nhà báo tỉnh…

Tình hình quản lý nhà nước về báo chí trên địa bàn tỉnh Hải Dương hiện nay

Thứ nhất, quản lý nhà nước về báo chí đã bám sát các quan điểm chỉ đạo của Tỉnh ủy.

Theo đó, Tỉnh ủy tỉnh Hải Dương thường xuyên chỉ đạo các đơn vị quan tâm, hỗ trợ báo chí của tỉnh và trung ương làm tốt công tác tuyên truyền, thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh trên các lĩnh vực kinh tế – xã hội thông qua việc xây dựng, ban hành, rà soát, thực hiện các cơ chế chính sách về lĩnh vực báo chí; cung cấp thông tin; đầu tư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật cho các cơ quan báo chí… Đáp ứng nhu cầu đó, báo chí Hải Dương đã thực hiện tốt theo Quyết định số 193/KH-STTTT ngày 15/02/2023 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hải Dương về việc tuyên truyền thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế – xã hội.

UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh đều thực hiện việc cung cấp thông tin trực tiếp hoặc qua cổng thông tin điện tử; danh sách người phát ngôn các cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Hải Dương được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh Hải Dương và Cổng Thông tin đối ngoại tỉnh Hải Dương. Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, triển khai chương trình phối hợp với các cơ quan báo chí trung ương phục vụ tuyên truyền phát triển kinh tế – xã hội, quảng bá hình ảnh, phản bác các thông tin sai sự thật về Hải Dương. Duy trì đường dây nóng tiếp nhận, hỗ trợ báo chí, thông tin điện tử 24/24h vào tất cả các ngày trong tuần, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ,tết (thực hiện từ năm 2017).

Theo số liệu báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hải Dương, năm 2021 đã tổng hợp được hơn 3.000 tin, bài báo chí toàn quốc viết về Hải Dương hằng ngày; đăng 230 tin, bài lên trang thông tin điện tử Sở Thông tin và Truyền thông; cấp 130 giấy phép, văn bản các loại (trong lĩnh vực báo chí là 16; lĩnh vực xuất bản, in, phát hành là 112).

Thứ hai, quản lý nhà nước về báo chí trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã thúc đẩy công tác thông tin đối ngoại tiếp tục được mở rộng và nâng cao hiệu quả tuyên truyền qua nhiều loại hình, ngôn ngữ khác nhau, góp phần quảng bá nâng cao vị thế của Hải Dương ở trong nước, khu vực và quốc tế

Thời gian qua, báo chí trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, các đơn vị đã quảng bá hình ảnh, khẳng định thương hiệu Vải thiều Thanh Hà của tỉnh Hải Dương, sản phẩm nông sản nổi tiếng của tỉnh được xuất khẩu tới nhiều quốc gia trên thế giới.

Phối hợp với VTV sản xuất và phát sóng bộ phim tài liệu “Vải Thiều Thanh Hà – Xứng danh quả ngọt từ đất mẹ”. Phối hợp với các sở: Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, huyện Thanh Hà, thành phố Chí Linh tổ chức hội nghị trực tuyến với hơn 30 điểm cầu (trong đó có 10 điểm cầu quốc tế) giới thiệu về vải thiều Thanh Hà.

Tỉnh cũng đã lập Fanpage Facebook “Trang tin Hải Dương”, từ khi lập đến cuối năm 2022, có khoảng 72.000 người theo dõi; trang Zalo “Chính quyền điện tử tỉnh Hải Dương” có hơn 1,1 triệu tài khoản đăng ký tại Hải Dương; ứng dụng “Smart Hải Dương” hiện có hơn 142.000 người sử dụng và trang thông tin điện tử của Sở2.

Tỉnh cũng đã hướng dẫn các cơ quan báo chí, đài phát thanh cấp huyện, đài truyền thanh cơ sở trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền và các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh; phổ biến sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân về chương trình chuyển đổi số quốc gia và kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh. Đồng thời, báo chí tỉnh Hải Dương cũng phát huy được tính năng động, tích cực trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền, đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái của các thế lực thủ địch thông qua các sự kiện chính trị, văn hóa trên địa bàn, các vấn đề phức tạp về an ninh nông thôn, góp phần củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Thứ ba, việc quản lý nhà nước về báo chí trên địa bàn tỉnh Hải Dương thời gian qua đã góp phần vào thành công trong việc xây dựng bộ máy tổ chức, nhân sự của các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh

Song song với việc triển khai thực hiện nghiêm túc Đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí tỉnh Hải Dương đến năm 2025, các cơ quan báo chí của tỉnh đã tích cực đổi mới tổ chức, tiếp cận công nghệ làm báo hiện đại để tăng khả năng tiếp cận tốt nhất của người dân đối với thông tin; chú trọng đầu tư, đổi mới mạnh mẽ nội dung và hình thức, nâng cao chất lượng thông tin để phản ánh kịp thời, toàn diện, hiệu quả mọi mặt hoạt động của đời sống chính trị, kinh tế – xã hội tỉnh.

Thứ tư, việc quản lý nhà nước về báo chí đã góp phần quản lý tốt nhân sự của các văn phòng đại diện và phóng viên thường trú trên địa bàn.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 39 cơ quan báo chí trung ương và địa phương với 53 phóng viên hoạt động tại Hải Dương (trong đó có 8 văn phòng đại diện của với 19 phóng viên, 34 phóng viên thường trú và theo dõi địa bàn của 31 cơ quan báo chí trung ương và địa phương hoạt động tại Hải Dương); 2 đặc san, 20 bản tin, 1 cổng thông tin điện tử tỉnh và 52 trang thông tin điện tử thành phần của các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND cấp huyện đã được tích hợp lên cổng thông tin điện tử tỉnh; 12 đài phát thanh cấp huyện và 235 đài truyền thanh cấp xã3.

Một số hạn chế

Mặc dù có nhiều điểm tích cực, song việc quản lý nhà nước về báo chí trên địa bàn tỉnh Hải Dương còn hạn chế như:

Một, tình trạng thông tin xấu độc phát tán trên mạng trong thời gian gần đây đã trở thành vấn đề nóng, gây bức xúc trong xã hội, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, an toàn xã hội, làm ảnh hưởng lòng tin của Nhân dân đối với chính quyền.

Hai là, chưa phản ánh được một cách đầy đủ, kịp thời những hiện tượng, vụ, việc tham nhũng, tiêu cực, lãng phí mà người dân đã phát hiện, cung cấp thông tin. Báo chí tập trung vào phản ánh những hạn chế, khuyết điểm hơn là nêu những việc tốt, những điển hình tiên tiến trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Ba là, những hạn chế trong hoạt động giám sát của báo chí đối với các cơ quan hành chính nhà nước.

Nguyên nhân do quy định pháp luật hiện hành về giám sát của báo chí đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước, trong đó có cơ quan hành chính nhà nước chưa rõ ràng và đầy đủ.

Báo chí thiếu cơ chế phối hợp hiệu quả giữa giám sát xã hội của báo chí với giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội, cũng như với giám sát của các cơ quan quyền lực nhà nước (Quốc hội, HĐND các cấp) đối với hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước.

Một số quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm cụ thể của đối tượng bị giám sát là cơ quan hành chính nhà nước chưa thật rõ ràng, cụ thể; việc thực hiện công khai, minh bạch thông tin về hoạt động của các cơ quan này còn hạn chế, vướng mắc…

Một số giải pháp tăng cường

Thứ nhất, các cơ quan báo chí cần tăng cường, đổi mới công tác quản lý ại cơ quan, nâng cao chất lượng thông tin, truyền thông; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực thông tin và truyền thông; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, thông tin đối ngoại, thông tin cơ sở, phát thanh, truyền thanh, truyền hình, tổ chức các hoạt động thông tin bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Nâng cao chất lượng hoạt động báo chí, xuất bản, để bảo đảm chỉ tiêu thụ hưởng thông tin theo quy định của Đảng và Nhà nước

Thứ hai, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hải Dương cần tích cực chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tin, báo chí nâng cao chất lượng nội dung thông tin, lan tỏa nội dung tích cực, nhất là tại các sự kiện quan trọng của tỉnh, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của Nhân dân. Nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin, tuyên truyền đối ngoại, quảng bá, giới thiệu về hình ảnh, chính sách, môi trường đầu tư, truyền thống lịch sử, văn hóa, tiềm năng thế mạnh phát triển kinh tế, những thành tựu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Thứ ba, UBND tỉnh Hải Dương cần đầu tư phát triển các loại hình thông tin theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, hiệu quả, phù hợp với xu thế phát triển khoa học – công nghệ, thông tin, truyền thông thế giới, đáp ứng quyền tiếp cận thông tin của Nhân dân, phù hợp với sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, của đất nước. Tăng cường sử dụng công nghệ thông tin, dịch vụ viễn thông, internet để đổi mới cách thức thông tin, tuyên truyền trên địa bàn toàn tỉnh. Đầu tư, phát triển hệ thống truyền thanh công nghệ ở các xã để tuyên truyền, phổ biến thông tin thiết yếu đến người dân.

Hướng tới 100% cơ quan hành chính nhà nước, sử dụng cổng/trang thông tin điện tử và mạng xã hội để thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến, cung cấp thông tin, tiếp nhận và phản hồi ý kiến của người dân về việc thực hiện quản lý nhà nước của ngành, của địa phương.

Thứ tư, tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật đối với các hoạt động cung cấp và sử dụng thông tin trên mạng xã hội để người dân biết và thực hiện. Đồng thời, khuyến nghị người dân khi tham gia mạng xã hội cần thận trọng khai thác các thông tin trên mạng, nhận rõ tính hai mặt của internet và mạng xã hội, phân biệt thông tin giả, xấu độc trên internet, để tránh bị lợi dụng, lừa đảo. Thường xuyên rà soát, phát hiện thông tin sai phạm đăng trên các trang mạng xã hội có liên quan đến tỉnh để kịp thời xử lý.

Chú thích:
1. Hải Dương xây dựng các cơ quan báo chí hiện đại, chuyên nghiệp, nhân văn. https://nhandan.vn, ngày 16/6/2023.
2, 3. Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hải Dương. Báo cáo tổng kết công tác năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 ngành Thông tin và Truyền thông tỉnh Hải Dương. Hải Dương, 2022, tr. 16 – 17, 24.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Thị Trường Giang (chủ biên). Báo chí và truyền thông đa phương tiện. H. NXB Đại học Quốc gia, 2017.
2. Quyết định số 193/KH-STTTT ngày 15/02/2023 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hải Dương về việc tuyên truyền thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế – xã hội.