Giải pháp nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong giai đoạn hiện nay

Phùng Văn Hải
Học viện Báo chí và Tuyên truyền
(Quanlynhanuoc.vn) – Công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng xác định là một trụ cột trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, nhằm củng cố hệ thống chính trị trong sạch, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Để thực hiện tốt công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã ban hành nhiều văn bản quan trọng về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trên cơ sở đó, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã có một bước tiến mạnh mẽ đạt được nhiều kết quả toàn diện, tích cực, rõ rệt. Tuy nhiên, vẫn còn có một số điểm hạn chế cần khắc phục, vì vậy cần có các giải pháp tốt hơn nữa để nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong giai đoạn hiện nay.
Ảnh minh họa (baochinhphu.vn).
Cơ sở pháp lý đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Trên lập trường của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và thực tiễn cách mạng, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng xác định là một trụ cột trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đấu tranh phòng, chống tham nhũng là một việc làm cần thiết, tất yếu, là một xu thế không thể đảo ngược”1.

Văn kiện Đại hội XIII tiếp tục khẳng định, sau hơn 36 năm đổi mới, cuộc đấu tranh chống tham nhũng, quan liêu, làm trong sạch đội ngũ đảng viên là “một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc”2. Vì vậy, để thực hiện tốt công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã ban hành nhiều văn bản quan trọng về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đó là:

(1) Quyết định số 162-QĐ/TW ngày 01/02/2013 của Bộ Chính trị về việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban chỉ đạo.

(2) Quy định số 67-QĐ/TW ngày 02/6/2022 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

(3) Hướng dẫn số 25-HD/BCĐTW ngày 01/8/2022 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực về một số nội dung về công tác phòng, chống tiêu cực.

(4) Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.

(5) Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo đã tổ chức 3 Hội nghị toàn quốc về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; ban hành trên 100 văn bản để tăng cường công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (tăng hai lần so với nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng). Quốc hội đã thông qua 24 luật, pháp lệnh và ban hành nhiều nghị quyết quan trọng. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 335 nghị định, 86 quyết định. Các bộ, ngành ban hành gần 1.800 thông tư, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể” tham nhũng, tiêu cực3.

Kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã có một bước tiến mạnh mẽ đạt được nhiều kết quả toàn diện, tích cực, rõ rệt:

Thứ nhất, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

(1) Trong 6 tháng đầu năm 2023, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 218 đảng viên do tham nhũng, 10 đảng viên vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 13 cán bộ diện Trung ương quản lý; kiến nghị xử lý trách nhiệm 784 tập thể, 2.912 cá nhân, chuyển hơn 320 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật4.

(2) Trung ương đã xem xét cho thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, bố trí công tác khác đối với 15 cán bộ diện Trung ương quản lý. Các địa phương đã cho từ chức, miễn nhiệm, nghỉ công tác, bố trí công tác khác gần 150 trường hợp sau khi bị kỷ luật, trong đó có 4 cán bộ diện Trung ương quản lý, 65 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy quản lý5.

(3) Trong 6 tháng đầu năm 2023, đã phát hiện, xử lý trên 120 trường hợp cán bộ, đảng viên trong các cơ quan chống tham nhũng, tiêu cực có sai phạm do tham nhũng, tiêu cực, trong đó xử lý hình sự hơn 60 trường hợp6.

Thứ hai, công việc điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, kịp thời nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp; thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng và đồng chí Tổng Bí thư “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai”, tạo bước đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. 

(1) Trong 6 tháng đầu năm 2023, các cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương đã khởi tố 419 vụ án/1.324 bị can về tội tham nhũng (tăng 252 vụ án/989 bị can so với cùng kỳ năm 2022); nhiều địa phương đã khởi tố cả cán bộ nguyên là Bí thư Tỉnh uỷ, nguyên Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc, Phó Giám đốc Sở, Chủ tịch UBND cấp huyện. Các cơ quan chức năng đã chủ động phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời các cán bộ, đảng viên tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan chống tham nhũng, tiêu cực. Trong 6 tháng đầu năm 2023, đã phát hiện, xử lý trên 120 trường hợp cán bộ, đảng viên trong các cơ quan này có sai phạm do tham nhũng, tiêu cực, trong đó xử lý hình sự hơn 60 trường hợp. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã xử lý kỷ luật hơn 590 cán bộ trong các cơ quan chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó có hơn 200 trường hợp bị xử lý hình sự7.

(2) Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo, trong 6 tháng đầu năm 2023, các cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi được gần 2.100 tỷ đồng trong các vụ án, vụ việc Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã thu hồi được trên 53.000 tỷ đồng (tăng gấp 2,5 lần so với cả nhiệm kỳ Đại hội XII), trong đó đã thu hồi được nhiều tài sản tẩu tán ra nước ngoài; điển hình như đã thu hồi gần 2,7 triệu USD Mỹ và 127.000 đô la Xinh-ga-po của Phan Sào Nam ở nước ngoài8.

Thứ ba, các cơ quan truyền thông, báo chí đã thông tin, tuyên truyền sâu sắc, đậm nét hơn về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trong 6 tháng đầu năm 2023, các cơ quan báo chí, truyền thông đã đăng tải 12.831 tin, bài (tăng hơn 02 lần so với cùng kỳ năm 2022). Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã đăng tải 29.678 tin, bài (tăng gần gấp 3 lần so với nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XII)9.

Thứ tư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo đã ban hành nhiều văn bản quan trọng về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đặc biệt là việc xuất bản, quán triệt cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư, tạo thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn đảng, toàn quân10.

Thứ năm, đã kiên quyết làm rõ trách nhiệm chính trị của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý để xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng trong lĩnh vực được giao quản lý, phụ trách; khuyến khích cán bộ từ chức, xin thôi chức vụ, kịp thời miễn nhiệm, thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút11.

Những kết quả trên đã khẳng định chủ trương, quyết tâm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước ta hoàn toàn đúng đắn, tạo sự lan tỏa lớn, đồng thuận, ủng hộ cao của cán bộ, đảng viên, Nhân dân đối với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam, góp phần tích cực vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; được cán bộ, đảng viên, Nhân dân ngày càng tin tưởng, đồng tình, ủng hộ, các tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, đồng thời đập tan các luận điệu sai trái, thù địch của các thế lực thù địch.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vẫn còn một số hạn chế: công tác phát hiện tham nhũng tiêu cực trong nội bộ còn ít chính là do nể nang, một số vụ việc xử lý chưa đủ mức răn đe; một số cơ quan, đơn vị, địa phương, người đứng đầu chưa thực sự thể hiện rõ quyết tâm cao dẫn đến chưa có những chuyển biến mạnh mẽ trong thực tiễn triển khai; tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi, gây bức xúc trong dư luận, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số ngành, lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến ngày càng tinh vi, phức tạp hơn.

Giải pháp nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, toàn thể đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, cơ quan chuyên trách các cấp về vai trò, tầm quan trọng của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tiến hành lồng ghép công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vào kế hoạch tuyên truyền, giáo dục của các cấp ủy đảng, chính quyền, chú trọng nêu gương người tốt, việc tốt, những tổ chức, cá nhân điển hình có nhiều thành tích trong cuộc đấu tranh này.

Hai là, trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, nhất là các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là yêu cầu bức thiết, bảo đảm quyền lực luôn được giám sát, mọi hành vi tham nhũng, tiêu cực đều bị xử lý một cách nghiêm minh.

Ba là, củng cố vững chắc lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, cần chú trọng bảo đảm các lợi ích chính đáng của Nhân dân, tôn trọng và phát huy các quyền làm chủ của Nhân dân; các cấp ủy, chính quyền cần thường xuyên lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, chú trọng giải quyết các vấn đề nổi cộm, bức xúc trong Nhân dân. Khi Nhân dân thấy được bảo vệ, được tôn trọng, được khuyến khích thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân thì mức độ tham gia của người dân vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực chắc chắn sẽ tăng lên.

Bốn là, các cơ quan chức năng cần kịp thời cung cấp, minh bạch hóa thông tin liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, một mặt, để người dân có thêm cơ sở để tham gia giám sát, phản biện, đóng góp ý kiến, nâng cao trách nhiệm phát giác hành vi tham nhũng, tiêu cực, mặt khác, để người dân nhận rõ những quan điểm sai trái, thù địch về cuộc đấu tranh đầy cam go và quyết liệt này.

Năm là, thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và giáo dục đạo đức cách mạng, gương mẫu, bản lĩnh, giữ gìn sự trong sạch cho đội ngũ cán bộ tham gia vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cần thiết phải nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách riêng về ngạch, bậc, chế độ tiền lương cho đội ngũ cán bộ tham gia vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, bảo đảm đội ngũ cán bộ này ngoài việc thực hiện theo đúng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, sẽ toàn tâm, toàn ý thực hiện nhiệm vụ và luôn giữ gìn được sự liêm chính.

Sáu là, tăng cường vai trò, trách nhiệm của uỷ ban kiểm tra cấp ủy, các cơ quan nội chính, thanh tra, cơ quan điều tra trong việc xem xét, đánh giá, kết luận, điều tra, xử lý các hiện tượng tham nhũng, tiêu cực. Hoàn thiện quy chế phối hợp giữa các cơ quan có liên quan nhằm nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Chú thích:
1. Nguyễn Phú Trọng. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2023, tr.13.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập 1. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr.193.
3, 4, 5. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không chịu bất cứ sức ép nào. https://vanhoavaphattrien.vn, ngày 16/8/2023.
6, 11. Phát hiện, xử lý 120 cán bộ trong cơ quan chống tham nhũng có sai phạm. https://kinhtedothi.vn, ngày 16/8/2023.
7, 8, 9, 10. Tổng Bí thư: Công tác phát hiện tham nhũng trong nội bộ còn ít do nể nang. https://vov.vn, ngày 16/8/2023.
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018.
2. Luật Quản lý nợ công năm 2017.
3. Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2020
4. Hoàn thiện thể chế, pháp luật về phòng chống tham nhũng. https://mof.gov.vn, ngày 25/01/2019.